Thứ Năm, 28 tháng 5, 2015

Kỷ niệm không thể quên ở SEA Games 21.



Đã 14 năm kể từ SEA Games 21 rồi đấy anh Minh Hùng ạ! Anh em mình (lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất) gặp nhau vỏn vẹn có vài chục phút nhưng kỷ niệm thì không bao giờ quên.

Anh Minh Hùng 

SEA Games 21 (2001) tổ chức ở Malaysia. Đài cử mình đi viết bài. Số mình lận đận! Cận ngày tổ chức vẫn chưa thấy quyết định (bằng văn bản) của cơ quan, chạy sang hỏi chị Kim Cúc, Phó Tổng giám đốc, chị ngạc nhiên gọi ngay cho chị Hoàng Minh Nguyệt, Trưởng Ban Quan hệ quốc tế… Nhờ có hai bà chị sốt sắng, thương mình nữa, nên cuối cùng cũng lấy được vé để lên đường.

Hồi đó đi lại khó khăn, đại hội thể thao khu vực mà đài cử đi mỗi mình mình. Kinh nghiệm thì chưa có, tiếng Anh thì vớ vẩn, lĩnh vực thể thao thì i – t … nên mình lo ghê lắm! Đã vậy sang tới nơi, Ban tổ chức SEA Games 21 nói không tìm thấy thẻ. Họ hướng dẫn mình chạy khắp Kualalumbur, từ Đài PT-TH Malaysia đến UB thể thao,UB Olimpic… của họ cũng chẳng thấy tăm hơi thẻ đâu. Ông Malaysia bảo ông UB TDTT VN chưa gửi qua. Ông UBTDTT VN bảo gửi rồi. Không có thẻ đồng nghĩa với việc không thể vào sân hoặc nhà thi đấu.

Mình mệt mỏi, thất vọng ngồi bệt ở hành lang Trung tâm báo chí nghĩ nước cuối cùng chắc phải làm kiểu “bên lề”, tức là phản ánh những cái râu ria diễn ra bên ngoài chứ chẳng lẽ lên máy bay về nước?

Đang lúc chán nản cùng cực ấy thì một anh thấp đậm ngang qua, nhìn mình đang nửa nằm nửa ngồi ở hành lang (mặt chắc dài như cái bơm, thảm hại lắm),  anh hỏi mới sang đây lần đầu phải không?

Đấy chính là nhà báo Minh Hùng – Báo SGGP. Mình kể hết cho anh nghe cơ sự, rồi anh ngoắc mình theo, bảo cứ yên tâm để anh lo. Anh dẫn lên gặp một quan chức của BTC SEA Games, nói đại ý thằng này nó làm cùng tao ở VN sao không có thẻ là sao?  Anh Hùng nói tiếng Anh rất tốt, lại rất khôn khéo (nhận đồng nghiệp Báo SGGP) nên họ đồng ý cấp thẻ bổ sung ngay sau đó vài phút. Sau này để ý thấy có bài báo anh Minh Hùng viết được dán trên bảng tin của BTC SEA Games chứng tỏ anh rất có uy tín và có quan hệ chặt chẽ với họ.

Cầm được tấm thẻ (là PV Báo SGGP) trong tay mình chỉ muốn khóc oà vì mừng. Trong khi đó anh Hùng cứ như không. Anh rủ đi uống nước, kể vài câu chuyện vui vui như tính cách Văn Sỹ Hùng thế nào, tính của Hồng Sơn ra sao; anh cũng chẳng lên lớp dặn dò, cũng chẳng kể làm thể nào để có được thẻ cho mình. Rồi tiền nước anh cũng nhất định không để mình trả. Suốt nửa tháng sau đó ở Malaysia, mình không gặp lại anh nữa.

Về nước, kẻ Bắc người Nam chẳng gặp được anh. Năm ngoái, đọc báo thấy có giải bóng đá giao hữu gây quỹ giúp đỡ nhà báo Minh Hùng bị tai biến, mình giật bắn. Trời đất! Anh Minh Hùng thoắn thoắt, đi thế giới như đi chợ để theo dõi các trận bóng đá, sẵn sàng rút ví ra vài trăm đô thưởng cầu thủ VN khi các em thi đấu đẹp mắt và tận tình giờ lâm hoàn cảnh khó khăn và hiểm nghèo như thế này ư?

Rồi mình được điều vào Cần Thơ làm việc. Định lên Sài Gòn thăm anh nhưng công việc cứ cuốn đi. Rồi đang lúc mọi người vui đón tết Ất Mùi thì cha đẻ của “Quả bóng vàng”, “Chiếc giày vàng” đột ngột, lặng lẽ trút hơi thở cuối cùng. 

Chưa lên thăm anh, để cảm ơn anh một lần nữa, tha lỗi cho em! Chưa gặp lại anh, nhưng 7 kỳ SEA Games qua, SEA Games nào em cũng nhớ tới anh.   

Cảm xúc trong nghề báo.

Tình cờ tìm được bài này của mình trên mạng. Nhân 21/6 /2015 đăng lên đây : http://citinews.net/xa-hoi/cam-xuc-trong-nghe-bao-5HR6CGI/

Thứ Hai, 25 tháng 5, 2015

Để thành công.


Ở Hệ VOV2 hội tụ rất nhiều người sành ăn. Thế hệ anh chị có Bích Đào, Bích Hà, Trần Lưu Hồng Hạnh, Xuân Bách… Tiếp bước “truyền thống quý báu của cha ông” thế hệ trẻ V2 cũng sở hữu vân vân và vân vân những cái miệng say mê ẩm thực.

Chỉ cần nói hôm nay anh muốn ăn “bờ”- b…, tức là nói chưa hết câu chúng nó đã nhao nhao, bún hả bún hả…., và sau đó là một danh sách dài các quán, từ gần cho tới xa, từ lê lết vỉa hè cho tới các tiệm đèn đuốc sáng trưng, có nhân viên lau mũi lau mồm cho thực khách.

Có lần anh Bách vừa bước vào cơ quan đã cười phớ lớ hoan hỉ thông báo vừa phát hiện một quán phở ngon, mạn đường Nguyễn Trường Tộ. Sáng hôm sau mình tới ngay nhưng khổ nỗi ở đó có mấy hàng cạnh nhau.

Dừng xe suy nghĩ một hồi mình cả quyết nhắm quán mà kế bên có hàng nước trà chén đông người nhất. Quyết định không hề sai.

Đúng là bà bán phở đông thì ông bán nước cũng được nhờ. Nếu nhà bán nước chè bên cạnh thấy nhà bán phở đông khách mà hậm hực, ra lườm vào nguýt, đít xe của khách nhô sang độ gang tay là ra đập vào yên một cái, đạp vào bánh một phát, mặt xưng mày xỉa… thì chắc xôi hỏng bỏng không, mất cả chì lẫn chài, nước chè cũng chẳng đông khách đến thế mà tình nghĩa thì vơi dần.   

Trong Status trước mình nói về tính đố kị. Đố kị là không muốn đứa nào vượt lên trước, bằng mọi giá phải đẩy nó về phía sau để cá nhân mình luôn dẫn đầu.

Kỳ thực thì cách làm thiển cận và mông muội ấy không đem lại kết cục gì tốt đẹp. Câu chuyện bán phở và bán nước kể trên là minh chứng.  

Tự cổ chí kim, từ Đông sang Tây đều nhắc nhớ điều này: Help others achieve their dreams and you will achieve yours (Giúp người khác dành được giấc mơ của họ, bạn sẽ đạt được giấc mơ của mình). Và hôm nay, trên thương trường và trong đàm phán, người ta vẫn đang dùng nguyên tắc cùng thắng (WIN-WIN) để thi thố tài năng. Vì thế hãy giúp người bên cạnh thành công nếu bạn muốn thành công. Khi chưa làm được như thế thì hãy biết vui mừng với thành công của bè bạn. 

Bữa hôm mình mệt, vừa uể oải vươn vai ngáp cái rõ dài vừa nói: Hôm nay anh muốn ăn “lờ” (tức là vì ngáp mà chưa nói hết câu), thế là chúng nó ùa tới, nói lẩu hả anh lẩu hả anh. Những đứa như thế này sớm muộn gì cũng thành công!


  



Chủ Nhật, 24 tháng 5, 2015

Tính đố kị sinh ra từ đâu?



Một lần mình đi cùng đoàn cán bộ của Bộ GD-ĐT xuống trường Đại học N.N làm việc, trong đoàn có anh B, trước là nhân viên trường này, sau lên Bộ GD-ĐT làm, rồi lên chức vụ phó.

Trong lúc làm việc, một vài cán bộ ngồi phía sau hất cằm lên phía hàng nghế đầu, nơi có anh B ngồi, nói thằng B đấy, trước làm cùng phòng với mình. Anh phía sau cười khẩy, giọng bâng quơ, nói nó đấy à, ghê nhỉ. Chị bên cạnh trề môi, nguýt cái, nói ôi dào ôi, trông cũng ra dáng quan cách…, anh kế bên đang vặn mồm để nhổ râu phụ hoạ: Chuyện, giờ người ta lên sếp !...

Mình  ngồi cuối nghe hết, chẳng biết nên gọi là dèm pha, dè bỉu, chì chiết, thoá mạ…hay gì gì nữa. Tóm lại giới trẻ hôm nay gọi là GATO, còn lịch sử 4000 năm kêu là đố kị.

Tính đố kị của người Việt từ đâu ra mà gớm ghiếc vậy, sống thọ đến như vậy nhỉ?  
 

TỪ HÔM QUA.
Là một đất nước nông nghiệp nên mình sẽ bắt đầu từ nông thôn. Mối quan hệ và các thiết chế làng xã ở nông thôn (nhất là miền Bắc) cực kì chặt chẽ, “chất” phong kiến đậm đặc, ở đó vai trò dòng tộc, họ tộc là rất lớn. Họ nào đông, có nhiều người đỗ đạt là vinh quang lắm, ầm ĩ lắm, người trong họ đi đâu cũng có quyền vênh vác, kiêu ngạo. Các họ khác “tức nhau tiếng gáy” thì quyết không thua chị kém em, thậm chí coi sự vượt mặt của dòng họ nào đó như cái gai, như mối thâm thù. Thế rồi chẳng biết từ lúc nào, chuyện dòng họ, dòng tộc đua ganh như thế ăn sâu vào mỗi cá nhân.

Cùng là nông thôn nhưng nông thôn Nam Bộ có một số đặc trưng khác so với nông thôn cổ truyền ở miền Bắc. Là vùng đất mới, cư dân tứ phương nên tính cố kết cộng đồng nơi đây lỏng lẻo hơn. Mặt tích cực của đặc trưng này là người dân không bị giam hãm, bó buộc trong những quan niệm, tập quán, quy ước cứng nhắc, cổ hủ. Tính mở (trong tôn giáo, sinh hoạt, địa giới, giao thông…) của làng xã ĐBSCL là rất lớn. Cấu trúc xã hội mở như thế tạo cho người dân Nam Bộ tính phóng khoáng, tự do. Phải chăng vì thế mà (nhìn chung) người Nam Bộ ít bị tính đố kỵ chi phối?

Một câu hỏi nữa đặt ra là liệu tính đố kỵ có liên quan tới “giai cấp” và “bao cấp”?

Chúng ta từng cổ động nhiệt thành cho giai cấp công nhân (hàm ý người lao động chân tay), giai cấp được cho là tiên tiến nhất. Trong khi đó, có một thời kỳ vai trò của trí thức, nhà buôn…bị xem nhẹ.  Mà đã là người lao động thì phải khổ khổ, nghèo nghèo, bẩn bẩn tí. Ai hôi nách có lỡ xức tí nước hoa ngay lập tức bị liệt vào hàng “tiểu tư sản”, là thành phần phải đấu tranh loại bỏ hoặc cần được “giác ngộ”. Phong trào rạch quần ống loe, cắt bỏ những bộ tóc dài (của đàn ông) là minh chứng.

Thời bao cấp là thời của mọi người cùng tiến, dàn hàng ngang mà tiến, ai nhấp nhô chút đỉnh coi như xong. Mua được tí thịt rang mà hàng xóm ngửi thấy là chết, dao thớt băm chặt mà kinh động đến láng giềng cũng chết. Tố địa chủ và cải tạo công thương đã trở thành chủ trương kia mà. Nó dữ dội và quyết liệt đến mức dân gian dùng một từ là “đánh”.

…VÀ HÔM NAY.
Quan niệm hễ ai hơn người là đồng nghĩa với kẻ xấu không chỉ tồn tại ở hành vi cụ thể mà còn thường trực trong tư duy. Cho tới hôm nay, trong truyện thiếu nhi, nhân vật giàu có thường gắn với lừa lọc, tham lam, độc ác…

Đã có nghiên cứu khẳng định tính đố kị liên quan tới sự so sánh. Và để tránh tính đố kị thì đừng sống trong thế giới của những so sánh. Đáng tiếc là ở một vài nơi, trong lớp, một trò nào đó giỏi nhất vẫn thường được giáo viên bốc lên tận mây xanh rồi buộc học sinh khác phải triệt để học tập, coi đó như tấm gương sáng ngời, là mẫu hình để các em khác nhất nhất noi theo. Cùng với việc đề cao một trò nào đó là phê bình (có khi thậm tệ) những em khác mà biểu hiện sinh động là hình phạt và những tờ kiểm điểm.

Thay vì bắt các em phải ganh đua (rất dễ biến tướng thành ganh ghét), thay vì so sánh với bạn này bạn kia, thì nên khuyên trò hãy so sánh với chính bản thân mình ngày hôm qua. Bởi vì người ta chẳng bao giờ thành công khi cứ rập khuôn theo mẫu hình của người khác. Người ta sinh ra như một nguyên bản thì đừng bao giờ chết đi như một bản sao. Bill Gate nói: “Đừng so sánh mình với bất cứ ai trong thế giới này. Làm như vậy có nghĩa bạn đang sỉ nhục chính bản thân mình.” Vì thế đừng để trường học (vô tình) thành nơi nuôi dưỡng và dung túng sự đố kị, hẹp hòi.


Sẽ có nhiều nguyên nhân khác làm cho người ta mắc tính đố kị nhưng mình  dừng ở nguyên nhân xuất phát từ chính nhà trường để (cùng với mẩu chuyện có thực xảy ra tại Đại Học NN ở đầu bài viết) muốn nhắc các bạn rằng, khi không thể dời ngôi trường của con sang Mỹ sang Anh thì hãy thay đổi chính mình. Tức là đừng bao giờ lấy con hàng xóm ra để dạy con mình, và quan trọng hơn, bố mẹ cứ sống cởi mở, đôn hậu, nghĩa tình thì tự khắc con cái chúng nó theo.  



Thứ Bảy, 23 tháng 5, 2015

Phím à?


Lại có cả chuyện “phím” trước câu hỏi cho bộ trưởng trong các phiên chất vấn ở quốc hội cơ à (Báo Dân trí 23/5/2015)?

Chuyện đó không biết thật không nhưng chuyện này thì có thật. Hồi mình còn trực tiếp viết về mảng GD, xuân thu nhị kỳ hễ họp quốc hội là ở một bộ nọ mời tất thảy đại biểu QH đang công tác trong ngành đến bộ, gọi là gặp mặt. Sau “gặp mặt”, với dăm câu ba điều thì bác đại biểu nào cũng hớn hở ra về với một cái túi giống nhau.
Chẳng biết các bộ ngành khác có “gặp mặt” thế không và liệu “cái túi” ấy có ảnh hưởng gì tới chất lượng câu hỏi chất vấn không? Có làm cho các đại biểu do dự và tặc lưỡi bấm nút thông qua một dự luật không?
Thực ra số ĐBQH này thấm gì so với tổng số nửa triệu đại biểu trên hội trường. Nhưng họ lại là những người am hiểu lĩnh vực nhất. Họ mà không có ý kiến hoặc câu chất vấn hay trong lĩnh vực của họ thì còn trông chờ vào ai nữa.
Cứ thấy mấy cái luật chưa sinh đã tử (Luật GD nghề nghiệp, Luật BHXH) mình băn khoăn lắm.

Lại nói về nghề.


Chẳng ai biết có bao nhiêu nghề trên đời. Mỗi giai đoạn lại xuất hiện nghề mới và một số nghề cũ sẽ biến mất sau khi làm tròn sứ mệnh lịch sử. Nghề đóng cối và hoạn lợn mình theo đuổi từ bé nay coi như tuyệt chủng trong khi nghề nhổ tóc bạc, nhổ râu lại lên ngôi.
Mình trăn trở tái cơ cấu ngành nghề cho bản thân không chỉ vì nghề thiến lợn bị soán ngôi, mà tới đây, nghe nói giảm biên kinh lắm. Bộ Nội vụ đánh tiếng sẽ hạn chế, không để nhiều cấp phó như hiện nay. Thằng bạn thân bảo “phó như mày chỉ là kê thêm ghế chứ làm được cái đ… gì”. Nó nói như hắt nước đổ đi khiến mình khóc mãi.
Làm gì bây giờ? Chẳng nhẽ thụ động ngồi im chờ chết. Phải tìm nghề gì mà chưa ai làm mới “ăn”.
Một số người theo y học thay thế, hay còn gọi là y học không tập quán khẳng định rằng, “khí thải” của mỗi người đều chứa đựng các sắc thái nhất định: đắng, thơm, ngọt hoặc tanh… "Khí thải" có mùi bất thường có thể được coi là biểu hiện của nhiều chứng bệnh nguy hiểm. Những sắc thái này có thể được sử dụng để phát hiện bệnh nhờ khứu giác thính nhạy, sắc bén của một chuyên gia được đào tạo bài bản. Đó là nghề ngửi rắm.
Nghề này hay! Sốc-độc-lạ và chưa ai làm! Xưa có Việt vương Câu Tiễn nhưng thất truyền rồi.
Cùng thuộc lĩnh vực nghề “ngửi-nếm” hái ra tiền có ngửi nước hoa và nếm rượu vang nhưng hai nghề này lại không có ở Việt Nam.
Còn trong lãnh vực nghề “thử” mà độc thì có thử giường hạng sang. Siêu giường 6 tỉ có xuất xứ từ UK của đại gia Lê Ân cũng đã phải trải qua những cuộc thử nghiệm khắt khe này với tần suất “hoạt động” tối đa của các cặp đôi có trọng lượng từ trung bình tới siêu nặng; từ da trắng, da vàng, thậm chí da đen. Mình xưa nay toàn nằm chõng tre, võng Duy Lợi nên vụ này e khó.

Đang vật vã tìm việc thì thằng bạn da đen, sống ở Úc, điện khoe vừa chuyển sang hãng Durex làm, hot lắm, sướng lắm. Mình hỏi làm gì, nó bảo thử bao cao su.
Các bạn luôn băn khoăn làm nghề gì, trong nhà nước hay ngoài tư nhân, với tây hay với ta? Thật khó có câu trả lời thoả đáng cho tất cả.
Mấy ông công chức viên chức thấy cuối năm doanh nghiệp hạch toán thưởng nhân viên vài chục triệu là rên lên, sướng thế, mình không bằng số lẻ.
Mấy bạn làm tư nhân thấy “đầy tớ” ngồi điều hoà mát rượi, 9 giờ vẫn xỉa răng, nặn mụn trứng cá, ngồi dũa móng tay bâng quơ hỏi Angelina Jolie đi cắt buồng trứng về chưa .v.v, thì cũng bảo sướng thế, trong khi mình vục mặt làm báo cáo ngày, báo cáo tuần; chạy rầm rập ngoài đường giải quyết đơn hàng này, hợp đồng kia.
Nếu như các bạn làm việc trong môi trường áp lực, cạnh tranh thì trí não luôn luôn suy nghĩ, tư duy và tư duy nên nếp nhăn trên vỏ não ngày càng nhiều, diện tích ngày càng rộng, chất xám ngày càng tăng, năng lực sáng tạo tràn trề. Các bạn sẽ không có thời gian ngồi ngoáy mũi tranh luận rốn Ngọc Trinh đẹp hay rốn Lý Nhã Kỳ đẹp hơn… nên các bạn sống hào sảng, độ lượng và đôn hậu, đi đâu mặt mũi cũng sáng bừng, năng động, tự tin, ai cũng quý, ai cũng thương, ai cũng khen giỏi giang.
Như mình đây, kể từ khi xa quê sang Úc Đại Lợi đầu quân cho Durex, ai cũng phải kêu lên: Ối dzồi ôi! Phong ơi! Mày làm hay quá, làm giỏi quá, trên cả tuyệt vời!


(Một hôm bạn về nhà bằng con đường khác và giật mình thấy nó ngắn hơn, hai bên đường cũng đầy hoa thơm quả lạ)

Thứ Tư, 20 tháng 5, 2015

Really?


Hôm nay xem cái clip ghi lại cảnh một thanh niên miệng ngậm còi tay cầm dùi cui đứng điều tiết giao thông ở ngã tư Quan Nhân (Hà Nội). 

Chuyện này không mới vì trước đó mạng xã hội từng tung hình ảnh thanh niên xăm trổ đầy mình, cầm điếu cày hướng dẫn giao thông; lại có cả ông Tây giang hai tay như lùa vịt để ngăn người đi ngược chiều…Báo chí chính thống cũng từng khen đứt lưỡi các bác già, bỏ cả bu già ở nhà, để tình nguyện gác ghi hoặc giúp học sinh qua đường.



Nhìn những hình ảnh đó ai cũng cảm động và le lói một niềm tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Mình cũng thế! Một lần khoe với thằng bạn Tây về những volunteers (tình nguyện viên) ấy thì nó tròn mắt: - Really? (thế à) Mình mỉm cười quay đi chỗ khác, không thèm trả lời, để tự nó suy ngẫm sâu sắc thế nào là một đất nước “hạnh phúc thứ nhì thế giới”.   


Rồi đột nhiên nó tỉnh queo, nheo mắt vỗ vai mình, nói nước mày thú vị thật đấy, ai cũng có thể làm được luật và ai cũng có thể thực thi luật.