Đối thoại
Thưa chị em và các bạn, trong tiết mục này tuần trước, chúng ta nói tới việc giải quyết mâu thuẫn này sinh do có sự khác biệt về văn hóa giữa hai vợ chồng mà cụ thể là việc ăn uống hàng ngày. Giải pháp cuối cùng là đi tìm tiếng nói chung trong văn hóa ăn uống. Trong cuộc sống vợ chồng có nhiều xung đột như thế, mà để giải quyết rốt ráo, cả hai vợ chồng cần phải tìm sự thống nhất trong đa dạng. Song để làm được điều này thì cả vợ và chồng, hoặc rộng ra là trong gia đình cần phải biết lắng nghe và đối thoại.
Chẳng có nghiên cứu nào nhưng chúng tôi đồ rằng có tới 95% số cặp vợ chồng có thói quen ăn uống không giống nhau. Dĩ nhiên rồi, bởi mỗi người sinh ra và lớn lên trong những ngôi nhà khác nhau. Thật may mắn cho những cặp vợ chồng tương đồng về sở thích ăn uống.
Giải quyết mâu thuẫn tưởng nhỏ nhưng phổ biến và khá phức tạp này thì mỗi người cần biết chấp nhận sự khác biệt rồi đi tìm sự tương đồng. Nhưng để làm được điều này thì lại phải biết lắng nghe và cùng đối thoại.
Lắng nghe và đối thoại là giải pháp căn bản và hiệu quả nhất để giải quyết một cách hòa bình bất kỳ mâu thuẫn nào trong gia đình.
Trở lại chuyện của vợ chồng Tuấn, bạn tôi. Hai vợ chồng sống cùng bố mẹ đẻ của Tuấn. Ông bà hiền khô! Chẳng những hiền, ông bà còn quý con dâu, chiều con trai. Bạn bè của vợ chồng tới chơi, ông bà quý lắm. Hễ khách vừa tháo giày để bước vào nhà đã thấy hai bác đã chuẩn bị sẵn đôi dép trên tay đút vào tận chân, nói đi vào đi vào cho đỡ lạnh, kẻo ốm. Vào trong nhà rồi, hai bác phẩy tay nói với con, cứ ngồi với bạn, mẹ đi pha nước cho.
Ai cũng nghĩ vợ chồng Tuấn hạnh phúc, có bố mẹ hợp với con dâu. Tuy nhiên, cuộc sống vốn đầy rẫy mâu thuẫn. Giữa mẹ chồng nàng dâu lại càng dễ xảy ra mâu thuẫn. Có những va chạm, xích mích nhỏ hàng ngày giữa vợ với bố mẹ Tuấn nhưng hai ông bà giấu nhẹm. Ông bà nghĩ rằng: Bây giờ mình làm to chuyện thì chỉ khổ con trai mình, nó lại phải suy nghĩ, rồi vợ chồng nó cơm chẳng lành canh chẳng ngọt. Gia đình lại phải sống trong không khí căng thẳng… Tốt nhất là cứ lờ đi. Con dâu ít tuổi, chưa chín chắn, chưa trải nghiệm, sau này nó sẽ hiểu ra tất cả thôi mà.
Sự việc chẳng hề đơn giản như bố mẹ Tuấn nghĩ. Xích mích nhỏ dồn tụ lại thành mẫu thuẫn lớn. Qua những va chạm nho nhỏ hàng ngày, vợ Tuấn thấy bố mẹ không phản ứng gì cứ tưởng như tất cả mâu thuẫn xảy ra đều do bố mẹ chồng gây nên. Thấy cái tăm rơi ra sàn nhà, chẳng biết dùng chưa, nhưng cô ta lấy một tờ giấy ăn bao lại cho khỏi bẩn, rồi nhón tay cầm hệt như người ta cầm con chuột chết. Thay vì vứt béng cái tăm vào sọt rác, cô ta đi một vòng qua trước mặt bố mẹ chồng để biểu lộ thái độ khó chịu.
Cái gì cũng có giới hạn. Quá sức chịu đựng, bố mẹ Tuấn không thể cố làm mặt vui như trước được nữa.
Tuấn biết được mọi việc thì dường như đã muộn. Mâu thuẫn đã đến đỉnh điểm. Hàng chục hàng trăm sự việc là chứng cớ để cáo buộc sự vô lễ của con dâu với bố mẹ chồng trào ra như nước vỡ bờ. Tuấn, dù rất thương yêu vợ nhưng cũng là người con hiếu thảo. Anh không còn giữ được bình tĩnh và chỉ trích vợ khá nặng nề. Khi đó vợ Tuấn có cảm giác đơn độc và bị hắt hủi. Cô ta thấy hình như có sự bất công? Tại sao mọi người chỉ toàn nhìn thấy nhược điểm của mình? Tại sao không ai lên tiếng bênh vực mình lấy một lời mà toàn đưa ra chứng cứ để buộc tội…?
Những va chạm nhỏ trong sinh hoạt đã để quá lâu dồn tụ lại tạo thành mâu thuẫn gay gắt và nghiêm trọng, xử lý không đơn giản chút nào. Giá như bố mẹ Tuấn đối thoại ngay với vợ Tuấn, hoặc với cả hai vợ chồng trong từng trường hợp cụ thể thì sự việc không đến nỗi phức tạp như thế này.
Mâu thuẫn không có khái niệm to hay nhỏ. Mâu thuẫn cũng như công việc, không được phép để dành. Mâu thuẫn càng tích tụ thì càng khó xử lý. Do đó, liên tục đối thoại, sẵn sàng lắng nghe là giải pháp hiệu quả nhất để giải quyết bất kỳ mâu thuẫn, xung đột nào trong gia đình cũng như trong công việc.
Ngô Thiệu Phong
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ