Thứ Tư, 23 tháng 2, 2011

Bể cá và bể cảnh .

Hai chuyện đều xảy ra vào dịp tết, ở đất Tràng An, nên kể luôn, để lâu sợ quên.

Chuyện thứ nhất: Bể cá.
Mùng 1, gia đình nhà nọ hoan hỉ kéo nhau sang nhà xếp, là Phó TBT một tờ báo lớn, chúc tết.

Xếp tươi cười đón nhân viên. Nhân viên tươi cười chúc xếp. Đương nhiên là tươi cười rồi, vì mùng 1 tết, dẫu có không bằng lòng thì người ta vẫn cứ… cười. Mọi người vừa ăn bánh kẹo, uống nước, chuyện xưa chuyện nay rôm rả nên không để ý cậu bé, con vị khách, đổ cả đĩa hạt dưa vào bể để cho cá rồng ăn.

Thấy thế, vợ chồng gia chủ hoảng hốt như có cháy. Mà hoảng thật vì cá rồng bạc triệu chứ đâu phải mấy con cá vàng ăn nhiều ỉa lắm. Xếp gia chủ hô hào người nhà lấy vợt, chuẩn bị thau, nước... khẩn cấp đưa cá rồng ra khỏi bể. Công việc khẩn trương như Hà Nội họp cứu rùa Hồ Gươm. Cá rồng quý lắm! Phải vô cùng thận trọng, mất một cái vẩy cũng không được, phải an toàn tuyệt đối.

Khổ thân gia đình cậu nhân viên. Biết nói gì đây? À, xin lỗi, phải xin lỗi. Vâng, em xin lỗi, cháu nghịch quá! Xin lỗi, xin lỗi ... Tiếng “xin lỗi” rối rít chìm vào trong sự hối hả của gia chủ đang cấp cứu cá rồng.

Chẳng lẽ “xin lỗi, xin lỗi” mãi? Phải đưa mắt lườm thằng con nghịch dại một cái mới được. Lườm cũng là một cách hối lỗi. Nhưng chỉ lườm thôi, không được mắng, không mắng. Ai lại to tiếng vào ngày mùng 1, nhất là ở nhà người khác?

Xin lỗi - lườm - xin lỗi… lại lườm, lại xin lỗi… Khổ thân khách, gia chủ đâu có để tâm đến lời xin lỗi vì tất cả tâm trí họ, cả gia đình họ đang cứu nguy cho cá. Cũng có thể sự phớt lờ ấy thay cho lời trách móc.

Thằng bé biết lỗi đứng bất động, vẻ mặt đưa đám. Nhưng khốn thay, không ai thèm nhìn ngoài bố mẹ nó đang lườm. Dáng thiểu não của nó không xin nổi một chút lòng thương.

Đứng chôn chân ở nhà người ta thấy quá tẽn tò, gia đình cậu nhân viên chào xếp ra về. Không tiếng trả lời, chỉ thấy tay thằng bé bị giật mạnh một cái như muốn nhao về phía cửa ra vào. Gia đình xếp tiếp tục hối hả với công việc cấp cứu cá rồng.


Chuyện thứ hai: Bể cảnh.
Trong khi ca cấp cứu cá rồng đang diễn ra thì ở cách thủ đô thanh lịch ngàn năm văn hiến chừng 3 cây số, gia đình nọ dắt con trai cầu tự sang nhà anh bạn (cũng dân làng báo) chơi; vừa chơi tết, tiện thể thăm nhà mới.

Mải ngắm nhà vui chuyện, thằng bé lúi cúi làm cái ùm xuống bể cảnh trong nhà. Bể nhỉnh hơn cái bàn học chút, nước chừng ba bốn chục phân, nhưng cú ngã làm gia đình chú bé hết vía. Chủ nhà vừa sợ vừa buồn cười. Thấy vậy, khách càng bực. Chuyện nguy hiểm như thế mà còn cười được! Chết người như chơi ấy chứ! Mặc dù bấm bụng cười nhưng gia chủ cũng cố vỗ về thằng bé, nói rằng, thế là may, may lắm. Năm mới tùm cái vào bể như thế nghĩa là tiền vào như nước. May lắm, may lắm !

Khách chưa hoàn hồn, vì theo họ, như thế có thể nguy hiểm cho tính mạng bèn vặc lại: May cái con khỉ! Mai ông rào xung quanh cái bể cảnh này lại! Rào lại, rào lại ngay... Ông rào thế này, thế này... Vừa nói, khách vừa khoắng mạnh tay trong không khí để vẽ cái hàng rào. Cú khoắng tay quá đà suýt văng vào mặt khiến gia chủ phải nghiêng người tránh. Lúc này chủ nhà đã nhận thấy nguy hiểm thật chứ chẳng chơi nên bừng tỉnh, vẻ hối lỗi, gật gật, ừ ừ. Ra tới cổng, gia đình có con cầu tự vẫn không quên bảo phải rào thế này, thế này. Chủ nhà lại gật gật, ừ ừ.

Khổ! Thằng bé chưa được mừng tuổi, bố mẹ chưa ai kịp nói lời chúc mừng.

Ngô Thiệu Phong

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ