Thứ Hai, 27 tháng 2, 2017

Không cần 1 ngày 8/3 ?


Cá nhân tôi không thích có một ngày cho bất kỳ một đối tượng nào, trong đó có ngày 8/3. Sẽ có người bảo tôi cực đoan, gàn dở bởi đây là ngày của cả thế giới; nhiều quốc gia cũng tìm ra một ngày nhất định để tri ân một đối tượng hoặc một nhóm đối tượng nào đó.

Thì đã sao nào! Cả thế giới nghĩ thế không có nghĩa dập tắt đi trong mỗi chúng ta quyền nghĩ khác. Tôi khẳng định không hề cực đoan và gàn dở bởi vì tôi không hề cổ súy vứt toẹt nó đi mà mong có cả 364 ngày “đều là” mùng 8/3. Chị em phải được tri ân và tôn trọng trong suốt năm như thế chứ không chỉ một ngày.

Sẽ có người nói 364 ngày chưa làm được thì trước hết hãy làm 1 ngày, 1 ngày cũng đáng quý?! Không có gì mỉa mai hơn nếu như ai đó biện luận như vậy. Hãy thử tưởng tượng xem! Vào một ngày mát trời, người ta bỗng thấy đám phụ nữ nhỏ bé, yếm thế, tủi phận quá nên dành cho một ngày. Dành cho một ngày trong 364 ngày là sự ban phát kiểu ban ơn. Ở đó có thể có sự cảm thông, sẻ chia… nhưng nó phảng phất lòng trắc ẩn của bề trên đang nhìn xuống đám tôi tớ. Một ngày vinh danh là đơn vị thời gian khắc nghiệt và độc ác! Vởi phụ nữ, vinh danh và tri ân thì không gian và thời gian không hạn định. Sự mỉa mai ở chỗ đó!

Chị em chẳng ai lại có thể dễ dãi hớn hở và phấn khích khi chỉ có một ngày!  Đó chẳng phải là sự ngậm ngùi thừa nhận chút lộc giời ơi, sặc mùi ban phát và bố thí hay sao? Sự nhẫn nhịn, cam chịu của đặc thù giới tính và bản sắc truyền thống không phải lúc nào cũng được đánh giá cao.

Không có gì có thể làm tổn thương hơn với một nhóm đối tượng nào đó bằng việc chìa ra một ngày và ời ời kêu gọi tôn vinh. Nó càng làm cho một hoạt động lẽ ra thường xuyên và bình thường bỗng chốc biến thành định kỳ và bất thường. Nó ru ngủ mọi người bằng lòng và chấp nhận với khoảnh khắc thời gian ngắn ngủi của một ngày.

Một tờ lịch đỏ với vài dòng ghi chú như một chứng thực cho muôn đời rằng, chưa bao giờ và chưa ở đâu, cái đối tượng được nhắc nhớ trong tờ lịch kia được tôn trọng một cách đầy đủ, lâu dài và tương xứng, bởi vậy nên cần có một ngày.

Một ngày để trả ơn cho sự hy sinh thuộc về thiên chức? Liệu có quá rẻ mạt!

Không cần tô đỏ tờ lịch! Không cần vài dòng ghi chú để nhắc nhớ! Không cần một ngày cho bất kỳ ai! Tri ân và biết ơn thực lòng không cần nhắc nhớ, không cần phải báo thức để buộc phải tỉnh giấc một cách thụ động hay miễn cưỡng. Một ngày biết đâu lại là tấm giấy xác nhận sự bất bình đẳng gớm ghiếc nhất được tẩm nước hoa và in phủ lên trên bằng những đoá hoa hồng. Một ngày là dấu hiệu rực rỡ nhất xác nhận một xã hội mà sự nhân bản vẫn còn là niềm ước mơ.

Chị em rất trân trọng, thậm chí biết ơn tất cả những ai có quà trong ngày này. Đúng! Rất đáng trân trọng và cần khuyến khích những hành động ấy đẹp đẽ như thế trong cuộc sống có phần xô bồ hiện nay.

Nhưng tôi cũng rất khâm phục nhiều chị em rất rạch ròi và thể hiện rõ ràng cách sống không lệ thuộc của bản thân. Họ không cần phải được nhớ đến hay ngóng chờ sự ngưỡng mộ của người khác. Họ không là nô lệ về tinh thần của bất kỳ ai, kể cả chồng con. Bản thân họ tự tỏa sáng! Tôi biết nhiều chị em, trong một hoàn cảnh hay một lý do nào đó, họ tự mua hoa, tự thưởng và tự trân trọng mình bằng nhiều cách trong ngày 8/3. Họ đủ thông minh để biết rằng cuộc đời chẳng bao giờ chiều lòng ai cả, nước mắt đôi khi nhiều hơn nụ cười nên họ bình thản đón nhận rồi tự mình tạo cho mình niềm vui để tận hưởng.  

Có ai đó nói rằng trong cái ngày 8/3 này niềm vui tuyệt đối thuộc về người…bán hoa. Tôi cho đây là câu nói tỉnh táo và dễ thương nhất tôi từng được nghe. Bởi vì trong ngày này, đây đó cũng có người cầm trên tay gói quà hoặc bó hoa trong sự miễn cưỡng hoặc toan tính. 

Nói điều này không có ý nhắc chị em phải cảnh giác. Không cần vì phụ nữ hôm nay cảm xúc có trí tuệ chứ chẳng hề dễ dãi. Họ đánh giá hành vi dựa trên động cơ chứ không phải hành động. Nói điều này để ai có suy nghĩ như vậy thì stop lại vì tình yêu thương không cần (và không thể) theo “phong trào” hay “đợt ra quân”. 

Tôi nghĩ làm thế nào để chị em cảm nhận được sự tôn trọng, được yêu mến chứ không nhất thiết thể hiện điều đó bằng một cử chỉ vật chất. Một câu nói ấm áp, một ánh nhìn cũng thừa sức chuyên chở tình cảm ấy chứ đâu cần lúc nào cũng phải là những đóa hoa rực rỡ.


Tất nhiên, vừa nhìn nhau, vừa nói những câu ấm áp (để chị em hiểu rằng họ đang được yêu thương) lại vừa tạo điều kiện cho người bán hoa có niềm vui tuyệt đối thì còn gì bằng!  Nhưng làm sao đừng chỉ có trong mỗi một ngày 8/3!

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ