Chủ Nhật, 12 tháng 11, 2017

Review loa rách

Sau khi xơi hai bìa đậu phụ cho bữa trưa (dạo này toàn ăn vậy để giảm hưng phấn) thì mình lôi hai cặp siêu tép (super tweeter) này ra nghịch và bây giờ review cho các bạn.
Cặp thứ nhất Fostex T945N (Nhật bản) đã qua sử dụng (used) coil zin nhưng một loa bị rách nứt màng (diaphragm), chiếc kia còn đẹp. Cặp thứ hai Isophon DKT 11/C110/8 (Tây Đức), used , còn đẹp zin.
Trước hết mình test đôi Fostex T945N để thử thách chiếc loa thương phế binh xem giữa loa bị rách diaphragm và một loa còn tốt khi hoạt động có gì khác nhau hay không.
Tạm thời dùng tụ dầu không phân cực 1 mF của Liên Xô để chặn, âm lượng –volume đặt ở mức 9 giờ thì thấy hai loa hoạt động bình thường. Không phân biệt được loa bị rách. Tăng lên mức 10 giờ thì chiếc loa cấn màng vẫn không bị vỡ và rè so với chiếc kia. Mở thêm 3 bài nữa để kiểm tra các loại dải tần thì thấy kết quả không đổi.
Thực tế ít khi mình nghe ở mức 10h vì khi phối hợp với các driver khác trong hệ thống nó kêu to hơn (mình dùng khếch đại đèn nên độ nhạy loa toàn dải/loa bass đều lớn). Ơn giời! Như vậy là vẫn có thể chơi được, không đến mức phải vật ngửa lên để làm gạt tàn thuốc lá.
Vì sao một diaphragm bị rách, thậm chí bị thủng một lỗ nhỏ như hạt gạo mà tiếng kêu không có sự khác biệt (hoặc không phân biệt được). Cái này nhờ các bác làm loa giải thích. Mình nghĩ có thể do diaphragm của loại này dạng khuyên (ring) nên cái đầu tên lửa (mũi loa) chí chặt diaphragm xuống trong khi các rung động tần số cao lại rất nhỏ nên vết rách không gây rè hoặc vỡ tiếng.
Giờ đến lượt cho Nhật Bủn thi đấu với Tây Đức. Để chính xác mình lắp Fostex ở vế trái loa, Isophon ở vế phải. Vị trí nghe là ngồi dưới đất, loa đặt trên giường; khoảng cách là từ gí sát tai vào từng loa rồi lại chạy ra xa chừng 2m. CD test là đĩa nhạc tổng hợp hầm bà làng (Jazz, Vocal, hoà tấu) các loại.
Thật khó nói đôi nào hay hơn (với trường hợp cụ thể này). Đôi Fostex với lợi thế màng - diaphragm bằng kim loại titanium nên tiếng mảnh, lung linh bay bổng hơn, sắc nét hơn; nghe tiếng gươm khua ngựa hí thì kinh khủng lắm, tiếng xanh-ban (cymban), tiếng mõ (Cowbell Bass Drum), tiếng chuông gió (chimes) trong bộ gõ rõ một một!
Tiếng Isophon đằm thắm, dịu dàng hơn cho dù nam châm của nó là ferrit, giá trị thấp hơn nhiều so với củ alnico của Fostex T945N. Diaphragm của Isophon bằng chất liệu gì mầu nâu mình không rõ, hình như plastic, nhưng chắc chắn không phải kim loại, đường kính coil và đường kính diaphragm của Isophon cũng nhỏ hơn Fostex. Do đó tiếng của Isophon DKT 11/C110/8 có gì đó chưa với tới tầm Super Tweeter mà chỉ là Tweeter thuần tuý.
Nhưng cũng chính vì thế mình lại thấy cặp này cho ra chất tiếng khá trung thực. Với một bản nhạc dùng bộ dây như đàn tam thập lục, tỳ bà, guitar chẳng hạn thì Isophon có giọng ấm áp, gần gũi quen thuộc chứ không lạnh lùng như Fostex. Có cảm giác như Fostex “tần số cao hoá” mọi dải tần , nó luôn lăm le lôi tuột các âm thanh có tần số thấp lên để gom chung vào cái gọi là super tweeter nên âm thanh ở một vài nhạc cụ bị sai lạc. Cái này thì dễ thôi, có thể xử lý được bằng bộ crossover nhiều bậc.
Mục đích của buổi thử nghiệm này là để quyết tâm vứt vào sọt rác cặp Fostex bị hỏng nhưng giờ thì... dùng tạm  . Và qua vụ test thực tế này cũng mong các bạn mua horn tweeter ở "chùm khế ngọt" thì cứ mở toang ra mà kiểm tra Diaphragm nhé ! Nghe không phát hiện ra đâu!

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ