Thứ Hai, 20 tháng 2, 2017

Lễ hội

Lễ hội biến tướng. Báo chí viết nhiều. Nhà nghiên cứu và quản lý nói mãi. Thế nhưng vẫn nhơn nhơn diễn ra, thậm chí tệ hơn. Nó tồn tại và ngày càng khó coi vì có nhu cầu tự thân, đồng thời lại đáp ứng nhu cầu cho một bộ phận không nhỏ.
Nhu cầu tự thân của khá nhiều lễ hội hiện nay là kiếm tiền. Xã hội có lên án là chụp giật cũng được, ăn xổi cũng được, miễn kiếm được nhiều tiền. Chính quyền sở tại có phần trong miếng bánh béo bở đó không? Cứ xem cách họ ngó lơ hay nghiêm khắc xử lý với hành vi làm tiền thì biết.
Ngoài việc chặt chém, cho bán hàng vô tội vạ, có thể thấy cách kiếm tiền bằng mọi giá của di tích là việc đẻ ra thêm nhiều công trình phụ trợ bên cạnh di tích chính đã có từ hàng trăm năm. Công trình phát sinh ấy thực chất là để hợp lý hóa cái hòm công đức, dựng lên đủ ban bệ thờ để du khách tin tưởng và quả quyết hơn khi rút hầu bao.
Hỏi rằng bây giờ mấy ai đi lễ hội chùa chiền để tìm sự bình an? Phần nhiều là để CẦU. Toàn thấy cầu được cho mình!? Để câu khách, lễ hội, chùa chiền, đình đền, miếu mạo, di tích… hình như đang chủ động ngó lơ bản chất của lễ hội (mà họ hiểu khá rõ), thay vào đó, lại đi theo hướng đáp ứng nhu cầu CẦU của người dân?
Một số người chưa có kiến thức lịch sử, chưa hiểu hết ý nghĩa của lễ hội nên có hành vi tự phát, a dua, làm méo mó lễ hội. Với những người này, khi được cung cấp thông tin, họ sẽ thay đổi. Nhưng nếu thang giá trị trong xã hội bị đảo lộn thì sẽ ngày càng nhiều người lúng túng và mất phương hướng khi tìm kiếm các chân giá trị. Lúc đó họ sẽ mù quáng và mê muội (hay bất lực, chán nản và tuyệt vọng) mò đến thần thánh để cầu may, những mong thành đạt.
Trong một xã hội mà giá trị bị đảo lộn, nền pháp trị vẫn là ước mơ, thì sẽ có nhiều kẻ được rất nhanh và mất cũng rất nhanh. Mọi thứ có được không phải do tài năng đích thực nên thiếu bền vững, và quả thực họ rất thiếu tự tin nên thường trông chờ vào một đấng quyền lực siêu phàm nào đó, nhân vật (mà họ đặt niềm tin) đã, đang và sẽ giúp họ những công việc, vị trí mà họ chẳng có cơ sở nào để nắm chắc thành công. Giành giật đến đổ máu ấn, phết ở một số lễ hội là minh chứng sinh động.
Khi xác định "Văn hóa vừa là mục tiêu vừa là động lực để phát triển kinh tế - xã hội" đội ngũ thinktank cũng đã biết rất rõ vai trò và vị trí của văn hóa. Thế nhưng những gì đang diễn ra lại không thể hiện quyết tâm đúng đắn ấy. Vì sao ư? Vì lễ hội là một phần bộ mặt của XH hôm nay./.

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ