Sỹ diện hão.
Chuyện này không cũ. Nhưng nhân thành công của Đại hội đảng 11, ông Nguyễn Phú Trọng được giao trọng trách đứng đầu đảng nên nói lại chút cho vui.
Cái số tôi nó sinh vào giờ sỹ diện hão, cứ gọi là như thế đi. Mà chẳng phải tôi, hình như cả cái họ Ngô Thiệu đều thế .
Tôi chỉ biết tới ông nội tôi thôi, các đời trên chưa tìm hiểu. Ông nội tôi là con út trong một gia đình 4 anh em. Hình như cụ nội cũng là địa chủ hoặc vai vế gì đó trong làng thì phải nên ông nội tôi và 3 anh em đều thuộc hàng nhà giàu. Bốn anh em 4 dinh cơ khá to. Nhưng tính ông nội tôi ham chơi nên cờ bạc hết cả. Ông chơi ông chịu nên quyết không nhờ vả anh em mà bỏ làng đi buôn muối tận mạn ngược. Một cơn bạo bệnh khiến ông bỏ xác nơi rừng sâu. Mãi sau này mới tìm được mộ.
Đến bố tôi cũng có “gen sỹ diện” di truyền này. Ông bỏ vị trí Phó chủ nhiệm Công ty rau hoa quả Tp HCM ( tương đương PGĐ) để về hưu trước tuổi vì không chịu được cảnh kèn cựa, đấu đá theo kiểu cục bộ địa phương giữa các phe: Bắc kỳ, R (trên rừng về) và tập kết. Ông vừa bước xuống từ chiếc xe pơ – giô 203 sang trọng là đi sau cái cày và đít con trâu. Từ “Hòn ngọc viễn đông”, ông trở về cái làng Xóm Lò mái lá, bùn lầy. Một quyết định dũng cảm, một sức chịu đựng ghê gớm!
Tôi xem ra cũng có chút máu sỹ trong người. Cái máu sỹ này nó cũng làm tôi vất vả. Số là sau năm thứ 2 đại học, chỉ vì bị mất học bổng, thế là máu sỹ nổi lên, bỏ luôn. Sau này đi thi lại, học lại từ đầu, khốn khổ! Bởi thế 26 tuổi mới tốt nghiệp ĐH. Nhà nghèo, chẳng quen biết ai… nên tìm việc không dễ. Nghe nói bên quê (Lại Đà – Đông Hội – Đông Anh) có ông Viên làm GĐ sở VHTT Hà Nội, thế là đến nhờ xin việc. Ông này biết người cùng quê (chỉ thế thôi) nên giúp ngay. Tờ Điện ảnh kịch trường là nơi đầu tiên tôi làm báo qua sự giới thiệu của ông Viên. Làm đến hôm thứ hai, ông tổng biên tập nheo mắt, phán: Cái chữ xấu như thế này thì chẳng làm được báo đâu. Nghe vậy, tôi bỏ luôn. Sỹ hão! Nghĩ bây giờ thấy trẻ con. Hôm rồi cầm tờ giấy viết tay của GS-TS, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chợt nhớ chuyện xưa bèn cười cái hậc, nghĩ, ông Nhân chỉ làm được PTT, còn làm báo thì còn lâu. Chữ xấu thế chả trách!
Đang lúc thất nghiệp, bà bác dâu trong họ te tái: Sang đây tao bảo thằng Trọng (Nguyễn Phú Trọng) nó xin việc cho! Khi đó ông Trọng đang làm TBT Tạp chí CS. Bố tôi(cùng bà bác)đưa tôi sang nhà ông Trọng vẻ miễn cưỡng. Mặt ông cứ buồn buồn. Hình như ông nể lời bà bác tốt tính hay té tát, đốp chát và lo cho tương lai của tôi chứ trong lòng có vẻ không thích nhờ vả. Bởi thế, khi đưa tôi đến nhà ông Trọng (khi đó còn ở căn hộ tập thể ở tầng 2 phố Nguyễn Thượng Hiền), bố tôi bảo bà bác (bố tôi gọi là chị), cứ lên đi, em ngồi vỉa hè uống nước chờ.
Ông Trọng khi đó tóc còn xanh, người nhỏ nhắn, rắn rỏi. Vợ ông Trọng là người dòng họ Ngô Thiệu. Tôi không biết bà quan hệ họ hàng thế nào bên họ Ngô Thiệu. Món này tôi kém và cũng không để tâm tìm hiểu.
Ông Trọng biết tôi người cùng quê, cùng họ với vợ mình, lại được bà cô (cùng họ Nguyễn Phú) đưa tới tận nơi nên cũng tỏ ra nhiệt tình. Tuy nhiên, tạp chí của ông không cần ( và không thể ) tuyển loại phóng viên vớ vỉn vừa ra trường như tôi. Ông bảo có thích đi dạy không (chắc là ở Học viện báo chí tuyên truyền?). Tôi gặp ông Trọng duy nhất lần đó.
Đang làm bảo vệ kiêm tạp vụ ở một công ty máy tính tư nhân thì cô hàng xóm đem tờ báo có mẩu tin Đài TNVN tuyển phóng viên. Ừ thì cứ thử xem! Hai trăm ứng viên lấy 20, trong đó có tôi. Bất ngờ! Sau này, mỗi đợt Đài tuyển phóng viên, ngó danh sách trúng tuyển, giật mình ngẫm lại thấy sao mình may thế!
Dòng họ Ngô Thiệu ở Lại Đà không phải dòng họ lớn nhất. Song có uy thế nhờ vào sự giàu có trước đây và đỗ đạt hôm nay. Nghe kể: Xưa, bên nhà ông Trọng nghèo lắm. Mà cái thời phong kiến, nghèo đồng nghĩa với… nhiều khổ sở. Cách mạng về đổi đời cho bao kiếp người, trong đó có gia đình ông. Dòng họ Ngô Thiệu nhà tôi ít nhiều cũng có sự đổi thay. Ấy là những căn nhà của các cụ, các ông, các bác bị quy địa chủ đều bị chia 5 xẻ 7 cho các hộ nghèo trong làng. Nhiều người hoan hỉ lắm vì được làm chủ trong ngôi nhà mà trước kia họ phải bước vào với thân phận làm thuê. Thời thế nên chuyện đó cũng bình thường so với cái chết oan ức của một người trong họ Ngô Thiệu thời cải cách. Ông là địa chủ kháng chiến, ủng hộ, nuôi dấu cán bộ, thế mà Đội bùng bừng khí thế cải cách, buộc tay dây thép, lôi ra đình: Bòm…òm…òm! Sau này có cái giấy xin lỗi của thượng cấp, nhưng mạng người thì không lấy lại được.
Họ Ngô Thiệu có lệ mùng 1 tết dương lịch tập trung về nhà thờ họ để gặp mặt đầu năm. Trong các cuộc gặp gỡ như thế, tịch chưa thấy bất kỳ ai trong họ đề cập chuyện nhờ vả theo kiểu “thấy sang bắt quàng làm họ”. Mọi người thừa biết ông tổng giám đốc đài hiện nay là nhân viên cũ của ông Trọng, khi ông Trọng còn làm TBT Tạp Chí CS.
Mới đây một đồng nghiệp làm ở đài, lấy vợ Lại Đà, khoe, tớ vừa chuyển vợ về đài rồi, nhàn, lại được hai lương rưỡi. Vợ tớ họ Nguyễn Phú đấy…! Tôi lặng yên nghe, gật gù phục tài thu vén.
Hồi mới về đài, ông tổng giám đốc VVH đánh tiếng kêu tôi sang làm thư ký. Sau mấy bận xa xôi không được, ông trực tiếp bảo trưởng ban kêu tôi lên. Ông H bảo chuyện là như thế như thế… Tôi nói, chỉ biết làm báo... Khi ra về, ông H bảo: Từ nay chúng ta không nói chuyện này nữa.
Anh em trong cơ quan đồ rằng ông ấy gia ân cho kẻ “vô danh tiểu tốt” như tôi là muốn tạo vị thế cho mình bằng cách vời một vài người có tí uy tín về cái nọ cái kia để tạo ekip làm việc. Chắc ai đó nói với ông H rằng, cái thằng tôi chẳng phải “con cái nhà ai” mà có đủ bộ bằng khen giải báo chí toàn quốc, lại toàn giải cá nhân. Vớ vỉn! Chẳng biết đúng không? Hay là ông ấy biết mối quan hệ “bắn súng đại bác” của tôi với vợ ông T ?
Sau khi tôi không dám nhận chức vụ thư ký thì có ngay nhiều đối tác khác đảm trách. Anh em hiện đều giữ chức vụ cao trong Đài, như Hùng (người cùng đi biệt phái Sơn La với tôi) hiện là GĐ Thường trú Tây Nguyên. Hải Định cũng… định vào làm GĐ TT Tp HCM.
Nhiều người khi nói đến chuyện chức tước cứ đưa mắt về phía tôi xem có phản ứng gì không. Tôi chẳng nói gì, nhưng lòng thấy thanh thản, đơn giản vì được làm việc mình thích. Còn chuyện quan trường đâu có đơn giản ... Nhiều hôm bên ly cà phê, nghĩ nhân tình thế thái rồi đặt tình huống: Nếu mình nhận làm thư ký… nếu mình chịu khó đến nhà chú T nói rằng, quê cháu cũng ở Lại Đà, nhà cháu ở ngay cạnh nhà chú…khà, khà... thì chắc ông cũng rộng lòng cho một cú phôn? Nhưng cái tính sỹ hão có nòi của họ Ngô Thiệu nó thế. Nó còn to hơn cả ham muốn, tham vọng khác. Chắc vì thế nên dù vất vả, tôi vẫn thấy thanh thản? Sỹ!
Tôi nhớ như in ánh mắt và vẻ mặt buồn của bố tôi khi ông dẫn tôi tới nhà ông Trọng xin việc. Tôi chưa kịp hỏi vì sao ông không lên nhà ông Trọng xin cho tôi một câu mà lại ngồi chờ dưới đường thì ông ngã bệnh. Đến giờ, khi nhìn ông sống cuộc sống thực vật trên giường, tôi vẫn thầm nói với ông rằng: Đời con đi bằng hai chân của chính mình. Con không đi bằng đầu gối, nói lời lèo lá trước bất kỳ ai. Bố yên tâm! Con xứng đáng với dòng họ Ngô Thiệu.
Cũng cần thêm rằng, trong đời làm cán bộ của bố tôi, ông đã giúp xin việc cho nhiều người mà không lấy thứ gì, cho dù quà mọn. Những năm 70-80 mà xin một chân vào thương nghiệp thực phẩm đâu phải chuyện chơi. Vì thế, ông hiểu nỗi khổ của cả người đi xin việc lẫn người được (bị) nhờ xin việc.
Sau này viết báo, tôi có một suy nghĩ rất trẻ con. Ấy là cố ý cộng tác với Báo NĐBND, tờ báo của quốc hội, nơi ông Trọng làm Chủ tịch, cho dù tờ này viết khó vì chính thống và nghiêm túc; cho dù biết ông cũng chẳng có nhiều thời gian để đọc. Cộng tác để ra cái điều tôi đã xin được việc và cũng viết được chứ không đến nỗi. Ông bận trăm công ngàn việc chẳng nhớ gì đâu, nhưng dòng họ Ngô Thiệu thì chắc ông biết, vì đấy là họ của một người quê Lại Đà ( tạm gọi là quê của ông ) và là họ bên vợ ông. Đấy sỹ hão nó vớ vỉn thế đấy!
Ngô Thiệu Phong
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ