Chúng ta đang để mất…chúng ta?
Trong bài viết lần trước cho mục
Blog toà soạn, tôi có nói tới việc làm cho người dân để không phát sinh những
hệ lụy đau lòng, kiểu “bần cùng sinh đạo tặc”. Sau khi bài báo được đăng, một
nhà nghiên cứu văn hóa dân gian gợi ý tôi viết thêm về bảo tồn các giá trị
truyền thống, coi đó là sức mạnh của dân tộc.
Đề tài rất hay rất thời sự nhưng quá
lớn, tự lượng sức mình không kham nổi, vả lại không phù hợp với Blog nên tôi
chỉ xin kể ra đây vài mẩu chuyện.
Tháng 7/2011 tôi có chuyến công
tác lên huyện Bắc Hà và Si - Ma- Cai tỉnh Lao Cai. Đúng thứ bẩy nên tôi tranh
thủ thăm chợ Bắc Hà. Tại đây tôi vô cùng bất ngờ khi thấy các sạp hàng bày bán
nhan nhản đĩa CD cùng với dầu hỏa, thuốc uống chữa bệnh và thuốc sâu. Hỏi mới
biết đấy là đĩa CD bài hát tiếng Mông bà con mua ở bên kia biên giới rồi đem về
bán lại. Vào mấy bản ở Lùng Phình, cách Bắc Hà hơn hai chục cây, tôi thấy bà
con nghe và xem loại đĩa này rất nhiều, nếu không muốn nói là duy nhất.
Nghe đâu nội dung các bài hát là về
tình yêu, quê hương, gia đình…, nhưng ca sỹ và phong cảnh thì được quay ở Trung
Quốc, trên màn hình có hiện chữ Mông đã được Latin hóa.
Chợ Si-Ma-Cai nhỏ hơn Bắc Hà
nhưng các loại đĩa CD như trên cũng được bày bán phổ biến. Tôi nhớ hồi đó ông
Phó Chủ tịch Si-Ma-Cai Giàng A Hòa có bảo “đi thu nhưng không xuể, mới lại đó
cũng là nhu cầu chính đáng của bà con…” Còn ông Thào Seo Cấu, Phó Chủ tịch Bắc
Hà thẳng thắn nói bà con đang rất thiếu các món ăn tinh thần.
Cách đây mấy hôm, phóng viên đi
công tác ở huyện Hạ Lang – Cao Bằng về kể bà con dân tộc Tày, Nùng ở mấy xã
giáp biên cứ sang bên kia hát các bài hát truyền thống, phía Trung Quốc thu âm
lại thành đĩa CD, “bắn” chữ Trung Quốc lên hình rồi lại bán về Việt Nam.
Còn cách thủ đô không xa, ở xã
Giáp Sơn, Lục Ngạn, Bắc Giang, bà con dân tộc Sán Dìu ở thôn Thái Hòa đã tụ tập
nhau lại để hát qua điện thoại cho bà con cùng dân tộc ở tận xã Năm Hòa, Phú Bình,
Thái Nguyên. Tính ra có buổi tốn cả trăm ngàn tiền điện thoại, một số tiền
không nhỏ, nhưng điều đó không quan trọng bằng việc họ hát cho nhau nghe những
bài ca Sán Dìu truyền thống.
Nếu như hát qua điện thoại ở Lục
Ngạn là một lời nhắc khéo cho những người làm công tác văn hóa, thì hơn thế,
việc sang bên kia biên giới hát và mua đĩa CD về rất đáng lo ngại về mặt an
ninh, quốc phòng.
Chúng ta tự hào vì hàng ngàn năm
Bắc thuộc mà không bị đồng hóa. Vậy thì nay đừng để niềm tự hào đó bị tổn
thương. Sự giàu có (thậm chí sự tồn tại) của một dân tộc không chỉ vì dân tộc
đó lắm tiền nhiều của mà còn là một dân tộc có truyền thống văn hóa và giữ được
bản sắc. Phải chăng chúng ta đang để đánh mất chính mình?
Ngô Thiệu Phong
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ