Thứ Sáu, 29 tháng 12, 2017

Già !


Được anh em chiếu cố đăng cho bài “Lúc về già mình sẽ…không làm những điều này”, bài được nhiều báo đăng lại, sướng âm ỉ. Hôm sau mình dậy từ tờ mờ sáng ra câu lạc bộ bóng bàn đánh ấm chén, đun nước, pha trà ngồi thu lu hóng ra cổng chờ sẵn.

Mọi hôm đánh hùng hục xong quắp đít về, hôm đấy đánh xong còn la cà vời cho đủ mặt các cụ ra uống nước, ai đang dở séc cũng co kéo ra bằng được, nói phét, có quà miền Tây (thực ra bánh pía mua ở Hà Nội chiều hôm trước).

Đợi các cụ nhấp xong ngụm nước chè, mình dâng bánh cho từng người, nói em vừa có bài trên báo, các cụ đọc và cho ý kiến; em vừa viết xong, mong cụ có lời bình…!

Sáng hôm sau, nhét gói kẹo lạc vào túi, mình lại đến câu lạc bộ từ sớm, đánh ấm chén, pha trà, ngồi đợi. Khi các cụ chưa ấm chỗ mình hỏi ngay, bác đọc chưa, thế nào, thế nào. Cụ Lâm lột mũ xoa xoa cái đầu hói, nói cũng hay hay; cụ Hoa khen giọng văn khí phách; cụ Bách bảo tươi lên tí thì vừa hồng vừa chuyên… Biết thừa các cụ chưa đọc nhưng vẫn sướng, lại châm trà, dâng kẹo.

Giờ phải đưa bài lên phây (facebook) mới mong nhiều người đọc. Vừa ấn nút “post” đã có thằng nhảy ào vào like liền. Chắc chắn like dạo? Nhắn tin hỏi, nó bảo em đánh dấu tí đọc. Chả biết nó có đọc không nhưng lý do quá thuyết phục, bảo sao không sướng!

Mình ít bạn phây nên đăng mãi chẳng đứa nào còm. Sốt ruột kinh khủng! Cứ 5 phút lại mở phây đếm lai (like). Lèo tèo quá! Lại phải nhắn tin giục mấy thằng đệ, mấy đứa em họ xa, giọng dỗi, nói anh vừa có bài mà mày chả quan tâm gì. Giục cái chúng nó like ngay, like theo yêu cầu nhưng vẫn sướng âm ỉ vì có ai biết ngoài mình với nó đâu.

Trưa qua họp tất niên câu lạc bộ bóng bàn, mình đứng lên điểm hàng loạt bất cập và hạn chế, ưu điểm và nhược điểm, phương hướng và nhiệm vụ… ; bóng bàn đỉnh cao ở Việt Nam, bóng bàn phong trào trên thế giới… Phát biểu một hồi thấy nhiều cụ há mồm ngáp rồi nhìn đồng hồ.

Họp xong thì đi chén thịt chó. Sau tuần rượu mình hỏi cụ Bách, cụ thấy em vừa phát biểu thế nào. Cụ ầm ừ gắp miếng dồi đưa lên ngang mặt ngắm nghía rồi bỏ vào miệng nhồm nhoàm nhai, nói dồi chó đéo gì mà to thế, đúng là dồi lợn. Lại quay sang cụ Nghệ Hà, “cụ thấy em diễn thuyết thế nào”. Cụ Hà vẩy vẩy cái lá mơ cho ráo, nói mơ đéo gì đầy lông, đúng là mơ lông.

Thấy hai cụ vướng bận ẩm thực mình ghé đầu cụ Lâm thủ thỉ: Nãy con nói được không? Cụ cười hơ hơ, nói được được. Sướng quá hỏi thêm: Thế bài “Lúc về già…” con viết thế nào? Lần này cụ nhướn mắt đặt chén rượu xuống bàn cạch phát, sóng cả rượu ra ngoài, nói mày già mẹ nó rồi đấy Phong ạ

Thứ Hai, 25 tháng 12, 2017

DIỆT CHUỘT SĂN TÌNH


Mình với thằng Tuyến (Phạm Trung Tuyến) ngày trước hay đi công tác với nhau. Nó tính phiêu lưu lãng tử, mình thích lê la hiếu kỳ nên đi với nhau hợp!
Năm 1997 tỉnh Hưng Yên tái lập. Thấy có nhiều đề tài hay nên hai đứa xin bác Hữu Kiểm (trưởng Phòng VHXH) đi viết.
Tỉnh tái lập nên trông thê lương cám cảnh vô cùng. Đúng là một thị xã bỏ hoang vì trước đó công sở ở tất bên Hải Dương. Mình với nó chọn Sở GD-ĐT để làm trước. Sở hồi đó cũng chưa có nhà nên ở nhờ Trường trung cấp sư phạm Hưng Yên, chỗ đê đi xuống, ngay đầu thị xã.
Mấy anh ở sở thu xếp cho nó với mình ở ngay trong trường. Trường lọt thỏm gần như giữa cánh đồng, tối buồn ơi làm buồn, phía tỉnh lộ tối om, hai đứa mất hẳn ý định dặt dẹo vào trung tâm chơi nên la cà sang khu ký túc, nơi có ánh điện sáng và bóng hồng qua lại.
Trường trung cấp hàng tỉnh nên cũng không đông lắm, chừng 5 phòng. Mình với nó chọn phòng đầu hồi để vào. Mình đùn thằng Tuyến đi trước vì nó luôn có duyên với các em. Thằng này ăn nói dí dủm con gái cực thích!
Y như rằng, các em tươi cười chào đón ngay! Một vài em vùng dậy gập chăn, vài em khác ôm bọc quần áo cười rúc rích chạy đi thay, có nàng lắc lắc đầu xõa tóc chải, chẳng biết vì rối hay cốt làm duyên. Không khí nhốn nháo tưng bừng rạng rỡ hẳn lên khiến hai đứa vững tin.
Thằng Tuyến mắt tinh nên tót ngay lên giường tầng của một em xinh nhất ở giữa phòng. Mình đành lủi thủi ghé mông ngồi ngay cái giường cạnh cửa, mắt lom lom nhìn vào, cũng đú theo nó ra vẻ tìm em “ngon” nhất để chấm. Chả hiểu sao cái giường mình ngồi chẳng có em nào! Tủi 😥!
Khi thằng Tuyến đã râm ran chuyện thì mình vẫn ngồi trơ khấc. Thấy mình ngồi tơ hơ trơ trẽn vô cùng nên một vài em ở giường khác lững thững sang cho phải phép. Khổ! Cái kiểu ngồi chiếu cố như thế nên chuyện cũng nhạt. Mình ra sức kể chuyện Hà Nội thế này, Sài Gòn thế kia; bên Huê Kỳ có cái này, bên Liên Xô có cái nọ; giáo dục khai phóng thế nào, dạy tích hợp ra sao… nhưng các em lần lượt cúi xuống lúi húi chỉnh lại tất cho đúng gót, em thì giơ cao cánh tay ngoẹo đầu giật giật sợi chỉ thừa thò ra ở nách.
Trên giường, ở giữa phòng, thằng Tuyến càng chuyện càng hay, chuyện nổ như ngô rang; các em hết ồ lại à, lại rúc đầu vào vai nhau cười khúc khích! Được một lúc thì nó chuyển sang thơ, đọc hết bài thơ này đến bài thơ khác, mấy em ngồi cạnh mình nhỏng cổ lên nghe, mắt long lanh nhìn Tuyến, ngưỡng mộ vô cùng !
Độc thoại một hồi thấy tẽn nên mình dừng! Lúc mình dừng lại cũng chả ai đoái hoài, coi như việc đương nhiên và chắc chắn phải thế. Chỉ cần một em quay lại ngước đôi mắt to tròn nhìn mình một cái thôi, một cái như muốn hỏi “sao anh dừng lai”, là coi như mình đã được bù đắp và mãn nguyện lắm rồi, đằng này không.
Đúng lúc đó mình thấy một con chuột nhắt lấp ló phía góc phòng đối diện. Nó nhô đầu ra nhưng thấy mình chăm chăm nhìn nên lại thụt đầu vào, rồi lại nhô ra, lại thụt vào. Lúc này mình chẳng có việc gì khác ngoài ngồi bất động quan sát nó - nhân vật thứ ba đang chú ý đến mình, giúp cho sự có mặt của mình ở nơi này còn chút ý nghĩa. Rồi bất ngờ nó kêu chít một tiếng rồi lao về phía mình như một mũi tên, đường chạy thẳng như kẻ chỉ.
Trong tâm trạng thất vọng, chán chường pha chút bẽ bàng, mình, hai tay vẫn thọc trong áo khoác, nhấc chân lên, đúng tầm con chuột chạy qua, hạ chân xuống cái rầm. Cú hạ chân định mệnh ấy chất chứa sự dỗi hờn và cả ước mong tạo đột phá để cải thiện tình hình nên dũng mãnh và đầy quyết tâm.
Tiếng động lớn khiến tất cả nhòm xuống! Lúc đó mình mới từ từ nhấc chân lên, dưới sàn nhà, con chuột nhắt nằm bẹp gí, bất động. Cả phòng vỗ tay vang dội! Nhiều em đang ở cạnh thằng Tuyến bán tín bán nghi nhảy vội xuống bu quanh mình để xem.
Khỏi phải nói lúc đó mình ngạo nghễ như thế nào! Mình bước ra như một huyền thoại! Một ái-đồ (idol) , một soái ca sang chảnh bằng xương bằng thịt. Tiếng trầm trồ tưởng như không dứt!
Sự sủng ái quá đôi khi cũng bất tiện nên mình nhẹ nhàng đứng dậy vươn vai, nói, chuyển cấp phi công chiến đấu lên thành phi công vũ trụ người ta cũng chỉ áp dụng đến bài tập phản xạ này là... chấm hết...ết...t..t! Anh học theo thôi, có gì đâu 🤔!
Phía góc phòng, tiếng một em reo lên hoan hỉ, bất ngờ, phấn khích và hồn nhiên đến mức cay đắng, rằng anh ơi, con chuột ấy nó cắn rách của tụi em không biết bao nhiêu là xì-líp!
Ảnh : Ái-đồ diệt chuột săn tình.

Thứ Năm, 21 tháng 12, 2017

Cờ Lũng Cú

Mình lên Cột cờ Lũng Cú - Đồng Văn - Hà Giang lâu rồi, hồi chưa xây mới, chắc khoảng đầu những năm 2000.
Lần đó mình bám đuôi đoàn của nguyên phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân. Ai lên tới cột cờ cũng hỏi đâu đâu bên mình đâu, bên nó đâu. Mấy anh bộ đội chỉ tay ra xa, nói đấy đấy, đất mình từ đấy hất về đấy... Nhìn ra toàn thấy núi, đồi trọc và thung lũng, chả biết chỗ nào nhưng cứ gật gật, nói thế à thế à. Bác Nhân cũng không ngoại lệ. Thực ra còn 2 cây số nữa mới tới điểm cực bắc nhưng với dân du lịch thì đến đây là đc rồi.
Lên cột cờ nhìn láng giềng 4 tốt cái rồi xuống gặp mặt biên phòng ở nhà lợp tôn dưới chân núi. Mình lúi húi chui chỗ nọ rúc chỗ kia để ghi âm rồi lại quýnh quáng thu máy chạy theo đoàn nên quên mất cái chân míc cực xịn ở đó. Tiếc đứt ruột!
Trong cuộc gặp mặt, các anh biên phòng ở đó mong muốn PTT kêu gọi các đơn vị dệt may nghiên cứu chế tạo ra một loại vải cực bền cực tốt, có khả năng chịu đựng được thời tiết khắc nghiệt ở trên này để may cờ.
Các anh biên phòng nói cờ treo lên vài bữa rách te tua vì không chịu nổi gió lớn. Vừa đề đạt nguyện vọng các anh vừa khệ nệ bê ra lá cờ bị gió xé nát, nói đây là món quà cho PTT. Mình thoáng thấy PTT Nhân hơi lúng túng...
Ở độ cao trên 2000m nên gió lớn, cờ lại có diện tích rất rộng (54m vuông tượng trưng cho 54 dân tộc anh em) thì rách cũng dễ hiểu.
Hôm nay vào Hagiangonline vẫn thấy thông tin có cờ đã qua sử dụng làm kỷ niệm cho các đoàn khách quý. Như thế chắc là chưa có vải cực bền cực tốt để may cờ rồi ?
Vài ngày thay cờ một lần cũng có cái hay các anh ạ! Tổ chức tốt thành nghi lễ long trọng, rồi bán đấu giá món quà cực quý, cực ý nghĩa đó biết đâu lại hút du khách không biết chừng🤔
Ảnh: Cột cờ Lũng Cú (cột cũ)

Truyền thanh không dây: Coi chừng quăng tiền qua cửa sổ

https://vov.vn/blog/truyen-thanh-khong-day-coi-chung-quang-tien-qua-cua-709913.vov

Điện biên phủ trên không

Mình sinh năm 1969 nên chẳng biết gì về Điện Biên Phủ trên không 1972. Chỉ nhớ bố mình kể hồi đó máy bay Mỹ ném bom Kho xăng Đức Giang lửa cháy kinh hoàng, gió đẩy lưỡi lửa liếm ra cả làng mình, Xóm Lò, sau lưng kho xăng, cách kho xăng nửa cây số.
Đấy là phần lớn xăng dầu đã được phân tán đi các kho lẻ, chứ không làng mình ra tro. Sau 1975, thế hệ mình còn thấy ngổn ngang phuy xăng, téc xăng chôn khắp nơi, kể cả dọc đường giao thông ở ngoại thành Hà Nội, có lẽ cũng là đề phòng máy bay mỹ ném bom?
Nhà mình ở cạnh một địa chỉ được coi như "khu công nghiệp " thời bao cấp của miền Bắc, đó là Kho xăng Đức Giang, Bông Vải Sợi, Kim Khí điện máy, Phụ tùng xe đạp, Hóa Chất Đức Giang; lại ở giữa cầu Đuống, cầu Long Biên nên là trọng điểm của bom Mỹ.
Sau giải phóng thì các trận địa pháo cao xạ ở trên đê sông Đuống, ở Bãi Than... vẫn còn nguyên, mình chăn trâu hay lên xem bộ đội tập.
Bố kể hồi đó (không rõ năm nào) B52 bay vào Hà Nội còn nhấp nháy đèn cánh đèn đuôi như trêu ngươi, như vào chỗ không người. Còn các loại súng pháo phòng không bắn lên thì đỏ trời đan vào nhau như dệt vải.
Dân quân hồi đó được trang bị súng trường K44, loại này bắn đạn cỡ lớn 7,62mm, không có lỗ trích khí nên giật kinh khủng. Hồi bé mình từng bắn, thấy nhoàng lửa đầu nòng mới nghe đùng phát, rồi tiếng đạn rít rợn tai trên trời, đái luôn ra quần, vứt mẹ nó súng xuống đất không nói không rằng bỏ đi, tởn đến già, thề không bao giờ bắn nữa.
K44 để dọa tiêm kích cường kích nhào xuống cắt bom hoặc vác đi bắt phi công Mỹ nhảy dù thôi chứ tầm sát thương hiệu dụng 800-1000m thì chỉ bắn được ... vịt giời.
Không rõ cách thả bom của Mỹ thế nào chứ quanh làng mình, quanh kho xăng rất nhiều bom bi. Sau này bà con đi cày thi thoảng bùm phát, thôi, xong, người chết trâu chết. Dân quân cũng thường thu gom được bom bi, thả vào cái hố sâu chất rơm đốt, nổ đì đùng.
Quả bom bi mẹ (dài chừng 2,5m) thường tách làm hai nửa để các quả con bên trong rơi ra nên bà con đem về bắc cầu ao. Cánh đồng làng mình rất nhiều hố bom, chẳng biết bom gì nhưng nổ tạo thành những cái ao tròn xoe đường kính 15 - 20 m, là nơi cho đám trẻ trâu như mình tắm và mò đất sét về nặn ô tô, pháo đất (chơi pháo nổ pháo nang cả làng chịu chưa).
Năm 1978 mình vào Sài Gòn, thấy mình -thằng cu Bắc Kỳ chính hiệu - nhiều anh, chú bu lại hỏi phi cơ Mỹ rớt nhiều lắm à, mấy ngàn chiếc à. Chả hiểu sao hồi đó, mình, một thằng nhóc, lại thọc tay túi quần, bĩu môi, nói làm gì đến, lên cót thôi, hihi, láo thế! Chuyện bao nhiêu chiếc máy bay Mỹ bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội thì còn tranh cãi nhiều.
Bữa đến thăm trung đoàn tên lửa (số hiệu quên rồi) ở đoạn vào Làng Ống - Thiết Úng Vân Hà (Đông Anh- Hà Nội), đơn vị có nhiều chiến công trong trận các trận đánh máy bay Mỹ, mình chỉ quả Sam- 2 trưng bày, "hỏi ngu" các anh chỉ huy là cả quả tên lửa đâm vào máy bay địch à. Các anh í cười vang, nói khó lắm, phần lớn nó nổ và văng miểng ra phía trước thôi. Nhiều khi phải phóng liên tiếp mấy quả liền, trượt cũng nhiều.
Bên vợ có ông bác họ tên Phạm Thái, nhà ở Đình Phùng - Kiến Xương- Thái Bình, là phi công máy bay Mic 21. Thấy bố vợ kể trong một trận không chiến ông bị phi cơ Mỹ bắn cháy (hay dính đạn của ta cũng chẳng rõ😜), cũng may ông kịp ấn nút nhảy dù xuống khu vực rừng núi Yên Bái (?). Dù bị mắc trên cây, ông lại to cao, người dân tộc thiểu số tưởng phi công Mỹ nên tí bị oánh chết 🙄 . Sau đận ấy ông không bay nữa.
Mấy lần về quê vợ mình có lân la sang nhà ông định bụng hỏi kỹ chuyện không chiến với không lực Huê Kỳ nhưng không gặp, đành ra ngắm chiếc Mic 21 ông xin bên quân chủng về lắp đặt lại và để ngay trước nhà, một kỷ vật gắn với đời binh nghiệp.
Bà Nậm (bà mất rồi) và dân quân trong xóm kể đoàn thanh niên thời ấy liên tục đi nhặt xác vương vãi trên cành cây sau mỗi trận bom. Còn hổi nhỏ, cứ mỗi lần đi qua Cầu Chui (đầu đường 5), bố mình lại đạp xe chậm lại, tay chỉ 5 nấm mộ giống nhau, nằm kề nhau (chỗ bây giờ là đại lý xe ô tô Kia), nói cả gia đình bị bom đấy con ạ 😥.
Chiến tranh, tránh được là tốt nhất!

Tình êu thời lớp 3

Hôm qua cái Dịu kể tình cờ thấy lá thư tình của đứa cháu gái lớp 3, chắc định gửi cho chàng nào đó, thư có đoạn "I really really like you". Nét chữ nắn nót, cẩn trọng như được chuẩn bị và suy nghĩ lung lắm, viết khi con tim đang lúc nghẹn ngào lắm! Hai hôm sau, cũng tình cờ, cái Dịu thấy lá thư lăn lóc trong thùng rác. Chuyện khiến mình nhớ tình yêu lớp 3 của mình với cái Hiên.
Cái Hiên da trắng hồng, môi đỏ, miệng nhỏ xinh và đặc biệt hai cái đuôi sam cứ lúc la lúc lắc trên vai. Mỗi khi nó nói là mắt nói miệng nói tóc nói, sinh động đáng yêu vô cùng.
Những năm 70 trẻ con đi học mà tết tóc gọn gàng như thế chứng tỏ gia đình nề nếp khá giả chứ không đùa.
Mình "yêu" nó! Và nó cũng biết mình thích nên trong lớp mỗi khi chuyện trò nó chỉ nói đôi câu, mắt nói miệng nói tóc nói rồi bụm miệng khúc khích cười, chạy ù ra chỗ khác làm mình càng điên đảo.
Nhà cái Hiên ở xóm Đê. Nó đi học phải qua làng mình. Từ làng mình lên làng nó phải đi dọc đoạn đường trục dài hai bên toàn phi lao chạy giữa cánh đồng mênh mông lúa.
Nhiều lần tan học mình không về nhà dù đi ngang cổng mà lẽo đẽo theo cái Hiên về tận nhà nó. Mình đi sau, nó với bạn phía trước, hai đứa con gái cứ nói lia xia lia xia, thi thoảng ngoảnh lại nhìn mình cái khúc khích cười rồi cấu chí nhau ù té chạy một đoạn, mình tay xách quần tay xách cặp lại đuổi theo.
Cũng có lần cái Hiên đi một mình, mình vẫn đi phía sau, dán mắt vào cái gáy trắng ngần có vài sợi tóc lơ thơ ở giữa hai cái đuôi sam đang ngúc ngoắc theo nhịp chân. Chẳng có chuyện gì để nói, thấy tẽn, mình hát bài Tiến lên đoàn viên nhưng thuộc mỗi hai câu đầu nên cứ hát đi hát lại: Đây một mùa xuân trăm hoa hé tưng bừng/ Đây thời niên thiếu hát ca vang lừng...
Rồi một hôm làng mình có đội chiếu phim về phục vụ-phim phông. Đêm đó cái Hiên cũng xuống xem. Cả mấy làng đổ ra xem, đông lắm nhưng mình đi thật sớm, len lỏi luồn lách để lót dép ngồi ngay sau lưng nó.
Chả biết phim gì. Đợi lúc mọi người đang cười ồ lên vì một cảnh trên phim thì mình rón rén đưa chân lên cố gắng cố gắng chạm nhẹ ngón chân cái vào gót chân cái Hiên. Nó thừa biết nhưng vẫn để im một lúc rồi mới dịch chân đi chỗ khác. Thế cũng là quá đủ rồi! Tối về mình không rửa chân, sướng âm ỉ tót lên gường!
Hôm đó lũ con trai chán học nên đút que vào ổ khóa lớp học, cô không mở được tuyên bố nghỉ. Cái Hiên cùng vài đứa bạn rủ nhau chơi chuyền. Mình cố lân la nghe ngóng xem nó có rủ chơi không thì lần này may, nó rủ chơi thật.
Vừa nghe vậy là mình ngồi bệt luôn xuống đất, nhỏng cổ chờ! Rất hào hứng, cái Hiên mở cặp lấy que chuyền và quả bưởi con rồi ngồi thụp xuống. Cú ngồi quyết đoán khiến đũng quần nó toạc chỉ cả 4 phía. Cái Hiên vội khép chân nhưng không kịp, thấy hết, mấy đứa cùng nhìn thấy, thấy hết! Sau sự kiện đó tự dưng chán chả đi theo nó nữa.
Tình yêu học trò ngộ lắm, kể tiếp chuyện này. Lên cấp 3 mình chơi với thằng Vĩ , nó ít tuổi nhưng cao lớn và đặc biệt chim nó rất to và dài. Vĩ máu gái, cứ thấy gái là mắt nó sáng long lanh.
Một hôm nó khoe em quen cái Liên, hay lắm rồi rủ mình đến nhà cái Liên chơi. Đang trong giai đoạn tán tỉnh, thằng Vĩ muốn thể hiện nên cạy cục mượn bằng được của ông chú con DD màu đỏ ớt. Những năm 80 đi con này khác gì giờ đi Au-đì. Ra đường thiên hạ nhìn chới với luôn!
Đến nhà, bố mẹ Liên thấy hai chàng trai tuấn tú đi "xế sang" thì luống cuống mở mãi không được cánh cổng; ông quát bà, bà quát ông lấy không đúng chìa, loạn cả lên. Cuối cùng ông đành ngó qua khe cổng, giọng hối lỗi, nói em Liên đang đi học. Thế là hai thằng vọt tới trường đón.
Khi về thằng Vĩ kẹp 3. Chẳng biết nó huếnh hay có ý không để mình đụng vào người yêu của nó nên bảo Liên ngồi trên, nó ngồi giữa lái, mình đằng sau.
Những năm 80 ăn chơi tí là phải quần ống bom (đũng rộng, hông, đùi phình ra như quả bom), nam nữ đều bom, độ chơi được tính bằng độ bom, càng thùng thình càng đáng mặt "rân" chơi thứ thiệt.
Thằng Vĩ đi DD đỏ thì chắc chắn phải mặc quần bom rồi. Hồi đó sịp là thứ xa xỉ, chả mấy ai dám mặc, chim thằng Vĩ to lại "đựng" trong quần ống bom nên lúc ngồi cậu nhỏ nằm tè le dọc yên.
Khi cái Liên ngồi lên thì mọi chuyện đều trong tầm kiểm soát nhưng chạy được một đoạn thì cậu nhỏ của thằng Vĩ sinh hư, to dần to dần to dần và cái đáng kể nhất là thế đếch nào nó lại lọt vào đúng khe mông của cái Liên, vì thế nó càng tự tung tự tác ngạo nghễ phát triển không ngừng...
Đấy là sau này thằng Vĩ kể chứ mình ngồi sau biết gì đâu. Lúc xuống chỉ thấy cái Liên mặt đỏ lựng chạy vụt vào nhà còn thằng Vĩ cứ còng lưng xuống mà dắt xe. Tháng sau gặp thằng Vĩ hỏi Liên đến đâu rồi thì nó nhăn nhở cười, nói tan từ hôm ấy anh ạ!
Đấy, thời mình "tình yêu" ngộ thế! Giờ mà chúng nó nhìn thấy của quý là lao vào chiến liền chén liền chứ chả đứa nào ngượng ngùng ngãng ra như vậy. Nói kiểu Bọ Lập lẹo chắc luôn!


Giáng sinh đi xem hang đá

Sắp đến Lễ giáng sinh lại nhớ lúc bé còn trong Sài Gòn mình thích đi ngắm hang đá, hang đá trong nhà thờ và hang đá nho nhỏ được người dân bày bán trên đường.
Có hang đá thô sơ mộc mạc, có cái cầu kỳ sang trọng..., cái nào cũng đẹp, mỗi hang một vẻ nên mình tưởng tượng Chúa Hài Đồng được sinh ra trong các gia đình giàu nghèo rất khác nhau. Những năm sau 1978 Sài Gòn còn vắng vẻ yên tĩnh nên tản bộ ngắm hang đá vô cùng thú vị.
Hồi thường trú ở Cần Thơ (2013-2014)mình để ý người ta tu sửa cây thánh giá mặt tiền Nhà thờ giáo xứ Thánh Phaolô (đường Trần Hưng đạo) có tí tẹo mà mất mấy tháng trời. Mỗi ngày thợ chỉ làm chút xíu chút xíu, tỉ mẩn vô cùng! Thời gian đó đủ để xây xong một ngôi nhà lớn.
Bữa qua Philippines mua được bức tượng Chúa Giêsu tạc (theo lối đục nhát) từ một thân cây đường kính 20cm đẹp mê hồn, thần thái của bức tượng gây cảm xúc ngay từ cái nhìn đầu tiên. Mình không nhớ địa chỉ nhưng đại loại ở 1 điểm du lịch, trên một ngọn núi cao, nhìn ra phía biển lô nhô những ngọn núi lửa đã ngừng hoạt động.
Ở một đất nước mà 92% dân số theo Thiên chúa giáo như Philippines thì họ làm ra bức tượng đó không phải chỉ để thương mại mà còn gửi gắm cả niềm yêu kính nên đẹp cũng là điều dễ hiểu.
Khi người ta có niềm tin thì công việc dù khó khăn đến mấy cũng làm được và làm rất tốt.

Uống với Trọng Đài

Viết về văn nghệ sỹ uống rượu thì nước Nam này Bọ Lập số hai, số một không có!
Bọ Lập viết về Trọng Đài - Mai Hoa cực hay! Mình vẫn nhớ nhưng đây lần đầu mình được hầu rượu NS Trọng Đài, sướng âm ỉ.
Nhật Minh có độ khác nên phải chạy sô, còn lại 4 anh em. Cưa được nửa chai thì chuyện bắt đầu rôm rả. Mấy khi loại tép riu như mình đc ngồi với Trọng Đài.
Phạm Mạnh Hùng hỏi nhã nhạc ở đâu? Đất Cố đô hay nơi Kinh Kỳ? Chưa kịp nghe anh trả lời nó lao vào phân tách-phân tách- phân tách... Anh nâng chén, nói hiểu... hiểu, biết... biết ...ết!
Hoàng Dũng (tức Y Dũng) người Ê-Đê xịn nhưng thích Hoaban Trang, bảo giờ anh nói em nghe về dân ca dân vũ Tây Nguyên đi, có phải hú hét nhảy chồm chồm như thế không? Em cho rằng không phải - không phải - không phải... Anh Đài lại giơ tay ra hiệu hạ hỏa, nói hiểu hiểu, biết biết ...iết...ết!
Mình lao vào thắc mắc, bảo anh ơi, vụ bô-lê-zô vừa rồi ầm ĩ quá, em nghĩ có gì đâu, em là em thích bo-le-zô, bo le zô, bo le zô...Ô...Ô! Anh xoay nhẹ ly rượu trên tay, chăm chú nghe, gật gù nói hiểu... hiểu..., biết biết...ết !
Ba thằng hăng quá nên thi thoảng anh lại phải hơi nhỏm người lên, nghiêng hẳn đầu về một thằng lắng nghe có ý để 2 thằng kia stop lại.
Hết bay chai 75! Lúc đứng dậy anh đưa tay ra bắt, nhìn ba đứa thật trìu mến và ấm áp  .
Thôi, lần sau đi uống với Trọng Đài em đếch nói gì nữa. Nhá!
Nhưng đếch "chém" lại đếch vui anh ạ !

BOT Cai Lậy

http://vov.vn/blog/dung-de-bot-cai-lay-cham-ngoi-cho-nhung-bat-on-xa-hoi-khac-703222.vov

Bạo hành ở trường mầm non

BOT tạm nghỉ ít phút giờ nói sang chuyện oánh trẻ mầm non.
Về thực trạng nguyên nhân giải pháp các " chiên da " nói đều đúng cả. Mình nhất trí cả hai tay luôn. Thậm chí có những giải pháp rất chi là "vĩ mô" như lòng yêu nghề mến trẻ, sự khoan dung, độ lượng và cả đức hy sinh lớn...  . Nghe xúc động sâu sắc!
Nói thẳng ra nguyên nhân đầu tiên là TIỀN. Vì sao mấy cô y tá ở BV Việt - Pháp hay Hồng Ngọc gì đó nâng niu bệnh nhân thế? Vì sao mấy trường học Vin - com này nọ chăm chút lắng nghe HS thế? Tiền thù lao cao chứ còn sao nữa! Giờ thử tăng lên 15tr-20 tr/tháng xem các cô có hun các cháu suốt ngày không? Chỗ này các cô giáo nhảy vô trả lời giùm! Hãy nói thực lòng mình! Đừng làm văn!
Nói trắng ra như thế thì hơi phũ phàng, hơi lạnh lùng nhưng cứ phải nói! Né tránh làm gì!
Biết : phụ huynh toàn là lao động phổ thông làm ở khu công nghiệp khổ lắm, tiền đâu? Lại ca kíp, trong khi trường công thì không phục vụ... ngoài giờ. Khốn khổ thế! "Người lao động ở đâu cũng khổ". Mình nghĩ chỗ này anh Nhạ muốn GD tiếp tục là "bông hoa đẹp của chế độ " thì nên tính đến chuyện trông các cháu ở những khu vực đặc thù.
Nhưng thôi, các bố các mẹ cứu mình trước khi trời cứu đi! Mỗi người một cảnh, tôi chả dám bẩu phải làm thế này làm thế kia. Nhưng nếu tôi là sếp to của một khu công nghiệp nào đó, tôi sẽ bảo bộ phận nhân sự mày viết cho tao thêm dòng này vào thông báo tuyển dụng: CÔNG TY CÓ NHÀ TRẺ & MẤU GIÁO & MẦM NON, GỬI CON HOÀN TOÀN MIỄN PHÍ!
Đó, cái tầm sếp lớn nó phải nhơn zăng (nhân văn) như thế 😛 !
Vui tí thôi, ý là để biết rằng những cái đó hoàn toàn có thể điều chỉnh bằng chính sách. Ví dụ như đưa vào cam kết khi doanh nghiệp - nhà đầu tư xin đất, khi cty hoạt động hoặc giảm thuế má gì đó, thiếu gì cách, nếu thực sự "vì tương lai con em chúng ta" hoàn toàn có thể làm đc ./.