Nói thẳng ngày 20/11
Trước đây mỗi lần đi công tác miền núi (đi bản) mình thường tá túc ở 3 nơi: trường học, đồn biên phòng và nhà trưởng bản. Vì thế nên đời sống và tâm tư của các thầy các cô mình cũng biết đôi chút.
Sẽ là không phải nếu trong ngày vui này của nhà giáo mà nói toạc móng heo những sự thật trần trụi. Nhưng mình nghĩ cần rõ ràng, và đấy cũng là điều thầy cô mong muốn, vì thầy cô không phải là thánh, đừng bắt thầy cô là thánh.
Đọc báo thấy nhiều bạn ca ngợi hết lời cô này thầy kia "cõng chữ", "gieo chữ" ... tới tận bản này bản nọ. Điều đó không sai nhưng cần nhìn cả hai mặt.
Cách đây từ 20 năm giáo viên ở vùng khó chủ yếu đã là người xuôi lên. Nói thật, nếu dưới xuôi dễ xin việc, hay các thầy cô đủ khả năng xin việc thì không có nhiều người sẵn sàng lên rừng xanh núi đỏ này đâu.
Vâng, vẫn biết thầy cô rất yêu nghề, yêu nghề mới không bỏ nghề mà chấp nhận gian khổ để hành cái nghề mình đã được học, nhưng xã hội cũng đừng nhìn một chiều, đừng tung hô thái quá, đừng tô hồng cuộc sống vô cùng thiếu thốn, quên đi những tâm tư sâu thẳm của nhiều giáo viên ở những bản làng heo hút.
Năm 98 mình cùng mấy chị ở Hội Phụ nữ Phong Thổ (Điện Biên), leo từ Đồn biên phòng Ma Lù Thàng lên Dào San, rồi Sì Lờ Lầu, Tông Qua Lìn, Vàng Ma Chải..., toàn leo bộ.
Đến Dào San gặp một lớp cắm bản mình ghé vào. Ngồi trên chiếc chõng tre là một cô giáo trẻ măng, đầu chõng là cái hòm gỗ, dưới chân cô là mấy cái nồi nhôm méo mó đen nhẻm, gà bới tung tóe mỗi chiếc một nơi. Nhìn thấy mình cô giáo khóc như mưa, nói trong tiếng nấc "mấy tháng nay em mới được nghe tiếng phổ thông"... rồi lại ôm mặt khóc.
Cô giáo đấy là con một chị cán bộ ở Hội Phụ nữ Phong Thổ. Các bạn lưu ý là con một cán bộ hội làm ở huyện mà còn phải/được/bị điều đến tận nơi heo hút như thế để cắm bản - dạy học. Kể chuyện này để mọi người thấy cái khắc nghiệt gian truân của nghề giáo.
Các thầy cô yêu nghề nhưng trong đó cũng có miếng cơm manh áo. Ở quê, đứa nào "có điều kiện", con ông nọ bà kia nó chiếm hết chỗ thuận lợi rồi còn đâu. Đành phải ra đi chứ chả lẽ ở nhà ăn bám bố mẹ à?
Vì thế đừng phong thánh cho họ, buông những lợi ngợi ca có cánh rồi vẫy tay chào thầy cô em về, thầy cô cứ ở đấy dạy tốt học tốt nhá, mãi mãi yên thân chốn thâm sơn cùng cốc để giữ vững danh hiệu "cõng chữ đưa đò" nhá.
Họ muốn dạy nhưng cũng muốn có một gia đình, muốn được luân chuyển ra chỗ thuận lợi, thậm chí chỉ cần ra cạnh đường giao thông, cạnh đơn vị bộ đội để dễ bề chồng con đã là sung sướng hạnh phúc lắm rồi!
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ