Thứ Năm, 10 tháng 2, 2011

Cho vạy nặng lãi.

Trong cuộc họp phụ huynh khối lớp 6 cuối học kỳ I, tại một trường ở Hà Nội, cha mẹ tá hỏa hay tin trong lớp có hiện tượng “cho vay nặng lãi”.

Số là có em học sinh nữ được gia đình cho tiền ăn sáng nhưng chỉ ăn một nửa, phần còn lại cho các bạn trai vay. Trong khi học sinh trai đang cay cú với trò chơi mà thắng thua phải trả bằng tranh siêu nhân (tương tự như nửa tấm các-vi-sit, mua ở cổng trường) thì lại có bạn sẵn lòng cho vay tiền để mua tranh thì còn gì bằng. Tuy nhiên, học sinh nữ “chủ nợ” kia cũng có máu kinh doanh nên từ 1000đ vay đầu tuần, cuối tuần phải trả 8000đ, mức lãi suất kỷ lục?!

Làn sóng “cho vay nặng lãi” lan rộng. Nhiều học sinh trai trở thành con nợ bởi không đủ khả năng trả. Chính vì có chuyện “nợ xấu khó đòi” như thế nên chuyện vỡ lở. Cả cô và phụ huynh đều giật mình.

Cách đây vài hôm một GS triết học hỏi: Anh có bóc lột không ? Tôi nhất quyết “không” vì tôi là viên chức nhà nước. Ông GS hỏi: Anh có sổ tiết kiệm không? Trả lời: Có. Vậy thì đích thị anh là kẻ bóc lột.

Hóa ra trong khi xã hội đang bàn về công hữu tư liệu sản xuất thì ở trên lớp học sinh đang bóc lột.

Chuyện thứ hai. Sinh nhật con gái, cháu mời các bạn gần nhà tới dự. Hầu hết các bạn đến dự đều không có quà tặng. Cháu và gia đình đều coi chuyện này là bình thường và thực sự mong như thế. Vì coi nặng quà tặng sẽ khiến cho các cháu mất tự nhiên. Ấy vậy nhưng trong đám trẻ lại có một cháu đưa phong bì, trong có 20.000đ. Chẳng biết bố mẹ xui hay cháu tự nghĩ ra món quà “rất người lớn” này.

Những hiện tượng trên có thuộc phạm trù đạo đức? Cần định hướng cho học sinh như thế nào? Câu trả lời không đơn giản. Đời sống xã hội đã và đang ùa vào trường học. Điều này đặt ra vấn đề cần xem lại những bài giảng về đạo đức khô khan, những môn học cứng nhắc, ít có liên hệ tới đời sống sinh động và phong phú đang diễn ra. Chiếc áo “chương trình” đã chật chội và lạc mốt?

Có lần đọc đâu đó việc học sinh tiểu học ở nước ngoài tập “đi buôn”. Vâng! Đúng thế! Các em được giáo viên hướng dẫn cách kinh doanh, cách mua hàng, bán hàng. Các em tự tổ chức thực hiện. Số tiền lãi dùng vào những việc có ích.

GS Hồ Ngọc Đại có lần thốt lên, đại ý, học sinh hôm nay ăn cơm của thế kỷ 21, thở không khí của thế kỷ 21, vì thế chúng phải được học những cái của thế kỷ 21. Chính vì thế cần đưa đến cho học sinh, ngay từ lớp 1, hệ thống khái niệm khoa học theo đúng tinh thần, nội dung và phương pháp đặc trưng của nó ở trình độ đương thời.

Đã vào thế kỉ XXI, đâu còn ở thế kỉ XVIII, mà cứ chần chừ hỏi đi hỏi lại, liệu có nên thay cày chìa vôi bằng máy cày. Ở thế kỉ XXI, chỉ có máy cày mới đáp ứng được nhu cầu sống của cuộc sống thực. Theo Marx, một khi nẩy sinh nhu cầu mới thì trong lòng cuộc sống thực đã có điều kiện vật chất để thoả mãn nó. Vì thế, câu chuyện học sinh “cho vay nặng lãi” đáng để suy ngẫm lắm chứ !

Ngô Thiệu Phong

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ