Chém người - bần cùng sinh đạo tặc ?
Một đồng nghiệp, khi nhắc tới vụ
tên Nguyễn Vũ Sang lẻn vào tiệm vàng chém chủ nhà cướp vàng, đã viết trên
facebook là “bần cùng sinh đạo tặc”. Sau khi bị bắt, Sang khai cha mẹ chia tay,
hắn cũng bỏ học lên TP.HCM làm thuê kiếm sống qua ngày. Vì thế tôi thấy nhận
xét của đồng nghiệp như vậy cũng có lý.
Tên Sang
Sự việc của tên Sang càng khiến
dư luận quan tâm khi trị an khu vực phía Nam thời gian qua diễn biến manh
động và tàn ác. Rồi đây các nhà quản lý và khoa học sẽ đánh giá những tác động
của việc làm tới các vấn đề xã hội nảy sinh, trong đó có an ninh trật tự.
Theo dự báo của Bộ Kế hoạch &
Đầu tư, năm nay có khoảng 50.000 doanh nghiệp rời thị trường, cộng với 49.000
của năm 2011 là xấp xỉ 100.000. Con số này tương đương với một nửa số doanh
nghiệp “chết” trong vòng 20 năm qua. Chưa bao giờ doanh nghiệp lại “chết” nhiều
như vậy.
Doanh nghiệp “chết” thì người lao
động buộc phải về quê để tìm thu nhập trên chính mảnh ruộng của mình. Nhưng cứ
nhìn vào làn sóng li nông li hương lên phố kiếm sống thì đủ biết kiếm được đồng
tiền nhờ vào mảnh ruộng cực cỡ nào.
Giảm tỷ trọng nông nghiệp là chủ
trương chung của nhà nước. Nhưng các nhà kinh tế cũng đã chỉ ra rằng, “phi công
bất thịnh nhưng phi nông thì bất ổn”.
Với hơn 70 % dân số sống ở nông
thôn, việc tạo việc làm, có thu nhập ổn định cho người dân khu vực này trong
bối cảnh giảm tỷ trọng nông nghiệp đang là bài toán khó giải.
Xây dựng nông thôn mới và đào tạo
nghề cho lao động nông thôn đang được xem là những giải pháp cơ bản. Song, qua
một thời gian triển khai, những biện pháp này vẫn cho thấy chưa phải là đột phá
và thực tế còn nhiều vướng mắc, đặc biệt với một đất nước có sự khác biệt rất
lớn (về mọi mặt) giữa các địa phương.
Lợi dụng chính những đặc thù và
thế mạnh của địa phương để tạo việc làm, nhất là trong lĩnh vực du lịch và văn
hóa, có lẽ là giải pháp lâu dài. Xin liệt kê vài ví dụ mà Trung Quốc đã thực
hiện thành công.
Ở Nam Ninh - Trung Quốc bán rất
nhiều khoai Lệ Phố. Người dân ở đây kể rằng một vùng ở phía Bắc Trung Quốc có
một loại khoai tương tự, còn ngon hơn Lệ Phố. Nhưng từ khi bộ phim Tể Tướng Lưu
gù công chiếu, trong đó có nói đến món khoai Lệ Phố, thì kỳ lạ thay, người dân
ở Trung Quôc cũng như du khách đến đây đều tìm khoai Lệ Phố. Họ quên bẵng cái
món khoai ở phía Bắc từng được tôn vinh là đặc sản trong lịch sử ẩm thực Trung
Hoa.
Thị trấn Dương Sóc của Quế Lâm là
khu du lịch nổi tiếng của Nam Ninh. Nếu đến đây bằng thuyền, thì từ bến sông lên
thị trấn, người ta “bắt” du khách phải đi chừng nửa cây số dọc theo các quầy
hàng của người bản địa. Và, dĩ nhiên rồi, bạn không thể không móc hầu bao. Chưa
hết, vừa qua khỏi các tiệm hàng quyến rũ này, bạn phải di chuyển vào trung tâm
thị trấn bằng taxi điện do chính người dân ở đây cầm lái.
“Đặc sản” của Dương Sóc là vở
kịch “Ấn tượng chị Ba Lưu”, do đạo diễn nổi tiếng Trương Nghệ Mưu dàn dựng với
sân khấu là cả một khúc sông.
Nghe nói một lần Trương Nghệ Mưu
thăm Quế Lâm, lãnh đạo ở đây có ý mời ông đạo diễn trứ danh này làm một việc gì
đó thực sự có ý nghĩa cho vùng đất du lịch này. Thế là vở kịch “Ấn tượng chi Ba
Lưu” ra đời.
Giá vé để xem vở này hơn một
triệu đồng. Với 2000 chỗ ngồi, vị chi mỗi tối thu về 2 tỷ đồng, nhân với 30
ngày trong tháng, doanh thu cỡ 60 tỷ đồng.
Điều đáng nói là 500 diễn viên
của vở kịch ấy là dân của 8 thôn ở thị trấn Dương Sóc. Ban ngày họ đi làm đồng,
tối về diễn kịch. Như vậy là lãnh đạo ở đây họ biết lợi dụng cái danh của
Trương Nghệ Mưu, biết rõ lợi thế du lịch của địa phương để tạo việc làm cho
người dân. Cái tầm của người lãnh đạo chắc là ở chỗ này.
Từ củ khoai Lệ Phố cho tới vở
kịch “Ấn tượng chị Ba Lưu”ở nước cạnh ta, tôi cứ suy nghĩ miên man về mối quan
hệ giữa văn hóa và kinh tế.
Chúng ta đã xác định “Văn hóa là
nền tảng tinh thần, là động lực phát triển...” Khẩu hiệu sao đúng thế, hay thế,
nhưng thực hiện thì chưa được bao nhiêu! Việt Nam thiếu gì non xanh nước biếc,
thiếu gì đặc sản địa phương, vậy mà bỏ phí, để người dân lam lũ, không việc làm,
nảy sinh bao hệ lụy đau lòng thì cái lỗi ấy thuộc về ai?
Ngô Thiệu Phong.
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ