Bể học vô bờ ( NDBND)
08:06 | 20/01/2011
Buổi sáng, trong khi ngóng dự báo thời tiết trên VTV1 để cho con đi lớp thì thấy cảnh học sinh tiểu học ở Singapore sử dụng Ipad trong lớp, mỗi em cái, ngồi tụm bên nhau tha hồ sờ sờ quẹt quẹt. Ngẫm lại thấy chạnh lòng. Học sinh mình sao khổ quá, chương trình SGK vẫn chưa hết tranh cãi. Nghe đâu mấy năm nữa sẽ thay.
Chưa hết ngẩn ngơ với ứng dụng công nghệ trong trường học ở Singapore thì bắt được cú điện thoại bảo đến nhà ông Vũ Oanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị. Nghĩ bụng, thể nào cũng được cuộc phỏng vấn để tuyên truyền về ĐH Đảng. Tới nơi ông Vũ Oanh bảo, vài ý kiến đóng góp dễ thôi, nhưng tắt máy ghi âm đi, để lúc khác. Còn bây giờ, nói chuyện cái đã, chuyện này lớn lắm!
Ông Vũ Oanh nói về xã hội học tập, đề tài mà ông ấp ủ, hy vọng từ ĐH IX và quyết tâm đưa nó vào nghị quyết. Tôi hơi bất ngờ và thoáng xúc động nên vâng vâng ra vẻ hiểu tầm quan trọng của xã hội học tập.
Bác Hồ là người nhận thức sâu sắc nhất việc này. Sau cái ngày khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 2.9.1945, Chính phủ đã ra liên tiếp mấy sắc lệnh, trong đó có sắc lệnh đi vào lịch sử với nội dung “diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm...” Trước khi đi xa (1969), Bác cũng chỉ có một “ham muốn tột bậc. Đó là dân ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành...” Cả cuộc đời của Người, bôn ba khắp năm châu bốn biển, cũng chỉ vì cái ăn cái mặc và học hành cho dân tộc.
Nói về xã hội học tập, hiện thế giới có khẩu hiệu Giáo dục cho mọi người (Education for All). Còn ông Vũ Oanh chép miệng nhắc câu của cổ nhân: Bể học vô bờ. Ông cha chưa biết gì về kinh tế tri thức thế mà đã có những tiên đoán chuẩn xác vô cùng! Ông bảo, nếu triển khai nghị quyết mà thực hiện được chút ít nội dung xã hội học tập thì cũng giải quyết được ối việc bề bộn hôm nay.
Mục tiêu của Việt Nam đến năm 2020 là một nước công nghiệp hiện đại. Khi đó tỷ lệ chất xám trong mỗi sản phẩm phải trên 50%. Chẳng hạn, sản xuất cái cốc uống nước thì nó phải có cái gì khác với những cái cốc ra đời trước đó, tức là phải có sự sáng tạo. Khi đó, có cần sức mạnh cơ bắp của người lao động không? Không nhất thiết! Vì sức đâu sánh được với robot? Có cần sự khéo léo không? Không cần! Vì có khéo đến mấy thì bàn tay con người cũng không thể xếp hàng trăm, linh kiện điện tử trên 1cm2. Nhưng con người cần sự sáng tạo. Chỉ có sáng tạo mới cho ra sản phẩm có hàm lượng chất xám cao.
CD ra đời từ những năm 1980 và làm mưa làm gió trên thị trường nhưng dự đoán sẽ trở thành công nghệ cổ lỗ sỹ trong vòng 5 năm tới. Sự ra đi chóng vánh của chiếc đĩa mềm FDD, thay vào đó là các thiết bị lưu trữ có dung lượng cao, khẳng định thêm dự đoán nói trên là có cơ sở.
Vậy cái gì sẽ thay thế những sản phẩm đình đám một thời? Nếu không sáng tạo, không có tri thức thì đừng hòng có được sản phẩm mới thế chỗ.
Sáng tạo, tri thức lại được kết tinh từ GD - ĐT. Thế thì cái sự học của chúng ta hôm nay thế nào để có sáng tạo? Bây giờ Việt Nam vẫn chưa làm được chiếc CD, nhưng cả quyết rằng, chẳng ai ngờ nghệch cố công tìm cách chế tạo nó chỉ để viết vào đó mấy chữ “Made in Vietnam”. Làm như thế thì dân tộc này mãi là kẻ đi sau, đồng nghĩa với tụt hậu.
Chuyện miên man với ông Vũ Oanh thoáng chốc đã gần quá Ngọ. Ông khò khè khó nhọc bảo, nhiều chuyện lắm, nhiều chuyện lắm, nhưng mình không kêu. Thôi, làm được gì có ích thì cố vậy.
Buổi chiều, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Đại hội XI bầu Ban chấp hành. Ông Vũ Oanh không dự được vì bận khai trương văn phòng mới của một hội từ thiện mang tên “Bảo vệ và nâng cao chất lượng nòi giống” do ông sáng lập. Một nguyên Ủy viên Bộ Chính trị tuổi xấp xỉ 90 có lẽ đang thấy quỹ thời gian của đời người sao mà ngắn! Lúc chia tay, ông cứ nhắc đi nhắc lại câu, “được học là quyền thiêng liêng của mỗi người”. Vâng, có tri thức thì mới có sản phẩm tri thức; có tri thức thì mới biết thế nào là dân chủ, tự do.
Ngô Thiệu Phong
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ