Thứ Bảy, 1 tháng 1, 2011

Đừng xem tâm hồn trẻ là giấy nháp

(VOV) - Những ngày cuối tháng 12, học sinh tiểu học bước vào kỳ kiểm tra cuối kỳ, kỳ kiểm tra quan trọng nhất để đánh giá học lực học sinh. Đúng lúc đó chúng tôi nhận được một lá thư độc giả…

Kính gửi cô giáo!

Tôi biết viết thư cho cô vào thời điểm này là thật không nên, vì cô bận chuyện thi cử và chấm điểm, Tết nhất cũng đã cận kề. Tuy nhiên, tôi vẫn cứ muốn chia sẻ với cô vài suy nghĩ. Bởi chưa nói ra thì chưa nhẹ lòng. Nếu nhận được sự đồng cảm của cô thì tôi (với tư cách một phụ huynh) cảm thấy rất hạnh phúc rồi.

Thưa cô, lịch học thêm tại nhà cô đột ngột thay đổi. Hỏi mới biết, hôm sau là ngày thi. Có lẽ cô sợ các cháu lơ là, quên kiến thức nên phải phụ đạo ngay buổi tối hôm trước. Là phụ huynh, chúng tôi hiểu điều đó. Vì có trách nhiệm với trò, với lớp học thêm… cô mới phải vất vả như thế?

Để cho khách quan, nhiều trường tiểu học hoán đổi giáo viên coi thi và chấm thi. Dẫu vậy, một số câu hỏi trong đề kiểm tra vẫn giông giống với bài tập ở lớp học thêm. Dĩ nhiên các cháu đều làm được vì được ôn ngay đêm hôm trước.

Phụ huynh chúng tôi sẽ rất vui khi biết các cháu đạt điểm cao. Nhưng điểm số cao ấy có ích gì khi không xuất phát từ năng lực của chính bản thân các cháu? Là giáo viên, chắc cô hiểu được tác hại. Điều này chỉ khiến cho các cháu ngộ nhận, ảo tưởng và là mầm mống của thói hư danh vốn dĩ đang nhan nhản trong xã hội.

Cô giáo hẳn biết rõ hơn chúng tôi về ý nghĩa và vai trò của điểm số. Điểm số là của học sinh và vì học sinh. Chẳng nên biến nó thành thứ trang sức, nhằm mục đích đánh bóng tên tuổi, nâng cao vị thế của bất kỳ cá nhân hay đơn vị nào. Điểm số để đánh giá học lực của học sinh. Chúng ta hãy cố giữ cho điều đó thật nguyên vẹn.

Kính thưa cô giáo, trước mỗi kỳ thi, tôi thấy cháu nhà tôi chép đi chép lại một bài văn. Mục đích để làm gì chúng ta đều hiểu. Đó là văn mẫu chuẩn bị cho kỳ kiểm tra. Văn mẫu dư luận đã mổ xẻ nhiều. Vấn đề muốn nói ở đây là bài văn ấy các cháu viết trên một tờ giấy được xé ra một cách rất cẩu thả. Tôi yêu cầu cháu viết hẳn vào một tờ giấy kiểm tra in sẵn thì cháu không nghe, bảo, “cô dặn thế”.

Đến nhà một số bạn cùng lớp cũng thấy hiện tượng tương tự: Đều chép bài văn vào những tờ giấy nháp không mấy lành lặn. Hôm sau hỏi lại: Khi nộp, cô có nhận những bài được viết trên những tờ giấy xé nham nhở không? Các cháu trả lời: “Cô không nói gì”.

Sự việc nói trên có lẽ chỉ được coi là hiện tượng đơn lẻ nếu như không có việc cháu phải chép phạt 100 lần câu: “Lần sau con không quên vở nữa”. Tôi lẳng lặng quan sát và thấy cháu chép nắn nót được khoảng một nửa, phần sau xấu, nhòe, giấy nhàu nhĩ… do tì tay quá nhiều. Hơn nữa, cũng viết không đủ 100 lần vì đêm đã quá khuya. Bài chép phạt cháu đã nộp. Chẳng biết cô có xem không nhưng cũng “không thấy nói gì”. Hình phạt này “có sư phạm” hay không chưa bàn, nhưng, cùng với bài văn nháp kia, cái đáng nói ở thái độ với sự cẩu thả.

Thưa cô, chúng tôi biết có thể vì học hành quá vất vả, nặng nề nên cô cũng thông cảm, linh động, xuề xoa cho các cháu. Tuy nhiên, sự dễ dãi này theo chúng tôi là rất không nên.

Nhận tờ giấy nháp nham nhở đó khác nào đã “nháp” vào tâm hồn và suy nghĩ của các em tính cẩu thả và thiếu tôn trọng.

Không nhận những bài làm nháp, bài chép phạt rách rưới đó tức là kiên quyết chối bỏ sự luộm thuộm, không chấp nhận việc làm thiếu tôn trọng người khác. Đây chính là bài học đạo đức không lời được thể hiện qua thái độ nghiêm khắc của giáo viên.

Học sinh cần phải được dạy để biết cách tôn trọng người khác thông qua những hành động cụ thể. Nếu không biết tôn trọng thì cũng chẳng bao giờ nhận được sự tôn trọng từ người khác, đồng nghĩa với việc đánh mất sự tự trọng.

Phụ huynh chúng tôi cứ mơ hồ liên tưởng việc này với tình trạng bạo lực và đạo đức học đường rộ lên gần đây. Mong rằng hiện tượng nói trên chỉ là cá biệt và chúng chưa kịp có mối liên hệ gì với nhau.

Kính chào cô!

Phụ huynh

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ