Những năm 80 mình học trong Sài Gòn nên hè là ra Bắc, hết hè lại vào, chỉ đi tàu hỏa nên có nhiều kỷ niệm.
Tàu hỏa hồi đó chạy từ ga Hàng Cỏ vào ga Bình Triệu hết đúng 3 ngày 3 đêm. Năm 1979 lên đoàn tàu do nước ngoài (Ấn Độ?) sản xuất thấy khá hiện đại, rộng rãi, tiện nghi, chắc chắn so với các toa do VN đóng sau này.
Về tai nạn thì chứng kiến 2 vụ : tàu tông phải xe tải ở đường ngang dân sinh và hành khách trốn vé ngồi trên nóc tàu, lúc qua cầu không chú ý đứng lên bị thanh ngang cầu gạt văng xuống sông.
78-79 đi qua một số khu vực miền Trung và bắc miền Trung thấy còn đầy dây thép gai, xe tăng cháy, pháo, các tấm ghi… ngập trong cát trắng, có đoạn còn nhìn rõ đường ống xăng dầu dã chiến miền Bắc lắp đặt tạm bợ phục vụ cuộc tổng tiến công 1975. Dấu vết của cuộc chiến sót lại khá nhiều nhưng lạ là tàn khốc thế mà rừng già vẫn còn.
Chả hiểu sao hồi đó cứ đến ga Đà Nẵng là thay toàn bộ ê kíp trên tàu, kể cả đầu máy. Nhân viên phục vụ từ Hàng Cỏ đến đó lại quay ra. Tàu hỏa hồi đó đúng nghĩa là hỏa- chạy than- khói mù mịt. Ngồi toa gần đầu máy lỗ mũi đen xì vì các cửa trên tàu mở thoải mái, thò đầu ra cả ngoài.
Qua đèo Hải Vân là phải tăng cường thêm một đầu máy nữa để vừa đẩy vừa kéo. Hồi đó phương tiện liên lạc kém nên nhiều bữa ông đầu tầu kéo thì ông đuôi tàu không đẩy, lúc ông đẩy thì ông đầu lại không kéo. Mình nghe tiếng động cơ xình xịch của đầu hơi nước và khói xịt ra của đầu máy đi-ê-zen thì đoán vậy.
Tàu leo đèo không nổi bị trôi xuống là thường. Hôm nào trời mưa, sương mù còn thấy một bộ phận ở đầu máy xả cát vào bánh xe lửa để tăng ma sát với ray lúc guồng kéo tàu lên đèo. Tới giờ vẫn không quên tiếng rít của phanh tàu ken két. Nói thật, nhiều hôm tàu ì ạch leo đèo chậm đến nỗi hành khách nhảy xuống tè bãi rồi nhảy lên vẫn kịp.
Không hiểu sao hồi đó hành khách rất sợ khi tàu qua ga Nam Định và ga Vinh, chắc nhiều “quân khu” quá? Thấy anh nào đội ổi (mũ cối), đi đúc hoặc gò (dép nhựa Tiền Phong), tay đeo SK mặt lửa, đóng cả cây ga Tàu (quần áo bộ đội may bằng vải ga-ba-đin TQ) đứng khuỳnh khuỳnh thì tránh ngay cho lành!
Mình ấn tượng với các sân ga: vẻ cổ kính với nguyên vẹn ống cấp nước cho tàu chạy than, hệ thống ghi cổ, sự đơn sơ, hoang vắng và đìu hiu của ga xép … tất cả nhắc nhớ quá khứ xa xăm, các nhân vật trong trang sách mà mình đã đọc lại hiện về. Đến mỗi ga mà tàu không dừng, mình cố thò dài cổ để nhìn cảnh lái tàu và gác ghi ném cho nhau một cái vòng gì đó như cái khóa dây, rất thiện nghệ, không trượt bao giờ.
Ngày đó phải đợi tránh tàu cả tiếng không có gì lạ. Nhiều bố tranh thủ xuống tắm giặt. Đến lúc một đoàn tàu khác tới, dừng lại, chắn ngang thì bố cứ tưởng tàu mình vẫn đỗ nên tha hồ kỳ cọ. Tắm táp xong, khăn mặt vắt vai, quần đùi áo may ô lững thững bước lên thì không phải tàu mình, tàu mình phía sau đi từ lúc nào. Khóc ầm!
Thêm một cảnh trên tàu ám ảnh đến tận hôm nay. Đấy là tiếng hát của những thương phế binh chế độ cũ. Chỉ với một cây ghi ta hay đơn giản là gõ bo mà nỗi đau quyện chặt vào câu hát. Tôi chợt nhận ra có tiếng nức nở sau khúc khải hoàn; là nước mắt đau thương bên cạnh nụ cười đoàn tụ.
Ngày ấy cảnh hai bên đường đơn sơ, đẹp và nên thơ, nhất là chạng vạng chiều hôm hay buổi bình minh ửng hồng phía núi. Có lẽ chẳng bao giờ quên cảnh côi cút lẻ loi của người tuần đường, người gác ghi giữa núi rừng mịt mùng lạnh lẽo. Họ đứng đó, cao tay đèn, thẳng tay cờ, nghiêm trang xác nhận sự bình an cho hàng trăm con người.
Đoàn tàu, sân ga, với thế hệ mình, luôn gợi sự chia li, có gì đó man mác buồn và thoáng chút xót xa.