Viết thêm về sự học của người Nghệ Tĩnh nhân vụ 39 người chết
Cách đây gần hai chục năm tôi vào Nghệ An viết bài "Tiếng trống khuyến học". Thời đó một số nơi ở Nghệ An cứ 19 giờ là thôn xóm đánh trống nhắc nhở con em ngồi vào bàn học, nhắc nhở cha mẹ tắt đài, vô tuyến để khỏi ảnh hưởng tới con. Nhiều xóm tịch không một tiếng đài hay TV, chỉ còn tiếng trẻ học bài.
Học! Chỉ có học là con đường thoát nghèo duy nhất ở vùng đất nhọc nhằn này.
Hôm làm việc ở Anh Sơn nghe bà con kể có ông bố cứ sáng sớm thúc các con dậy chạy tập thể dục quanh làng. Bố chạy trước con chạy sau, vừa chạy vừa hô theo nhịp bước chân và nhịp thở:
Học!/ Học!/ Học!/ Học thật giỏi!/ Học thật giỏi để rời khỏi đất này!
Học!/ Học!/ Học thật giỏi!/ Học thật giỏi để rời khỏi đất này!
Học!/ Học!/ Học thật giỏi!/ Học thật giỏi để rời khỏi đất này!
Quyết tâm ghê gớm☹️!
Tôi có nhiều bạn người Nghệ An, Thanh Hoá. Tôi khâm phục sự chịu khổ, chịu khó của họ! Hầu hết các bạn tôi đều thành danh ở đất thủ đô. Sự có mặt của họ là động lực cho những người sở tại như tôi nỗ lực phấn đấu...
Tôi luôn thích thú và khâm phục sự ra đi, sự thay đổi, nhưng sự ra đi là để làm ăn chính đáng, để tốt hơn. Và lúc trở về, nếu không năng động và sáng láng hơn thì vẫn phải vẹn nguyên sự lương thiện và tử tế của người dân quê.
Giờ sự học chật vật hơn! Tốt nghiệp đại học chưa hẳn đã có việc làm. Có lẽ vì thế mà họ, vốn luôn cháy bỏng ước vọng vươn lên, âm ỉ một khát khao thay đổi, đã chuyển hướng, xoay trục tìm những cách khác để thoát nghèo, trong đó có…sự ra đi.
Việc họ đánh cược sinh mệnh, chơi một ván bài tất tay cho cuộc ra đi sống còn chắc chắn sẽ khiến những nhà quản trị xã hội, những người làm chính sách phải thực sự lưu tâm.
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ