Thứ Ba, 23 tháng 8, 2011

Việc lớn việc nhỏ, việc anh việc em.

Tôi có ông bạn nối khố cùng làng, lần nào sang chơi cũng thấy vểnh râu ngồi uống trà xem ti vi trong khi vợ tất bật trong bếp. Hỏi sao ông không vào bếp giúp vợ, ông trợn mắt, nói mình làm việc lớn chứ ba cái việc tẹp nhẹp để đàn bà họ làm. Ông bảo ông ngồi chơi đấy nhưng đầu óc đang lo việc lớn cho gia đình.

Đàn ông trong gia đình Việt Nam dường như sinh ra đã cho mình cái quyền lo việc lớn và tự sắp xếp trong đầu việc này của anh việc kia của em. Nếu ông nào làm ngược đi thì bị coi là một sự bất thường.

Cần phải nói cho rõ không có việc nào lớn việc nào nhỏ, không có việc nào của anh việc nào của em cả. Sự phân công công việc trong gia đình chỉ mang tính chất tương đối dựa vào đặc điểm sinh lý của giới nam và giới nữ.

Là người có sức vóc, công việc của người đàn ông là vác cày ra đồng, lên rừng săn bắn; là người khéo tay, kiên trì và nhẫn nại, sức khỏe bền bỉ dẻo dai, nên công việc của người phụ nữ là nhổ mạ, cấy hái, quay tơ dệt vải…Công việc ấy xuất hiện từ thuở hồng hoang.

Trải qua hàng ngàn năm sống trong nền văn minh lúa nước, ảnh hưởng Nho giáo nên người đàn ông ngộ nhận mình chỉ làm việc lớn – việc nặng nhọc, còn người phụ nữ làm những công việc thường được gọi với cái tên lặt vặt.

Từ quan điểm cứng nhắc đó nên xã hội, nhất là xã hội Á Đông, tự phân ranh giới công việc trong gia đình thành việc này của đàn ông việc kia của đàn bà. Người phụ nữ sống trong đêm trường xã hội phong kiến, nơi đề cao vị trí người đàn ông, thì an phận và chấp nhận sự phân định rạch ròi một cách vô lý ấy.

Cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật ở phương Tây thế kỷ 19 đã phân công lại lao động và minh chứng hùng hồn vai trò của phụ nữ trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Đó cũng là cơ sở cho phong trào phụ nữ đòi bình quyền ở phương Tây thế kỷ này.

Trở lại với gia đình Việt Nam hiện nay, chẳng có cơ sở vững chắc để khẳng định việc nào lớn việc nào nhỏ, việc nào của chị em và việc nào của đàn ông. Công việc gia đình cũng như xã hội vận hành như một cỗ máy, thiếu cái ốc vít nhỏ, guồng máy đã trục trặc rồi.

Một số đức ông chồng mặt nặng trịch khi về nhà mà chưa có cơm ngon canh ngọt. Ấy vậy nhưng khi nói tới việc bếp núc của chị em thì lại cho rằng cỏn con, lạ thế!

Nếu người đàn ông trong gia đình không biết chia sẻ công việc và suy nghĩ với vợ, người thân yêu nhất, thì sẽ chẳng có dấu hiệu nào chứng tỏ người đàn ông đó thành công trên con đường sự nghiệp. Bởi ở ngoài xã hội, anh phải hiểu công việc cũng như tâm tư tình cảm của không chỉ một mà nhiều người với đủ loại tính cách, năng lực khác nhau.

Trong giáo dục và đào tạo, phương Tây rất chú trọng tới cách thức sắm vai. Đó là phương thức đào tạo theo lối thị phạm, rất biện chứng, đem lại hiệu quả bất ngờ.

Hãy thử một lần sắm vai người vợ với tất cả công việc mà đấng mày râu gọi là lặt vặt, các đức ông chồng sẽ hiểu vợ mình hơn, yêu vợ mình hơn. Và chắc chắn, người đàn ông sẽ thay đổi quan điểm về cái gọi là việc lớn việc nhỏ, việc của chồng việc của vợ trong gia đình.

Ngô Thiệu Phong



0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ