Thứ Bảy, 22 tháng 1, 2011

Khu biệt

Tìm ra những đặc điểm khu biệt chẳng phải chuyện chơi. Minh chứng rõ nhất là biển báo khu nam - nữ trong nhà vệ sinh ( NVS )

Ngôn ngữ là hệ thống ký hiệu hoàn hảo nhất. Tuy nhiên, nó cũng chẳng phát huy được mấy tác dụng với cái biển NVS. Vì sao? Đơn giản: Vì NVS có tính phổ biến toàn cầu và là nhu cầu tất yếu của mọi người.

Người ta không thể đề: Nam - Nữ được vì ngộ nhỡ khách tây vào nhầm thì sao? Cũng chẳng thể viết Men /Gents– Women/Ladies được vì dân ta đâu rành ngoại ngữ. Chưa kể mấy anh nước lớn, coi chữ viết dân tộc mình là nhất, chắc chẳng chịu chui qua cái tiếng Tây kia, thà tè ở gốc cây còn hơn?!

Đến lúc này, ký hiệu biển báo có vẻ đắc dụng. Và thế là người ta vẽ hình người mặc váy, kẻ mặc quần. Nhưng biển báo này ở VN thì được chứ sang xứ Scôtlen dễ nhầm lắm. Chẳng đâu xa, mấy anh người Khờ-me quanh năm quấn sà-rông bị “lừa” như chơi.

Dường như thấy được điểm yếu này, người ta lại vẽ hình người phì phèo điếu thuốc. Tưởng thế là chắc ăn, nhưng ở xứ Tây – nơi mà người ta đề cao bình đẳng bình quyền, phụ nữ còn hút thuốc ác hơn cả đàn ông.

Những cái biển vẽ kẻ tóc ngắn người tóc dài là quá xưa rồi. Bây giờ chị em tóc còn ngắn hơn cả đàn ông. Có nơi sáng tạo: Anh em đứng nghiêm còn chị em thì dạng chân. Ký hiệu này cách điệu hơi nhiều, dáng không… đẹp, châm biếm, vả lại không phản ánh đúng hiện thực.

Để tăng tính khu biệt, người ta đã thông minh kết hợp nhiều yếu tố lại như vừa đội mũ phớt, vừa hút thuốc, kèm theo cây batoong cho chắc. Nhưng khổ nỗi nguyên tắc ký hiệu biển báo phải đơn giản, dễ hiểu, dễ nhận biết… Mấy bác già mắt kém mà nhìn cái biển này dễ vào lộn phòng quý cô.

Vừa rồi xem một cái biển toa let ở bên tây thấy đề: “Dành cho người đứng” (For those who stand) và “Dành cho người ngồi” ( For those who sit). Các chú tây chắc mẩm: Thế là ngon lành, giải quyết dứt điểm vụ này. Nhưng xin thưa, mấy bà mấy chị nông dân ở đồng bằng Bắc Bộ giải quyết vụ này theo kiểu… đứng đấy ạ! Quần thâm đất, sa-tanh ống rộng mà, chỉ cần vén lên là… xong, đừng có mơ!

Cái việc “nhỏ như con thỏ” này mà đau đầu ra phết. Ngôn ngữ bó tay, ký hiệu cũng không ổn, cực chẳng đã, có nơi còn chụp ảnh nguyên bộ đồ lót của chị em chăng ra cửa. Đối lập là chiếc quần sịp của quý ông. Tuy nhiên sự khác biệt của “bộ lòng mề” này đâu có nhiều? Nho nhã thanh lịch như người Hà Nội 1 mà nhòm thấy cái hình đó chắc phải kêu lên thô thiển, thô thiển. Chuyện thật như bịa chỉ có ở xứ trời tây, nơi mà chẳng có gì cần phải dấu giếm. Ấy là người ta liều lĩnh vẽ cái “ấy” của quý ông lên cửa, to “vật vã”, nói theo ngôn ngữ hiện nay là “hoành tráng”. Chắc chắn là không nhầm được rồi, nhưng vẽ thế thì chị em nào dám… “đi”, ngượng chết! Thẩm mỹ ở đâu? Người nặng lòng với bản sắc văn hoá dân tộc sẽ lắc đầu quầy quậy.

Trên giời, có cái hành tinh chết mà người gọi Chị Hằng, kẻ bảo Ông Trăng. Vớ vẩn! Thôi thì xa xôi vời vợi như thế không nhìn ra giới tính đã đành, đằng này phân biệt quý chị quý cô với quý ông sao mà khó thế!

Ngô Thiệu Phong

Thứ Năm, 20 tháng 1, 2011

Bể học vô bờ ( NDBND)

08:06 | 20/01/2011
Buổi sáng, trong khi ngóng dự báo thời tiết trên VTV1 để cho con đi lớp thì thấy cảnh học sinh tiểu học ở Singapore sử dụng Ipad trong lớp, mỗi em cái, ngồi tụm bên nhau tha hồ sờ sờ quẹt quẹt. Ngẫm lại thấy chạnh lòng. Học sinh mình sao khổ quá, chương trình SGK vẫn chưa hết tranh cãi. Nghe đâu mấy năm nữa sẽ thay.


Chưa hết ngẩn ngơ với ứng dụng công nghệ trong trường học ở Singapore thì bắt được cú điện thoại bảo đến nhà ông Vũ Oanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị. Nghĩ bụng, thể nào cũng được cuộc phỏng vấn để tuyên truyền về ĐH Đảng. Tới nơi ông Vũ Oanh bảo, vài ý kiến đóng góp dễ thôi, nhưng tắt máy ghi âm đi, để lúc khác. Còn bây giờ, nói chuyện cái đã, chuyện này lớn lắm!

Ông Vũ Oanh nói về xã hội học tập, đề tài mà ông ấp ủ, hy vọng từ ĐH IX và quyết tâm đưa nó vào nghị quyết. Tôi hơi bất ngờ và thoáng xúc động nên vâng vâng ra vẻ hiểu tầm quan trọng của xã hội học tập.

Bác Hồ là người nhận thức sâu sắc nhất việc này. Sau cái ngày khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 2.9.1945, Chính phủ đã ra liên tiếp mấy sắc lệnh, trong đó có sắc lệnh đi vào lịch sử với nội dung “diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm...” Trước khi đi xa (1969), Bác cũng chỉ có một “ham muốn tột bậc. Đó là dân ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành...” Cả cuộc đời của Người, bôn ba khắp năm châu bốn biển, cũng chỉ vì cái ăn cái mặc và học hành cho dân tộc.

Nói về xã hội học tập, hiện thế giới có khẩu hiệu Giáo dục cho mọi người (Education for All). Còn ông Vũ Oanh chép miệng nhắc câu của cổ nhân: Bể học vô bờ. Ông cha chưa biết gì về kinh tế tri thức thế mà đã có những tiên đoán chuẩn xác vô cùng! Ông bảo, nếu triển khai nghị quyết mà thực hiện được chút ít nội dung xã hội học tập thì cũng giải quyết được ối việc bề bộn hôm nay.

Mục tiêu của Việt Nam đến năm 2020 là một nước công nghiệp hiện đại. Khi đó tỷ lệ chất xám trong mỗi sản phẩm phải trên 50%. Chẳng hạn, sản xuất cái cốc uống nước thì nó phải có cái gì khác với những cái cốc ra đời trước đó, tức là phải có sự sáng tạo. Khi đó, có cần sức mạnh cơ bắp của người lao động không? Không nhất thiết! Vì sức đâu sánh được với robot? Có cần sự khéo léo không? Không cần! Vì có khéo đến mấy thì bàn tay con người cũng không thể xếp hàng trăm, linh kiện điện tử trên 1cm2. Nhưng con người cần sự sáng tạo. Chỉ có sáng tạo mới cho ra sản phẩm có hàm lượng chất xám cao.

CD ra đời từ những năm 1980 và làm mưa làm gió trên thị trường nhưng dự đoán sẽ trở thành công nghệ cổ lỗ sỹ trong vòng 5 năm tới. Sự ra đi chóng vánh của chiếc đĩa mềm FDD, thay vào đó là các thiết bị lưu trữ có dung lượng cao, khẳng định thêm dự đoán nói trên là có cơ sở.

Vậy cái gì sẽ thay thế những sản phẩm đình đám một thời? Nếu không sáng tạo, không có tri thức thì đừng hòng có được sản phẩm mới thế chỗ.

Sáng tạo, tri thức lại được kết tinh từ GD - ĐT. Thế thì cái sự học của chúng ta hôm nay thế nào để có sáng tạo? Bây giờ Việt Nam vẫn chưa làm được chiếc CD, nhưng cả quyết rằng, chẳng ai ngờ nghệch cố công tìm cách chế tạo nó chỉ để viết vào đó mấy chữ “Made in Vietnam”. Làm như thế thì dân tộc này mãi là kẻ đi sau, đồng nghĩa với tụt hậu.

Chuyện miên man với ông Vũ Oanh thoáng chốc đã gần quá Ngọ. Ông khò khè khó nhọc bảo, nhiều chuyện lắm, nhiều chuyện lắm, nhưng mình không kêu. Thôi, làm được gì có ích thì cố vậy.

Buổi chiều, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Đại hội XI bầu Ban chấp hành. Ông Vũ Oanh không dự được vì bận khai trương văn phòng mới của một hội từ thiện mang tên “Bảo vệ và nâng cao chất lượng nòi giống” do ông sáng lập. Một nguyên Ủy viên Bộ Chính trị tuổi xấp xỉ 90 có lẽ đang thấy quỹ thời gian của đời người sao mà ngắn! Lúc chia tay, ông cứ nhắc đi nhắc lại câu, “được học là quyền thiêng liêng của mỗi người”. Vâng, có tri thức thì mới có sản phẩm tri thức; có tri thức thì mới biết thế nào là dân chủ, tự do.
Ngô Thiệu Phong

Câu nói hay 2010 (BÉ HÙNG)

1. Câu nói đáng nghi ngờ nhất
Các nước có chỉ số IQ cao đều xây đường cao tốc. Việt Nam ta cũng có chỉ số IQ cao nên tôi đề nghị phải xây.
Phát biểu của ông Trần Tiến Cảnh (Hà Nam) khiến nhiều người… nghi ngờ chỉ số IQ của ông này.
2. Câu nói lột trần nhất
Tôi chưa thấy môi trường khoa học ở Việt Nam có điểm mạnh nào so với thế giới, chỉ có điểm yếu hoặc rất yếu thôi.
Nhận xét của giáo sư Nguyễn Tiến Dũng (Đại học Toulouse, Pháp). Có lẽ giáo sư hơi phiến diện nên chẳng thấy điểm mạnh nhất, dễ thấy nhất của Việt Nam, đó là mạnh miệng.
3. Câu nói cảnh báo nhất
Các thầy cô hãy cảnh giác với học trò.
Một lãnh đạo ngành giáo dục thành phố Hải Phòng cảnh báo về việc học sinh “bẫy” cô giáo.
4. Câu nói ưu tư nhất
Thanh tra trùng trùng điệp điệp nhưng hiệu quả không cao.
Nhận định của ông Lê Thanh Bình, Chủ nhiệm ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, về lực lượng thanh tra hiện nay.
5. Câu nói bào chữa nhất
Học sinh không thích học sử học văn, ta phải mừng vì sách sử, sách văn hiện quá lôm côm.
Nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần “bào chữa” cho học sinh.
6. Câu nói điện ảnh nhất
Nền giáo dục của chúng ta không có hậu kỳ.
Ví von theo kiểu điện ảnh của báo Pháp luật tp. HCM khi thấy bao lớp học sinh giỏi đoạt đủ các giải quốc tế được chào đón, ròi sau đó trọng dụng, đào tạo ra sao thì… chấm hết.
7. Câu nói đồng cảm nhất
Người dân có tới 4 đại diện: HĐND xã, HĐND huyện, NĐND tỉnh, Quốc hội. Nhưng khi lâm sự thì không biết hỏi ông nào.
Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đồng cảm với người dân vì không biết hỏi ông nào khi có chuyện.
8. Câu nói thật lòng nhất
Có giao 1.000 tỷ đồng – 2.000 tỷ đồng bảo làm sao cho Hà Nội khỏi ngập mỗi khi mưa lớn thì chúng tôi cũng chịu.
Ông Nguyễn Lê, Giám đốc công ty thoát nước Hà Nội thật thà khi được hỏi làm thế nào để Hà Nội hết ngập.
9. Câu nói tâm trạng nhất
Trong phòng chống tham nhũng, sợ nhất là a lô với vỗ vai.
Ông Vũ Tiến Chiến, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng thổ lộ về việc đáng ngại nhất trong phòng chống tham nhũng.
10. Câu nói vô trách nhiệm nhất
Chúng tôi đã làm hết trách nhiệm và không có lỗi.
Câu trả lời từ các phía có liên quan trong hai vụ tai nạn thảm khốc “giữa đường sụp hố” tại tp. HCM
11. Câu nói chính xác nhất
Tệ nạn xã hội đang diễn biến phức tạp.
Phát biểu của nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Trường Tô “hô” lúc đương chức. Ngài chủ tịch nói cấm có sai, chính xác từ trên xuống dưới.
12. Câu nói lý thuyết nhất
Về lý thuyết, dự án bauxite là an toàn.
Lời Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trước Quốc hội về sự an toàn của các dự án bauxite. Trả lời theo kiểu lý thuyết này giống… trả bài hơn là trả lời.
13. Câu nói đe dọa nhất
Nếu các đồng chí không tự cắt, chúng tôi sẽ cắt các đồng chí.
Chủ tịch UBND tp HCM Lê Hoàng Quân chỉ đạo các địa phương về việc cắt nhà xây lố tầng.
14. Câu nói tầm phào nhất
Tôi hứa chấm dứt ghép nhiều bệnh nhân một giường chỉ là câu chuyện truyền miệng, tầm phào thôi.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu trả lời về việc hứa dẹp tình trạng nhiều bệnh nhân nằm ghép một giường.
15. Câu nói vệ sinh nhất
Không nên ảo tưởng có một đơn vị vô trùng trong một môi trường nhiễm trùng.
Tiến sĩ Bùi Trần Phượng, Hiệu trưởng Đại học Hoa Sen, nhận xét về tham nhũng trong giáo dục.
( Chúng ta, theo Làng cười)

Thứ Tư, 19 tháng 1, 2011

Bài về văn hóa Đông Tây ( Hiệu Minh )

http://hieuminh.org/2011/01/18/dong-tay-va-khac-bietvan-hoa/

http://hieuminh.org/2011/01/18/dong-tay-va-khac-bietvan-hoa/

Thứ Ba, 11 tháng 1, 2011

Cười !

Tôi còn nhớ NSND Đàm Liên đã có màn trình diễn ấn tượng về các điệu cười trên sân khấu tuồng. Như vậy là các điệu cười thể hiện tâm trạng, sắc thái tâm lý, thậm chí cốt cách con người… có từ lâu và nó đã thành biểu trưng trên sân khấu.

NSND Đàm Liên cười vài chục “điệu” thể hiện các loại nhân vật, cá tính khác nhau đã tài, nhưng dẫu sao cũng chỉ là việc tái hiện âm thanh bằng âm thanh. Ông Vương Trí Nhàn, bằng con chữ, mà “cười” được cho người khác hiểu thì cũng phải phục sát đất. Ông Vương Trí Nhàn viết như thế này:

“Những cuộc tranh luận nho nhỏ là một bộ phận trong sinh hoạt tinh thần nói chung của con người hiện đại. Theo lẽ thông thường sau một hồi bàn cãi thể nào cũng có kẻ thua người được, người kém thế hơn nếu có đầu óc phục thiện hẳn phải nghiêm chỉnh nhìn nhận chỗ kém cỏi của mình. Đằng này ở ta những người thua cuộc có một lối thoát khỏi thế bí rất lạ. Là lật ngược câu chuyện, coi mọi việc chẳng qua là trò đùa và cười, cười lấy được. Tiếng cười ở đây là một thứ màn ngụy trang, một cách lấp liếm cốt quên mọi chuyện cho nhanh, thực chất là hành động của con đà điểu rúc đầu vào cánh, lảng tránh tất cả. Đôi khi lại thấy lối cười khẩy, ra cái điều đây chỉ là chuyện vặt ta không thèm chấp, cười để làm nhòe câu chuyện trong một màn sương hư vô. Nó tạm thời gỡ cho người thua cuộc đỡ mất thể diện, thậm chí còn làm cho anh ta có cái vẻ sang trọng hơn người…”

Tuy nhiên trong xã hội hiện nay còn xuất hiện nhiều kiểu cười khác nữa chứ không chỉ dừng lại ở hai điệu “cười ra vẻ” và “cười ra dáng” như nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn đã viết.

Tôi tạm gọi đấy là điệu cười vượt thời gian, điệu cười trung tính mà lắp vào mồm ai cũng được, lúc nào cũng được. Điệu cười vô cảm, vô hồn và không có chút sắc thái nào. Đấy là điệu cười của kẻ xu nịnh và dốt nát nhưng biết bị bắt bài nên biến thái một cách tinh vi. Nó vừa “ra vẻ” vừa “ra dáng” nhưng thấp thoáng sự lọc lõi, gian manh và đậm chất giang hồ. Cái cười ấy không còn là cười khẩy của kẻ tự coi là bề trên một cách trịch thượng. Nó phát ra tiếng hẳn hoi, nảy, đều, một tràng dài, không trọng âm, không ngữ điệu mà nếu thể hiện trên dạng sóng thì giống nhau như đúc. Nó có cái gì đó vừa thỏa mãn, vừa bất cần, vừa ra vẻ như ta đây biết tỏng tòng tong, nhưng kỳ thực chỉ là một dạng xập xí xập ngầu, che đậy những khiếm khuyết, thiếu hụt cơ bản về trí tuệ và văn hóa.

Buồn thay, điệu cười như thế nhan nhản khắp nơi, có mặt cả ở cả những cơ quan công quyền.

Người nước ngoài sang VN, chẳng biết có xã giao hay không, nhưng thường khen người VN hay cười. Cũng may là họ thấp thoáng đâu đó thôi. Ơn trời! Nhiều người không bao giờ quay trở lại nên chắc chẳng tìm hiểu kỹ tiếng cười người VN ta.

Biết dùng điệu cười nào để diễn tả nỗi buồn trên? Thôi đành cười cái hậc vậy./.

Ngô Thiệu Phong

“Sốc” văn hóa du học

(VOV) - Du học không chỉ tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến mà còn học một nền văn hóa mới. Vì thế hiểu biết sâu sắc một nền văn hóa lại càng quan trọng.

Mới đây sinh viên Vũ Ngọc Minh (19 tuổi) theo học tại Trường Cao đẳng Thương mại và Kỹ thuật Melbourne thuộc Đại học Deakin – Australia bị đánh trọng thương khiến dư luận bàng hoàng, đau xót. Cảnh sát Australia đang trong quá trình điều tra tìm hung thủ.

Tai nạn của Minh là vụ việc gây phẫn nỗ nhất sau vụ sinh viên Hồ Phương bị cảnh sát Mỹ sử dụng vũ lực một cách quyết liệt cách đây hơn 1 năm. Nhân sự việc này chúng ta bàn thêm đôi điều về ứng xử văn hóa, tránh những cú sốc văn hóa, căn nguyên của những rắc rối không đáng có.

Thầy Nguyễn Quốc Hùng - giảng viên Trường Đại học Hà Nội có lần kể, cô giáo người Anh mời thầy (khi đó còn là sinh viên) cùng một số sinh viên khác tới nhà ăn tối.

Tuy nhiên, khi đi lại có thêm một sinh viên khác ngoài danh sách được mời cùng đến. Đám trò nhấn chuông rất tự tin vì nghĩ thêm bát thêm đũa là thêm vui. Nào ngờ cô giáo mở cửa và tỏ ra ngạc nhiên. Cuối cùng cô kiên quyết mời vị khách lạ kia về. Bữa ăn tối diễn ra bình thường (với cô) sau đó.

Chuyện thứ hai xảy ra với chính tôi tại ga Vinh cách đây 10 năm. Chuyến tàu đêm chậm hơn nửa giờ. Hai vợ chồng vị khách nước ngoài lo lắng nhìn vé, xem đồng hồ, rồi lại đôn đáo nhìn thông báo. Khốn nỗi toàn tiếng Việt. Ông chồng mệt mỏi ôm khư khư đống đồ đạc nhưng vẫn có vẻ bình tĩnh. Tôi tiến lại nói, tàu đến muộn, ông bà cứ yên tâm. Tưởng lòng tốt được đáp trả, ít ra là cái gật đầu, nào ngờ ông thủng thẳng: Ồ, tôi có ngủ đâu?

Chuyện thứ 3 tại sân bay Kuala Lumpur (Malaysia). Sân bay này khá lớn với hàng chục cổng vào, những người ít đi nước ngoài như tôi dễ ngợp. Lần thứ hai sang đây, khi trở về, tôi thử một trắc nghiệm vui do mình tự nghĩ ra, đó là tìm cổng lên máy bay bằng cách định hướng âm thanh.

Chỗ nào có tiếng người nói to nhất đích thị đấy là chuyến bay sắp về Việt Nam. Quả thực không sai. Mấy người Việt làm ở Petronas chẳng biết hứng khởi cái gì mà nói “váng trời” trước con mắt ngạc nhiên của mọi người.

Sự khác biệt về văn hóa nói trên khiến người dân bản xứ thấy lạ và sốc. Từ lạ và sốc cộng với chút kỳ thị, chút máu yêng hùng tuổi trẻ dễ dẫn đến manh động.

Trước khi viết bài này tôi đã đọc một số diễn đàn của sinh viên Việt Nam ở Mỹ và ở Australia để lấy thêm thông tin ngoài những gì mình biết. Một sinh viên người Trung Quốc đang du học ở Australia chỉ vì chuyển làn đường không bật tín hiệu rẽ mà bị một số thanh niên bản xứ đi xe phía sau theo về tận nhà hành hung.

Hai anh chị sinh viên người Việt sang nước bạn du học thấy khu vườn trước cửa nhà người ta nhiều hoa đẹp, có ghế xích đu bèn nhón chân qua cái hàng rào xinh xinh vào ngồi tình tự. Chủ nhà ngay lập tức gọi cảnh sát. Thiếu chút nữa anh chị bị khép tội đạo chích.

Toàn cầu hóa và sự dịch chuyển các dòng năng lực theo quy luật kinh tế thị trường cùng các yếu tố khác khiến cho nhiều quốc gia Tây phương thay đổi.

Một người bạn cho tôi biết, Australia cũng đang có sự thay đổi trong vài năm gần đây. Giá cả sinh hoạt đắt đỏ, cơ hội việc làm khó khăn, an ninh xã hội cũng không bằng trước... Trong khi đó, trên xe buýt, du học sinh châu Á thản nhiên ngồi trên hàng ghế ưu tiên cho người già và trẻ em khi mà những người này phải đứng. Thực trạng này dễ làm cho dân bản xứ nhen nhóm tư tưởng miệt thị. Từ miệt thị đến kỳ thị cách nhau không xa. Mâu thuẫn rất dễ bùng phát trong những tình huống như thế.

Trước khi du học, học sinh đã nghiên cứu về chất lượng đạo tạo, giá cả, học phí, bằng cấp của trường… nhưng không nhiều bạn tìm hiểu kỹ văn hóa của nước mình theo học trong khi khả năng thích ứng với môi trường mới lại thấp.

Những va đập về văn hóa xảy ra với sinh viên du học ngay khi vừa đặt chân xuống sân bay và trong suốt thời gian học tập ở nước sở tại với nhiều cảnh huống không ngờ. Du học không chỉ tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến mà còn học một nền văn hóa mới. Nói cho cùng thì kiến thức tiến bộ học được cũng chỉ áp dụng hiệu quả với từng nền văn hóa nhất định. Vì thế hiểu biết sâu sắc một nền văn hóa lại càng quan trọng./.

Ngô Thiệu Phong

Thứ Sáu, 7 tháng 1, 2011

Được nghỉ hay phải nghỉ ? ( Bản gốc hay hơn )

Trong tuần rét đậm, các cháu học sinh tiểu học Hà Nội lại phải đến trường trong rét mướt. Khổ thân các cháu! Đến trường đã lạnh, bố mẹ phải chở con về còn lạnh hơn. Hỏi sao, bảo nhà trường cho các cháu nghỉ vì lạnh dưới 10 độ, không biết gửi chúng đi đâu bây giờ! Phụ huynh bốc hỏa lên đầu mà vẫn lạnh. Chẳng biết nên gọi là được nghỉ hay phải nghỉ học nữa đây?

Thế chưa cực bằng mấy cháu co ro cúm rúm đứng ở cổng trường như trẻ vô thừa nhận, mà đúng là “vô thừa nhận” thật, vì bố mẹ vội đi làm, vừa trút con xuống là phóng đi luôn, không nhìn thông báo. Cơ khổ!

Cũng có trường tinh thần trách nhiệm cao, nên dù có vài cháu bố mẹ để thả ở cổng trường cũng phải trông giữ và cơm nước qua trưa. Cơ khổ !

Chuyện đâu có mới mẻ gì? Năm trước cũng đã om lên việc nghỉ rét. Sở GD-ĐT Hà Nội cho phép các phòng GD, các trường được quyền quyết định cho học sinh nghỉ nếu nhiệt độ dưới 10 độ C. Năm nay quy định cụ thể hơn là 10 độ C ấy của “ bản tin dự báo thời tiết, Đài PTTH Hà Nội, lúc 6h30 hàng ngày.”

Sở GD-ĐT Hà Nội dựa vào bản tin của Đài PTTH Hà Nội mà không dùng đài khác gắn mác trung ương hẳn hoi, chắc có ý tin tưởng ở “tính khu biệt cao” của các thông số trong bản tin dự báo đài này. Một hành động cụ thể có tính khái quát cao cho khẩu hiệu “Người Việt dùng hàng Việt” và “Giữ gìn bản sắc dân tộc”. Nhưng cũng từ bây giờ, đài này phải ý thức được trọng trách của mình với hàng triệu công dân tương lai của thủ đô.

Thông báo rõ ràng như thế nhưng cũng có cái khó cho phụ huynh và nhà trường. Đó là bản tin thường thông báo nhiệt độ dao động trong một khoảng nhất định, ví dụ như từ 8 – 13 độ C. Vậy biết lấy nhiệt độ tối thiểu hay nhiệt độ tối đa? Hay một công đôi việc, đề nghị phụ huynh và học sinh ôn lại bài toán trung bình cộng cho nhuần nhuyễn? Việc này chắc phải nhờ cán bộ ngành dự báo thời tiết tư vấn chứ không thể lấy logic toán học mà suy diễn được.

Có người đưa ra sáng kiến, mỗi phụ huynh ra cửa hàng thiết bị dạy học mua một chiếc nhiệt kế, loại ngành GD cung cấp về các trường thời kỳ thay sách, treo ngoài cửa. Phụ huynh nhòm vào đó là có thể tự ra quyết định. Nhà trường cũng đặt một chiếc để kiểm tra. Thế là chung một hệ quy chiếu. Quá chuẩn! Loại nhiệt kế này trong kho thiết bị nhiều lắm, gỡ mạng nhện, lau sạch và bổ sung cho nó thêm một giá trị sử dụng. Đoàn kiểm tra nếu thấy chắc khen hết lời. Tưởng sáng kiến kinh nghiệm, nào ngờ một thầy dạy vật lý la hoảng, chết, chết, gay lắm, không làm vậy được, không làm vậy được! Cái nhiệt kế ấy chỉ là mô hình tượng trưng thôi, sao đi so với những tính toán khoa học của trung tâm dự báo thời tiết được? Ở đó họ còn phóng mắt ra khơi xa báo gió mùa biển động giúp ngư dân tránh bão. Trong khi đó cái nhiệt kế ở trường nhúng vào nước sôi mà kiên nhẫn lắm mới nhích lên được 80 độ kia kìa.

Chuyện tưởng nhỏ nhưng phức tạp ra trò! Hà Nội được sưởi ấm bằng tắc đường và động cơ xe nhả khói phè phè còn rét thế này, học sinh ở Ba Vì và mấy xã của tỉnh miền núi Hòa Bình mới thành công dân thủ đô chắc rét lắm? Chẳng biết “dự báo thời tiết khu vực Hà Nội” đã cập nhật thông số khí tượng vùng này chưa. Nếu cứ dưới 10 độ nghỉ học chắc các em chơi luôn qua tết. Đỉnh Tản Viên Sơn hơn 1200 m đâu phải chuyện đùa! Cơ khổ!

Mỗi trường có đặc điểm riêng, một quy định cứng nhắc áp dụng cho tất cả là phi thực tế, thiếu khả thi và không tuân theo quy luật. Tại sao dưới 10 độ C thì cho nghỉ học mà không phải là 9 hay 11 độ C? Nơi nào có đủ điều kiện như phòng học kín gió, đủ sáng, các cháu đến trường đủ ấm, không xa… thì dưới 10 độ C học có sao đâu? Những lúc như thế này sao chẳng thấy nhà trường hỏi ý kiến phụ huynh nhỉ? Hay đây không thuộc phạm trù xã hội hóa? Đã được đánh tiếng giao quyền chủ động thì trường nên bàn với tập thể phụ huynh. Với bài toán có nhiều biến thì phải xem nó trong nhiều trường hợp, các thầy quá thạo. Hàng trăm cái đầu dễ dàng tìm ra đáp số cho bài toán có nhiều tham số này. Biết thế, nhưng nhiều trường ở ta được tiếng là chịu khó lắng nghe sự chỉ đạo và chỉ làm theo chỉ đạo. Quá đúng! Nhưng tuyệt đối hóa nó dẫn đến thụ động, mụ mị đi thì nguy. Phần tư thế kỷ trôi qua mà di chứng một thời làm theo mệnh lệnh, phân phối theo định xuất vẫn thấp thoáng đâu đây. Cơ khổ !

Ngô Thiệu Phong

Rét 10 độ, được nghỉ hay phải nghỉ học?

Cập nhật lúc 07/01/2011 02:13:02 PM (GMT+7)
- Trong tuần rét đậm, các cháu học sinh tiểu học Hà Nội lại phải đến trường trong rét mướt. Đến trường đã lạnh, bố mẹ phải chở con về còn lạnh hơn. Nhà trường cho các cháu nghỉ vì lạnh dưới 10 độ, nhưng phụ huynh không biết gửi con đi đâu. Bốc hỏa lên đầu mà vẫn lạnh. Chẳng biết nên gọi là “được nghỉ” hay “phải nghỉ học” nữa đây?



Thế nhưng, vẫn chưa cực bằng mấy cháu co ro cúm rúm đứng ở cổng trường như trẻ vô thừa nhận. Mà đúng là “vô thừa nhận” thật, vì bố mẹ vội đi làm, vừa trút con xuống là phóng đi luôn, không nhìn thông báo.

Cũng có trường tinh thần trách nhiệm cao, nên dù có vài cháu bố mẹ để thả ở cổng trường cũng phải trông giữ và cơm nước qua trưa.

Chuyện đâu có mới mẻ. Năm trước, cũng đã om lên việc nghỉ rét. Sở GD-ĐT Hà Nội cho phép các phòng GD, các trường được quyền quyết định cho học sinh nghỉ nếu nhiệt độ dưới 10 độ C. Năm nay quy định cụ thể hơn là 10 độ C ấy của “ bản tin dự báo thời tiết, Đài PTTH Hà Nội, lúc 6h30 hàng ngày.”

Thông báo rõ ràng như thế, nhưng cũng có cái khó cho phụ huynh và nhà trường.

Đó là bản tin thường thông báo nhiệt độ dao động trong một khoảng nhất định, ví dụ như từ 8 – 13 độ C. Vậy, biết lấy nhiệt độ tối thiểu hay nhiệt độ tối đa?

Có người đưa ra sáng kiến, mỗi phụ huynh ra cửa hàng thiết bị dạy học mua một chiếc nhiệt kế, loại ngành GD cung cấp về các trường thời kỳ thay sách, treo ngoài cửa. Phụ huynh nhòm vào đó là có thể tự ra quyết định. Nhà trường cũng đặt một chiếc để kiểm tra. Thế là chung một hệ quy chiếu.

Loại nhiệt kế này trong kho thiết bị nhiều lắm, gỡ mạng nhện, lau sạch và bổ sung cho nó thêm một giá trị sử dụng.

Đoàn kiểm tra nếu thấy chắc khen hết lời. Tưởng sáng kiến kinh nghiệm, nào ngờ một thầy dạy vật lý la hoảng, chết, chết, gay lắm, không làm vậy được, không làm vậy được!
Cái nhiệt kế ấy chỉ là mô hình tượng trưng thôi, sao đi so với những tính toán khoa học của trung tâm dự báo thời tiết được?

Ở đó, họ còn phóng mắt ra khơi xa báo gió mùa biển động giúp ngư dân tránh bão. Trong khi đó cái nhiệt kế ở trường nhúng vào nước sôi mà kiên nhẫn lắm mới nhích lên được 80 độ kia kìa.


Chuyện tưởng nhỏ nhưng phức tạp ra trò! Hà Nội được sưởi ấm bằng tắc đường và động cơ xe nhả khói còn rét thế này, học sinh ở Ba Vì và mấy xã của tỉnh miền núi Hòa Bình mới thành công dân thủ đô chắc rét lắm?

Chẳng biết “dự báo thời tiết khu vực Hà Nội” đã cập nhật thông số khí tượng vùng này chưa?

Nếu cứ đưới 10 độ nghỉ học, chắc các em chơi luôn qua tết. Đỉnh Tản Viên Sơn hơn 1200 m đâu phải chuyện đùa!

Mỗi trường có đặc điểm riêng, một quy định cứng nhắc áp dụng cho tất cả là phi thực tế, thiếu khả thi và không tuân theo quy luật.
Tại sao dưới 10 độ C thì cho nghỉ học mà không phải là 9 hay 11 độ C?

Nơi nào có đủ điều kiện như phòng học kín gió, đủ sáng, các cháu đến trường đủ ấm, không xa… thì dưới 10 độ C học có sao đâu?

Những lúc như thế này sao chẳng thấy nhà trường hỏi ý kiến phụ huynh?

Đã được đánh tiếng giao quyền chủ động thì trường nên bàn với tập thể phụ huynh.

Với bài toán có nhiều biến thì phải xem nó trong nhiều trường hợp, các thầy quá thạo.

Hàng trăm cái đầu dễ dàng tìm ra đáp số cho bài toán có nhiều tham số này.

Biết thế, nhưng nhiều trường ở ta được tiếng là chịu khó lắng nghe sự chỉ đạo và chỉ làm theo chỉ đạo.

Tuyệt đối hóa nó dẫn đến thụ động thì nguy. Phần tư thế kỷ trôi qua mà di chứng một thời làm theo mệnh lệnh, phân phối theo định xuất vẫn thấp thoáng đâu đây.


* Ngô Thiệu Phong

Thứ Hai, 3 tháng 1, 2011

Internet trong nhà trường

(VOV) - Việc tiếp cận công nghệ thông tin đối với đội ngũ giáo viên hiện nay không mấy khó khăn. Dùng mạng vào những việc gì, những ai được hưởng lợi từ việc kết nối… cần phải có quy chế rõ ràng.

100% cơ sở giáo dục được kết nối mạng và trên 70% được kết nối băng thông rộng ADSL. Đây là thông báo của Bộ Giáo dục-Đào tạo và Viettel trong buổi tổng kết mới đây. Công bằng mà nói, với điều kiện khó khăn như hiện nay, việc phủ Internet, cho dù chỉ là các điểm trường chính, cũng là một sự nỗ lực rất lớn của ngành Giáo dục. Đây được xem như một thành công của ngành trong triển khai công nghệ thông tin ở trường học. Tuy nhiên, xem xét một cách cụ thể và chi tiết thì cũng nên đề cập một số vần đề như sau.

Với thông báo 100% cơ sở giáo dục được kết nối mạng thì có nghĩa tất cả các trường học đã được kết nối mạng. Tuy nhiên, để nói một cách chính xác và đầy đủ hơn thì Bộ cần có thêm thông tin về các điểm trường lẻ tại vùng sâu vùng xa. Bởi vì nói 100% cơ sở giáo dục được kết nối mạng thì có thể đó mới chỉ là các trường chính, còn hầu hết các phân hiệu (điểm lẻ) chưa được kết nối. Số lượng điểm trường lẻ trên cả nước là bao nhiêu thì ngay cả Bộ Giáo dục-Đào tạo cũng chưa có con số thống kê.

Thực tế việc kết nối mạng ở các điểm trường lẻ là rất khó, bởi nơi đó chỉ lèo tèo vài ba phòng học, nhà cấp 4 hoặc thưng ván, không có người trông coi. Thông thường, giáo viên được luân chuyển dạy ở điểm lẻ theo từng năm học để đảm bảo tính công bằng. Trong năm học được phân công dạy ở điểm lẻ, giáo viên chỉ có mặt ở trường chính mỗi khi có hội họp. Nói như vậy để thấy rằng, nối mạng cho điểm lẻ trên thực tế rất khó, nhưng nếu không thì cũng rất thiệt thòi cho giáo viên và học sinh.

Với đặc thù vùng miền ở nước ta, chưa biết đến bao giờ mới bỏ được mô hình điểm trường lẻ.

Thông báo của ngành giáo dục cũng cho biết mới có hơn 70% cơ sở giáo dục được kết nối băng thông rộng. Như vậy có nghĩa 30% còn lại là những trường ở vùng hẻo lánh, không có điện, không kéo được cáp hoặc chỉ có cột phát sóng 2G, chưa có 3G để đạt mức độ của băng thông rộng. Với nhu cầu kết nối mạng hiện nay, nếu không đạt chuẩn kết nối băng thông rộng, thì hiệu quả rất thấp. Tải một trang báo mà mất tới vài phút thì đúng là công việc thử thách lòng kiên nhẫn của mọi người.

Một điểm rất thuận lợi hiện nay là đội ngũ giáo viên ở các trường vùng sâu vùng xa phần đông là thế hệ trẻ, đến từ các vùng thuận lợi nên tiếp cận công nghệ thông tin không mấy khó khăn. Song, dùng mạng vào những việc gì, những ai được hưởng lợi từ việc kết nối… cần phải có quy chế rõ ràng.

Trước hết là các trường khai thác và sử dụng mạng như thế nào. Nhiều trường đặt máy tính nối mạng ở phòng hiệu trưởng, hoặc có một USB nối mạng thì các vị hiệu trưởng, hiệu phó thay nhau đút trong túi quần. Lại có nơi khi sóng Viettel chập chờn thì chuyển sang mạng của Vinaphone, sử dụng kinh phí nhà trường để chi trả. Hiện nay các trường đã được trang bị máy tính, máy in. Tối thiểu mỗi trường cũng có vài ba bộ phục vụ ban giám hiệu và văn phòng, nhưng khi máy gặp sự cố, hỏng hóc thì phải chờ ý kiến cấp trên và đợi kinh phí để sửa chữa!./.

Ngô Thiệu Phong

Thứ Bảy, 1 tháng 1, 2011

Đừng xem tâm hồn trẻ là giấy nháp

(VOV) - Những ngày cuối tháng 12, học sinh tiểu học bước vào kỳ kiểm tra cuối kỳ, kỳ kiểm tra quan trọng nhất để đánh giá học lực học sinh. Đúng lúc đó chúng tôi nhận được một lá thư độc giả…

Kính gửi cô giáo!

Tôi biết viết thư cho cô vào thời điểm này là thật không nên, vì cô bận chuyện thi cử và chấm điểm, Tết nhất cũng đã cận kề. Tuy nhiên, tôi vẫn cứ muốn chia sẻ với cô vài suy nghĩ. Bởi chưa nói ra thì chưa nhẹ lòng. Nếu nhận được sự đồng cảm của cô thì tôi (với tư cách một phụ huynh) cảm thấy rất hạnh phúc rồi.

Thưa cô, lịch học thêm tại nhà cô đột ngột thay đổi. Hỏi mới biết, hôm sau là ngày thi. Có lẽ cô sợ các cháu lơ là, quên kiến thức nên phải phụ đạo ngay buổi tối hôm trước. Là phụ huynh, chúng tôi hiểu điều đó. Vì có trách nhiệm với trò, với lớp học thêm… cô mới phải vất vả như thế?

Để cho khách quan, nhiều trường tiểu học hoán đổi giáo viên coi thi và chấm thi. Dẫu vậy, một số câu hỏi trong đề kiểm tra vẫn giông giống với bài tập ở lớp học thêm. Dĩ nhiên các cháu đều làm được vì được ôn ngay đêm hôm trước.

Phụ huynh chúng tôi sẽ rất vui khi biết các cháu đạt điểm cao. Nhưng điểm số cao ấy có ích gì khi không xuất phát từ năng lực của chính bản thân các cháu? Là giáo viên, chắc cô hiểu được tác hại. Điều này chỉ khiến cho các cháu ngộ nhận, ảo tưởng và là mầm mống của thói hư danh vốn dĩ đang nhan nhản trong xã hội.

Cô giáo hẳn biết rõ hơn chúng tôi về ý nghĩa và vai trò của điểm số. Điểm số là của học sinh và vì học sinh. Chẳng nên biến nó thành thứ trang sức, nhằm mục đích đánh bóng tên tuổi, nâng cao vị thế của bất kỳ cá nhân hay đơn vị nào. Điểm số để đánh giá học lực của học sinh. Chúng ta hãy cố giữ cho điều đó thật nguyên vẹn.

Kính thưa cô giáo, trước mỗi kỳ thi, tôi thấy cháu nhà tôi chép đi chép lại một bài văn. Mục đích để làm gì chúng ta đều hiểu. Đó là văn mẫu chuẩn bị cho kỳ kiểm tra. Văn mẫu dư luận đã mổ xẻ nhiều. Vấn đề muốn nói ở đây là bài văn ấy các cháu viết trên một tờ giấy được xé ra một cách rất cẩu thả. Tôi yêu cầu cháu viết hẳn vào một tờ giấy kiểm tra in sẵn thì cháu không nghe, bảo, “cô dặn thế”.

Đến nhà một số bạn cùng lớp cũng thấy hiện tượng tương tự: Đều chép bài văn vào những tờ giấy nháp không mấy lành lặn. Hôm sau hỏi lại: Khi nộp, cô có nhận những bài được viết trên những tờ giấy xé nham nhở không? Các cháu trả lời: “Cô không nói gì”.

Sự việc nói trên có lẽ chỉ được coi là hiện tượng đơn lẻ nếu như không có việc cháu phải chép phạt 100 lần câu: “Lần sau con không quên vở nữa”. Tôi lẳng lặng quan sát và thấy cháu chép nắn nót được khoảng một nửa, phần sau xấu, nhòe, giấy nhàu nhĩ… do tì tay quá nhiều. Hơn nữa, cũng viết không đủ 100 lần vì đêm đã quá khuya. Bài chép phạt cháu đã nộp. Chẳng biết cô có xem không nhưng cũng “không thấy nói gì”. Hình phạt này “có sư phạm” hay không chưa bàn, nhưng, cùng với bài văn nháp kia, cái đáng nói ở thái độ với sự cẩu thả.

Thưa cô, chúng tôi biết có thể vì học hành quá vất vả, nặng nề nên cô cũng thông cảm, linh động, xuề xoa cho các cháu. Tuy nhiên, sự dễ dãi này theo chúng tôi là rất không nên.

Nhận tờ giấy nháp nham nhở đó khác nào đã “nháp” vào tâm hồn và suy nghĩ của các em tính cẩu thả và thiếu tôn trọng.

Không nhận những bài làm nháp, bài chép phạt rách rưới đó tức là kiên quyết chối bỏ sự luộm thuộm, không chấp nhận việc làm thiếu tôn trọng người khác. Đây chính là bài học đạo đức không lời được thể hiện qua thái độ nghiêm khắc của giáo viên.

Học sinh cần phải được dạy để biết cách tôn trọng người khác thông qua những hành động cụ thể. Nếu không biết tôn trọng thì cũng chẳng bao giờ nhận được sự tôn trọng từ người khác, đồng nghĩa với việc đánh mất sự tự trọng.

Phụ huynh chúng tôi cứ mơ hồ liên tưởng việc này với tình trạng bạo lực và đạo đức học đường rộ lên gần đây. Mong rằng hiện tượng nói trên chỉ là cá biệt và chúng chưa kịp có mối liên hệ gì với nhau.

Kính chào cô!

Phụ huynh