Thứ Hai, 27 tháng 2, 2017

Không cần 1 ngày 8/3 ?


Cá nhân tôi không thích có một ngày cho bất kỳ một đối tượng nào, trong đó có ngày 8/3. Sẽ có người bảo tôi cực đoan, gàn dở bởi đây là ngày của cả thế giới; nhiều quốc gia cũng tìm ra một ngày nhất định để tri ân một đối tượng hoặc một nhóm đối tượng nào đó.

Thì đã sao nào! Cả thế giới nghĩ thế không có nghĩa dập tắt đi trong mỗi chúng ta quyền nghĩ khác. Tôi khẳng định không hề cực đoan và gàn dở bởi vì tôi không hề cổ súy vứt toẹt nó đi mà mong có cả 364 ngày “đều là” mùng 8/3. Chị em phải được tri ân và tôn trọng trong suốt năm như thế chứ không chỉ một ngày.

Sẽ có người nói 364 ngày chưa làm được thì trước hết hãy làm 1 ngày, 1 ngày cũng đáng quý?! Không có gì mỉa mai hơn nếu như ai đó biện luận như vậy. Hãy thử tưởng tượng xem! Vào một ngày mát trời, người ta bỗng thấy đám phụ nữ nhỏ bé, yếm thế, tủi phận quá nên dành cho một ngày. Dành cho một ngày trong 364 ngày là sự ban phát kiểu ban ơn. Ở đó có thể có sự cảm thông, sẻ chia… nhưng nó phảng phất lòng trắc ẩn của bề trên đang nhìn xuống đám tôi tớ. Một ngày vinh danh là đơn vị thời gian khắc nghiệt và độc ác! Vởi phụ nữ, vinh danh và tri ân thì không gian và thời gian không hạn định. Sự mỉa mai ở chỗ đó!

Chị em chẳng ai lại có thể dễ dãi hớn hở và phấn khích khi chỉ có một ngày!  Đó chẳng phải là sự ngậm ngùi thừa nhận chút lộc giời ơi, sặc mùi ban phát và bố thí hay sao? Sự nhẫn nhịn, cam chịu của đặc thù giới tính và bản sắc truyền thống không phải lúc nào cũng được đánh giá cao.

Không có gì có thể làm tổn thương hơn với một nhóm đối tượng nào đó bằng việc chìa ra một ngày và ời ời kêu gọi tôn vinh. Nó càng làm cho một hoạt động lẽ ra thường xuyên và bình thường bỗng chốc biến thành định kỳ và bất thường. Nó ru ngủ mọi người bằng lòng và chấp nhận với khoảnh khắc thời gian ngắn ngủi của một ngày.

Một tờ lịch đỏ với vài dòng ghi chú như một chứng thực cho muôn đời rằng, chưa bao giờ và chưa ở đâu, cái đối tượng được nhắc nhớ trong tờ lịch kia được tôn trọng một cách đầy đủ, lâu dài và tương xứng, bởi vậy nên cần có một ngày.

Một ngày để trả ơn cho sự hy sinh thuộc về thiên chức? Liệu có quá rẻ mạt!

Không cần tô đỏ tờ lịch! Không cần vài dòng ghi chú để nhắc nhớ! Không cần một ngày cho bất kỳ ai! Tri ân và biết ơn thực lòng không cần nhắc nhớ, không cần phải báo thức để buộc phải tỉnh giấc một cách thụ động hay miễn cưỡng. Một ngày biết đâu lại là tấm giấy xác nhận sự bất bình đẳng gớm ghiếc nhất được tẩm nước hoa và in phủ lên trên bằng những đoá hoa hồng. Một ngày là dấu hiệu rực rỡ nhất xác nhận một xã hội mà sự nhân bản vẫn còn là niềm ước mơ.

Chị em rất trân trọng, thậm chí biết ơn tất cả những ai có quà trong ngày này. Đúng! Rất đáng trân trọng và cần khuyến khích những hành động ấy đẹp đẽ như thế trong cuộc sống có phần xô bồ hiện nay.

Nhưng tôi cũng rất khâm phục nhiều chị em rất rạch ròi và thể hiện rõ ràng cách sống không lệ thuộc của bản thân. Họ không cần phải được nhớ đến hay ngóng chờ sự ngưỡng mộ của người khác. Họ không là nô lệ về tinh thần của bất kỳ ai, kể cả chồng con. Bản thân họ tự tỏa sáng! Tôi biết nhiều chị em, trong một hoàn cảnh hay một lý do nào đó, họ tự mua hoa, tự thưởng và tự trân trọng mình bằng nhiều cách trong ngày 8/3. Họ đủ thông minh để biết rằng cuộc đời chẳng bao giờ chiều lòng ai cả, nước mắt đôi khi nhiều hơn nụ cười nên họ bình thản đón nhận rồi tự mình tạo cho mình niềm vui để tận hưởng.  

Có ai đó nói rằng trong cái ngày 8/3 này niềm vui tuyệt đối thuộc về người…bán hoa. Tôi cho đây là câu nói tỉnh táo và dễ thương nhất tôi từng được nghe. Bởi vì trong ngày này, đây đó cũng có người cầm trên tay gói quà hoặc bó hoa trong sự miễn cưỡng hoặc toan tính. 

Nói điều này không có ý nhắc chị em phải cảnh giác. Không cần vì phụ nữ hôm nay cảm xúc có trí tuệ chứ chẳng hề dễ dãi. Họ đánh giá hành vi dựa trên động cơ chứ không phải hành động. Nói điều này để ai có suy nghĩ như vậy thì stop lại vì tình yêu thương không cần (và không thể) theo “phong trào” hay “đợt ra quân”. 

Tôi nghĩ làm thế nào để chị em cảm nhận được sự tôn trọng, được yêu mến chứ không nhất thiết thể hiện điều đó bằng một cử chỉ vật chất. Một câu nói ấm áp, một ánh nhìn cũng thừa sức chuyên chở tình cảm ấy chứ đâu cần lúc nào cũng phải là những đóa hoa rực rỡ.


Tất nhiên, vừa nhìn nhau, vừa nói những câu ấm áp (để chị em hiểu rằng họ đang được yêu thương) lại vừa tạo điều kiện cho người bán hoa có niềm vui tuyệt đối thì còn gì bằng!  Nhưng làm sao đừng chỉ có trong mỗi một ngày 8/3!

Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2017

Thế này còn đòi gì nữa!

Vỉa hè cho người đi bộ! Xe cộ đừng có mà leo lên nha! Ở Sài gòn đấy. Hồi mình ở Cần Thơ thấy chỗ công viên Lưu Hữu Phước cũng từng làm như thế này. Chắc hiệu quả nên Sài Gòn học tập?


Đường thông hè thoáng ư? Có ngay ! Quảng cáo phải đồng bộ! Phải nghiêm ngắn thế này mới ra dáng thủ đô chớ!



Đô thị VN mà xấu à? Phải trang hoàng thôi!


Nhất là ngày lễ!

Thiếu cây xanh à? Có ngay ! Điêu khắc cây thành rồng hẳn hoi

Dù thế nào thì chúng ta cũng phải gọi tên cho được cái cảm xúc này.

- Nỗ lực tuyệt vọng?
- Nỗ lực trong sự hồn nhiên?
- Một cố gắng đầy toan tính ?
- Hay những đau khổ tất yếu của một giai đoan mà  ta vẫn gọi chung bằng hai từ  quá độ?
- ...

Thứ Hai, 20 tháng 2, 2017

Lễ hội

Lễ hội biến tướng. Báo chí viết nhiều. Nhà nghiên cứu và quản lý nói mãi. Thế nhưng vẫn nhơn nhơn diễn ra, thậm chí tệ hơn. Nó tồn tại và ngày càng khó coi vì có nhu cầu tự thân, đồng thời lại đáp ứng nhu cầu cho một bộ phận không nhỏ.
Nhu cầu tự thân của khá nhiều lễ hội hiện nay là kiếm tiền. Xã hội có lên án là chụp giật cũng được, ăn xổi cũng được, miễn kiếm được nhiều tiền. Chính quyền sở tại có phần trong miếng bánh béo bở đó không? Cứ xem cách họ ngó lơ hay nghiêm khắc xử lý với hành vi làm tiền thì biết.
Ngoài việc chặt chém, cho bán hàng vô tội vạ, có thể thấy cách kiếm tiền bằng mọi giá của di tích là việc đẻ ra thêm nhiều công trình phụ trợ bên cạnh di tích chính đã có từ hàng trăm năm. Công trình phát sinh ấy thực chất là để hợp lý hóa cái hòm công đức, dựng lên đủ ban bệ thờ để du khách tin tưởng và quả quyết hơn khi rút hầu bao.
Hỏi rằng bây giờ mấy ai đi lễ hội chùa chiền để tìm sự bình an? Phần nhiều là để CẦU. Toàn thấy cầu được cho mình!? Để câu khách, lễ hội, chùa chiền, đình đền, miếu mạo, di tích… hình như đang chủ động ngó lơ bản chất của lễ hội (mà họ hiểu khá rõ), thay vào đó, lại đi theo hướng đáp ứng nhu cầu CẦU của người dân?
Một số người chưa có kiến thức lịch sử, chưa hiểu hết ý nghĩa của lễ hội nên có hành vi tự phát, a dua, làm méo mó lễ hội. Với những người này, khi được cung cấp thông tin, họ sẽ thay đổi. Nhưng nếu thang giá trị trong xã hội bị đảo lộn thì sẽ ngày càng nhiều người lúng túng và mất phương hướng khi tìm kiếm các chân giá trị. Lúc đó họ sẽ mù quáng và mê muội (hay bất lực, chán nản và tuyệt vọng) mò đến thần thánh để cầu may, những mong thành đạt.
Trong một xã hội mà giá trị bị đảo lộn, nền pháp trị vẫn là ước mơ, thì sẽ có nhiều kẻ được rất nhanh và mất cũng rất nhanh. Mọi thứ có được không phải do tài năng đích thực nên thiếu bền vững, và quả thực họ rất thiếu tự tin nên thường trông chờ vào một đấng quyền lực siêu phàm nào đó, nhân vật (mà họ đặt niềm tin) đã, đang và sẽ giúp họ những công việc, vị trí mà họ chẳng có cơ sở nào để nắm chắc thành công. Giành giật đến đổ máu ấn, phết ở một số lễ hội là minh chứng sinh động.
Khi xác định "Văn hóa vừa là mục tiêu vừa là động lực để phát triển kinh tế - xã hội" đội ngũ thinktank cũng đã biết rất rõ vai trò và vị trí của văn hóa. Thế nhưng những gì đang diễn ra lại không thể hiện quyết tâm đúng đắn ấy. Vì sao ư? Vì lễ hội là một phần bộ mặt của XH hôm nay./.

Thứ Tư, 15 tháng 2, 2017

Phê bình

Trong buổi sinh hoạt lớp, cô giáo đang cao giọng căn dặn học trò là dù ở bất kỳ đâu, bất cứ khi nào, hễ thấy điều sai trái, thấy việc làm chưa đúng, chưa chuẩn... thì phải nhắc nhở, góp ý để bạn bè và mọi người nhận ra và sửa chữa ...
Tèo ngồi ngay bàn đầu rụt rè giơ tay: - Thưa cô, thế...ế...ế có sợ...sợ... bị mắng không ạ?
Cô giáo quả quyết : - Nói phải củ cải còn nghe nữa là! Ai lại đi trách mắng những góp ý đúng!
Cả lớp thấy Tèo ngập ngừng nhìn cô rồi lại cụp mắt nhìn xuống bàn chúm chím cười tinh nghịch.
- Cô ơi , cúc áo ngực của cô bị bung ạ :P
Mọi người đoán xem Tèo được khen hay bị phê bình?

Nhầm

Mình mới mấy tuổi ranh mà đã nhầm lẫn lung tung. Bữa trước trong một buổi trao đổi có đông đủ nam thanh nữ tú, cây đa cây đề, mình đứng lên chém phần phật : Thần thiêng là nhờ hạ bộ :V ( bộ hạ mới đúng, còn hạ bộ là ...trym). Đã thế một lúc sau hưng phấn lên lại bồi thêm phát nữa: Các anh các chị đừng bàng quang >:( ( Bàng quan mới đúng còn bàng quang là cái bọng đái :P )
Hôm nay có em dứ dứ mấy củ này ra trước mặt hỏi đố anh củ gì. Mình mắt sáng rực, thay vì bảo củ hoàng tinh, mình nói củ ...tinh hoàn :P
Toàn nhè chỗ nhạy cảm mà nhầm, khổ thế!

Áu-đi-ô-phi-lè (Audiophile)


Bữa nọ đến nhà một fan cuồng của âm thanh. Ông trịnh trọng đặt một đĩa nhạc vào khay, bấm play, đi lùi ra rồi sẽ sàng ngồi vào điểm ngọt. Cái động tác của ông thành kính như người ta đặt lễ và thắp hương trên bàn thờ rồi lui ra vái lạy.
Biết tính ông, mình ngồi lim dim, gật gù trong du dương tiếng nhạc. Bất chợt ông cấu nhẹ vào đùi, hất hàm về phía hệ thống, thì thầm: Có thấy tiếng gì không? Rồi ông lấy CD ra, tắt nguồn, kéo mình sang một au-đi-ô-phi-lè khác. Cũng cái CD đó, bài đó, ông chăm chú lắng nghe. Rồi lại tức tốc lấy CD phóng về nhà rồi ông lại hỏi, nghe tiếng gì không.
Mình để ý kỹ thì thấy tiếng leng keng đâu đó, lúc ở xa, khi lại về gần. Rồi ông vỗ đùi cái đét, rú lên: Phải ở hệ thống của tao, của tao…ao…ao...o…o… thì bộ gõ mới lên hết được như thế. Tiền trăm tiền nghìn mà không biết phối ghép cũng vứt! Được dải này thì mất dải kia thôi các con ạ! Làm sao mà có được tiếng tép lung linh huyền ảo chi tiết như của bố mài? Nhạc nào vào đây bố mày cũng đánh cho ngoan luôn! Tiếng gì cũng phòi ra hết!
Mặt ông sáng bừng, kiêu hãnh, hồn nhiên rất đáng yêu. Mình biết thừa cái tiếng leng keng đó phát ra từ cái chuông gió ở cửa sổ nhà con Hường bán đồ lót phụ nữ bên cạnh nhưng lặng thinh, không muốn thô bạo phá vỡ phút giây hạnh phúc của ông bạn áu-đi-ồ-phí-lề già. :V
Với những người mê âm thanh, đi tìm kiếm cảm xúc từ một bản nhạc, hay vạch vòi lùng sục dải cao dải thấp, tiếng này tiếng kia từ hệ thống dường như chưa có câu trả lời tường minh.
Hồi làm việc ở Cần Thơ, sáng sáng mình ra quán chú Khải, ngay hẻm tỉnh đoàn, làm ly cà phê, nghe nhạc sến phát ra từ hệ thống âm thanh ka-ra-ô-kê rẻ bèo. Thế mà nhiều lúc Con nhạn trắng Gò Công, Giao Linh, Hương Lan… làm cho rưng rưng lệ, con tim se sắt... Nhưng cũng có lúc trước mặt là bộ nghe vài trăm triệu, mình căng tai thẩm nào Jazz, nào Classic, vô cùng sống động và chi tiết…, thế mà cứ thấy trơ trơ, vô cảm, trong khi mấy ông bên cạnh hào hứng phân tích nào âm hình, sound stage; tiếng lấy hơi, giọng khò khè ...
Sợ lé –vồ (level) chưa tới nên mình rất nghiêm túc và cẩn trọng với cái sự nghe, những mong tìm kiếm cả vẻ đẹp âm thanh và cảm xúc âm nhạc.
Bật hệ thống 10 phút cho đèn nóng để chúng làm việc ở chế độ tối ưu, trong thời gian đó mình đi rửa chân tay mặt mũi, thậm chí đánh răng, thay bộ Pijama mới nhất, đốt một nụ trầm rồi mới thả mình xuống ghế với ly cà phê trên tay. Trong lúc thưởng thức mà thấy văng vẳng tiếng máy bơm nhà hàng xóm là mình tắt hệ thống đứng dậy liền. Khi đang suy nghĩ hoặc làm một việc gì đó mình quyết không nghe nhạc. 8|
Ngược lại, vợ mình, sẵn sàng đem chiếc Iphone vào nhà tắm, bỏ vào cái cốc chuyên dùng để đánh răng, mở YouTube, thả hồn cùng những tình khúc đắm say đầy trắc trở của Lam Phương. Vợ, không những chẳng thèm đoái hoài tới hệ thống âm thanh mình dày công sưu tầm, cân chỉnh…, mà lại còn có thể ngất ngây với thứ nhạc mp3 trong khi kỳ cọ và dội nước ào ào thì quả thật đôi lúc mình… ghen >:( ! Rõ ràng có một sự thấu cảm và đồng điệu vì đôi khi còn thấy nàng phởn chí hát theo. :P
Liệu có phải là một sự xúc phạm tới âm nhạc? Chẳng phải! Mỗi người có thể thụ cảm theo cách mà người ta thích nhất, miễn sao rung động là được.

Truyền thông thời công nghệ

Grap và Uber chiếm thế thượng phong nhờ công nghệ. Taxi truyền thống cũng hối hả xây dựng các phần mềm cho riêng mình để cạnh tranh. Quay lưng với công nghệ là tự sát. Truyền thông cũng thế thôi!
Lịch sử là điều đáng tự hào và cần trân trọng, nhưng đừng lấy lịch sử và truyền thống đặt cược cho business của mình trong tương lai.
Dean Baquet - Tổng biên tập New York Times cảnh báo: Không làm gì hoặc chỉ rụt rè tưởng tượng về tương lai đồng nghĩa với việc bị bỏ lại phía sau. Có rất nhiều công ty một thời hùng mạnh, và tin rằng lịch sử thành công sẽ bảo vệ họ trước những thay đổi về công nghệ, để rồi thất bại vì sự tự mãn.

Thứ Năm, 2 tháng 2, 2017

Khoe trên phây

Có một số ý kiến không đồng tình với việc khoe trên phây.
Mình nghĩ khác. Khoe trên phây chẳng sao cả, thậm chí khoe khoang cũng vẫn OK. Phây là của cá nhân mỗi người. Nó như một dạng nhật ký điện tử cho phép người khác tham gia (ở những mức độ khác nhau). Nếu anh không thích (người khác khoe) thì thôi, unfriends đi, hà cớ gì chỉ trích người ta?
Ai cũng cần thể hiện mình, mà khoe là một dạng thức của thể hiện ở mức độ cao (chủ động và hơi lộ liễu tí, he he). Vì thế sẽ không quá khi nói rằng khoe là nhu cầu tự thân của mỗi người. Tất nhiên ở những nơi mà hành vi của mình ảnh hưởng tới xung quanh thì cần điều chỉnh và kiểm soát được cái sự khoe. Khuyên thật: Ai không thích khoe một tí nào thì nên đi kiểm tra sức khoẻ tâm thần và chứng tự kỷ!
Cuộc sống của chúng ta sẽ thiếu đi những cung bậc cảm xúc nếu không khoe. Khoe làm cho cuộc sống thêm thi vị, làm cho mỗi người thêm yêu đời... Túm lại tút này là muốn khoe bạn mới trên Tây Nguyên.


Sách của bác PQ

Hôm trước, trong buổi lễ long trọng ra mắt quyển sách Từ nguồn Thạch Hãn đến bờ Hồ Gươm, ông Phan Quang có nhắn để hôm khác ông tặng, vì hôm đó thiếu. Nghe biết vậy. Nghĩ bụng, mình bé tí,nhân viên quèn,hạng con cháu...tuổi ông thì đã trên dưới 90, chắc rồi cũng quên thôi!
Nhưng không, hôm nay tôi đã có quyển sách trong tay, lại được ông viết lời đề tặng chân tình, gần gũi... Chắc ông đọc được những bài viết của tôi ở đâu đó, mà biết rồi quý mến, chứ tôi tấp tểnh vào Đài thì ông đã về hưu. Ông chả biết mặt mũi tôi, còn tôi nghe các cô chú kể gặp được Phan Quang không dễ! Ông không chỉ là nhà báo- tổng giám đốc Đài TNVN, mà còn là một chính khách... Sau này, vài lần thấy ông ở những cuộc hội thảo về giáo dục và văn hóa nhưng tôi không dám lại gần chào hỏi, cứ ngài ngại, sợ ông rồi cũng ừ à cho qua chuyện như bao người nắm trong tay quyền lực khác; ngại vì cỡ như ông đã bắt mỏi tay nhiều người chủ động lại gần như thế.
Hôm giới thiệu quyển sách thì người ta nói nhiều về ông nhưng tôi nhớ mỗi câu này của GS Phong Lê: " Cởi bỏ tấm áo khoác ngoài - chính trị - ra thì bên trong ông, vẫn vẹn nguyên và thường trực là một con người văn hóa".

Cái bắt tay của Trump

Nếu cử chỉ này của ông Trump để chỉ về phía phóng viên trong cuộc họp báo thì mình sẽ đề nghị anh í về VN mà sống. 

Ở Mỹ, ngôn ngữ cử chỉ được dạy rất kỹ, ngay trong trường phổ thông. Hiếm khi thấy một người phương tây được giáo dục tử tế nào lại chỉ tay về phía người đối diện như vậy chứ đừng nói tới Trump - một chính khách cỡ bự. 

Nếu mình dự họp báo hôm đó, mình sẽ đứng lên nói: Trump! Hãy xòe nốt 3 ngón tay còn lại ra và hướng lòng bàn tay lên trên! Cả thế giới đang nhìn cậu đấy!trumt

Chai nc mắm đêm cuối năm

Chiều tối 29 tết mới có thời gian chạy sang lấy chai nước mắm của Bui Trong Dien gửi ở cổng bảo vệ 58 QS. Trong một đống các thùng to thùng nhỏ, gói lớn gói bé, sặc sỡ, sang trọng... mình hỏi rồi tìm mãi chẳng thấy chai nước mắm đâu. Cuối cùng các anh bảo vệ cũng sực nhớ, hỏi vẻ hơi sẵng: Có phải nước mắm không? Rồi họ chỉ tay ra phía ngoài cửa, gọn lỏn (có vẻ bực) : Ngoài kia kìa! (Ai đó lầm bầm khó chịu "đổ tung toé...")
Mình biết lỗi, ngoan ngoãn chạy ra ngoài tìm thì ôi thôi, nó nằm cỏng queo, đổ mất gần hết, mùi sực nức (nước mắm ngon mà, ngon mới có mùi dữ như vậy) .
Mình nhấc cái túi ni lon lên nhẹ bẫng, tiếc! Ông Điển tha từ Cần Thơ ra cơ mà! Có khi còn lấy từ Kiên Giang, hay Phú Quốc không biết chừng. Nghĩ vậy nên mình quyết không bỏ, dù chỉ còn ít, rất ít.
Chai nước mắm giờ nhẹ hều nhưng cái tình thì nặng lắm! Lễ phép cảm ơn các anh bảo vệ, mình ngoắc cái túi nilon đựng chai nước mắm đang bị đổ tung toé lên xe ra về.
Chai nước mắm đêm cuối năm, có lúc nằm trơ trọi lẻ loi, chịu thân phận hẩm hiu trong sự hắt hủi ghẻ lạnh của nhiều người, nhưng với mình thật quý! Biết thừa là lúc về đến nhà có thể chỉ còn cái chai không nhưng trong lòng vẫn thấy thật ấm áp. Cảm ơn Điển! Chúc anh và gia đình đạt được mọi niềm mơ ước!

Chuyện mừng tuổi




Cứ mỗi dịp tết là nhiều người băn khoăn nghĩ ngợi chuyện mừng tuổi, lì xì. Ngày tết, không ít người chẳng muốn bước chân ra khỏi nhà, cứ thò mặt ra cổng lại quay vào vì hình dung ra một bầy con bầy cháu nhà hàng xóm hay nhà ông bạn nó hớn hở chạy ùa ra chào chú chào cô, mắt ánh lên những tia hy vọng, ngóng chờ.
Mừng tuổi bèo quá sợ mang tiếc ky bo, bủn xỉn nhưng nhiều thì lại không có. Nghĩ đi nghĩ lại đành chôn chân trong nhà cho dù ngoài kia xuân đang tưng bừng khoe sắc, đường phố thôn xóm rộn rã tiếng cười...
Ồi , sao lại phải nghĩ ngợi những điều không đáng thế nhỉ ? Bây giờ mà không còn mừng tuổi, không còn lì xì thì còn tết không? Bánh chưng bánh tét ngày nào chả có, giò chả mua lúc nào cũng được, cờ bạc rượu chè thích thì tổ chức nhậu, rồi chơi, khó gì? Pháo thì cấm mất rồi, chỉ còn mỗi mừng tuổi là tạo ra không khí ngày tết thì việc gì cứ phải suy tư thế nhỉ. Có ai đi mừng tuổi ngày thường không?
Phần lớn trẻ con ( và cả người già nữa) ít khi quan tâm tới giá trị vật chất (nhiều - ít) của món quà mừng tuổi mà chỉ nghĩ tới giá trị tinh thần nó đem lại. Mà rồi cứ mừng qua mừng lại í mà. Thế có nghĩa là mỗi cái động tác ấy mà khiến bao người vui; góp cho sắc xuân thêm thắm, mùi xuân thêm nồng thì đáng quá đi chứ, nghĩ làm gì!
Xuân đang nhạt dần ở đâu đó? Thôi thì cố mà giữ! Mùng 5 vẫn còn là tết. Đang loay hoay học cách lì xì qua mạng đây. Những ai có tên trong danh bạ điện thoại của mình chuẩn bị tinh thần, tít phát là mở điện thoại ra xem ngay nha!

Đèn cù



Sau vài ba tuyên bố lạnh lùng của TT Trump từ khi nhậm chức người ta lại cầu mong cho US mau mau chóng chóng sớm trở lại với vai trò "tên sen đầm quốc tế". Ối kẻ hy vọng USA "thò bàn tay lông lá" vào Biển Đông, Syria, Libya... hay ở đâu cũng được miễn là đừng để cá lớn nuốt cá bé, đừng để chiến tranh xảy ra.
Lão Trump chỉ chăm lo cho lợi ích nước Mỹ, dọa đuổi nhập cư, thu hẹp căn cứ quân sự, cắt phăng TPP ... thì hàng triệu người ở các quốc gia đói nghèo lại gào lên giọng van nài: Lại đây mà "bóc lột tới tận xương tận tủy" tau đi Trump ơi! Mi là nước lớn ! Mi phải thể hiện là một "quốc gia có trách nhiệm" chớ! He he