Thứ Hai, 8 tháng 4, 2013

Nói không biết sao mà khó?



Tôi theo học  nhiều khóa tiếng Anh rồi nhưng nói thật, chữ thầy lại giả thầy. Thầy Tây có thầy ta có thầy nào cũng giỏi cũng hay, mỗi mình kém. Bây giờ thì trong đầu chẳng còn mấy chữ nữa và tôi tự an ủi một câu rất AQ rằng mình không có năng khiếu.



Học tiếng Anh, tôi sợ nhất nghe hiểu cho dù thính lực của tôi, đo rồi, độ nhạy cao hơn các chỉ số của người bình thường. Thế nên những lúc thầy quay xuống hỏi, dù chẳng hiểu mô tê gì nhưng đầu vẫn gật gật, nói dzẹc dzẹc (yes). Lúc đó thầy có bảo “sao mày ngu thế” chắc vẫn ngớ ngẩn nhe răng ra cười, nói dzẹc dzẹc.

Thế nhưng cái vụ dzẹc dzẹc này nhiều khi hữu dụng ra phết. Hồi năm 2000, tôi sang Malaxia theo dõi SEAgames, lúc về VN, anh Dư Hải, phóng viên ảnh báo Thể thao TP HCM bị an ninh sân bay ách lại. Anh Hiền Quân, người khá Anh ngữ nhất trong nhóm, lên máy bay ngồi rồi lại phải lật đật chạy ra trợ giúp.

Chỉ vài phút trước khi máy bay lăn bánh,  Dư Hải với cái khăn rằn vắt vai mới thò mặt vào khoang. Anh Quân bảo  ổng ở quá ngày nên bị an ninh giữ. Mình hỏi thế anh nói sao mà họ cho qua tài vậy? Anh Quân trợn mắt, nói tao kịp nói gì đâu, ra thấy ổng tay vung loạn xạ, chỉ lên trời rồi chỉ xuống đất, nói dzẹc dzẹc liên hồi, rồi an ninh sân bay nó cũng ớn, nó cho ổng qua.

Dư Hải chắc cũng khá tiếng Anh lắm nhưng anh dzẹc dzẹc giả đò thôi, còn cái kiểu dzẹc dzẹc của tôi là kém thật. Thói đời đã kém lại ra cái vẻ ta đây hiểu biết.

Tôi còn nhớ lần cuối cùng  học tiếng Anh là do một anh Tây ba lô dạy, vì sĩ diện nên anh ta hỏi cái gì tôi cũng gật gật, cười cười, nói dzẹc dzẹc. Cuối buổi "thầy" ghé tai tôi nói rành rẽ từng từ bằng tiếng Việt: Yes, Yes cái cục…shit, đã không biết còn tinh tướng. Hôm sau tôi nghỉ học luôn, nghỉ từ đó tới nay, và có lẽ không bao giờ nữa.

Ông thầy Tây này trẻ nhưng sõi tiếng Việt còn hơn cả Joe Ruelle, tác giả cuốn “Ngược chiều vun vún” mà  joe viết bằng tiếng Việt. Trong cuốn này Joe khuyên người Việt khi gặp Tây thì nói “xin chào” cho anh í nhờ,  Tây họ vẫn hiểu, không cần bi bô hế - lô hế - lồ mới là hội nhập, là hiếu khách.

Nhiều người, trong đó có cái thằng tôi, cái gì cũng vâng vâng dạ dạ, tỏ vẻ ta đây biết rồi nhưng kỳ thực chưa hiểu lắm.

Tôi đọc đâu đó trên mạng viết về ông Frank Wagner, chuyên gia cự phách của Trung tâm đào tạo Carnegie về phát triển nguồn nhân lực, nêu ra 20 thói quen giết chết sự nghiệp, trong đó cái thói tinh tướng của tôi chiếm hai điều: Winning too much và Telling the world how smart you are. Các bạn rành tiếng Anh dịch sao tùy, nhưng tôi gọi nôm na là “tinh tướng”, “tinh vi cái gì cũng biết” cho dễ hiểu.

Biết nói là biết. Không biết nói không biết. Như thế mới là biết (Tri chi dĩ vi tri. Bất tri dĩ vi bất tri. Thị tri.) Câu này có từ thời ông Khổng Khâu nhưng cho tới giờ mấy ai đã dám đối mặt với sự kém cỏi của mình.

Riêng cái này tôi phục cô Trọng, làm hành chính kiêm tài vụ chỗ tôi. Cô Trọng người Tày, thuộc thế hệ của thời bao cấp. Bước vào kỷ nguyên Internet nên nhiều cái cô bỡ ngỡ lắm, vì thế câu cửa miệng của cô là “cái - đó - Trọng - không - biết”. Cô nói chậm rãi, mắt mở to ngơ ngác chân thành, chẳng ai nỡ bực. Kỳ thực, cô biết hết, biết tuốt, biết hơn chúng tôi rất nhiều.

Cô Trọng về hưu lâu rồi nhưng “cái - đó -Trọng - không - biết” vẫn là câu nói “bất hủ” để răn dạy thói tinh tướng, tinh vi, chưa “thu” đã “phát” của đám trẻ chúng tôi.

Biết sơ sơ cái gì đó thì nhiều khi “nổ” rầm trời, nhưng chưa  biết, chưa hiểu thì cấm có mở miệng bảo tôi “không biết”.  Nói không nhiều khi khó thế! Chẳng hiểu sao. Biết  khó nên tôi lên kế hoạch "giác ngộ" dần dần. Đầu năm khai bút, tôi viết DON'T RAISE MY VOICE (đừng lên giọng), to tướng đặt trước mặt. Thế mà chưa hết quý 1 đã "vi phạm" mấy lần.

Anh bạn qua chơi dòm dòm dòng chữ ấy hỏi sao không viết bằng tiếng Việt, lại sợ người ta bắt thóp chứ gì. Tiếng tây của mày được mấy chữ. Tôi ngồi "ngọng" luôn, không nói được câu nào. Tinh tướng nó khổ thế!

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ