Giáo dục vì ai?
“Vì tương lai con em chúng ta” chứ còn vì ai nữa? Vâng, tôi đã đọc khẩu hiệu đó từ hồi còn học vỡ lòng, và nay đưa con đến trường, vẫn nhìn thấy ở trường tiểu học. Rất may con tôi chưa một lần hỏi về ý nghĩa của khẩu hiệu này. Giải thích không khó nhưng chỉ sợ cháu thất vọng.
Về khẩu hiệu này, có lần GS Hồ Ngọc Đại cười xì một cái nói, hãy vì hiện tại của các cháu đi đã. Ông nói có lý.
Có dịp đến nhiều trường nhưng hiếm khi tôi thấy chiếc đồng hồ treo ở phía bảng đen mà ở phía ngược lại. Ấy vậy mà khi mua nó, nhà trường bảo rằng đồng hồ để các em biết giờ ra chơi, giờ vào lớp. Tâm sự chuyện này với bác tôi, bảo vệ một trường tiểu học, ông cười phá lên, nói hèn chi chưa tới giờ nghỉ các thầy cô đã thò đầu ngó nghiêng, chắc có ý nhắc: “Đánh trống đi ông ơi, chỉ còn có vài phút nữa thôi mà” .
Tôi biết vẫn còn các thầy, cô vừa có tấm lòng, vừa có tri thức. Nhưng số đó cứ ngày một vơi đi. Mặt khác, ở đâu đó, chính giáo viên cũng là nạn nhân. Rất có thể, họ muốn GD (chỉ để) cho học sinh, vì học sinh, nhưng bất lực, hoặc bị cuốn theo guồng quay của mưu sinh.
Mấy năm trước, một vị giám đốc sở GD ghé tai nói: Kỳ thi tốt nghiệp lần này tỉnh quán triệt sâu sắc lắm. Hôm họp triển khai em có dự không? Tôi nói có, ông nheo mắt cười hi hi, nói đấy đấy…!
Trong hội nghị ấy, ông phó chủ tịch tỉnh chém mạnh tay vào không khí, nói “các đồng chí phải thực hiện nghiêm túc quy chế thi! Tỉnh ta có truyền thống hiếu học từ ngàn xưa, có cả trăm ông nghè ông cống, hàng chục tiến sỹ giáo sư…, vẻ vang lắm, vinh quang lắm các đồng chí ạ…Năm ngoái tỉnh ta đỗ 98,5%, các đồng chí nhớ không? Năm nay chúng ta quyết tâm duy trì và phát huy thành tích ấy!” Nói tới đây, ông phó chủ tịch không chém gió nữa mà ngừng một lúc, hạ giọng, “vì thế, đừng (gõ 3 tiếng lên bục và nhìn một lượt), đừng để xảy ra bất thường, xáo trộn (lại gõ 3 tiếng, nhìn một lượt)! Làm tốt! Làm tốt hơn nữa!”
Và rồi “ngạc nhiên chưa”! Kỳ thi ấy chẳng những “không có xáo trộn” mà tỷ lệ đậu còn “phát huy” lên 99%. GD đã trở thành công cụ để đánh bóng mạ kền cho cái ghế của các quan chứ đâu phải vì học sinh.
Tôi không biết hôm nay các trường có ngẫm nghĩ về mục đích, ý nghĩa của phong trào kế hoạch nhỏ hay không. Thực tế nó đã méo mó đi nhiều. Tôi bảo con tôi rằng nhà mình không uống bia, không uống nước ngọt nên nộp giấy vụn cũng được nhưng cháu quyết không nghe vì cô chỉ chấp nhận vỏ lon. Nhà trường nghĩ tết ai cũng uống bia. Và quan trọng hơn là làm gì với số tiền thu được thì chẳng học sinh nào biết. Thế thì GD vì ai?
Một phụ huynh đã giận sôi lên khi biết trường con mình (và nhiều trường lân cận) đồng ý cho mấy ông bà bán kính thuốc ở gần đó vào đo mắt cho học sinh. Vì mắt các cháu hay vì cái gì đây?
Người ta đã diễn hài về tỷ lệ học sinh khá giỏi cách đây vài năm. Và bây giờ các cháu vẫn “giỏi” nhiều lắm. Trò có giỏi thì cô mới đạt danh hiệu dạy giỏi. Cô dạy giỏi thì mới được dạy lớp chọn, lớp điểm; từ đó danh tiếng của thầy của cô mới vang xa… Phụ huynh khi ấy sẽ xôn xao, “này cô A dạy giỏi đấy, dạy lớp chọn. Để con cô kèm giúp, yên tâm!”
Thật mừng nếu như mọi việc đều thực, nhưng sẽ là tai họa nếu là ảo, là hão, tròng vào cổ các em cái danh hiệu học sinh giỏi chỉ vì danh hiệu của cô, lợi ích của cô. Nếu như GD mà không vì đối tượng của mình – học sinh thì hỏng “toàn tập” chứ còn gì nữa. Không phải tất thảy thầy cô đáng kính đều chăm chăm vào lợi ích cá nhân, nhưng chắc chắn không phải là không có.
Ngô Thiệu Phong
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ