Ngày 17/2 trong tôi
Năm 1979 tôi lên 10. Tất cả những đứa trẻ 10 tuổi ở miền Bắc lúc đó đều cảm nhận được hơi thở của chiến tranh đang cận kề.
Nhà tôi ở Đức Giang -Long Biên- Hà Nội nên hàng ngày thường đứng ở đầu hè ngóng lên phía Bắc - biểu tượng là hai cái ống khói nhà máy gạch Cầu Đuống cao vút- xem có tiếng súng không, chiến tranh về chưa🤓?
Nhà sát tuyến đường sắt nên hình ảnh đầu tiên là những đoàn tàu hỏa kìn kìn chở tăng lên phía Bắc, toàn T34, thi thoảng có T54, những chiếc tăng bụi bặm méo mó chắc vừa được chuyển ra từ chiến trường miền Nam, chưa có thời gian spa🤪🤪🤪 .
Bố tôi dõi theo những đoàn tàu đó lẩm bẩm: "Chắc nghi binh thôi!". Ông cho rằng địa hình miền núi phía Bắc hiểm trở không phù hợp với tác chiến dùng tăng hay vẫn tin người đồng chí môi hở răng lạnh của mình không bao giờ làm thế?
Âm thanh quen thuộc và thúc giục nhất lúc đó là bài "Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới" vang lên mỗi sáng từ Đài Tiếng nói Việt Nam. Ngày thì nghe những tấm gương anh dũng hy sinh như Lê Đình Chinh , Nông Văn Giáp, Hoàng thị hồng Chiêm...Tối dò đài toàn bị Bắc Kinh át sóng, nghe hai đài phản kích nhau kịch liệt, cứ bè lũ này bè lũ kia không tiếc lời...
Trường cấp I-II Thanh Am của tôi khi ấy là vài ba dãy nhà cấp 4 lợp ngói. Một sáng tôi đến trường thì thấy thầy, cô và các anh chị lớp trên đang đào hầm kèo chữ A trong khuôn viên trường, cửa hầm có giao thông hào dẫn tới cửa lớp học.
Cao điểm nhất là hình ảnh mẹ tôi suốt đêm dồn gạo vào ruột tượng và thu xếp quần áo để chuẩn bị tản cư. Người miền Bắc quá quen với chạy càn, chạy bom trong 2 cuộc chiến nên thấy mẹ chả có biểu hiện gì.
Vài ngày sau thì Tàu rút quân đúng như kế hoạch họ lên từ trước: Dạy cho VN một bài học! Thời gian dài sau đó là "làm cho VN chảy máu dần dần", lẵng nhẵng như đỉa hút máu, bằng cách liên tục gây hấn có giới hạn (cho tới tận 1990) trên toàn tuyến biên giới. Một kế hoạch thừa khôn ngoan và quá thâm hiểm của Đặng Tiểu Bình.
Hôm nay, nếu ai có dịp lên các huyện, xã giáp biên ở phía Bắc thì sẽ thấy cách đồn biên phòng một chút là nghĩa trang liệt sỹ, nơi đó có khi nằm lại nguyên cả một đồn-trước gọi là công an vũ trang- không một ai sống sót, vào cái ngày 17 tháng 2 năm ấy! Đau!
Cho tới giờ tôi vẫn cứ đau đáu câu hỏi 17/2/1979 có bị động, bất ngờ không, nhưng rồi cũng chẳng muốn tìm câu trả lời. Với những kẻ luôn âm mưu thôn tính thì hãy túc trực trong đầu câu hỏi và dành cho chúng sự hoài nghi./.
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ