Thứ Tư, 23 tháng 2, 2011

Bể cá và bể cảnh .

Hai chuyện đều xảy ra vào dịp tết, ở đất Tràng An, nên kể luôn, để lâu sợ quên.

Chuyện thứ nhất: Bể cá.
Mùng 1, gia đình nhà nọ hoan hỉ kéo nhau sang nhà xếp, là Phó TBT một tờ báo lớn, chúc tết.

Xếp tươi cười đón nhân viên. Nhân viên tươi cười chúc xếp. Đương nhiên là tươi cười rồi, vì mùng 1 tết, dẫu có không bằng lòng thì người ta vẫn cứ… cười. Mọi người vừa ăn bánh kẹo, uống nước, chuyện xưa chuyện nay rôm rả nên không để ý cậu bé, con vị khách, đổ cả đĩa hạt dưa vào bể để cho cá rồng ăn.

Thấy thế, vợ chồng gia chủ hoảng hốt như có cháy. Mà hoảng thật vì cá rồng bạc triệu chứ đâu phải mấy con cá vàng ăn nhiều ỉa lắm. Xếp gia chủ hô hào người nhà lấy vợt, chuẩn bị thau, nước... khẩn cấp đưa cá rồng ra khỏi bể. Công việc khẩn trương như Hà Nội họp cứu rùa Hồ Gươm. Cá rồng quý lắm! Phải vô cùng thận trọng, mất một cái vẩy cũng không được, phải an toàn tuyệt đối.

Khổ thân gia đình cậu nhân viên. Biết nói gì đây? À, xin lỗi, phải xin lỗi. Vâng, em xin lỗi, cháu nghịch quá! Xin lỗi, xin lỗi ... Tiếng “xin lỗi” rối rít chìm vào trong sự hối hả của gia chủ đang cấp cứu cá rồng.

Chẳng lẽ “xin lỗi, xin lỗi” mãi? Phải đưa mắt lườm thằng con nghịch dại một cái mới được. Lườm cũng là một cách hối lỗi. Nhưng chỉ lườm thôi, không được mắng, không mắng. Ai lại to tiếng vào ngày mùng 1, nhất là ở nhà người khác?

Xin lỗi - lườm - xin lỗi… lại lườm, lại xin lỗi… Khổ thân khách, gia chủ đâu có để tâm đến lời xin lỗi vì tất cả tâm trí họ, cả gia đình họ đang cứu nguy cho cá. Cũng có thể sự phớt lờ ấy thay cho lời trách móc.

Thằng bé biết lỗi đứng bất động, vẻ mặt đưa đám. Nhưng khốn thay, không ai thèm nhìn ngoài bố mẹ nó đang lườm. Dáng thiểu não của nó không xin nổi một chút lòng thương.

Đứng chôn chân ở nhà người ta thấy quá tẽn tò, gia đình cậu nhân viên chào xếp ra về. Không tiếng trả lời, chỉ thấy tay thằng bé bị giật mạnh một cái như muốn nhao về phía cửa ra vào. Gia đình xếp tiếp tục hối hả với công việc cấp cứu cá rồng.


Chuyện thứ hai: Bể cảnh.
Trong khi ca cấp cứu cá rồng đang diễn ra thì ở cách thủ đô thanh lịch ngàn năm văn hiến chừng 3 cây số, gia đình nọ dắt con trai cầu tự sang nhà anh bạn (cũng dân làng báo) chơi; vừa chơi tết, tiện thể thăm nhà mới.

Mải ngắm nhà vui chuyện, thằng bé lúi cúi làm cái ùm xuống bể cảnh trong nhà. Bể nhỉnh hơn cái bàn học chút, nước chừng ba bốn chục phân, nhưng cú ngã làm gia đình chú bé hết vía. Chủ nhà vừa sợ vừa buồn cười. Thấy vậy, khách càng bực. Chuyện nguy hiểm như thế mà còn cười được! Chết người như chơi ấy chứ! Mặc dù bấm bụng cười nhưng gia chủ cũng cố vỗ về thằng bé, nói rằng, thế là may, may lắm. Năm mới tùm cái vào bể như thế nghĩa là tiền vào như nước. May lắm, may lắm !

Khách chưa hoàn hồn, vì theo họ, như thế có thể nguy hiểm cho tính mạng bèn vặc lại: May cái con khỉ! Mai ông rào xung quanh cái bể cảnh này lại! Rào lại, rào lại ngay... Ông rào thế này, thế này... Vừa nói, khách vừa khoắng mạnh tay trong không khí để vẽ cái hàng rào. Cú khoắng tay quá đà suýt văng vào mặt khiến gia chủ phải nghiêng người tránh. Lúc này chủ nhà đã nhận thấy nguy hiểm thật chứ chẳng chơi nên bừng tỉnh, vẻ hối lỗi, gật gật, ừ ừ. Ra tới cổng, gia đình có con cầu tự vẫn không quên bảo phải rào thế này, thế này. Chủ nhà lại gật gật, ừ ừ.

Khổ! Thằng bé chưa được mừng tuổi, bố mẹ chưa ai kịp nói lời chúc mừng.

Ngô Thiệu Phong

Thứ Sáu, 18 tháng 2, 2011

Lại dạy thêm học thêm .

Chuyện quá cũ, nhưng trong buổi làm việc với ngành GD-ĐT, PTT Nguyễn Thiện Nhân vẫn phải nhắc lại, thực chất là chấn chỉnh lại.

Như vậy là việc này đã nói tới từ lâu. Và không chỉ có chính phủ mà ở cả quốc hội, thời Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Minh Hiển còn đương nhiệm, cũng đã nóng lên chuyện dạy thêm học thêm tràn lan.

Thế mới biết, việc dù nhỏ, nhưng đưa ra giải pháp để giải quyết dứt điểm không đơn giản.

Trước đây người ta thêm hai chữ “tràn lan” vào dạy thêm học thêm để xác định tính chất tiêu cực của vấn đề. Trong buổi làm việc mới đây, PTT Nguyễn Thiện Nhân cũng nhắc lại ý đấy. PTT nói, không lên án dạy thêm học thêm, nhưng kiểu dạy ép buộc cần phải chấn chỉnh lại. Cần phải nói thêm, PTT Nguyễn Thiện Nhân là người khá cởi mở với vấn đề dạy thêm học thêm. Vì thế, ông đề cập chuyện này nghĩa là đã nắm được thêm nhiều thông tin.

Tóm lại, kiểu dạy thêm “ép buộc” và “tràn lan” cần có biện pháp ngăn chặn. Nhưng trước hết cần phải xác định như thế nào là “tràn lan”, là “ép buộc”. Chúng ta không thể cấm dạy thêm học thêm vì điều đó phi thực tế, phản khoa học. Do đó, tất cả các em học thêm hiện nay đều được hợp thức hóa bằng lá đơn “tự nguyện”. Lớp học thêm không chỉ tổ chức ở nhà cô, thầy mà hiện nay nhiều trường cũng tổ chức dạy thêm học thêm dưới dạng câu lạc bộ. Đây là hình thức học thêm trá hình được che đậy dưới tên gọi mỹ miều: CLB. Cái “tài” của người nghĩ ra cái tên này là ở chỗ, đã là CLB thì tất cả học sinh, với mọi trình độ học lực, đều có thể tham gia.

Một đất nước phổ biến với tư duy duy tình thì việc phân định rạch ròi giữa “tự nguyện” và “bắt buộc”, giữa “tràn lan” và “có giới hạn”… đôi khi cũng khó. Mọi thứ giao thoa vào nhau và dường như không thể tách bạch một cách rành rẽ. Có bao nhiêu % học sinh học thêm có nhu cầu thực? Câu hỏi này cũng khó như xác định có bao nhiêu % tiêu cực trong món quà biếu mang danh tình nghĩa.

Việc này khó nhưng không phải không hạn chế được. Dạy thêm học thêm là chuyện của thầy, trò và phụ huynh, nhưng liên quan tới cả hệ thống. Để chấm dứt dạy thêm học thêm theo lối ép buộc, tràn lan thì xem xét ý kiến từ phụ huynh, xã hội chưa đủ. Với riêng GD, hãy vỗ vai và đặt câu hỏi này với chính giáo viên, những người đang có lớp dạy ở nhà cũng như tại trường; hãy ghé tai hỏi nhỏ các vị hiệu trưởng, những người đang “bật đèn xanh” cho việc dạy thêm hiện nay.

Cái gì tồn tại ắt phải có lý do. Vì thế, chỉ có họ mới biết rõ nhất tại sao dạy thêm học thêm nói mãi vẫn không chuyển.

Thể hiện quyết tâm chính trị với dạy thêm học thêm là cần thiết nhưng chưa đủ. Câu chuyện dạy thêm học thêm nếu chỉ bàn ở hội nghị thì không bao giờ có hồi kết./.

Ngô Thiệu Phong

Chủ Nhật, 13 tháng 2, 2011

Dễ như... phiếu bé ngoan (VNN)

Cập nhật lúc 13/02/2011 08:01:00 AM (GMT+7)
- Khen cũng là một phương dạy học. Chúng ta nói nhiều đến đổi mới phương pháp dạy học nhưng đơn giản nhất là lời khen nhiều khi lại ít người để tâm.

Xét cho cùng thì đây cũng là khoa học đánh giá. Điểm nghiêng về định lượng, còn khen hoặc phê bình thiên về định tính. Trong khi đó, với cấp học dưới, khoa học đánh giá lại nghiêng về định tính hơn định lượng. Do đó, lời khen tiếng chê đặc biệt có ý nghĩa đối với học sinh tiểu học và THCS.Phát phiếu bé ngoan là một hình thức biểu dương, là vật chất hóa lời khen của cô sau một ngày sinh hoạt trên lớp.

Tuy nhiên, hiện nay ở nhiều trường, tình trạng phát phiếu bé ngoan một cách dễ dãi, thiếu chọn lọc và cân nhắc đang diễn ra phổ bi

Một chuyên gia giáo dục (GD) ở nhóm Cánh Buồm kể, tan lớp, một bà mẹ hỏi: Con hôm nay không được phiếu bé ngoan à? Thế là cháu vội chạy vào xin cô một chiếc rồi chạy ra dúi vào tay mẹ. Cô giáo hồn nhiên cười rạng rỡ vì vừa có một cử chỉ ban phát làm vui lòng… phụ huynh.

Vẫn biết, lứa tuổi mầm non thì nên khen nhiều hơn chê, nhưng khen có chừng mực thì học sinh mới cảm thấy trân trọng lời khen và phần thưởng bé ngoan.

Chỉ khi nào học sinh thấy quý tấm phiếu bé ngoan, các em mới hiểu rõ vì sao cô khen mình.

Và chỉ khi ấy, các em mới nhớ và lặp lại những thao tác (mà cô đã nhận xét là tốt) trong buổi học hôm sau.

Lúc đó, tấm phiếu bé ngoan mới thực sự phát huy giá trị. Hay nói cách khác, khi đó, tấm phiếu bé ngoan mới làm tròn chức năng nhiệm vụ của mình.

Tôi đã nhiều lần dự giờ ở một số lớp tiểu học thì thấy cô giáo hơi phung phí lời khen. Sai đúng gì khen tuốt. Nhiều em ngồi xuống mặt còn ngơ ngác không biết cô khen như thế thì mình trả lời đúng hay sai.

Cách khen học trò là một kỹ năng đòi hỏi cha mẹ cũng như GV phải am hiểu tâm lý lứa tuổi cũng như phương pháp sư phạm.

Dân gian có câu “của cho không bằng cách cho”. Lời khen tương tự như vậy. Khen bằng cái gì (tức là phần thưởng vật chất) không quan trọng bằng cách khen như thế nào.

Hiện nay, lời khen có phần đơn điệu và nhàm chán. Ở trên lớp, GV hầu như lặp đi lặp lại câu: Cảm ơn em. Em đã trả lời đúng; em có tinh thần xung phong nhưng câu trả lời chưa đúng; em làm rất tốt, cả lớp cho một tràng pháo tay...

Cách khen như thế không sai nhưng xem ra nó vẫn chưa phát huy tối đa tác dụng của lời khen.

TS Nguyễn Thành Nam ở nhóm Cánh Buồm tâm sự:

Cách khen như thế nào để học sinh biết rằng, GV và phụ huynh quan tâm tới cả quá trình thực hiện công việc, chứ không hẳn chỉ vì kết quả cuối cùng.

Chẳng hạn như thấy một học sinh mầm non xếp được căn nhà thật cao, thay vì khen, “con giỏi quá”, GV hay phụ huynh có thể ngạc nhiên, reo lên: Con làm thế nào mà xếp được cái cột cao như thế này?

Đấy cũng là một lời khen. Khen như thế các cháu sẽ phấn khởi hơn. Và quan trọng là, các cháu biết người lớn đã bày tỏ sự quan tâm tới quá trình thực hiện công việc của mình. Khi đó, mọi thao tác để thực hiện công việc, dù đơn giản hay phức tạp, một lần nữa lại được tái hiện, giúp trẻ hiểu bài sâu hơn.

Đây cũng là cơ hội để xem xét khả năng thuyết minh của trẻ, đồng thời hướng dẫn các em mở rộng phương án giải quyết vấn đề, rèn tư duy mềm dẻo, linh hoạt và sáng tạo.

Không chỉ cách khen, thái độ khi khen hoặc chê học sinh cũng vô cùng quan trọng. Bằng trực giác, học sinh, dù ở mầm non, dễ dàng phát hiện ra những lời khen hời hợt, chiếu lệ.

Dạy học sinh lứa tuổi mầm non, tiểu học rất khó. Cái khó không hẳn nội dung bài học mà ở cách dạy.

Dạy học sinh không chỉ ở trường mà còn ở nhà. Phụ huynh đôi khi cũng không hiểu hết phương pháp dạy con.

Chẳng hạn cháu chơi ngoan một mình thì bố mẹ mải mê làm việc khác. Đến khi quấy khóc thì vồ vập chạy lại cưng nựng. Lúc cháu nín lại bỏ đi tiếp tục với công việc của mình. Làm thế, khác nào khuyến khích cháu không ngoan. Vô tình phụ huynh đã giúp con hình thành phản xạ có điều kiện về sự ngoan và hư. Nghĩa là chỉ quấy khóc mới nhận được sự quan tâm của bố mẹ.

Có bà mẹ muốn con ăn no, bèn bảo, ăn nốt miếng này không mai mẹ cho đi lớp?! Nói như thế, vô hình trung, chính mẹ cũng ngầm coi việc đến trường như một hình phạt.

Trẻ nuốt nốt miếng cơm đồng thời “nuốt” vào trong lòng ý tứ của người mẹ, rằng: Đến trường là một cái gì đó khổ sở. Cháu bé đã ăn, nhưng từ nay trở đi, trong suy nghĩ của nó, đi học không còn là niềm vui nữa.

GS Hồ Ngọc Đại có lần nói: Dạy trẻ con khó lắm! Đừng căn cứ vào quy định tốt nghiệp trung cấp sư phạm là dạy được mà đánh giá thấp vai trò người thầy ở tiểu học. Cho tới hôm nay, khi GD đã hoàn thành một số mục tiêu phổ cập, lượng học sinh tiểu học đã giảm đáng kể, có lẽ chuẩn đào tạo và chương trình đào tạo GV tiểu học cũng nên xem lại.

Ngô Thiệu Phong

Thứ Năm, 10 tháng 2, 2011

Cho vạy nặng lãi.

Trong cuộc họp phụ huynh khối lớp 6 cuối học kỳ I, tại một trường ở Hà Nội, cha mẹ tá hỏa hay tin trong lớp có hiện tượng “cho vay nặng lãi”.

Số là có em học sinh nữ được gia đình cho tiền ăn sáng nhưng chỉ ăn một nửa, phần còn lại cho các bạn trai vay. Trong khi học sinh trai đang cay cú với trò chơi mà thắng thua phải trả bằng tranh siêu nhân (tương tự như nửa tấm các-vi-sit, mua ở cổng trường) thì lại có bạn sẵn lòng cho vay tiền để mua tranh thì còn gì bằng. Tuy nhiên, học sinh nữ “chủ nợ” kia cũng có máu kinh doanh nên từ 1000đ vay đầu tuần, cuối tuần phải trả 8000đ, mức lãi suất kỷ lục?!

Làn sóng “cho vay nặng lãi” lan rộng. Nhiều học sinh trai trở thành con nợ bởi không đủ khả năng trả. Chính vì có chuyện “nợ xấu khó đòi” như thế nên chuyện vỡ lở. Cả cô và phụ huynh đều giật mình.

Cách đây vài hôm một GS triết học hỏi: Anh có bóc lột không ? Tôi nhất quyết “không” vì tôi là viên chức nhà nước. Ông GS hỏi: Anh có sổ tiết kiệm không? Trả lời: Có. Vậy thì đích thị anh là kẻ bóc lột.

Hóa ra trong khi xã hội đang bàn về công hữu tư liệu sản xuất thì ở trên lớp học sinh đang bóc lột.

Chuyện thứ hai. Sinh nhật con gái, cháu mời các bạn gần nhà tới dự. Hầu hết các bạn đến dự đều không có quà tặng. Cháu và gia đình đều coi chuyện này là bình thường và thực sự mong như thế. Vì coi nặng quà tặng sẽ khiến cho các cháu mất tự nhiên. Ấy vậy nhưng trong đám trẻ lại có một cháu đưa phong bì, trong có 20.000đ. Chẳng biết bố mẹ xui hay cháu tự nghĩ ra món quà “rất người lớn” này.

Những hiện tượng trên có thuộc phạm trù đạo đức? Cần định hướng cho học sinh như thế nào? Câu trả lời không đơn giản. Đời sống xã hội đã và đang ùa vào trường học. Điều này đặt ra vấn đề cần xem lại những bài giảng về đạo đức khô khan, những môn học cứng nhắc, ít có liên hệ tới đời sống sinh động và phong phú đang diễn ra. Chiếc áo “chương trình” đã chật chội và lạc mốt?

Có lần đọc đâu đó việc học sinh tiểu học ở nước ngoài tập “đi buôn”. Vâng! Đúng thế! Các em được giáo viên hướng dẫn cách kinh doanh, cách mua hàng, bán hàng. Các em tự tổ chức thực hiện. Số tiền lãi dùng vào những việc có ích.

GS Hồ Ngọc Đại có lần thốt lên, đại ý, học sinh hôm nay ăn cơm của thế kỷ 21, thở không khí của thế kỷ 21, vì thế chúng phải được học những cái của thế kỷ 21. Chính vì thế cần đưa đến cho học sinh, ngay từ lớp 1, hệ thống khái niệm khoa học theo đúng tinh thần, nội dung và phương pháp đặc trưng của nó ở trình độ đương thời.

Đã vào thế kỉ XXI, đâu còn ở thế kỉ XVIII, mà cứ chần chừ hỏi đi hỏi lại, liệu có nên thay cày chìa vôi bằng máy cày. Ở thế kỉ XXI, chỉ có máy cày mới đáp ứng được nhu cầu sống của cuộc sống thực. Theo Marx, một khi nẩy sinh nhu cầu mới thì trong lòng cuộc sống thực đã có điều kiện vật chất để thoả mãn nó. Vì thế, câu chuyện học sinh “cho vay nặng lãi” đáng để suy ngẫm lắm chứ !

Ngô Thiệu Phong

Thứ Hai, 7 tháng 2, 2011

Sỹ diện hão.

Chuyện này không cũ. Nhưng nhân thành công của Đại hội đảng 11, ông Nguyễn Phú Trọng được giao trọng trách đứng đầu đảng nên nói lại chút cho vui.

Cái số tôi nó sinh vào giờ sỹ diện hão, cứ gọi là như thế đi. Mà chẳng phải tôi, hình như cả cái họ Ngô Thiệu đều thế .

Tôi chỉ biết tới ông nội tôi thôi, các đời trên chưa tìm hiểu. Ông nội tôi là con út trong một gia đình 4 anh em. Hình như cụ nội cũng là địa chủ hoặc vai vế gì đó trong làng thì phải nên ông nội tôi và 3 anh em đều thuộc hàng nhà giàu. Bốn anh em 4 dinh cơ khá to. Nhưng tính ông nội tôi ham chơi nên cờ bạc hết cả. Ông chơi ông chịu nên quyết không nhờ vả anh em mà bỏ làng đi buôn muối tận mạn ngược. Một cơn bạo bệnh khiến ông bỏ xác nơi rừng sâu. Mãi sau này mới tìm được mộ.

Đến bố tôi cũng có “gen sỹ diện” di truyền này. Ông bỏ vị trí Phó chủ nhiệm Công ty rau hoa quả Tp HCM ( tương đương PGĐ) để về hưu trước tuổi vì không chịu được cảnh kèn cựa, đấu đá theo kiểu cục bộ địa phương giữa các phe: Bắc kỳ, R (trên rừng về) và tập kết. Ông vừa bước xuống từ chiếc xe pơ – giô 203 sang trọng là đi sau cái cày và đít con trâu. Từ “Hòn ngọc viễn đông”, ông trở về cái làng Xóm Lò mái lá, bùn lầy. Một quyết định dũng cảm, một sức chịu đựng ghê gớm!

Tôi xem ra cũng có chút máu sỹ trong người. Cái máu sỹ này nó cũng làm tôi vất vả. Số là sau năm thứ 2 đại học, chỉ vì bị mất học bổng, thế là máu sỹ nổi lên, bỏ luôn. Sau này đi thi lại, học lại từ đầu, khốn khổ! Bởi thế 26 tuổi mới tốt nghiệp ĐH. Nhà nghèo, chẳng quen biết ai… nên tìm việc không dễ. Nghe nói bên quê (Lại Đà – Đông Hội – Đông Anh) có ông Viên làm GĐ sở VHTT Hà Nội, thế là đến nhờ xin việc. Ông này biết người cùng quê (chỉ thế thôi) nên giúp ngay. Tờ Điện ảnh kịch trường là nơi đầu tiên tôi làm báo qua sự giới thiệu của ông Viên. Làm đến hôm thứ hai, ông tổng biên tập nheo mắt, phán: Cái chữ xấu như thế này thì chẳng làm được báo đâu. Nghe vậy, tôi bỏ luôn. Sỹ hão! Nghĩ bây giờ thấy trẻ con. Hôm rồi cầm tờ giấy viết tay của GS-TS, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chợt nhớ chuyện xưa bèn cười cái hậc, nghĩ, ông Nhân chỉ làm được PTT, còn làm báo thì còn lâu. Chữ xấu thế chả trách!




Đang lúc thất nghiệp, bà bác dâu trong họ te tái: Sang đây tao bảo thằng Trọng (Nguyễn Phú Trọng) nó xin việc cho! Khi đó ông Trọng đang làm TBT Tạp chí CS. Bố tôi(cùng bà bác)đưa tôi sang nhà ông Trọng vẻ miễn cưỡng. Mặt ông cứ buồn buồn. Hình như ông nể lời bà bác tốt tính hay té tát, đốp chát và lo cho tương lai của tôi chứ trong lòng có vẻ không thích nhờ vả. Bởi thế, khi đưa tôi đến nhà ông Trọng (khi đó còn ở căn hộ tập thể ở tầng 2 phố Nguyễn Thượng Hiền), bố tôi bảo bà bác (bố tôi gọi là chị), cứ lên đi, em ngồi vỉa hè uống nước chờ.

Ông Trọng khi đó tóc còn xanh, người nhỏ nhắn, rắn rỏi. Vợ ông Trọng là người dòng họ Ngô Thiệu. Tôi không biết bà quan hệ họ hàng thế nào bên họ Ngô Thiệu. Món này tôi kém và cũng không để tâm tìm hiểu.

Ông Trọng biết tôi người cùng quê, cùng họ với vợ mình, lại được bà cô (cùng họ Nguyễn Phú) đưa tới tận nơi nên cũng tỏ ra nhiệt tình. Tuy nhiên, tạp chí của ông không cần ( và không thể ) tuyển loại phóng viên vớ vỉn vừa ra trường như tôi. Ông bảo có thích đi dạy không (chắc là ở Học viện báo chí tuyên truyền?). Tôi gặp ông Trọng duy nhất lần đó.

Đang làm bảo vệ kiêm tạp vụ ở một công ty máy tính tư nhân thì cô hàng xóm đem tờ báo có mẩu tin Đài TNVN tuyển phóng viên. Ừ thì cứ thử xem! Hai trăm ứng viên lấy 20, trong đó có tôi. Bất ngờ! Sau này, mỗi đợt Đài tuyển phóng viên, ngó danh sách trúng tuyển, giật mình ngẫm lại thấy sao mình may thế!

Dòng họ Ngô Thiệu ở Lại Đà không phải dòng họ lớn nhất. Song có uy thế nhờ vào sự giàu có trước đây và đỗ đạt hôm nay. Nghe kể: Xưa, bên nhà ông Trọng nghèo lắm. Mà cái thời phong kiến, nghèo đồng nghĩa với… nhiều khổ sở. Cách mạng về đổi đời cho bao kiếp người, trong đó có gia đình ông. Dòng họ Ngô Thiệu nhà tôi ít nhiều cũng có sự đổi thay. Ấy là những căn nhà của các cụ, các ông, các bác bị quy địa chủ đều bị chia 5 xẻ 7 cho các hộ nghèo trong làng. Nhiều người hoan hỉ lắm vì được làm chủ trong ngôi nhà mà trước kia họ phải bước vào với thân phận làm thuê. Thời thế nên chuyện đó cũng bình thường so với cái chết oan ức của một người trong họ Ngô Thiệu thời cải cách. Ông là địa chủ kháng chiến, ủng hộ, nuôi dấu cán bộ, thế mà Đội bùng bừng khí thế cải cách, buộc tay dây thép, lôi ra đình: Bòm…òm…òm! Sau này có cái giấy xin lỗi của thượng cấp, nhưng mạng người thì không lấy lại được.

Họ Ngô Thiệu có lệ mùng 1 tết dương lịch tập trung về nhà thờ họ để gặp mặt đầu năm. Trong các cuộc gặp gỡ như thế, tịch chưa thấy bất kỳ ai trong họ đề cập chuyện nhờ vả theo kiểu “thấy sang bắt quàng làm họ”. Mọi người thừa biết ông tổng giám đốc đài hiện nay là nhân viên cũ của ông Trọng, khi ông Trọng còn làm TBT Tạp Chí CS.

Mới đây một đồng nghiệp làm ở đài, lấy vợ Lại Đà, khoe, tớ vừa chuyển vợ về đài rồi, nhàn, lại được hai lương rưỡi. Vợ tớ họ Nguyễn Phú đấy…! Tôi lặng yên nghe, gật gù phục tài thu vén.

Hồi mới về đài, ông tổng giám đốc VVH đánh tiếng kêu tôi sang làm thư ký. Sau mấy bận xa xôi không được, ông trực tiếp bảo trưởng ban kêu tôi lên. Ông H bảo chuyện là như thế như thế… Tôi nói, chỉ biết làm báo... Khi ra về, ông H bảo: Từ nay chúng ta không nói chuyện này nữa.

Anh em trong cơ quan đồ rằng ông ấy gia ân cho kẻ “vô danh tiểu tốt” như tôi là muốn tạo vị thế cho mình bằng cách vời một vài người có tí uy tín về cái nọ cái kia để tạo ekip làm việc. Chắc ai đó nói với ông H rằng, cái thằng tôi chẳng phải “con cái nhà ai” mà có đủ bộ bằng khen giải báo chí toàn quốc, lại toàn giải cá nhân. Vớ vỉn! Chẳng biết đúng không? Hay là ông ấy biết mối quan hệ “bắn súng đại bác” của tôi với vợ ông T ?

Sau khi tôi không dám nhận chức vụ thư ký thì có ngay nhiều đối tác khác đảm trách. Anh em hiện đều giữ chức vụ cao trong Đài, như Hùng (người cùng đi biệt phái Sơn La với tôi) hiện là GĐ Thường trú Tây Nguyên. Hải Định cũng… định vào làm GĐ TT Tp HCM.

Nhiều người khi nói đến chuyện chức tước cứ đưa mắt về phía tôi xem có phản ứng gì không. Tôi chẳng nói gì, nhưng lòng thấy thanh thản, đơn giản vì được làm việc mình thích. Còn chuyện quan trường đâu có đơn giản ... Nhiều hôm bên ly cà phê, nghĩ nhân tình thế thái rồi đặt tình huống: Nếu mình nhận làm thư ký… nếu mình chịu khó đến nhà chú T nói rằng, quê cháu cũng ở Lại Đà, nhà cháu ở ngay cạnh nhà chú…khà, khà... thì chắc ông cũng rộng lòng cho một cú phôn? Nhưng cái tính sỹ hão có nòi của họ Ngô Thiệu nó thế. Nó còn to hơn cả ham muốn, tham vọng khác. Chắc vì thế nên dù vất vả, tôi vẫn thấy thanh thản? Sỹ!

Tôi nhớ như in ánh mắt và vẻ mặt buồn của bố tôi khi ông dẫn tôi tới nhà ông Trọng xin việc. Tôi chưa kịp hỏi vì sao ông không lên nhà ông Trọng xin cho tôi một câu mà lại ngồi chờ dưới đường thì ông ngã bệnh. Đến giờ, khi nhìn ông sống cuộc sống thực vật trên giường, tôi vẫn thầm nói với ông rằng: Đời con đi bằng hai chân của chính mình. Con không đi bằng đầu gối, nói lời lèo lá trước bất kỳ ai. Bố yên tâm! Con xứng đáng với dòng họ Ngô Thiệu.

Cũng cần thêm rằng, trong đời làm cán bộ của bố tôi, ông đã giúp xin việc cho nhiều người mà không lấy thứ gì, cho dù quà mọn. Những năm 70-80 mà xin một chân vào thương nghiệp thực phẩm đâu phải chuyện chơi. Vì thế, ông hiểu nỗi khổ của cả người đi xin việc lẫn người được (bị) nhờ xin việc.

Sau này viết báo, tôi có một suy nghĩ rất trẻ con. Ấy là cố ý cộng tác với Báo NĐBND, tờ báo của quốc hội, nơi ông Trọng làm Chủ tịch, cho dù tờ này viết khó vì chính thống và nghiêm túc; cho dù biết ông cũng chẳng có nhiều thời gian để đọc. Cộng tác để ra cái điều tôi đã xin được việc và cũng viết được chứ không đến nỗi. Ông bận trăm công ngàn việc chẳng nhớ gì đâu, nhưng dòng họ Ngô Thiệu thì chắc ông biết, vì đấy là họ của một người quê Lại Đà ( tạm gọi là quê của ông ) và là họ bên vợ ông. Đấy sỹ hão nó vớ vỉn thế đấy!

Ngô Thiệu Phong