Loa phường và quản trị xã hội.
Sáng nào tôi cũng đi làm qua ngã
tư Hàng Dầu và Lò Sũ (Hà Nội ). Cái lối đi quen thuộc khiến tôi chẳng bao giờ
để ý cảnh vật xung quanh, chỉ biết cứ đến chỗ có tiếng hai cái loa hướng vào
nhau ổng ổng như cãi vã thì đích thị đấy là ngã tư Lò Sũ - Hàng Dầu. Có bận cố
lắng nghe nhưng tôi chẳng hiểu loa đang phát cái gì vì mỗi cái của một phường,
phát hai nội dung khác nhau.
Chuyện loa phường dư luận có ý
kiến cả chục năm nay nhưng vẫn vậy. Rõ ràng nhà quản lý biết thừa những rắc rối
phiền toái nhưng vì lý do nào đấy họ vẫn duy trì sự tồn tại của chúng.
Mục đích của loa phường chủ yếu
để thông báo cắt điện, dọn vệ sinh và tuyền truyền các đợt ra quân… Như vậy có
thể nói chức năng chính của nó là góp phần quản trị xã hội.
Vì thế đừng hy vọng tiếng loa
phường mất đi trong ngày một ngày hai, nhất là tình hình trật tự, trị an, tôn
trọng pháp luật còn phức tạp như hiện nay.
Đấy là tôi đứng ở vị trí các nhà
quản lý mà suy diễn như vậy, chẳng biết có đúng không. Nhưng mà dù chức năng
nhiệm vụ của nó là gì đi nữa, thiết nghĩ, các nhà phụ trách loa phường ở các
cấp cũng nên quan tâm tới một vài nguyên tắc thế này.
Trong giao tiếp, bất cứ ở dạng
nào, đều phải hoàn tất quá trình: (người) NÓI phải (có người) NGHE, NGHE phải
HIỂU, HIỂU phải LÀM thì quá trình giao tiếp ấy mới coi là thành công trọn vẹn.
Trong lý luận truyền thông kinh
điển, quá trình này có thể diễn giải như sau: THÔNG TIN -> NGƯỜI TIẾP
NHẬN-> THAY ĐỔI NHẬN THỨC-> PHẢN HỒI. Nếu bị gián đoạn ở bất cứ một khâu
nào trong chu trình khép kín nói trên thì giao tiếp (thông tin) cũng bị coi là
thất bại.
Như vậy có thể thấy ngay từ cái
khâu đầu tiên (NÓI - NGHE) loa phường đã thua rồi còn gì. Nói mà không ai nghe
thì mớ âm thanh ồn ào ấy chỉ góp phần làm ô nhiễm môi trường.
Mỗi giai đoạn lịch sử có những
biểu tượng riêng. Tôi nhớ những năm 70-80 ở miền Bắc, trên các bức tranh cổ động cho đời
sống công nghiệp hiện đại thể nào cũng vẽ những ống khói cao ngất nhả khói mù
mịt lên bầu trời. Rồi giai đoạn ĐỔI MỚI là hình ảnh các khu tập thể tua tủa dàn
ăng ten vô tuyến, trông rất thiếu thẩm mỹ.
Loa phường, cùng với những khẩu
hiệu chăng dọc ngang các tuyến phố, có lẽ là những hình ảnh hiếm hoi từ thời
bao cấp còn sót lại nguyên vẹn ở giai đoạn của nền kinh tế tri thức hôm nay. Chẳng
thể phủ nhận sứ mạng lịch sử của khẩu hiệu và loa phường trong những ngày miền
Bắc vừa sản xuất vừa chiến đấu. Song, mỗi giai đoạn có những đặc điểm riêng;
những thứ có giá trị, hoạt động hiệu quả một thời không có nghĩa chúng vẫn phát
huy tác dụng tốt như vậy ngày hôm nay.
Dân trí, thông tin và các loại
hình truyền thông đã có bước phát triển rất mạnh, vì thế việc quản trị xã hội
cũng nên quan tâm tới bối cảnh và đặc biệt là đối tượng để lựa chọn phương tiện
sao cho hợp lý.
Ngô Thiệu Phong