Thứ Năm, 21 tháng 12, 2017

Điện biên phủ trên không

Mình sinh năm 1969 nên chẳng biết gì về Điện Biên Phủ trên không 1972. Chỉ nhớ bố mình kể hồi đó máy bay Mỹ ném bom Kho xăng Đức Giang lửa cháy kinh hoàng, gió đẩy lưỡi lửa liếm ra cả làng mình, Xóm Lò, sau lưng kho xăng, cách kho xăng nửa cây số.
Đấy là phần lớn xăng dầu đã được phân tán đi các kho lẻ, chứ không làng mình ra tro. Sau 1975, thế hệ mình còn thấy ngổn ngang phuy xăng, téc xăng chôn khắp nơi, kể cả dọc đường giao thông ở ngoại thành Hà Nội, có lẽ cũng là đề phòng máy bay mỹ ném bom?
Nhà mình ở cạnh một địa chỉ được coi như "khu công nghiệp " thời bao cấp của miền Bắc, đó là Kho xăng Đức Giang, Bông Vải Sợi, Kim Khí điện máy, Phụ tùng xe đạp, Hóa Chất Đức Giang; lại ở giữa cầu Đuống, cầu Long Biên nên là trọng điểm của bom Mỹ.
Sau giải phóng thì các trận địa pháo cao xạ ở trên đê sông Đuống, ở Bãi Than... vẫn còn nguyên, mình chăn trâu hay lên xem bộ đội tập.
Bố kể hồi đó (không rõ năm nào) B52 bay vào Hà Nội còn nhấp nháy đèn cánh đèn đuôi như trêu ngươi, như vào chỗ không người. Còn các loại súng pháo phòng không bắn lên thì đỏ trời đan vào nhau như dệt vải.
Dân quân hồi đó được trang bị súng trường K44, loại này bắn đạn cỡ lớn 7,62mm, không có lỗ trích khí nên giật kinh khủng. Hồi bé mình từng bắn, thấy nhoàng lửa đầu nòng mới nghe đùng phát, rồi tiếng đạn rít rợn tai trên trời, đái luôn ra quần, vứt mẹ nó súng xuống đất không nói không rằng bỏ đi, tởn đến già, thề không bao giờ bắn nữa.
K44 để dọa tiêm kích cường kích nhào xuống cắt bom hoặc vác đi bắt phi công Mỹ nhảy dù thôi chứ tầm sát thương hiệu dụng 800-1000m thì chỉ bắn được ... vịt giời.
Không rõ cách thả bom của Mỹ thế nào chứ quanh làng mình, quanh kho xăng rất nhiều bom bi. Sau này bà con đi cày thi thoảng bùm phát, thôi, xong, người chết trâu chết. Dân quân cũng thường thu gom được bom bi, thả vào cái hố sâu chất rơm đốt, nổ đì đùng.
Quả bom bi mẹ (dài chừng 2,5m) thường tách làm hai nửa để các quả con bên trong rơi ra nên bà con đem về bắc cầu ao. Cánh đồng làng mình rất nhiều hố bom, chẳng biết bom gì nhưng nổ tạo thành những cái ao tròn xoe đường kính 15 - 20 m, là nơi cho đám trẻ trâu như mình tắm và mò đất sét về nặn ô tô, pháo đất (chơi pháo nổ pháo nang cả làng chịu chưa).
Năm 1978 mình vào Sài Gòn, thấy mình -thằng cu Bắc Kỳ chính hiệu - nhiều anh, chú bu lại hỏi phi cơ Mỹ rớt nhiều lắm à, mấy ngàn chiếc à. Chả hiểu sao hồi đó, mình, một thằng nhóc, lại thọc tay túi quần, bĩu môi, nói làm gì đến, lên cót thôi, hihi, láo thế! Chuyện bao nhiêu chiếc máy bay Mỹ bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội thì còn tranh cãi nhiều.
Bữa đến thăm trung đoàn tên lửa (số hiệu quên rồi) ở đoạn vào Làng Ống - Thiết Úng Vân Hà (Đông Anh- Hà Nội), đơn vị có nhiều chiến công trong trận các trận đánh máy bay Mỹ, mình chỉ quả Sam- 2 trưng bày, "hỏi ngu" các anh chỉ huy là cả quả tên lửa đâm vào máy bay địch à. Các anh í cười vang, nói khó lắm, phần lớn nó nổ và văng miểng ra phía trước thôi. Nhiều khi phải phóng liên tiếp mấy quả liền, trượt cũng nhiều.
Bên vợ có ông bác họ tên Phạm Thái, nhà ở Đình Phùng - Kiến Xương- Thái Bình, là phi công máy bay Mic 21. Thấy bố vợ kể trong một trận không chiến ông bị phi cơ Mỹ bắn cháy (hay dính đạn của ta cũng chẳng rõ😜), cũng may ông kịp ấn nút nhảy dù xuống khu vực rừng núi Yên Bái (?). Dù bị mắc trên cây, ông lại to cao, người dân tộc thiểu số tưởng phi công Mỹ nên tí bị oánh chết 🙄 . Sau đận ấy ông không bay nữa.
Mấy lần về quê vợ mình có lân la sang nhà ông định bụng hỏi kỹ chuyện không chiến với không lực Huê Kỳ nhưng không gặp, đành ra ngắm chiếc Mic 21 ông xin bên quân chủng về lắp đặt lại và để ngay trước nhà, một kỷ vật gắn với đời binh nghiệp.
Bà Nậm (bà mất rồi) và dân quân trong xóm kể đoàn thanh niên thời ấy liên tục đi nhặt xác vương vãi trên cành cây sau mỗi trận bom. Còn hổi nhỏ, cứ mỗi lần đi qua Cầu Chui (đầu đường 5), bố mình lại đạp xe chậm lại, tay chỉ 5 nấm mộ giống nhau, nằm kề nhau (chỗ bây giờ là đại lý xe ô tô Kia), nói cả gia đình bị bom đấy con ạ 😥.
Chiến tranh, tránh được là tốt nhất!

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ