Ngô Thiệu Phong
Thứ Tư, 29 tháng 11, 2017
Thứ Hai, 27 tháng 11, 2017
Bức tranh tặng cô & niềm hy vọng
Về quăng cặp sách là nó lao vào hì hụi vẽ. Giục xuống ăn cơm để tối đi học thêm nó vẫn không rời cây chì.
Cuối cùng nó cũng nhảy xổ vào bàn ăn, vừa ăn vừa đưa mảnh giấy nhỏ cho bố xem bông hoa nó vẽ tặng cô tối nay nhân 20/11. Mình hỏi sao không đề tên vào nhưng nó lắc đầu, không nói.
Trên đường đi học, hai bố con cùng mường tượng cảnh cô sẽ mở món quà ra xem, rồi cô sẽ ồ lên ngạc nhiên, sẽ cảm ơn nó, sẽ đưa cho các bạn khác cùng xem, sẽ nói những câu đại loại như "cô cảm ơn", "cô sẽ bày bức tranh này trong tủ kính".v.v. và v.v. Khi hai bố con vẽ ra những viễn cảnh như thế mình thấy nó thực sự hồi hộp và hứng khởi. Vừa rời yên xe, nó tót lên gác nhà cô ngay, quên cả chào bố như mọi khi.
Đêm khuya, lúc đón nó về, dĩ nhiên rồi, câu đầu tiên mình hỏi là "con đã đưa quà cho cô chưa". Nó nói "rồi ạ", rồi im lặng!
Đoán có việc gì đó nên mình gặng hỏi: - Thế cô có nói gì không? Cô có mở ra xem không?
Nó nói không!
Hai bố con lầm lũi lao xe đi trong mưa lạnh. Chả ai nói gì thêm nữa. Đi được một quãng nó bảo các bạn toàn đưa phong bì.
Mình vừa chở nó vừa thở ào ra một cái. Thế là đã rõ!
Không! Lỗi không phải tại cô! Nếu ai cũng tặng quà như con thì cô đâu có ngại ngần! Cô đoán món quà của con cũng giống như của các bạn. Chẳng lẽ cô lại đi lột phong bì trước mặt các con? Cô không thể làm thế con ạ!
Nghĩ vậy nhưng chẳng biết giải thích cho nó thế nào, đành im lặng! Và rồi mình hy vọng hôm sau, khi đến lớp, cô sẽ lấy bức tranh của nó ra để khoe với các bạn. Nó sẽ thật mừng và kiêu hãnh!
Tối qua mình hỏi nó cô có nói gì về bức tranh của con không. Nó nói không. Hình như nó không còn đủ kiên nhẫn? Không còn tìm thấy một chút hào hứng nào trên khuôn mặt của nó nữa !
"Chắc cô bận mấy ngày lễ lạt quá đấy thôi", mình thầm nghĩ vậy và hy vọng...!
Tối nay mình sẽ lại hỏi rằng cô có nói gì về bức tranh của con không. Và mình hy vọng!
Cẩn thận với anh Lục Vân Tiên !
Anh Lục Vân Tiên thấy “bất bình chẳng tha” là đúng rồi! Anh không vô cảm! Nhưng "tả xung hữu đột" cho "đảng hung đồ" một trận tơi bời như thế chỉ có thể chấp nhận được ở thời vô pháp vô cương chứ ở một đất nước tôn trọng kỷ cương luật pháp thì không được.
Nếu thấy kẻ gây tai ương nguy hiểm bạn báo police hay lao vào tẩn cho nó một trận?
Dĩ nhiên hành xử thế nào là tùy hoàn cảnh. Đọc một số bài văn mẫu “cảm nhận về Lục Vân Tiên lúc cứu Kiều Nguyệt Nga” thì thấy rặt những ngợi ca tưng bừng, xem như hình mẫu lý tưởng… tự dưng liên hệ tới kẻ trộm chó bị dân đánh chí chết và những vụ bạo lực học đường.
Nói vậy không phải đổ tiệt cho anh Lục đấm đá làm tụi nhỏ nổi máu yêng hùng . Không hẳn vậy dù tình huống giải cứu hót gơn luôn hót trong mọi thời đại. Mình chỉ muốn khẳng định: Cốt yếu với trẻ thơ là dạy cho chúng biết yêu thương. Vậy thôi!
Ngoài mô - típ tráng sỹ ra tay nghĩa hiệp, trong truyện/phim thiếu nhi còn có thêm mô –típ những nhân vật có sức mạnh thần kỳ, có tài lẻ đặc biệt xuất chúng chuyên đi cướp hoặc trộm của nhà giàu về chia cho dân nghèo?!
Cổ xúy cho phường đạo tặc hay trưng biển "trai thời loạn" để lờ đi sự vô pháp vô cương?
Hồi con nít mình đọc truyện và xem phim thể loại này nhiều. Đọc xong phát máu giang hồ và tinh thần nghĩa hiệp sôi lên ùng ục, tức tốc chui rào qua nhà hàng xóm trộm luôn mấy quả ổi, định về chia cho dân nghèo nhưng thèm quá chén luôn
Lại bolero
Âm nhạc, bolero hay giao hưởng thính phòng gì thì cũng đều là món ăn tinh thần. Đã là "món ăn" thì mỗi người một khẩu vị, tranh luận làm gì. Để nơ-ron thần kinh nghĩ việc khác hữu ích hơn.
Mình sợ nhất ai đó thấy người khác nghe nhạc vàng là nhăn mặt lại, dài môi ra..., ra cái điều ta đây "bác học" không thèm chơi với loại nhạc... "hèn'!
Hỏi Johann Sebastian Bach biết ai không, Wolfgang Amadeus Mozart biết ai không, Ludwig van Beethoven biết ai không, nói biết!
Nhạc sỹ Lam Phương biết không, Trần Thanh Sơn biết không? Nói biết!
Thế Ngô Thiệu Phong biết ai không? Nói không!
Thế mà cũng đòi..òi...òi...i!
Là người rất mê nhạc vàng chứ còn ai nữa😜
Chiếc đồng hồ kỳ diệu ở nhà thờ Chánh Toà Bùi Chu
http://vov.vn/du-lich/nhung-dieu-dac-biet-ve-chiec-dong-ho-co-o-nha-tho-bui-chu-696573.vovhttp://vov.vn/du-lich/nhung-dieu-dac-biet-ve-chiec-dong-ho-co-o-nha-tho-bui-chu-696573.vov
Nói thẳng ngày 20/11
Trước đây mỗi lần đi công tác miền núi (đi bản) mình thường tá túc ở 3 nơi: trường học, đồn biên phòng và nhà trưởng bản. Vì thế nên đời sống và tâm tư của các thầy các cô mình cũng biết đôi chút.
Sẽ là không phải nếu trong ngày vui này của nhà giáo mà nói toạc móng heo những sự thật trần trụi. Nhưng mình nghĩ cần rõ ràng, và đấy cũng là điều thầy cô mong muốn, vì thầy cô không phải là thánh, đừng bắt thầy cô là thánh.
Đọc báo thấy nhiều bạn ca ngợi hết lời cô này thầy kia "cõng chữ", "gieo chữ" ... tới tận bản này bản nọ. Điều đó không sai nhưng cần nhìn cả hai mặt.
Cách đây từ 20 năm giáo viên ở vùng khó chủ yếu đã là người xuôi lên. Nói thật, nếu dưới xuôi dễ xin việc, hay các thầy cô đủ khả năng xin việc thì không có nhiều người sẵn sàng lên rừng xanh núi đỏ này đâu.
Vâng, vẫn biết thầy cô rất yêu nghề, yêu nghề mới không bỏ nghề mà chấp nhận gian khổ để hành cái nghề mình đã được học, nhưng xã hội cũng đừng nhìn một chiều, đừng tung hô thái quá, đừng tô hồng cuộc sống vô cùng thiếu thốn, quên đi những tâm tư sâu thẳm của nhiều giáo viên ở những bản làng heo hút.
Năm 98 mình cùng mấy chị ở Hội Phụ nữ Phong Thổ (Điện Biên), leo từ Đồn biên phòng Ma Lù Thàng lên Dào San, rồi Sì Lờ Lầu, Tông Qua Lìn, Vàng Ma Chải..., toàn leo bộ.
Đến Dào San gặp một lớp cắm bản mình ghé vào. Ngồi trên chiếc chõng tre là một cô giáo trẻ măng, đầu chõng là cái hòm gỗ, dưới chân cô là mấy cái nồi nhôm méo mó đen nhẻm, gà bới tung tóe mỗi chiếc một nơi. Nhìn thấy mình cô giáo khóc như mưa, nói trong tiếng nấc "mấy tháng nay em mới được nghe tiếng phổ thông"... rồi lại ôm mặt khóc.
Cô giáo đấy là con một chị cán bộ ở Hội Phụ nữ Phong Thổ. Các bạn lưu ý là con một cán bộ hội làm ở huyện mà còn phải/được/bị điều đến tận nơi heo hút như thế để cắm bản - dạy học. Kể chuyện này để mọi người thấy cái khắc nghiệt gian truân của nghề giáo.
Các thầy cô yêu nghề nhưng trong đó cũng có miếng cơm manh áo. Ở quê, đứa nào "có điều kiện", con ông nọ bà kia nó chiếm hết chỗ thuận lợi rồi còn đâu. Đành phải ra đi chứ chả lẽ ở nhà ăn bám bố mẹ à?
Vì thế đừng phong thánh cho họ, buông những lợi ngợi ca có cánh rồi vẫy tay chào thầy cô em về, thầy cô cứ ở đấy dạy tốt học tốt nhá, mãi mãi yên thân chốn thâm sơn cùng cốc để giữ vững danh hiệu "cõng chữ đưa đò" nhá.
Họ muốn dạy nhưng cũng muốn có một gia đình, muốn được luân chuyển ra chỗ thuận lợi, thậm chí chỉ cần ra cạnh đường giao thông, cạnh đơn vị bộ đội để dễ bề chồng con đã là sung sướng hạnh phúc lắm rồi!
Chủ Nhật, 12 tháng 11, 2017
Tiếc
Sáng đang loay hoay dắt xe lên vỉa hè uống cà phê thì 1 "con" mẹc bóng lộn từ phía sau lướt tới, dừng bên cạnh. Cô gái mở cửa lái bước xuống chợt reo lên: Ôi anh Phong!
Ngước lên hóa cô bồ cũ, xưa cô í thích mình cực!
Giời ạ, trước em nó cóc cáy thế mà giờ...như hót gơn, thơm phức! Mình đẩy kính, nheo mắt (xem có thật không), miệng đang lắp bắp a -a- ơ- ơ... thì xe nghiêng, may kịp choãi chân chèo ra đỡ. Em lao tới giúp dựng thẳng xe.
Nghe thời tiết
Mẹ mình sinh ra ở Thường Tín (Hà Tây) trong một gia đình có nghề làm bánh kẹo truyền thống. Từ thời Pháp bà đã theo các cụ lên Hà Nội sản xuất và buôn bán mặt hàng này.
Sau 1954 thì tư thương to hay nhỏ gì cũng không được welcome. Lúc đó "con người mới" là phải vào hợp tác xã. Bà lúc đó đang thanh niên hừng hực khí thế, hoà cùng phong trào sôi động lúc bấy giờ, đã trở thành 1 nông dân thực thụ.
Với mình, hình ảnh về một gia đình làm nghề xưa chỉ còn xuất hiện trong những lần bà làm bánh cuốn, kẹo vừng, kẹo bột, kẹo lạc, quấy bánh đúc... cho gia đình ăn, mà cũng hiếm hoi lắm vì những năm 70-80 gạo còn chả đủ.
Bây giờ dù đã trên 80, chả phải làm gì nữa, nhưng ngày nào bà cũng nghe thời tiết. Mắc màn, tắt điện nhưng chưa đến mục thời tiết (trên TV) là cứ ngồi chồm hỗm chờ. Nếu lỡ thì mai bật đài radio từ sớm để nghe.
Mình thấy lạ là bà suốt ngày trong nhà cần biết thời tiết làm gì? Chất quê, chất nông dân thấm vào người thế đấy! Người nông dân muốn có cái đổ vào mồm thì phải "trông mưa trông nắng trông ngày trông đêm".
Hôm nay hửng nắng! Trước khi đi học Cún hỏi có cần mặc áo ấm không. Chưa biết trả lời thế nào thì nó đã xuống hỏi bà. Bà luôn cho nó câu trả lời đúng về ông trời.
Có vậy thôi mà đến tuổi này mình vẫn không hiểu!
Âm mưu tàn độc của nhà Tần
Hồi còn làm Chương trình Đất nước ngàn năm (VOV2), trong một lần trò chuyện với GS sử học Lê Văn Lan về mưu đồ thâm sâu của các nhà cầm quyền phong kiến phương Bắc, mình nghe ông kể việc nhà Tần -Tần Thủy Hoàng- kế tục chủ trương "bình Bách Việt" của các vua Sở thời Chiến Quốc, đã sai Đồ Thư mang 50 vạn quân tiếp tục đánh chiếm những vùng đất phía nam, vào khoảng cuối TK III TCN.
Mưu hèn kế bẩn của nhà Tần là đưa toàn loại hạ đẳng như trộm cướp tù tội xung vào đội quân tiến đánh nước ta, hòng phối ngẫu với người Việt để tạo ra loài giống thấp kém, hèn mọn, ngõ hầu dễ bề cai trị lâu dài.
Sự việc này cũng được Sử ký Tư Mã Thiên ghi chép lại: “Năm 33 (214 TCN) Tần Thuỷ Hoàng đưa những người thường trốn tránh, những người ở rể và những người đi buôn đánh lấy đất Lục Lương, lập thành các quận Quế Lâm, Tượng Quận, Nam Hải; cho những người đi đày đến đấy canh giữ”.
Câu chuyện với GS Lê Văn Lan cứ ám ảnh mình mãi. Nhiều lúc "dở hơi" lại nghĩ chẳng nhẽ mình thanh tú, sống hào sảng bao dung ngời sáng thế này mà lại mang trong mình dòng máu của hạng người (mà người Tàu) xem là hạ đẳng kia. Đôi lúc vẩn vơ cũng hơi tự ái và tự ti nhưng chả nói với ai. Sợ người ta bảo ...hâm !
Tuy nhiên gần đây lại đọc một tài liệu của ông Vũ Thế Khôi đăng trên Talawas 2006 (về sự xuất hiện của chữ Hán ở VN) thì thấy có lẽ cũng không đến mức bi quan mặc cảm như thế!
Năm 214 TCN, quân Tần chiếm được đất Lục Lương, lập ra 2 quận Quế Lâm và Tượng. Nhưng theo chính Hán thư thì Tượng Quận không phải là Bắc bộ Việt Nam mà là vùng đất phía tây của Quảng Tây và phía nam của Quý Châu, như vậy thì trong cuộc viễn chinh vào miền đất Lĩnh Nam của Bách Việt, quân Tần mới chỉ đánh chiếm được vùng đất của Mân Việt (Phúc Kiến, Quảng Đông), Dương Việt và Tây Âu Việt (Quảng Tây và một phần Quý Châu), nhưng chưa chiếm cứ được đất Lạc Việt (tức nước Âu Lạc của An Dương Vương).
Sách Hoài Nam tử, của Lưu An (cháu nội của Hán Cao Tổ Lưu Bang) tả cảnh bại trận của quân Tần rất thê thảm: “Trong 3 năm không cởi giáp dãn nỏ… Người Việt đều vào trong rừng, ở với cầm thú, không ai chịu để cho quân Tần bắt. Họ cùng nhau đặt người kiệt tuấn lên làm tướng để ban đêm ra đánh quân Tần, đại phá quân Tần và giết được Đồ Thư, thây phơi huyết chảy hàng mấy chục vạn người”
Năm 214 TCN quân Tần đến được đất Lĩnh Nam (phía Nam núi Ngũ Lĩnh bên Tàu, chưa tới biên giới phía Bắc hiện nay) rồi chiến đấu liên miên, bị người Việt đánh cho tơi tả, và 8 năm sau, 206 TCN, nhà Tần bị diệt vong nên mưu sâu kế hiểm của nhà Tần hòng phối ngẫu với cư dân bản địa để tạo giống nòi nhược tiểu hầu như không thực hiện được.
Vì thế, mình, Phong vẫn tự hào là dân Giao Chỉ anh hùng !
PS: Xiang là Tượng Quận ( lưu ý phần màu để biết ranh giới border of P.R.China )
PS1: Sau khi tút này đăng lên thì một số bạn còm có vẻ hằn học. Đây là vấn đề thuần tuý lịch sử. Cá nhân tôi hoàn toàn không có ý miệt thị dân tộc. Tôi cũng như người dân VN hiện nay đánh giá cao vai trò của người Hoa đã di cư xuống vùng đất phía Nam này lập nghiệp từ thời nhà Nguyễn . Họ có đóng góp to lớn cho kinh tế, văn hoá ... của VN. Người dân VN và nhân dân TQ mãi mãi có những tình cảm trân quý và tốt đẹp với nhau . Vì thế một số còm có lời lẽ thiếu lịch sự và cáu bẳn, gây chia rẽ tình cảm nhân dân 2 nước tôi xin phép xoá . Mong thông cảm!
Review loa rách
Sau khi xơi hai bìa đậu phụ cho bữa trưa (dạo này toàn ăn vậy để giảm hưng phấn) thì mình lôi hai cặp siêu tép (super tweeter) này ra nghịch và bây giờ review cho các bạn.
Cặp thứ nhất Fostex T945N (Nhật bản) đã qua sử dụng (used) coil zin nhưng một loa bị rách nứt màng (diaphragm), chiếc kia còn đẹp. Cặp thứ hai Isophon DKT 11/C110/8 (Tây Đức), used , còn đẹp zin.
Trước hết mình test đôi Fostex T945N để thử thách chiếc loa thương phế binh xem giữa loa bị rách diaphragm và một loa còn tốt khi hoạt động có gì khác nhau hay không.
Tạm thời dùng tụ dầu không phân cực 1 mF của Liên Xô để chặn, âm lượng –volume đặt ở mức 9 giờ thì thấy hai loa hoạt động bình thường. Không phân biệt được loa bị rách. Tăng lên mức 10 giờ thì chiếc loa cấn màng vẫn không bị vỡ và rè so với chiếc kia. Mở thêm 3 bài nữa để kiểm tra các loại dải tần thì thấy kết quả không đổi.
Thực tế ít khi mình nghe ở mức 10h vì khi phối hợp với các driver khác trong hệ thống nó kêu to hơn (mình dùng khếch đại đèn nên độ nhạy loa toàn dải/loa bass đều lớn). Ơn giời! Như vậy là vẫn có thể chơi được, không đến mức phải vật ngửa lên để làm gạt tàn thuốc lá.
Vì sao một diaphragm bị rách, thậm chí bị thủng một lỗ nhỏ như hạt gạo mà tiếng kêu không có sự khác biệt (hoặc không phân biệt được). Cái này nhờ các bác làm loa giải thích. Mình nghĩ có thể do diaphragm của loại này dạng khuyên (ring) nên cái đầu tên lửa (mũi loa) chí chặt diaphragm xuống trong khi các rung động tần số cao lại rất nhỏ nên vết rách không gây rè hoặc vỡ tiếng.
Giờ đến lượt cho Nhật Bủn thi đấu với Tây Đức. Để chính xác mình lắp Fostex ở vế trái loa, Isophon ở vế phải. Vị trí nghe là ngồi dưới đất, loa đặt trên giường; khoảng cách là từ gí sát tai vào từng loa rồi lại chạy ra xa chừng 2m. CD test là đĩa nhạc tổng hợp hầm bà làng (Jazz, Vocal, hoà tấu) các loại.
Thật khó nói đôi nào hay hơn (với trường hợp cụ thể này). Đôi Fostex với lợi thế màng - diaphragm bằng kim loại titanium nên tiếng mảnh, lung linh bay bổng hơn, sắc nét hơn; nghe tiếng gươm khua ngựa hí thì kinh khủng lắm, tiếng xanh-ban (cymban), tiếng mõ (Cowbell Bass Drum), tiếng chuông gió (chimes) trong bộ gõ rõ một một!
Tiếng Isophon đằm thắm, dịu dàng hơn cho dù nam châm của nó là ferrit, giá trị thấp hơn nhiều so với củ alnico của Fostex T945N. Diaphragm của Isophon bằng chất liệu gì mầu nâu mình không rõ, hình như plastic, nhưng chắc chắn không phải kim loại, đường kính coil và đường kính diaphragm của Isophon cũng nhỏ hơn Fostex. Do đó tiếng của Isophon DKT 11/C110/8 có gì đó chưa với tới tầm Super Tweeter mà chỉ là Tweeter thuần tuý.
Nhưng cũng chính vì thế mình lại thấy cặp này cho ra chất tiếng khá trung thực. Với một bản nhạc dùng bộ dây như đàn tam thập lục, tỳ bà, guitar chẳng hạn thì Isophon có giọng ấm áp, gần gũi quen thuộc chứ không lạnh lùng như Fostex. Có cảm giác như Fostex “tần số cao hoá” mọi dải tần , nó luôn lăm le lôi tuột các âm thanh có tần số thấp lên để gom chung vào cái gọi là super tweeter nên âm thanh ở một vài nhạc cụ bị sai lạc. Cái này thì dễ thôi, có thể xử lý được bằng bộ crossover nhiều bậc.
Mục đích của buổi thử nghiệm này là để quyết tâm vứt vào sọt rác cặp Fostex bị hỏng nhưng giờ thì... dùng tạm . Và qua vụ test thực tế này cũng mong các bạn mua horn tweeter ở "chùm khế ngọt" thì cứ mở toang ra mà kiểm tra Diaphragm nhé ! Nghe không phát hiện ra đâu!