Chủ Nhật, 2 tháng 12, 2012

Miền giá trị





Một hôm tôi sửng sốt khi đứa con gái 5 tuổi bất ngờ bật lên vài câu hát ngô nghê: Ộp - pờ gang - nam xài (Oppan Gangnam Style). Câu hát khiến tôi nghĩ đến ca sỹ người Hàn Quốc Park Jea Sung (PSY) béo tốt, chải chuốt với điệu nhảy ngựa làm điên đảo thế giới. Đến Britney Spear, ngôi sao nhạc pop của Mỹ cũng phải ngạc nhiên, rồi Tổng thư ký LHQ Ban - Ki - Moon trước ống kính truyền hình cũng bắt chước vài động tác nhảy ngựa của PSY.

Tôi thuộc thế hệ trên 40, không quan tâm lắm và thú thực  chẳng hiểu gì  pốp, ráp của giới trẻ. Nhưng rõ ràng xem PSY thì thấy điệu nhảy ngựa ấy đúng là của PSY, không lẫn vào đâu được.

Anh chàng PSY sáng tạo ra nhảy ngựa, mang dấu ấn cá nhân, xứng đáng được ngượng mỗ. Đấy là giá trị chúng ta phải tôn trọng.  Cái dấu ấn sáng tạo rất rõ, phải chăng vì thế mà đến ngay cả đứa  bé 5 tuổi nói chưa sõi cũng “Ộp-pờ gang-nam xài”? Nếu PSY có nhại lại vài động tác của Michael Jackson thì chắc không bao giờ qua mặt nổi ông vua  nhạc pop này và chẳng để lại tiếng tăm đến thế. Chính vì thế nên pop vào một nước á Đông như Hàn Quốc đã bị đồng hóa thành K-pop (Korean pop)?

Còn pop vào nước ta thì không Việt hóa thành V-pop mà lại thành…fan cuồng. Xin lỗi, tôi không định kiến mà chỉ chưa tìm được từ nào chính xác hơn  để chỉ một số người hâm mộ quá lố. Đến trầm tĩnh và sâu sắc như nhà thơ Đỗ Trung Quân (thấy fan cuồng kêu khóc thảm thiết khi gặp các nữ ca sỹ xứ Hàn) đã phải thốt lên đừng bao giờ “rơi lệ cho những thứ tào lao” trong bài thơ nhan đề “Hãy tiết kiệm thứ còn lại duy nhất”.

Tôi thuộc thế hệ đàn em của anh Quân, những người đã đánh đổi xương máu để bảo vệ mảnh đất này. Những tôi cũng là “thế hệ của sổ gạo”, thế hệ nhìn thấy niềm vui trong ánh mắt mẹ cha khi không còn bom rơi đạn nổ. Và quan trọng hơn, tôi có thể sẻ chia và đồng cảm với tóc xanh tóc đỏ, với quần chùng áo dài của hip-hop; cố gắng lắng nghe những đoạn rap như cãi vã mà chẳng phiền lòng hỏi rằng sao chúng mày không hát chầu văn. Tôi chỉ buồn là một số đã hướng tới những miền giá trị có rất ít giá trị.

Trong cuộc sống, mỗi người tự đề ra và xây dựng cho bản thân một miền giá trị. Thiếu niên phương Tây muốn khẳng định là công dân toàn cầu, coi việc đi khắp thế giới ngõ hầu trải nghiệm để hình thành nhân cách;  thương gia, những người giàu mới nổi thì lấy thú sưu tập xế  “khủng” để tạo dựng vị thế, tiếng vang; GS Ngô Bảo Châu coi việc giải Bồ đề làm đích sống, là cách thức đóng góp cho nhân loại…

Những người yêu sách thì coi sách là nhất, kẻ chơi chim, chơi đồ cổ thì coi món đồ và thú cưng của mình là giời, chẳng gì sánh bằng. Dẫu sao tất cả những cái đó đều có ý nghĩa nhất định. Còn tôn thờ đến cực đoan, điên loạn một hình mẫu nào đó thì cần xem lại.

 Song, suy cho cùng cũng chẳng thể trách các em. Lỗi không hoàn toàn ở các em khi mà chúng ta không biết làm gì để có một V-pop đáng tự hào như K-pop. Đến một chỗ chơi tử tế, lành mạnh cho con trẻ thu xếp còn chật vật thì chẳng phải là quá xa xỉ khi nói tới hai từ: lý tưởng và lẽ sống? Bậc làm cha làm mẹ nào chẳng muốn hướng con mình tới những giá trị đích thực nhưng hình hài của chúng ra sao trong cuộc sống hôm nay?

Ngay trong nhà trường, chúng ta cũng chưa dạy được tính tự giác, tự trọng, tự tin, tự tôn để các em nhận thức được tự do ngay từ tấm bé. Có lẽ  phải biết tôn trọng những giá trị của mình, hòa giá trị ấy vào những giá trị chung của cộng đồng thì mới dám quên đi cái tâm lý thần phục, hoang tưởng hão huyền.


0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ