Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2012

LẮNG NGHE

Bỗng dưng tạo hoá lại nặn cho loài người hai cái tai để nghe và một cái miệng để nói. Liệu có thiếu công bằng? Phải chăng ngay từ buổi hồng hoang, tạo hoá đã dự báo được cái sự nghe  khó khăn, chật vật và khổ đau?

Tôi không biết một tí gì về tiếng Tàu. Nhưng thấy ông thầy phân tích chữ NGHE trong Hán ngữ bao gồm 5 chữ: NHĨ, VƯƠNG, NHÃN, TÂM và NHẤT. NHĨ - có nghĩa căng tai lên mà nghe;  VƯƠNG - coi người nói như vua; NHÃN - vừa nghe vừa nhìn để thấu cảm; NHẤT – xem lời nói và thái độ của người nói có đồng nhất; TÂM - khi nghe phải để tâm tới người nói.
 
Thế mới biết cái sự nghe sao mà khó! Vậy sao chẳng thấy ai xin chữ NGHE trong khi người nào cũng thích PHÚC, HỈ, LỘC, TÀI?
 
Chẳng cứ phương Đông, ở các nước Âu, Mỹ văn minh, người ta cũng rất coi trọng cái sự nghe.

Frank Wagner là một chuyên gia của Trung tâm đào tạo Carnegie chuyên về phát triển nhân lực (Mỹ). Nghe đâu các buổi nói chuyện của ông được lập kế hoạch từ mấy tháng và rất đắt, cỡ 100.000$/buổi.
 
Frank Wagner đã liệt kê 20 thói quen giết chết sự nghiệp, hạnh phúc gia đình, và cao hơn là sự phát triển của một dân tộc, mà khó ai nhận ra.

Trong số 20 điều ấy  thì có tới 2 điều nói về cái sự nghe.

1- Starting with No, But, or However. Luôn bắt đầu câu chuyện và cuộc đối thoại với các từ như Không, Nhưng và Dù sao. Đây là kiểu phản đối để người nghe hiểu “Anh sai rồi. Tôi mới là đúng”, cũng tức là một dạng không biết lắng nghe.

2- Not listening. Không biết nghe, hay nghe mà không (thèm) thấy, có nghĩa là "Mũ ni che tai."

Điểm lại cái sự nghe trong lịch sử của dân tộc ta thì cũng thấy nhiều bài học. Mới đây tôi giật mình khi một nhà nghiên cứu nói rằng Việt Nam không có văn hoá kế thừa. Nhiều triều đại phong kiến dựng cơ đồ bằng sông máu núi xương để rồi triều đại sau phá sạch. Luận điểm này có thể phải trao đổi thêm, song văn hoá ít chịu lắng nghe, theo tôi, là có cơ sở.


Tôi đồ rằng cái sự không chịu nghe, chỉ biết tuân thủ và làm theo, ít nhiều có nguồn gốc từ hàng ngàn năm chinh chiến để bảo vệ mảnh đất đau thương này. Văn hoá chiến tranh là thứ văn hoá vâng lời, không có chỗ cho phản biện hay trao đổi. Cộng thêm văn hoá thứ bậc của Nho giáo nên sau chiến tranh, thói quen cố hữu: ra lệnh và tuân thủ, vẫn ngự trị trong sinh hoạt chính trị - xã hội cũng như các quan hệ kinh tế.
 
Quen nghe sự vâng lời và tuân thủ một cách ngoan ngoãn đã tạo ra một vầng hào quang ảo xung quanh một bộ phận lãnh đạo khiến họ mất dần "khả năng nghe",  nếu có thì phần lớn cũng chỉ là những lời nịnh nọt tâng bốc của đám xu thời.

Đất nước thực sự bước sang một trang mới từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước. Cả thế giới đã chuyển từ đối đầu sang đối thoại, đối tượng - kẻ thù thành đối tác làm ăn, mà muốn đối thoại thì phải kẻ nói người nghe, tức là biết lắng nghe. Chỉ nhắc lại chuyện mới đây thôi, nếu các quan ở Tiên Lãng, Hải Phòng chịu khó lắng nghe dân thì đâu nên cơ sự này./.
 
Ngô Thiệu Phong

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ