Thứ Hai, 3 tháng 1, 2011

Internet trong nhà trường

(VOV) - Việc tiếp cận công nghệ thông tin đối với đội ngũ giáo viên hiện nay không mấy khó khăn. Dùng mạng vào những việc gì, những ai được hưởng lợi từ việc kết nối… cần phải có quy chế rõ ràng.

100% cơ sở giáo dục được kết nối mạng và trên 70% được kết nối băng thông rộng ADSL. Đây là thông báo của Bộ Giáo dục-Đào tạo và Viettel trong buổi tổng kết mới đây. Công bằng mà nói, với điều kiện khó khăn như hiện nay, việc phủ Internet, cho dù chỉ là các điểm trường chính, cũng là một sự nỗ lực rất lớn của ngành Giáo dục. Đây được xem như một thành công của ngành trong triển khai công nghệ thông tin ở trường học. Tuy nhiên, xem xét một cách cụ thể và chi tiết thì cũng nên đề cập một số vần đề như sau.

Với thông báo 100% cơ sở giáo dục được kết nối mạng thì có nghĩa tất cả các trường học đã được kết nối mạng. Tuy nhiên, để nói một cách chính xác và đầy đủ hơn thì Bộ cần có thêm thông tin về các điểm trường lẻ tại vùng sâu vùng xa. Bởi vì nói 100% cơ sở giáo dục được kết nối mạng thì có thể đó mới chỉ là các trường chính, còn hầu hết các phân hiệu (điểm lẻ) chưa được kết nối. Số lượng điểm trường lẻ trên cả nước là bao nhiêu thì ngay cả Bộ Giáo dục-Đào tạo cũng chưa có con số thống kê.

Thực tế việc kết nối mạng ở các điểm trường lẻ là rất khó, bởi nơi đó chỉ lèo tèo vài ba phòng học, nhà cấp 4 hoặc thưng ván, không có người trông coi. Thông thường, giáo viên được luân chuyển dạy ở điểm lẻ theo từng năm học để đảm bảo tính công bằng. Trong năm học được phân công dạy ở điểm lẻ, giáo viên chỉ có mặt ở trường chính mỗi khi có hội họp. Nói như vậy để thấy rằng, nối mạng cho điểm lẻ trên thực tế rất khó, nhưng nếu không thì cũng rất thiệt thòi cho giáo viên và học sinh.

Với đặc thù vùng miền ở nước ta, chưa biết đến bao giờ mới bỏ được mô hình điểm trường lẻ.

Thông báo của ngành giáo dục cũng cho biết mới có hơn 70% cơ sở giáo dục được kết nối băng thông rộng. Như vậy có nghĩa 30% còn lại là những trường ở vùng hẻo lánh, không có điện, không kéo được cáp hoặc chỉ có cột phát sóng 2G, chưa có 3G để đạt mức độ của băng thông rộng. Với nhu cầu kết nối mạng hiện nay, nếu không đạt chuẩn kết nối băng thông rộng, thì hiệu quả rất thấp. Tải một trang báo mà mất tới vài phút thì đúng là công việc thử thách lòng kiên nhẫn của mọi người.

Một điểm rất thuận lợi hiện nay là đội ngũ giáo viên ở các trường vùng sâu vùng xa phần đông là thế hệ trẻ, đến từ các vùng thuận lợi nên tiếp cận công nghệ thông tin không mấy khó khăn. Song, dùng mạng vào những việc gì, những ai được hưởng lợi từ việc kết nối… cần phải có quy chế rõ ràng.

Trước hết là các trường khai thác và sử dụng mạng như thế nào. Nhiều trường đặt máy tính nối mạng ở phòng hiệu trưởng, hoặc có một USB nối mạng thì các vị hiệu trưởng, hiệu phó thay nhau đút trong túi quần. Lại có nơi khi sóng Viettel chập chờn thì chuyển sang mạng của Vinaphone, sử dụng kinh phí nhà trường để chi trả. Hiện nay các trường đã được trang bị máy tính, máy in. Tối thiểu mỗi trường cũng có vài ba bộ phục vụ ban giám hiệu và văn phòng, nhưng khi máy gặp sự cố, hỏng hóc thì phải chờ ý kiến cấp trên và đợi kinh phí để sửa chữa!./.

Ngô Thiệu Phong

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ