Thứ Hai, 25 tháng 2, 2019

Đi xe giường nằm về HN


Tưởng ngoài rằm thì xe Sơn La - Hà Nội bớt đông ai dè nhiều khách vẫn phải nằm sàn, la liệt trông đến thảm!
Xe tới Mộc Châu lúc 1 giờ sáng thì nghỉ cho khách đi vệ sinh và ăn nhẹ, nhà xe đổi lái. Nhiều người lục tục xuống. Những bàn chân do dự, dò dẫm, cố lựa một chỗ hiếm hoi để đặt chân. Vài thanh niên chắc mót quá bèn đu người nhảy từ giường này sang giường kia như khỉ để xuống cho nhanh. Thế mà có ông khách nằm sàn vẫn chăn đắp chân dạng tay gối, ngáy như sấm.
Một bà vừa đi vừa dụi mắt đạp trúng chym ông này. Ông giật mình bật dậy ôm chym thét lên: - Chân không có mắt à? Bà này liêu xiêu tí ngã, cũng tức, bèn vặc lại: - Đòi hỏi cao nhỉ! Chân có mắt thì tôi đã chả thèm giẫm vào cái của nợ ấy! Nói xong chả biết thị nghĩ gì mà buột miệng cười hích hích hích còn ông kia lại nằm xuống ngủ tiếp.
Khách ăn uống vệ sinh xong lục tục dò dẫm lên xe, lại thấy ông kia bật dậy ôm bụng dưới quát lên trong đau đớn: - Chân bà không có mắt à? Vẫn bà lúc nãy, cười hích hích hích, nói có mắt mới giẫm được vào đấy chớ🤪!
Nhà xe thấy ồn ào bèn bật đèn sáng trưng. Lúc này mọi người mới nhận ra ông này là phóng viên VOV Tây Bắc 🤣.
Ảnh minh họa lấy trên mạng .

Chủ Nhật, 17 tháng 2, 2019

NỖI ĐAU VẪN CHƯA NGUÔI


Chuyện thứ nhất:
Cách đây đây chừng hơn chục năm, khi được Đài Tiếng nói VN (VOV) phân công viết mảng giáo dục, tôi đã có dịp lên Hà Giang. Trong những mẩu chuyện về GD thì một lần cán bộ Phòng GD huyện Vị Xuyên có kể một xã trong huyện gặp khó khi mở lớp cắm bản. Lý do: thầy cô không dám vào khu vực đó vì sợ bom mìn còn sót lại.
Vị cán bộ này cho biết ở khu vực đó nghe bùm cái y như rằng trâu bò lợn và cả... người dính mìn, của cả ta và Tàu cài, mà khả năng gỡ hết dường như là không thể.
Dân bản phải đi theo những lối mòn nhất định. Chính vì thế ngoài việc học hành thì phát triển sản xuất cũng rất khó khăn.
Chộp lấy ý đó và hỏi xã nào thì vị cán bộ này cười cười lờ đi, chả biết sợ ngộ nhỡ phóng viên liều đi vào hay sợ cấp trên quở trách vì thông tin những việc nhạy cảm cho phóng viên?
Tôi không có thông tin gì nữa về những khu vực cài mìn dày đặc như thế này ở Vị Xuyên. Sau cuộc chiến máu của dân vẫn đổ! Anh chị nào biết rõ xin cung cấp thêm!
Chuyện thứ hai:
Cũng cách nay gần chục năm. Lần đó chú Trương Cộng Hòa (Thanh Vũ) dẫn mấy nhà báo lên Cao Bằng. Tối đầu tiên ở Cao Bằng tôi xin phép đi ngồi với Trọng (Báo Cao Bằng) cùng mấy anh chị em làm báo trên đó. Trong cuộc rượu lờ mờ nghe một bản ( Lũng Cò, thuộc huyện Bảo Lạc) di cư tự do từ Sơn Vĩ, Mèo Vạc, Hà Giang sang, hiện vô thừa nhận, nhiều năm không có chính quyền quản lý .
Rất may một nhóm (tôi, Tự Minh, Anh Bui, và 1 pv Ban VHNT) được lên Đồn biên phòng tiểu khu Bảo Lạc. Tôi xin phép ở lại Bảo Lạc để lên tiếp đồn Cốc Pàng-đồn lẻ thuộc đồn tiểu khu. Vào tới đây thì nài nỉ trưởng đồn cho lên Lũng Cò. Nhìn nét mặt biết các anh rất do dự, miễn cưỡng nhưng kệ! Tôi đi nằm vẫn thấy các anh thì thầm bàn bạc cho chuyến đi .
Sáng sớm hôm sau, thấy các anh nai nịt, súng ống, thức ăn đầy đủ cho chuyến đi tôi đoán đường lên Lũng Cò không dễ, thậm chí hiểm nguy.
Không biết mốc giữa ta và TQ chỗ này bố trí thế nào ( hình như cài răng lược) nhưng trên lối mòn lên Lũng Cò có nhiều đầu mẩu thuốc lá Tầu. Chả ai nói nhưng chắc chắn của lính Tầu. Mỗi lần thấy vật lạ như thế các anh biên phòng lại ra dấu cho tôi ngồi nghỉ rồi tiến lại nhặt mẩu thuốc lên, ngửi ngửi, nói "lâu rồi, đi được"

Trên lối mòn thi thoảng xuất hiện các mỏm đá được mài phẳng một khoảng cỡ bằng 2 bàn tay, trên khắc các con số (như tọa độ?) và một vài chữ Tầu, chữ và số tô sơn đỏ còn mới, rất nắn nót. Định chụp ảnh nhưng thấy vẻ e ngại và không hài lòng của các anh nên lại thôi. Chỗ đó vẫn nằm trong đất của ta vì tôi biết các anh không bao giờ mạo hiểm và dại dột đưa "cán bộ trung ương" vòng qua đất Tầu.
Tôi hỏi nhưng các anh không biết (hoặc không nói). Và cho đến hôm nay câu hỏi "NÓ LÀ CÁI GÌ ?" vẫn cứ đau đáu trong đầu. Cũng muốn lên một lần nữa xem sao nhưng giờ chắc không leo nổi nữa rồi 😓.

Cần nhìn nhận đúng ngày 17/2

Ngày 7/ 12/ 1978, Quân ủy Trung ương Trung Quốc đã triệu tập một cuộc họp và quyết định phát động một cuộc chiến tranh HẠN CHẾ trên tuyến biên giới phía Nam Trung Quốc. Chỉ thị nêu rõ cuộc chiến tranh được hạn chế nghiêm ngặt trong vòng bán kính 50km từ đường biên giới và kéo dài trong 2 tuần.

Trong cuộc họp Quân ủy Trung ương vào đầu năm 1979 Đặng Tiểu Bình nhắc lại cuộc tấn công phải được tiến hành chớp nhoáng và tất cả các đơn vị phải rút về sau khi đạt được mục tiêu của chiến dịch.

Đề phòng tình hình có thể vượt ngoài tầm kiểm soát, ban lãnh đạo Trung ương TQ đã yêu cầu tướng Hứa Thế Hữu phải dừng ngay các chiến dịch quân sự và rút lui ngay khi quân đội chiếm được Lạng Sơn và Cao Bằng.

Cuộc xâm lược VN mà TQ rêu rao là “phản kích tự vệ” diễn ra đúng theo 3 giai đoạn mà họ đề ra và rút quân về vào 5/3.

Đặng Tiểu Bình đã tính toán kỹ một cuộc tấn công chớp nhoáng, CÓ GIỚI HẠN vào Việt Nam sẽ không đủ để kích thích sự can thiệp của Matx-cơ-va hay bất kỳ một làn sóng phản đối quốc tế nào.

Trên đây là một vài cứ liệu tôi tham khảo ở những tạp chí lịch sử nghiêm túc. Tuy nhiên, do không ở chuyên ngành sử, kiến thức có hạn nên tôi không có điều kiện kiểm chứng tính chân thực của những cứ liệu trên.

Trên tinh thần không khoét sâu hận thù, khẳng định sự thật lịch sử, tôn trọng tính khách quan của lịch sử tôi cứ nêu ra đây để mọi người cho ý kiến. Nếu đúng thì cân nhắc hơn khi cho rằng quân xâm lược TQ rút về là do sợ Quân đoàn 2 đang gấp rút trở về từ Căm pốt, do sợ vũ khí của Liên Xô... Và cũng cân nhắc khi dùng cụm từ "buộc chúng phải rút lui".

Một sự thật khách quan như thế càng giúp ta hiểu rõ hơn sự nham hiểm và xảo quyệt của kẻ thù ./.

Ngày 17/2 trong tôi

Năm 1979 tôi lên 10. Tất cả những đứa trẻ 10 tuổi ở miền Bắc lúc đó đều cảm nhận được hơi thở của chiến tranh đang cận kề.
Nhà tôi ở Đức Giang -Long Biên- Hà Nội nên hàng ngày thường đứng ở đầu hè ngóng lên phía Bắc - biểu tượng là hai cái ống khói nhà máy gạch Cầu Đuống cao vút- xem có tiếng súng không, chiến tranh về chưa🤓?
Nhà sát tuyến đường sắt nên hình ảnh đầu tiên là những đoàn tàu hỏa kìn kìn chở tăng lên phía Bắc, toàn T34, thi thoảng có T54, những chiếc tăng bụi bặm méo mó chắc vừa được chuyển ra từ chiến trường miền Nam, chưa có thời gian spa🤪🤪🤪 .
Bố tôi dõi theo những đoàn tàu đó lẩm bẩm: "Chắc nghi binh thôi!". Ông cho rằng địa hình miền núi phía Bắc hiểm trở không phù hợp với tác chiến dùng tăng hay vẫn tin người đồng chí môi hở răng lạnh của mình không bao giờ làm thế?
Âm thanh quen thuộc và thúc giục nhất lúc đó là bài "Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới" vang lên mỗi sáng từ Đài Tiếng nói Việt Nam. Ngày thì nghe những tấm gương anh dũng hy sinh như Lê Đình Chinh , Nông Văn Giáp, Hoàng thị hồng Chiêm...Tối dò đài toàn bị Bắc Kinh át sóng, nghe hai đài phản kích nhau kịch liệt, cứ bè lũ này bè lũ kia không tiếc lời...
Trường cấp I-II Thanh Am của tôi khi ấy là vài ba dãy nhà cấp 4 lợp ngói. Một sáng tôi đến trường thì thấy thầy, cô và các anh chị lớp trên đang đào hầm kèo chữ A trong khuôn viên trường, cửa hầm có giao thông hào dẫn tới cửa lớp học.
Cao điểm nhất là hình ảnh mẹ tôi suốt đêm dồn gạo vào ruột tượng và thu xếp quần áo để chuẩn bị tản cư. Người miền Bắc quá quen với chạy càn, chạy bom trong 2 cuộc chiến nên thấy mẹ chả có biểu hiện gì.
Vài ngày sau thì Tàu rút quân đúng như kế hoạch họ lên từ trước: Dạy cho VN một bài học! Thời gian dài sau đó là "làm cho VN chảy máu dần dần", lẵng nhẵng như đỉa hút máu, bằng cách liên tục gây hấn có giới hạn (cho tới tận 1990) trên toàn tuyến biên giới. Một kế hoạch thừa khôn ngoan và quá thâm hiểm của Đặng Tiểu Bình.
Hôm nay, nếu ai có dịp lên các huyện, xã giáp biên ở phía Bắc thì sẽ thấy cách đồn biên phòng một chút là nghĩa trang liệt sỹ, nơi đó có khi nằm lại nguyên cả một đồn-trước gọi là công an vũ trang- không một ai sống sót, vào cái ngày 17 tháng 2 năm ấy! Đau!
Cho tới giờ tôi vẫn cứ đau đáu câu hỏi 17/2/1979 có bị động, bất ngờ không, nhưng rồi cũng chẳng muốn tìm câu trả lời. Với những kẻ luôn âm mưu thôn tính thì hãy túc trực trong đầu câu hỏi và dành cho chúng sự hoài nghi./.

Thứ Tư, 13 tháng 2, 2019

Sợ chó

Tự Minh (VOV Đông Bắc) nói trên đời này em sợ nhất chó! Đi với nó một chuyến Bắc Cạn cách đây 20 năm biết nó nói thật. Lần đó mình, nó, Nhật Minhrượu về đêm đã khuya. Đang lững thững đi thì phía trước đột ngột mấy con chó xồ ra sủa inh ỏi, rất hung dữ như muốn chặn đường về của 3 anh em.
Mình bảo Tự Minh ơi làm thế nào giờ! Có mỗi đường độc đạo! Tưởng nó khá hơn ai ngờ chân nó run như gà rù, thở không ra hơi, xui mình gọi 113. Mình bảo thế thì thà gọi mẹ 115 nằm cáng sướng hơn.
Ở Việt Nam này nó là thằng sợ chó nhất, thứ nhì là ...mình. Hôm rồi về quê, ngồi ở quán nước đầu làng thì quen một bác già, chuyện trò tâm đầu ý hợp nên ông cụ cứ co kéo về nhà làm chén rượu đầu xuân.
Đến cổng bác băng băng đi trước, đúng lúc đó vang lên tiếng sủa ông ổng, tim mình muốn văng ra ngoài. Vội vàng mình vọt lên túm lưng quần bác lập bập hỏi bác...bác... nhà có chó, nhà có chó... Bác nói không, nhà có mình bác thôi😢!

Chuyện kể khi đi xe giường nằm

Tối qua đi xe khách giường nằm từ Hà Nội lên Sơn La. Nghĩ chiều lên thì bớt đông ai dè xe chật cứng. Mình gọi điện đăng ký trước một ngày còn được nằm giường gần cuối xe, nhiều khách đăng ký muộn phải nằm sàn.
Nhà xe cảnh báo khi công an kiểm tra thì phải "nằm gọn gọn vào". Mọi người muốn đi cho kịp nên đều chấp nhận.
Xe chạy đêm, đi được một lúc thì lái xe hô "có công an kiểm tra". Cô gái trẻ nhỏ nhắn xinh xắn (nằm sàn ngay cạnh giường) nhanh như cắt lăn một vòng nằm úp thìa lên trên người mình...
Thú thực khi đó đã cài dây an toàn nên mình không kịp phản ứng, mà cũng chẳng biết dịch vào chỗ nào được nữa vì giường rất hẹp.
Các anh công an soi đèn qua loa thấy sàn không có người bèn hỏi vài câu rồi xuống.
Kể từ đó mình thấy cô gái nằm sàn bên cạnh cứ trằn trọc. Một lúc sau cô nhỏm dậy ôm chăn trước bụng hỏi bâng quơ: Không biết công an có còn kiểm tra nữa không nhỉ🤪?
Ảnh: Xe mình trước khi khởi hành.

Cơm lam

Hà Nội ăn tết Sơn La
Mấy hôm nay không nấu cơm, mỗi bữa rút một ống cơm lam anh Hoàng Khảicho ra chén.

Nói thật đây là lần mình ăn cơm lam "kỹ" nhất. Hôm về xuôi thấy Anh Duc khệ nệ vác một bó như bó mía đặt lên xe mình đoán mua ở trong mó nước nóng rồi, chỗ này gần nhà Anh Duc nức tiếng cơm lam gà nướng mà.
Cơm lam để mấy ngày thì không thể nói là còn dẻo được. Vì thế trước khi ăn chỉ cần tước lớp vỏ tre bên ngoài, bẻ từng khúc cơm lam ra đồ lại, hoặc có thể tước vỏ tre, bẻ khúc cất trong tủ lạnh, khi ăn đồ lại, chỉ mươi phút là dẻo thơm ngon!
Mình nói lần này ăn "kỹ" vì mấy lần ăn cơm lam ở khu du lịch, resort ... dở ẹc nên chẳng quan tâm! Lần này khác! Cơm lam Sơn La biết mua đúng chỗ khác lắm!
Nếp để làm cơm lam quả thực phải kỳ công tuyển lựa thì cơm lam mới ngon được, ống tre phải cùng cỡ, nướng phải đều tay. Cơm lam ngon khi tước vỏ tre ra thì lớp áo lụa nõn nà (trong ruột tre-nứa) phải ôm chặt vào cơm, hạt nếp căng tròn dẻo quánh nhưng không vỡ nát, dậy mùi thơm đặc trưng của nếp và hương tre nứa; khi ghé răng cắn, lớp vỏ rách nghe nổ tách một phát đã cái tai luôn!
Chẳng biết mọi người ăn cơm lam với gì, mình thì cứ xé thịt lợn gác bếp của chị Lường Thị Huyền ra ăn kèm, vừa ăn vừa ngắm địa lan, sau tráng miệng cam Cao Phong, vừa nhã, vừa ngon, vừa gọn, lại đủ dinh dưỡng. Hẳn nào về Hà Nội mấy đứa con gái cứ ngắm nghía hỏi anh ăn gì mà da đẹp thế 🥰, vợ thì bảo... khỏe thế! Thôi thôi không kể nữa🤣!
Ẩm thực Tây Bắc đúng là khám phá hoài không hết!

Năm hợi nói chuyện con heo

Năm lợn nói chuyện con heo.
Nhiều người cho rằng gọi phim con heo vì nó xuất phát từ từ cô-sông (cochon - con heo) trong tiếng Pháp. Người Pháp gọi phim cochon thế là người Việt nói theo.
Thấy bảo người Pháp dùng cochon gắn với những gì dơ bẩn, vô ích...nói chung là đồ bỏ đi.
Nhưng chẳng lẽ nước Pháp lại bảo thủ cỡ vậy? Tưởng cởi mở phóng túng trong chuyện này chứ nhỉ? Ai am hiểu xã hội Pháp TK 18-19 phân tích hộ!
Còn với người Việt nói phim con heo chả đúng tí nào. Khả năng ấy của lợn so với nhiều con khác chả thấm gì. Con lợn cũng như con trâu con bò con gà gắn bó với người Việt lắm!
Và có một điều mình không thích, đó là cứ cái gì tồi tệ của chính con người là con người lại đổ tiệt cho con vật, như đồ con lợn con bò con chó; lấy cả tên riêng của chúng ra làm tính từ chỉ tính xấu của loài người (thằng cha ấy DÊ lắm!). Có thực là con vật tệ đến mức như thế không?
Thật chả đàng hoàng tí nào!
Ảnh: Một bức tranh biếm họa về đại dịch khiêu dâm ở Pháp TK 19 , thấy có con heo.

Nhật lùn giờ thành Nhật cao nhờ ...

Bố mình sinh năm 1932. Năm 1945 ông 13 tuổi, nhớ như in cảnh lính Nhật ở Hà Nội. Ông kể chúng có súng nhưng vẫn đeo kiếm và khi di chuyển thì mũi kiếm quét lê xuống đường.
Chẳng biết gươm dài cỡ nào nhưng như thế chứng tỏ người Nhật thuở ấy thấp, thế mới có biệt danh Nhật lùn?
Vậy mà hôm nay nhìn 2 trung vệ người Nhật (hình như đang thi đấu cho Southampton?) cao gần 1m9 thì quá nể. Mới có hơn một thế hệ mà họ đã cải thiện chiều cao ở mức quá lý tưởng.
Hiện nay chiều cao trung bình ở độ tuổi 17 của thanh niên Nhật là hơn 1,7m và thanh niên Mỹ là 1m 76 , Nữ Nhật gần 1m58 và nữ Mỹ là 1m62 , không chênh nhau mấy.
Biểu đồ (tính ở lứa tuổi 17) cho thấy thế chiến thứ II và 2 quả bom nhiệt hạch gây ra một cú sốc về chiều cao, nhưng bắt đầu từ 1948 trở đi thì người Nhật trỗi dậy!
Dinh dưỡng là yếu tố quan trọng trong phát triển chiều cao. Hình 2 là một trại trẻ mồ côi ở Nhật năm 1950, rất có thể chúng sinh ra lúc bom nguyên tử Mỹ rơi trên đầu và bố mẹ đã chết hết. Ta thấy khẩu phẩn ăn ngoài cơm có thêm nửa quả táo và bánh hay sữa gì đó không rõ, đứa nào cũng mập mạp.
Điều thú vị là trại 160 trẻ mồ côi này do quân đội Mỹ tài trợ. Người Nhật đã gạt nước mắt, khôn ngoan bắt tay với kẻ thù quá khứ để tái thiết đất nước, bắt đầu từ những đứa trẻ!
Thôi không bàn chuyện xa xôi, tóm lại các mẹ cứ cho con uống nhiều sữa ăn nhiều hoa quả, bắt tập thể thao thường xuyên; anh Nhạ giáo dục cơ cấu lại chương trình cho khoa học, bé thì học ít thôi, nửa ngày chơi thể thao đi thì mới có lứa Công Phượng mới, đủ sức tì đè và đua tốc độ với 2 thằng trung vệ dày mình cao gần 2m kia!

Chân dung vẽ bằng ốc vít

Hôm nay thấy anh Bình ở Sài Gòn dùng 5000 con ốc vít để làm bức tranh HLV Park và Công Phượng lại nhớ bức tranh một người nổi tiếng khác đánh bằng máy chữ.
Đó là năm 1995-96, VOV chưa đủ máy tính nên vẫn phải gõ bằng máy chữ (typewriter). Để đáp ứng nhiệm vụ của một phóng viên mới vào nghề mình ra Hàng Bài, cạnh Rạp Tháng 8, học đánh máy chữ. Có ai còn nhớ chỗ dạy đánh typewriter có tiếng ở Hanoi này không?
Tại đó thấy đặt bức hình 1 người đàn ông nổi tiếng, "vẽ" trên giấy A4 , được tạo nên bằng 1 chữ cái X, đánh trên máy chữ. Hồi đó nhìn mê rồi trầm trồ tài khéo của người đánh máy bậc thầy. Đánh 10 ngón không nhìn phím đã nể rồi đằng này còn vẽ nữa! Chữ X như một ẩn số khiến mình tò mò.
Thực ra tranh bằng ốc vít ( và nhiều chất liệu khác nữa) người ta làm từ lâu nhưng hôm nay ngắm tranh anh Bình chợt nghĩ, nếu nhìn từ góc độ nhiếp ảnh hay hội họa, con người ta hình thành nên từ các mảng sáng tối như thế đấy ! Sáng quá không thành người mà tối quá càng không thể thành người🤓!

Đây mới là trâu gác bếp

Thấy có nơi bán trâu, bò gác bếp mạo danh đặc sản Tây Bắc nên nhờ mấy chị em vào tận bản Lầu -Sơn La - tìm hiểu.
Lúc nào bài đăng mình sẽ đưa lên đây nhưng anh em nhớ cho 10 kí trâu tươi mới được 3.5-4 kí thịt khô, mà 1kg thịt trâu bò hiện tại bao nhiêu anh em tính hộ cái! Vì thế giá rẻ quá thì người ta lỗ à?
Mình rượu không biết uống nhưng ăn vặt thì ...thôi rồi. Bò khô, trâu khô và cái gọi là nai khô..v.v và v.v. từ bắc chí nam chén hết rồi. Chả dám chê chỗ nào nhưng trâu, bò khô Tây Bắc, cụ thể Sơn La, để lại ấn tượng nhất!
Không nói phét, đã nếm qua trâu khô Tây Bắc thì những cái còn lại... mặc định bị delete (xóa sạch) trong bộ nhớ! Kiểu như cả đời ngủ với cô hàng cá bỗng một ngày kia lâm sàng với cô hàng hương xinh đẹp😋! Hơi phũ phàng nhưng thật!
Trước hết, phải nói về truyền thống, từ xa xưa phương thức chế biến của người Thái chỉ có sôi (hấp) và nướng là chủ đạo! Cho nên kinh nghiệm nướng trên bếp củi của họ là đỉnh của đỉnh, tiếng Tây gọi là TOP OF THE TOP. Miễn bàn!
Kính thưa những cái miệng sành ăn! Thịt sấy khô bằng điện khác hoàn toàn với thịt sấy bằng củi. Người Thái phải tìm các cây củi chắc, nhiều than ở trên rừng (như mạy tạy, mạy hái) về sấy ròng rã trong 24 tiếng liên tục mới được một mẻ. Các anh các chụy có đồng ý cái gì làm lâu mà chả ...hấp dẫn không 🤣 !
Khi xắt miếng thịt đem nướng người Thái tính rất kỹ để lúc ăn chỉ cần tước theo từng thớ thịt, chớ dùng dao kéo hay bất cứ dụng cụ tân kỳ nào. Hai tay, ngón trỏ và ngón cái, nhẹ nhàng tước nhỏ từng sợi thịt, chấm với chẩm chéo hoặc tương ớt rồi thong thả bỏ vào miệng, nhai, nhai, nhai ... rồi lắng nghe cái vị ngọt của thịt, vị cay của mắc khén nó ngấm từ đầu lưỡi tới chân răng. Ẩm thực như thế người dân tộc tụi em gọi bằng bốn âm tiết: tinh tế và sang trọng 😋!
Miếng thịt ngon nhìn sáng màu, hơi hồng đỏ, khi tước đúng thớ không bị đứt nửa chừng. Người Thái cũng sử dụng những gia vị đặc trưng của núi rừng Tây Bắc để ướp nhưng độc đáo ở chỗ nó không lấn át vị ngọt, vị thơm của thịt. Nó tựa như cô gái đẹp chỉ cần thoảng qua chút phấn son cho thêm phần quyến rũ chứ quyết không thèm dùng để che lấp nhược điểm hay khiếm khuyết của mình.
Thôi! Để báo ra các bác đọc thêm. Chỉ khuyên các bác cứ đúng địa chỉ tin cậy mà mua. Mua được tại lò càng tốt! Trên này người dân tộc chúng em trước khi ăn thường vùi vào bếp. Dưới phố phường các bác nhớ để ngăn đá nhé! Vì không có chất bảo quản nên phải dùng ngay! Khi lên mâm, lúc ra rượu, các bác chịu khó nhổm đít dậy, đặt nó vào lò vi sóng , úp cái bát lên, sau vài chục giây là có món bò khô đưa cay thơm lừng, ngon không thua kém gì cách bà con dân tộc vùi than đâu.
Ảnh: Chị này ở VOV Tây Bắc đấy! Chị Lường Thị Huyền, một cơ sở sản xuất các sản phẩm thịt khô có tiếng ở Sơn La (0985 809 399)

Bà cụ đập xe mẹc và hai con dê qua cầu

Cụ bà dùng búa đập xe mẹc đắt tiền đỗ trước cửa, mặc cho chủ xe đứng quay phim, đang làm nóng mạng XH.
Mình không bình luận đúng sai vì không có thông tin, đồng thời cố tránh một thái độ phán xét nhưng không thể không liên tưởng tới truyện ngụ ngôn "Hai con dê qua cầu" phiên bản thời 4.0.
Nhường nhịn là bài học được rút ra từ câu chuyện ngụ ngôn nói trên. Nếu nhường nhịn thì không có thái độ thách thức của chủ xe, có thể là nguyên nhân dẫn tới hành vi đập xe của cụ bà?
Tuy nhiên việc nhường nhịn trong xã hội hiện ít được tôn vinh, thậm chí bị coi thường, rẻ rúng; người nhường nhịn thường thiệt thòi. Có vẻ như càng nhường nhịn càng bị lấn át. Từ đó dẫn tới việc người ta thừa biết nhịn nhau là xong nhưng không ai chịu thua thiệt.
Tất nhiên ở đây mọi người cũng có quyền đặt câu hỏi liệu nhường nhịn có còn lưu thường trực trong bộ nhớ hành vi của người Việt hay đã thành di chỉ hóa thạch? Nói tới cái này lại liên quan tới GD. Lại gay!
Với những sự việc như trên thì luật pháp cần hiện diện để tránh xảy ra xung đột. Song lại có vẻ như luật pháp hơi xa xôi và độ tin cậy không cao nên người dân đành tự xử.
Một vài luận giải mang màu sắc suy diễn chủ quan, không biết có đúng không?

Đôi giày này học từ con dê

Dê là con vật thông minh, hiền lành và rất có ích. Dê làm thực phẩm thì cánh mày râu mê mẩn vì nghe đồn bổ dưỡng khoản ấy.
Nhưng hôm nay sau khi xem một phim tài liệu về loài dê mình mới thấy một khả năng vô song của nó nữa là leo trèo. Vách đá dựng đứng mà nó leo được thì chịu thật!
Tìm các tài liệu trên mạng thì thấy nó thuộc bộ guốc chẵn, có hai móng guốc như hình. Có lẽ chính vì cấu tạo đặc biệt của cặp móng guốc này mà nó leo giỏi?
Ngắm đôi móng đột nhiên nhớ tới đôi giày bảo hộ tabi của người Nhật chuyên dùng cho công nhân leo trèo ở độ cao lớn, ví dụ như dựng giàn giáo. Anh em lao động người Việt bên đó bảo đi đôi này thích lắm, thật chân, bám...
Chả biết khi thiết kế đôi giày tabi người Nhật có học gì từ con dê không nhưng có một điều chắc chắn thiên nhiên luôn bí ẩn. Loài người còn phải học nhiều từ thiên nhiên, phải trả nợ thiên nhiên và con cháu sẽ còn phải trả giá vì bố mẹ chúng đã can thiệp thô bạo vào thiên nhiên.

Chuyện vui về rượu sau chuyến Mường Men

Trên đường từ Mường Men - Vân hồ - Sơn La (xã mà VOV Tây Bắc có trách nhiệm giúp đỡ) trở về anh Hoàng Khải nói vui với anh Hùng, Giám đốc Bảo hiểm bưu điện Tây Bắc, đơn vị tài trợ, rằng ở đây cái gì cũng thiếu duy chỉ có rượu là không thiếu🤣.
Đấy là cách nói có tính biểu tượng để thấy cái khó của Mường Men và cái tình của người dân Mường Men.
Cũng liên quan đến "cái tình" này thì VOV Tây bắc đang sinh hoạt sâu 2 chủ đề mà báo chí râm ran mấy bữa nay.
Đó là vụ một bệnh nhân hôn mê sâu, sống đời thực vật 14 năm ở Trung tâm điều dưỡng Hacienda HealthCare, thành phố Phoenix, bang ArizonaMỹ bỗng dưng có thai và từ miệng nạn nhân này phát ra một vài âm thanh, dù âm thanh thể hiện sự khó chịu nhưng các bác sỹ vô cùng mừng rỡ!
Việc thứ 2 diễn ra ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị. Ngày 25/12/2018, bệnh nhân Nguyễn Văn Nhật (48 tuổi, trú Triệu Độ, Triệu Phong) bị ngộ độc rượu được các bác sỹ bổ sung vào cơ thể 5 lít bia nữa và thế là ông này được cứu sống, vùng dậy, giật dây truyền, thank you bác sỹ rồi lững thững đi bộ về nhà!
Đúng là dĩ độc công độc! Tự cổ chí kim, từ Đông sang Tây, chưa hề có trong y văn.
Ở vụ thứ nhất, gạt sang 1 bên khía cạnh đạo đức (xâm hại tình dục), chỉ nhìn ở góc độ y học thì việc này có thể mở ra hướng đi mới trong điều trị hôn mê.
Vụ thứ hai cũng tương tự! Chưa có một dòng nào đánh giá công bằng và có thiện chí tác dụng tích cực của rượu bia mà chỉ thấy người ta chê bai, gán ghép cho nó đủ thứ độc hại, lại còn đe cấm😠 ! Cái thứ có mặt trên thế gian này từ thời nguyên thủy thì phải có lý của sự tồn tại của nó chứ! Chả hiểu gì!
BGĐ VOV Tây Bắc tạm đặt cho hai sự kiện y tế trên thuật ngữ "Dục liệu pháp" và "Tửu liệu pháp". Đang sinh hoạt khoa học rất nghiêm túc, người Tài (Tày) Hoàng Khải mới lên được danh sách các đối tượng "hôn mê" và "hôn mê sâu"; thầy bói Tho Phạm đã chứng thực những đối tượng này, nhưng chưa ra được phác đồ điều trị vì GS tình yêu Quốc Tuấn đang nghỉ phép😛.
Ảnh: Chưa điều trị nên chưa có ảnh, lấy tạm ảnh đi làm từ thiện