Lại dạy thêm học thêm .
Chuyện quá cũ, nhưng trong buổi làm việc với ngành GD-ĐT, PTT Nguyễn Thiện Nhân vẫn phải nhắc lại, thực chất là chấn chỉnh lại.
Như vậy là việc này đã nói tới từ lâu. Và không chỉ có chính phủ mà ở cả quốc hội, thời Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Minh Hiển còn đương nhiệm, cũng đã nóng lên chuyện dạy thêm học thêm tràn lan.
Thế mới biết, việc dù nhỏ, nhưng đưa ra giải pháp để giải quyết dứt điểm không đơn giản.
Trước đây người ta thêm hai chữ “tràn lan” vào dạy thêm học thêm để xác định tính chất tiêu cực của vấn đề. Trong buổi làm việc mới đây, PTT Nguyễn Thiện Nhân cũng nhắc lại ý đấy. PTT nói, không lên án dạy thêm học thêm, nhưng kiểu dạy ép buộc cần phải chấn chỉnh lại. Cần phải nói thêm, PTT Nguyễn Thiện Nhân là người khá cởi mở với vấn đề dạy thêm học thêm. Vì thế, ông đề cập chuyện này nghĩa là đã nắm được thêm nhiều thông tin.
Tóm lại, kiểu dạy thêm “ép buộc” và “tràn lan” cần có biện pháp ngăn chặn. Nhưng trước hết cần phải xác định như thế nào là “tràn lan”, là “ép buộc”. Chúng ta không thể cấm dạy thêm học thêm vì điều đó phi thực tế, phản khoa học. Do đó, tất cả các em học thêm hiện nay đều được hợp thức hóa bằng lá đơn “tự nguyện”. Lớp học thêm không chỉ tổ chức ở nhà cô, thầy mà hiện nay nhiều trường cũng tổ chức dạy thêm học thêm dưới dạng câu lạc bộ. Đây là hình thức học thêm trá hình được che đậy dưới tên gọi mỹ miều: CLB. Cái “tài” của người nghĩ ra cái tên này là ở chỗ, đã là CLB thì tất cả học sinh, với mọi trình độ học lực, đều có thể tham gia.
Một đất nước phổ biến với tư duy duy tình thì việc phân định rạch ròi giữa “tự nguyện” và “bắt buộc”, giữa “tràn lan” và “có giới hạn”… đôi khi cũng khó. Mọi thứ giao thoa vào nhau và dường như không thể tách bạch một cách rành rẽ. Có bao nhiêu % học sinh học thêm có nhu cầu thực? Câu hỏi này cũng khó như xác định có bao nhiêu % tiêu cực trong món quà biếu mang danh tình nghĩa.
Việc này khó nhưng không phải không hạn chế được. Dạy thêm học thêm là chuyện của thầy, trò và phụ huynh, nhưng liên quan tới cả hệ thống. Để chấm dứt dạy thêm học thêm theo lối ép buộc, tràn lan thì xem xét ý kiến từ phụ huynh, xã hội chưa đủ. Với riêng GD, hãy vỗ vai và đặt câu hỏi này với chính giáo viên, những người đang có lớp dạy ở nhà cũng như tại trường; hãy ghé tai hỏi nhỏ các vị hiệu trưởng, những người đang “bật đèn xanh” cho việc dạy thêm hiện nay.
Cái gì tồn tại ắt phải có lý do. Vì thế, chỉ có họ mới biết rõ nhất tại sao dạy thêm học thêm nói mãi vẫn không chuyển.
Thể hiện quyết tâm chính trị với dạy thêm học thêm là cần thiết nhưng chưa đủ. Câu chuyện dạy thêm học thêm nếu chỉ bàn ở hội nghị thì không bao giờ có hồi kết./.
Ngô Thiệu Phong
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ