Thứ Tư, 5 tháng 10, 2016

Lúc về già mình sẽ…không làm những điều này



Lúc về già mình sẽ không bao giờ đến cơ quan cũ nếu như chưa nhận được một lời mời trân trọng, vào những dịp đặc biệt. Nếu đến mình cũng chỉ cúi đầu lễ phép chào lớp trẻ rồi chuyện phiếm với đồng niên, đồng nghiệp. Mình phải tự dặn mình rằng có nói gì chúng cũng chẳng nghe, vì mọi điều mình nói đã lỗi thời, cho dù bên dưới chúng chăm chú nhìn, đầu gật gật, rồi vỗ tay rất dài. Và dĩ nhiên chúng nó có báo cáo báo cò mình cũng chẳng nên quan tâm, tò mò tìm hiểu, vì đã lâu mình không cập nhật- ắp-đết (update),  đâu còn hiểu được thời thế.

Lúc về già mình sẽ tuyệt đối không được chủ quan nghĩ rằng còn khoẻ, còn sung sức để nghĩ và làm những việc như hồi thanh niên.

Lúc về già mình sẽ không tham gia hội đoàn hay bất cứ công việc gì liên quan đến chính quyền. Không phải mình thiếu trách nhiệm, chỉ đơn giản vì nhà nước cho nghỉ là đã nghiên cứu kỹ rồi, thời điểm đó sức khoẻ, trí tuệ xuống dốc rồi, làm làm gì, để tụi trẻ nó làm giỏi hơn. Đầu hai thứ tóc đi tranh việc với một đứa nó làm tốt hơn mình là sao?

Lúc về già mình sẽ không sống chung với bất cứ đứa nào, chỉ sống với…vợ. Nếu cứ thương con cái, sống với chúng nó thể nào cũng đến lúc mình ở trọ trong chính ngôi nhà của mình. Con không có tiền mua nhà thì thuê, không đủ tiền thuê mình hỗ trợ, quyết không ở chung, trai gái dâu rể gì cũng vậy hết, một tuần đến thăm nhau 1 lần vào ngày cuối tuần là đủ.

Lúc về già…rất già, mình sẽ phải đặt chỗ ở một trung tâm dưỡng lão nào đó. Tiền ít ở chỗ xoàng, tiền nhiều ở chỗ tươm. Chọn trung tâm có chăm sóc y tế tốt để không bắt con cháu phục dịch lúc yếu đau. Chúng nó còn phải đi làm. Lúc đi về phía bên kia mặt trời cũng tại trung tâm luôn. Con cháu chỉ cần đến nhà tang lễ làm thủ tục theo nghi thức, không khóc cũng không sao, vui càng tốt. Chẳng có lý do gì để khóc. Đó là quy luật của tạo hoá. Bất cứ cái gì tồn tại nguyên vẹn lâu quá chỉ tổ làm cho xã hội trì trệ. Những việc tiếp theo sau đó chúng nó sẽ làm gì mình không biết vì nghẻo rồi còn đâu, nhưng sẽ rất đơn giản, chẳng cầu kỳ, sống còn chẳng ăn ai nữa là…

Lúc về già mình sẽ chỉ nói hai chữ “ngày xưa” (đúng hơn là những câu chuyện hoài niệm) với bạn đồng niên, tuyệt đối không nói với lũ trẻ, vì chúng sẽ cho mình bị dở hơi. Với tụi trẻ chỉ nói “ngày mai” và chỉ trả lời khi chúng hỏi. Kinh nghiệm và vốn sống (mà nhiều người cho là báu vật) đối với mình khi đó chỉ để chiêm nghiệm. Cùng lắm là biến nó thành những câu chuyện trào phúng để tự cười cợt mình, đứa nào hiểu thì hiểu, không hiểu thì cũng chẳng làm ai bực mình.

Lúc về già, mình sẽ tránh tiếp xúc với truyền thông vì mình biết giá trị của mình ở mức nào, nhất là vào thời điểm ấy. Nếu vì một lý do nào đó mà được phỏng vấn, mình sẽ cố tránh lên lớp, rồi lớn tiếng khẳng định lớp già sẽ làm cái này làm cái nọ, sẽ có ích cho nơi này nơi kia. Khi răng rụng đủ hai hàm mà có tay phóng viên nào vui miệng hỏi ông mong muốn gì thì mình sẽ bảo, tớ muốn chết, chết trong sự vui vẻ và nhẹ nhõm của tất cả (và chỉ vào nó nói), của cả cậu và cả tớ, rồi cười to sảng khoái.  

Lúc về già, mình sẽ cố không nghĩ khác những điều mình đã nghĩ như ở trên. Chẳng biết có được không?  











Thứ Hai, 3 tháng 10, 2016

Hội toán không thích trắc nghiệm



Hội Toán học đang bực mình chuyện Bộ GD-ĐT quyết định (hay dự định?) thi trắc nghiệm môn toán vào năm nay.
Mức độ căng thẳng xem ra chưa có dấu hiệu dịu đi khi mà hội này đánh tiếng sẽ kiến nghị lên tận chính phủ.
Có thể xem đây là minh chứng hùng hồn cho sự cơm chẳng lành canh chẳng ngọt giữa cơ quan quản lý nhà nước về GD (Bộ GD-ĐT) với một số hội chuyên ngành trong các bước đi để đổi mới GD ở VN.
Trong công cuộc cải cách GD cách nay hơn chục năm, Hội Vật lý, Hội Ngôn ngữ học... cũng phàn nàn với báo giới rằng Bộ GD-ĐT không hỏi ý kiến của họ, hay nói đúng hơn là hỏi một cách chiếu lệ. Và đương nhiên các hội này không đồng tình với nhiều nội dung trong sách giáo khoa cũng như những phương án cải cách mà Bộ đưa ra.
Như vậy có thể thấy sự gắn kết giữa các Hội chuyên ngành với Bộ trong công cuộc đổi mới GD ở VN trước nay khá lỏng lẻo.
Tuy nhiên nếu cứ tổ chức hội thảo để đi tìm tiếng nói chung về một vấn đề nào đó trong GD hiện nay sẽ là một sự lãng phí thời gian và tiền bạc, nhất là khi đòi hỏi về cải cách đang trở nên cấp bách; nhất là khi Bộ GD-ĐT vừa có ngài bộ trưởng mới với nhiều nỗ lực minh chứng cho những chính sách mới - điều mà dư luận thường gọi một cách không mấy thân thiện là tân quan tân chính sách.
Thực tế là trong suốt thời gian vừa qua, nhiều hội thảo trong nước và quốc tế về cải cách GD ở VN đều sa vào bế tắc vì ông nói gà bà nói vịt - không thống nhất được quan điểm.
Điều này cho thấy đổi mới GD ở VN chỉ có thể đem lại một vài hiệu quả tích cực khi (và chỉ khi) những cái ĐẦU ở 49 Đại Cồ Việt (thành trì của Bộ GD-ĐT) hơn hẳn những cái ĐẦU khác một tầm tay với./.
Ảnh NGUYỄN KHÁNH: Phó Viện trưởng Viện Toán học Phùng Hồ Hải tại buổi gặp gỡ báo chí vào chiều 12-9

Quán xá

Quán xá là nơi ta thư giãn. Vậy hà cớ gì phải chịu khổ, thậm chí chịu nhục, nhe răng ra cười khi bị mấy ông bà chủ quán chảnh không phải lối mắng xơi xơi?
Tới tiệm cà phê nào mà nhạc mở lớn như sàn nhảy là mình bye ngay. Nghĩ ngợi suy tư cái gì, hàn huyên thù tạc thế nào được với bè bạn trong tiếng nhạc át cả tiếng người như thế?
Cái ghế ngồi không thoải mái mình cũng không thích. Phải có tựa, có tay càng tốt, có thể ngả người ra một chút để ngắm những tia nắng đầu thu xuyên qua kẽ lá.
Vào cái tiệm nào mà chủ cứ mắng nhân viên sa sả trước mặt khách là lần sau mình cũng say goodbye. Kể cả mấy đứa nhân viên chạy bàn nhân vắng khách tụm năm tụm ba nói xấu chồng, nói xấu mẹ chồng, nói xấu vợ... mình cũng ghét. Đôi khi nhìn chúng cũng thương! Các cháu không hiểu rằng chạy bàn là một nghề, phải học cho ra học mới làm tốt được.
Cách nay hơn 30 năm, mình mồ hôi mồ kê nhễ nhại đạp con xe khung Thống Nhất, lốp Xuân Hoà, xích líp Đông Anh, chống chân chống quạch phát trước quán, gỡ cái mũ cối ra hỏi vọng vào "có đá không", thì nay, nhẹ nhàng thả mình xuống ghế, bật smart phone, mình hỏi Pass thế nào hả em.
Đứa nào trả lời không có wifi là mình lườm, nói thôi em đóng cà phê vô hộp, anh bận họp mất rồi. Cái mình thong thả đứng dậy, không thèm lấy tiền thừa, nhẹ nhàng lướt ra cửa, mặc kệ đằng sau là bao sự ngỡ ngàng đầy tiếc nuối. Cho chết!
Nói thực ngày xưa mình lê la bậc nhất, miễn quán ngon là được. Nhưng giờ khác. Những tiệm như vừa kể mình không vào. Chẳng phải giàu có hay sang chảnh kiêu kì gì mà mình nghĩ cần phải làm thế để quán xá ngày càng văn minh.
Chúng ta cứ dung túng, thoả hiệp và ve vuốt những thứ tệ hại đó rồi mong ngóng một cơ chế tự điều chỉnh? Có thể có nhưng lâu lắm! Trên fb này chỉ có chị Chung Le là nằng nặc tin vào giải pháp "biển sẽ tự sạch" của bác Tài- Môi. Với những thứ xấu xa, chị đinh ninh không cần hành động, chỉ cần khinh bỉ là chúng tự chết. Chị í đã test thử trên một con ruồi (lạc vào bếp nhà chị í), ba ngày sau chị thấy nó nằm cỏng queo trên sàn.
Nhân lúc viết lời ai điếu cho con ruồi, chị Chung Le (dùng các phương pháp suy luận, diễn giải...) viết luôn ra một tuyên ngôn gây tiếng vang KINH HOÀNG: Chỉ cần khinh bỉ bọn tham nhũng cũng xấu hổ mà chết.
Ai tin thì tin chứ mình tuyệt đối chả tin chị Chung Le!

Pokemon Go không có đất ở VN

Các nhà sản xuất - kinh doanh games vô cùng sửng sốt khi Pokemon Go không có chỗ đứng trong làng games VN. Mọi việc diễn ra ngoài dự đoán và không như kỳ vọng. 1,2 tỉ người chơi games trên toàn thế giới cũng bất ngờ trước tin này.
Tại VN, Pokemon Go ồn ào vài ngày rồi tắt lịm. Mọi phương án các nhà các nhà quản lý games ở VN đưa ra để đối phó trở nên thừa.
Vậy là nhóm Thinktank của ngành công nghiệp games toàn thế giới đã vò đầu bứt tai để tìm câu trả lời.
Kết quả thật bất ngờ! Có 2 nguyên nhân chính:
1- Tắc đường, không chạy ra ngoài bắt Pokemon được. Và cứ ra ngoài là nóng, bẩn, đe doạ tai nạn... nên ngại.
2- Ở VN bất cứ cái games nào bắt người chơi phải chạy (go) lòng vòng, phải tìm kiếm... đều có kết cục thảm hại. Vì ở đất nước này mọi người phải tìm kiếm, nhất là phải CHẠY mệt mỏi lắm rồi! Chữ CHẠY nó ám ảnh kinh khủng.
Do vậy chỉ có games nào được đánh chén, có bonus bồ nhí thì chắc chắn sẽ ăn tiền.

TINH THẦN THỂ THAO


Thể thao mình chỉ xem bóng chuyền, bóng chuyền bãi biển, mà chỉ đội nữ mới đủ sức hút và sự quyến rũ để mình xem hết trận.
Hồi Seagames 21 - 2001 cũng ti toe khăn gói quả mướp một mình sang Mã Lai viết bài. Kinh!
Hôm theo dõi trận bóng đá giữa đội VN và Mã, trên khán đài thấy ban tổ chức phát cho anh em báo chí cái giấy gì đó, mỗi người một tờ, thế là mình lao vèo phát qua cái rào chắn cao ngang ngực, chảy bổ ra đường pitch để xin một tờ. Ngay lúc đó một tay mặc comple ca vát hốt hoảng chạy tới chỉ vào mình rồi lại chỉ lên khán đài, hét lên: gio - cốt , gio- cốt...
Điếc không sợ súng, mình vẫn nhào tới. Đến lúc đó thì có hai tay cảnh sát tới xốc nách tiễn ra ngoài. Cô Hoàng An (HLV điền kinh) cứ đứng nhìn mình cười khằng khặc.
Hoá ra chỉ phóng viên ảnh có thẻ ra sân và được phát áo khoác mới được ra đường pitch. Tay kia la toáng lên là gio- cốt tức là your coat - áo mày đâu? Rõ khổ!
Không phải không mê thể thao, mình rất thích bóng bàn, võ, mặc dù hồi bé cứ đứa nào gạ đánh nhau là mình nói thôi, hôm nay tay tao đau hoặc hôm nay tao đang bị cúm, sợ lây ra mày.
Có lần nghe tin em Thuý Hiền đang tập Whusu ở Trịnh Hoài Đức, mình tới liền. Thập thò rình mò mãi em nó mới hoàn thành bài Taolu (cả binh khí và quyền tay không). Vừa thu tay về ở thế tấn, HLV hô xong, em nó đổ vật xuống sàn, nằm ngửa, tay chân xoè rộng, bụng và ngực phập phồng. Mình sướng run, bụng bảo dạ: Cơ hội ngàn năm đây rồi, có mà chạy đằng trời. Thế là mình lao đến quỳ xuống, gí míc...
Nhìn thấy quả míc khủng đang chìa ra, em nó nhắm mắt lại, hổn hển trong tiếng thở gấp: Cho em nghỉ tí đã... Lại phải rút mic về. Tẽn tò!
Trước đây Giải chạy báo Hà Nội mới diễn ra đều lắm! Hôm đó anh Bách dẫn mình ra Hồ Gươm "làm" sự kiện này. Khi cự li chạy dài sắp hoàn tất, anh Bách chỉ vào một VĐV bảo tí Phong phỏng vấn thằng này. Chỉ kịp nghe có thế, như một con chiến mã, tay máy tay míc, mình lao lên đuổi theo. Càng đuổi nó càng chạy. Hoá ra nó còn vòng nữa. Bố khỉ!

START UP


Ai đang không có việc làm thì lên Sài Gòn mau! Trong đó đang thiếu thợ sửa xe hông đa, xe hơi. Rất rất cần lao động chuyên thau rửa bể ngầm và lau chùi vệ sinh sàn nhà.
Vụ ngập kinh hoàng 26/9 là cái rủi nhưng cũng tạo được ối việc làm cho bà con. Lại còn diệt được cả chuột nữa.
Dzô đi ! Dzô đi! Nên có một người cai thầu đứng ra nhận việc rồi chia lại cho anh chị em cùng nhóm. Quảng bá rầm rộ trên phây! Làm thật tốt để giữ chữ tín với chủ, sau này họ thấy dễ thương họ lại gọi tiếp.
Chẳng riêng gì ở Sài Gòn, Hà Nội, mình ở Cần Thơ cũng thấy trung tâm ngập lõm bõm rùi! Hôm rồi tới Hải Dương cũng thấy tình trạng tương tự như vậy. Và còn nhiều nơi khác nữa sẽ ngập. Bởi vì lộ thiên họ còn chén được huống hồ những thứ nằm sâu dưới đất (như ống nước sông Đà). Ăn ở dưới chân mình là ăn kinh hoàng nhất! Vì thế còn ngập!
Do đó hãy bóp đầu tư duy xem hệ luỵ của ngập lụt là những cái gì để mà khởi nghiệp-startup! Ví dụ như lập Công ty Chết Đuối. Phạm vi & lĩnh vực kinh doanh: Chuyên vệ sinh - bảo dưỡng - cứu hộ xe đuối nước chẳng hạn; hay Doanh nghiệp tư nhân Vi - Na- Bốt (Vinaboat), với những dịch vụ vận chuyển khách hàng trong hẻm sâu bằng du thuyền 5 sao (boat có ghế nhựa, mái che và... wifi)

Xe thương binh

Đây là một dạng thương tật của hậu chiến, một dạng di căn của di chứng chiến tranh!
Thôi thì những người thương binh thật chẳng nói làm gì, đằng này phần đông chạy xe ba bánh tự chế đều là thương binh dởm.
Trong cuộc sống, cáo mượn oai hùm, cổ kim đông tây đều có, nhưng đủ chân đủ tay lại đi mượn danh, đội lốt người tàn tật trong cuộc chiến thì chắc chỉ có ở xứ này? Đúng là "ăn mày dĩ vãng".
Tôi có một liên tưởng rằng, mấy kẻ thức thời, sành sỏi, biết chớp thời cơ làm màu cho bản thân thường cố chụp một tấm hình đứng cạnh quan chức, thì giờ đây, cũng là một kiểu mượn danh, họ có sẵn lòng chụp với một thương binh lam lũ rồi phóng to, treo ở nơi trang trọng nhất không?
Thế mà cả xã hội phải sợ họ. Mấy ông CA thì chỉ giỏi bắt người ở quê ra, gặp hội ba bánh và và lũ đầu gấu nẹt bô lạng lách là ...sợ chết cha, toàn đánh bài tảng lờ như không thấy.

Xe tự chế

Xe tự chế xuất phát từ nhu cầu có thực nên tẩy chay nó là duy ý chí và thiếu tính khả thi.
Nếu bảo nó không an toàn, gây nguy hiểm và tiềm ẩn tai nạn thì xử lý 2 việc: Thứ nhất, kiểm định. Thứ hai, phạt nghiêm khi vi phạm (chở vật cồng kềnh...).
Thực tế VN hiện nay và còn dài dài về sau nữa vẫn rất cần loại phương tiện nhỏ, chi phí đầu tư thấp, giá cả vận chuyển chấp nhận được, đi lại dễ dàng trên đường hẹp...
Ngay cả những nước có thu nhập đầu người cao hơn VN chút xíu, đường xá rộng rãi hơn ta nhiều vẫn phổ biến phương tiện loại này, như Philippin có xe zeepny , xe tricycle; Thái Lan có xe tuk-tuk...
Hồi nhỏ ở Sài Gòn thấy xe lam, xe 5 tạ chở bà con đi chợ rất thuận tiện. Hôm rồi đi Quan Lạn - Quảng Ninh, thấy ở đây phổ biến loại xe ba bánh chở khách nhập của Trung Quốc. Nhìn chung, trông chắc chắn và thẩm mỹ hơn mấy cái xe tự chế ở mình.
Vì thế, nếu chưa có tàu điện ngầm để nhét 3/4 số người tham gia giao thông trên mặt đất xuống thì hãy để tâm tới phương tiện bé bé xinh xinh này nhưng quan trọng ở chỗ kiểm soát cho thật tốt. Thế thôi!

Lúc về già mình sẽ…



Lúc về già mình sẽ không bao giờ đến cơ quan cũ nếu như chưa nhận được một lời mời trân trọng, vào những dịp đặc biệt. Nếu đến mình cũng chỉ cúi đầu lễ phép chào lớp trẻ rồi chuyện phiếm với đồng niên, đồng nghiệp. Mình phải tự dặn mình rằng có nói gì chúng cũng chẳng nghe, vì mọi điều mình nói đã lỗi thời, cho dù bên dưới chúng chăm chú nhìn, đầu gật gật, rồi vỗ tay rất dài. Và dĩ nhiên chúng nó có báo cáo báo cò mình cũng chẳng nên quan tâm, tò mò tìm hiểu, vì đã lâu mình không cập nhật- ắp-đết (update),  đâu còn hiểu được thời thế.

Lúc về già mình sẽ tuyệt đối không được chủ quan nghĩ rằng còn khoẻ, còn sung sức để nghĩ và làm những việc như hồi thanh niên.

Lúc về già mình sẽ không tham gia hội đoàn hay bất cứ công việc gì liên quan đến chính quyền. Không phải mình thiếu trách nhiệm, chỉ đơn giản vì nhà nước cho nghỉ là đã nghiên cứu kỹ rồi, thời điểm đó sức khoẻ, trí tuệ xuống dốc rồi, làm làm gì, để tụi trẻ nó làm giỏi hơn. Đầu hai thứ tóc đi tranh việc với một đứa nó làm tốt hơn mình là sao?

Lúc về già mình sẽ không sống chung với bất cứ đứa nào, chỉ sống với…vợ. Nếu cứ thương con cái, sống với chúng nó thể nào cũng đến lúc mình ở trọ trong chính ngôi nhà của mình. Con không có tiền mua nhà thì thuê, không đủ tiền thuê mình hỗ trợ, quyết không ở chung, trai gái dâu rể gì cũng vậy hết, một tuần đến thăm nhau 1 lần vào ngày cuối tuần là đủ.

Lúc về già…rất già, mình sẽ phải đặt chỗ ở một trung tâm dưỡng lão nào đó. Tiền ít ở chỗ xoàng, tiền nhiều ở chỗ tươm. Chọn trung tâm có chăm sóc y tế tốt để không bắt con cháu phục dịch lúc yếu đau. Chúng nó còn phải đi làm. Lúc đi về phía bên kia mặt trời cũng tại trung tâm luôn. Con cháu chỉ cần đến nhà tang lễ làm thủ tục theo nghi thức, không khóc cũng không sao, vui càng tốt. Chẳng có lý do gì để khóc. Đó là quy luật của tạo hoá. Bất cứ cái gì tồn tại nguyên vẹn lâu quá chỉ tổ làm cho xã hội trì trệ. Những việc tiếp theo sau đó chúng nó sẽ làm gì mình không biết vì nghẻo rồi còn đâu, nhưng sẽ rất đơn giản, chẳng cầu kỳ, sống còn chẳng ăn ai nữa là…

Lúc về già mình sẽ chỉ nói hai chữ “ngày xưa” (đúng hơn là những câu chuyện hoài niệm) với bạn đồng niên, tuyệt đối không nói với lũ trẻ, vì chúng sẽ cho mình bị dở hơi. Với tụi trẻ chỉ nói “ngày mai” và chỉ trả lời khi chúng hỏi. Kinh nghiệm và vốn sống (mà nhiều người cho là báu vật) đối với mình khi đó chỉ để chiêm nghiệm. Cùng lắm là biến nó thành những câu chuyện trào phúng để tự cười cợt mình, đứa nào hiểu thì hiểu, không hiểu thì cũng chẳng làm ai bực mình.

Lúc về già, mình sẽ tránh tiếp xúc với truyền thông vì mình biết giá trị của mình ở mức nào, nhất là vào thời điểm ấy. Nếu vì một lý do nào đó mà được phỏng vấn, mình sẽ cố tránh lên lớp, rồi lớn tiếng khẳng định lớp già sẽ làm cái này làm cái nọ, sẽ có ích cho nơi này nơi kia. Khi răng rụng đủ hai hàm mà có tay phóng viên nào vui miệng hỏi ông mong muốn gì thì mình sẽ bảo, tớ muốn chết, chết trong sự vui vẻ và nhẹ nhõm của tất cả (và chỉ vào nó nói), của cả cậu và cả tớ, rồi cười to sảng khoái.  

Lúc về già, mình sẽ cố không nghĩ khác những điều mình đã nghĩ như ở trên. Chẳng biết có được không?