Thứ Tư, 24 tháng 8, 2011

Thoát y bản năng.

Có câu chuyện này cấn cá mãi chẳng biết nói hay đừng. Vợ chồng lấy nhau hơn chục năm, có hai mặt con, ưu nhược điểm, khuyết tật, thói xấu gì gì của nhau hầu như biết tỏng. Nhưng biết không có nghĩa là cứ vô tư lộ ra không cần che đậy.

Vâng, chuyện của ông xã nhà tôi ấy mà. Giai đoạn cưa cẩm và mới lấy nhau lịch duyệt là thế, quả chuối cũng ý tứ bẻ đôi trước khi ăn. Bà tôi thấy thế gật gù, nói người Hà Nội có khác. Tôi vênh mặt, mũi “sưng” tướng, mắt chớp chớp nhìn lên trần nhà, lũ bạn quê nhìn tôi đầy ngưỡng mộ.

Hồi mới lấy nhau, nhiều hôm tôi ngõ cửa nhà tắm, ngỏ ý xin vào kỳ lưng nhưng anh quyết không cho. Tôi cười thầm, bụng bảo dạ, đúng là người có ý chí tự lực tự cường, đàn ông mấy ai được thế.

Hai đứa con lần lượt ra đời, bận rộn với mưu sinh, tóc chồng đã vài sợi bạc. Vợ chồng đầu gối tay ấp chẳng giấu nhau chuyện gì, cái nốt ruồi lạc vào chỗ lạ còn cười rinh rích xúm vào bới bới tìm tìm, huống hồ. Tuy nhiên, biết nhau hiểu nhau không có nghĩa là không cần giữ gìn, ý tứ những hành vi thuộc về bản năng.

Gần đây bỗng dưng anh tự nhiên chủ nghĩa quá đà, tắm không đóng cửa, đến đại tiện cũng không nốt. Chẳng lẽ mới ngoài 40 đã mắc chứng Al - ze - mơ, hỏi anh quên đóng cửa à, anh cười hì hì, nói có hai vợ chồng, ai đâu mà sợ.

Trước kia anh ý tứ bao nhiêu thì nay buông tuồng bấy nhiêu. Ợ là một, ngáp là hai, anh cứ hồn nhiên mở hết cỡ khẩu hình và để âm thanh tự nhiên phát lộ. Có hôm vừa buông đũa, ưỡn lưng, tay vuốt ngực, anh ợ lên một tràng, âm thanh trung thực và đủ lớn để con chó nhà bên giật mình ông ổng sủa. Lườm anh một cái rõ dài nhằm tỏ thái độ, anh gãi đầu nhắn nhó, nói em có muốn anh không bị tha hóa không. Khi anh không còn là anh nữa có nghĩa anh đang bị tha hóa. Hãy để cho anh là chính anh, tôi là chính tôi...

Anh say sưa giảng giải về chủ nghĩa hiện sinh, về thuyết tam đoạn luận... Tôi lặng thinh nghe. Anh nói hết, ngừng lại có ý đợi chờ một sự phản ứng, rồi cười hì hì. Biết tỏng anh thấy lỗi nhưng chống chế cho vui vậy thôi.

Vừa chấn chỉnh được “món” ợ và ngáp, lại thấy xuất hiện chứng: xỉa răng, rung đùi và gãi, những hành vi hồi yêu nhau không hề thấy. Nó mới phát sinh. Có một mình thì muốn gãi chỗ nào thì gãi, đằng này hàng xóm sang chơi, vừa mời khách uống nước, anh vừa ngoáy mũi, chân thì rung bần bật như người mắc chứng Pa-kinh-sơn, ý tứ giữ chặt đùi anh một lát, nhưng hễ buông tay là đùi lại rung lên đầy hưng phấn và tự tin, khổ thế.

Đợi khách về, hỏi anh sao gãi lung tung vậy, sao xỉa răng quèn quẹt thế. Anh nghĩ một hồi rồi quay sang hỏi: Em đọc Phan Cẩm Thượng chưa. Tôi trả lời chưa, anh cười cái hậc, nói chả trách, đấy là những hành vi cổ xưa và đại diện cho các hành vi đặc thù của người Việt.

Xỉa răng ư? Không phải, đấy là cắm một cái que vào miệng để xác nhận vừa ăn cỗ xong. Rung đùi và gãi ư? Đừng nghĩ là hành vi vô thức, thử hỏi có cách nào tốt hơn để bảo vệ cơ thể ở cái xứ nóng ẩm và đầy ruồi muỗi này…? Ở Việt Nam, từ thời Hùng Vương tới nay, chỉ hai người có khả năng ngồi im tư duy, không gãi, không ngả ngốn…, đó là Lê Quý Đôn và một người nữa gần được như vậy, Phan Huy Chú. Đó cũng là lý do vì sao người Việt Nam, được cho là thông minh và cần cù thế, mà 4000 năm nay vẫn chưa có giải Nobel…

Tôi chăm chú nghe. Vẫn như mọi khi, anh nói hết, không thấy phản đối gì thì lại cười hì hì vẻ biết lỗi.

Nếu anh biết vẻ đẹp của chồng (và của cả vợ nữa) liên tục được bồi đắp, chắt chiu, gom góp thông qua những hành vi trong cuộc sống hàng ngày thì anh sẽ hạn chế những thói quen không đẹp và rất bản năng ấy. Anh là người thông minh, hẳn anh sẽ biết.
Ngô Thiệu Phong

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ