Cảm xúc đang nghèo đi?
Có lần về quê tôi khoe được đi đu
quay ở Bà Nà. Các bá nói già rồi còn cưa sừng làm nghé, ai lại đi chơi cái trò
trẻ con. Chẳng biết giải thích thế nào, đành cười trừ.
Để ý mà xem, người lớn mua vé chơi
các trò mạo hiểm còn đông hơn con trẻ. Họ muốn tìm kiếm cái cảm giác rơi tự do,
lộn tùng phèo, hoặc phải đối mặt với hồn ma, ác thú và quỷ dữ. Kết thúc trò
chơi, dẫu mặt cắt không còn giọt máu, thậm chí són cả ra quần, vậy mà vẫn có
người nói cứng: Sướng lắm, sướng lắm!
Cái gì khiến họ tim đập chân run
mà vẫn “sướng” nếu chẳng phải cái cảm xúc lạ lẫm mà hàng ngày họ không có điều
kiện trải nghiệm. Vì thế mới cần trò chơi mô phỏng, tạo tình huống gây cảm xúc.
Hiện nay có người thích làm đám
cưới dưới nước, có kẻ thích du lịch trên cung trăng, suy cho cùng cũng là đi
tìm cảm xúc mới mẻ.
Ở góc độ tinh thần, cuộc sống là
sự trải nghiệm của những cảm xúc. Đi tìm những cảm xúc mới mẻ là nhu cầu chính
đáng và cần thiết. Tuy nhiên, đổ xô đi săn lùng những cảm xúc mới lạ ấy bằng
mọi cách, kể cả thiếu trong sáng, thiếu lành mạnh thì đương nhiên sẽ dẫn tới
một xã hội hỗn độn, xô bồ, nhiều mảng tối?
Ở mấy nước nghèo có đại gia trưng
xe bạc tỷ để được hưởng cái cảm xúc hãnh diện trước những ánh nhìn thèm thuồng,
ngưỡng mộ; mấy cậu choai choai đầu trần đua xe trên phố, thừa biết rú ga có thể
lao vào chỗ chết nhưng vẫn liều để kiếm tìm một thứ cảm xúc của những yêng hùng
xa lộ.
Một bộ phận cán bộ tha hóa hôm
nay có nguyên nhân từ tâm lý công thần, tự cho mình cái quyền đòi lại tuổi
xuân, truy lĩnh cái chưa được hưởng trong quá khứ. Có lẽ đấy cũng là một cách
đi tìm những cảm xúc dục tính thời tuổi trẻ mà ai đó nghĩ rằng nó đã bị vung
vãi một cách bất công nơi rừng xanh núi đỏ.
Lại có vị lưu luyến ánh hào quang
ảo do chức tước đem lại nên nấn ná, quyết giữ “ghế” để duy trì cái cảm xúc được
trọng vọng, được thần phục.
Đi tìm những cảm xúc khác nhau
luôn tồn tại hai thái cực như thế. Thực ra thì cảm xúc khác lạ đâu chỉ xuất
hiện thông qua trải nghiệm thực tế. Đâu nhất thiết cứ phải là ăn mày hoặc đế
vương thì mới biết họ nghĩ gì. Có nhiều cách để người ta kiếm tìm cảm xúc. Ví
như thế hệ hậu sinh chưa nhìn thấy B52 và sống trong 12 ngày đêm máu lửa. Thế
nhưng nếu được đọc truyện, thăm bảo tàng, xem các thước phim tư liệu… thì cảm xúc
đau thương, hào hùng một thời vẫn trào dâng trong lòng mỗi người đấy thôi.
Song, buồn thay! Những giá trị
nhân văn bền vững, những món ăn tinh thần giúp bồi bổ và làm giàu thêm xúc cảm
của con người như thế đang bị xem nhẹ, thậm chí lãng quên. Người ta tuyệt đối
hóa các môn tự nhiên và ngành kỹ thuật, coi các môn xã hội là vớ vẩn; người ta
phẩy tay cười khẩy với những hành vi cao thượng và nhân ái trong cuộc sống, cho
là dở hơi.
Tâm hồn và tình cảm nếu nuôi
dưỡng bằng một thứ thực phẩm thực dụng nặng về đổi chác, sòng phẳng một cách trắng
trợn thì cảm xúc nghèo đi là điều hiển nhiên. Nghèo nàn về xúc cảm thì tìm đâu
ra lòng trắc ẩn, vô cảm là cái chắc! Rồi sau đó lại có kẻ dùng đủ mọi cách lố
bịch, thô bỉ và trơ trẽn để đánh đổi lấy những cảm xúc được sống trong ánh hào
quang ./.
Ngô Thiệu Phong
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ