Gặp tiếng Hà Nội “xịn” ở Nam Ninh
Sõi tiếng Việt thì có nhiều nhưng
nói tiếng Việt đúng kiểu người Hà Nội, thì lâu lắm rồi, kể từ ngày bà nội mất,
đến chuyến công tác ở Đài phát thanh Quảng Tây (Trung Quốc) vừa rồi tôi mới lại
được nghe. Trớ trêu thay: được nghe tiếng Hà Nội qua một phiên dịch tiếng Trung.
Đấy là cách nói nhẹ nhàng, chậm
rãi, không dùng tiếng lóng, không bộc lộ cảm xúc thái quá. Một câu phát ra, cho
dù là giao tiếp bằng lời, nhưng đúng ngữ pháp, đủ các thành phần. Và chỉ nói
sau khi người đối thoại đã chấm dứt hoàn toàn câu hỏi hoặc câu đối thoại của
mình. Thoạt nghe có vẻ rườm rà, nhưng càng nghe càng để lại ấn tượng.
Khuôn mặt trầm tư, kín đáo và ánh
mắt bí hiểm của người phiên dịch khiến tôi nhiều lần phải từ bỏ cơ hội hỏi về
gốc gác, chỉ biết ông tên là Cường. Tôi vờ khoe về phở gà Hà Nội, những quán
ngon có tiếng mà bà nội tôi từng kể, mắt ông Cường rực lên vài tia sáng lấp
lánh. Nghe đâu ông sinh ra và lớn lên ở giữa những con phố cổ Hà Nội.
Với ông Cường, món phở gà có thể
chỉ còn là hoài niệm, nhưng cái thứ tiếng, cái chất giọng ông nói thì hiện hữu,
không chuội đi đâu được cho dù trải qua bao biến cố thăng trầm của thời cuộc.
Cuối năm 1978, tôi vào Sài Gòn,
được gặp một số người Bắc lớn tuổi di cư năm 1954, họ cũng có chất giọng và
cách nói rất Hà Nội cho dù họ sinh hoạt với cộng đồng người phía Nam một thời
gian khá dài.
Thực ra cũng chưa có văn bản nào
xác nhận tiếng Hà Nội là chuẩn mực. Có lẽ người ta mặc định tiếng thủ đô? Nhưng
điều tôi muốn bàn ở đây là lời ăn tiếng nói của người Hà Nội nói riêng, tiếng
Việt nói chung đã thay đổi nhiều. Việc này hiển nhiên vì ngôn ngữ có đời sống
của nó. Nhưng thay đổi theo hướng biến dạng và méo mó thì không thể chấp nhận.
Cách đây vài hôm tôi được tham dự
buổi làm việc với đoàn của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và
Nhi đồng của Quốc hội bàn về Luật Báo chí. Các vị bên Ủy Ban nói đã đi vài báo,
thu được nhiều ý kiến.
Nghe qua thấy các ý kiến đều cấp
bách và hệ trọng. Thế nhưng Luật báo chí
cũng yêu cầu nhà báo: “Góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt,
tiếng các dân tộc thiểu số Việt Nam”
(Điều 6) thì chưa thấy báo nào nhắc tới.
Thực ra cách đây vài năm một số
báo đã có loạt bài lên tiếng báo động “tiếng Việt bị xâm lăng”, song chưa đủ mạnh.
Và cũng chẳng thể mạnh được vì bản thân báo chí còn lúng túng khi xử lý một số
việc liên quan đến ngôn ngữ. Tình trạng viết, nói xuê xoa, dễ dãi, đến mức cẩu
thả trên một số báo diễn ra ngày càng nặng nề mà chẳng ai lên tiếng. Người dân
thì cứ tưởng báo viết, đài nói là chuẩn nên hồn nhiên hùa theo thành một trào
lưu khó cưỡng.
Tình hình diễn biến ngày càng tệ
nên 21/12 vừa qua, Trường ĐH KHXH-NV TPHCM, Trường ĐH Sài Gòn và Báo Thanh Niên
phối hợp tổ chức hội thảo “Xây dựng chuẩn mực chính tả thống nhất trong nhà
trường và trên các phương tiện truyền thông đại chúng”. Được biết các nhà ngôn
ngữ học đã họp vài lần, có kiến nghị trình Quốc Hội ra Luật Ngôn ngữ từ nhiều
năm trước nhưng tới nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì.
Đất nước đang có nhiều vấn đề cấp
bách cần giải quyết, nhưng mọi việc đều phải tiến hành đồng bộ, chẳng thể xem
nhẹ hoặc để dành phần việc nào. Mất ngôn ngữ là mất văn hóa. Chúng ta đã khẳng
định “văn hóa là nền tảng tinh thần, là động lực phát triển kinh tế” thì hãy
chăm lo cho nó đi!
Ngôn ngữ là công cụ để tư duy. Vì
thế chẳng ngạc nhiên khi GS toán học Ngô Bảo Châu lại có thể diễn đạt một cách
thanh thoát, súc tích, dễ hiểu trên blog của mình đến vậy.
Một vài người làm công tác nghiên
cứu nói với tôi là tra cứu, tìm các tài liệu quý hiếm về Việt Nam ở nước ngoài còn dễ hơn, thuận
tiện hơn và đầy đủ hơn trong nước. Chẳng biết vì tiếp cận khó khăn hay do thiếu
thốn, nhưng để người dân đi tìm giá trị của chính quốc gia mình ở một nơi khác
thì…buồn lắm!
Ông Cường, người phiên dịch ở Đài
Quảng Tây đã gần 60, cái tuổi có thể gọi là gần đất xa trời. Tôi giật mình. Với
những giá trị trên hiện vật còn có thể lưu trữ và tìm lại được chứ mất ngôn ngữ
là mất luôn, mất hết./.
Ngô Thiệu Phong
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ