Áo dài ơi áo dài!
Người ta xôn xao về bộ ảnh áo dài Mai Phương Thuý. Tôi cũng tò mò lùng trên mạng nhưng mãi vẫn không thấy những tấm hình khiến người ta xôn xao.
Cố lục tìm xem những bức hình đó có gì đi ngược lại thuần phong mỹ tục thì không thấy. Nếu nói hở hang hay thiếu vải thì áo dài Thuý mặc gọi chiếc yếm đào của các bà các chị những năm đầu thế kỷ trước bằng cụ.
Mọi người chấp nhận nude là nghệ thuật thì tại sao lại quá khắt khe với những tấm hình Thuý chụp với tà áo dài này nhỉ?
Vài người bảo nude đi một nhẽ. Như vậy có lẽ điều khiến người ta không chấp nhận bởi tà áo dài ấy quá mỏng manh. Giả sử Thuý mặc một chiếc váy thì chắc nhiều người không đến nỗi bức xúc. Hình như tà áo dài lâu nay được gắn hai chữ “truyền thống”, nên mặc nhiên nó có một giá trị thiêng liêng, một cái gì đó bất biến và tuyệt đối; không chấp nhận bất cứ sai khác, mô phỏng và cách điệu nào, cho dù chỉ trong phạm vi nghệ thuật.
Mà đã ai đóng mộc hai chữ “truyền thống” vào tà áo dài đâu nhỉ? Cũng chỉ là giá trị tự phong, gán cho nó cái danh vậy thôi. Tóm lại là một số người giãy nảy khi (cái được cho là) truyền thống được nhìn nhận, khám phá ở một chiều kích khác.
Trang phục cũng là văn hoá. Nếu coi tà áo dài là trang phục truyền thống, thì trong quá trình vận động, truyền thống cũng phải luôn tích hợp những yếu tố mới bởi vì bản chất của văn hoá là giao lưu và tiếp biến. Tất nhiên, trong quá trình ấy cần chọn lọc, nhưng ở đây nên phân biệt nghệ thuật với đời thực. Đâu phải bất kỳ nào trang phục nào trên sàn diễn thời trang đều có thể hùng hổ nhào bước ra cuộc sống.
Không chỉ nghệ thuật, trong thực tế, truyền thống cũng phải làm mới mình ở một số điểm sao cho phù hợp với hoàn cảnh. Ai đó bảo chiếc micro giết chết quan họ Hội Lim. Micro chẳng giết cái gì cả, chẳng tội tình gì cả. Vấn đề ở chỗ người sử dụng. Thử hỏi bây giờ liệu có thể hát bằng mồm trước sự huyên náo của hàng vạn người xem hội.
Bên cạnh bộ lọc có tính chủ động của các ngành quản lý thì bản thân văn hoá cũng có sự bướng bỉnh đáng kính nể. Mọi sự tiếp thu văn hoá có tính áp đặt, khiên cưỡng tiếp tục gặp phải sự chống trả quyết liệt của yếu tố văn hoá nội sinh, của điều kiện tự nhiên mỗi vùng. Không dễ gì đưa chiếc quần Jean lên cho đồng bào Mông mặc đâu. Yên tâm đi!
Thêm một điều muốn nói, là không nên tuyệt đối hóa và thần thánh hóa bất cứ điều gì. Mọi sự đều có thể thay đổi, tất nhiên phải dựa trên chuẩn mực chung của xã hội. Còn nếu nhìn rộng ra thì liệu có giá trị nào được coi là vĩnh hằng trong vũ trụ bao la này? Truyền thống của 100 năm nữa có thể là ngày hôm nay, biết đâu lại chính là chiếc áo dài của Thúy? Phải chăng bởi thế nên loài người đã không chọn trang phục của Adam và Eva làm truyền thống?
Ngô Thiệu Phong
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ