Lúc về già mình sẽ…
Lúc
về già mình sẽ không bao giờ đến cơ quan cũ nếu như chưa nhận được một lời mời
trân trọng, vào những dịp đặc biệt. Nếu đến mình cũng chỉ cúi đầu lễ phép chào
lớp trẻ rồi chuyện phiếm với đồng niên, đồng nghiệp. Mình phải tự dặn mình rằng
có nói gì chúng cũng chẳng nghe, vì mọi điều mình nói đã lỗi thời, cho dù bên
dưới chúng chăm chú nhìn, đầu gật gật, rồi vỗ tay rất dài. Và dĩ nhiên chúng nó
có báo cáo báo cò mình cũng chẳng nên quan tâm, tò mò tìm hiểu, vì đã lâu mình
không cập nhật- ắp-đết (update), đâu còn
hiểu được thời thế.
Lúc
về già mình sẽ tuyệt đối không được chủ quan nghĩ rằng còn khoẻ, còn sung sức để
nghĩ và làm những việc như hồi thanh niên.
Lúc
về già mình sẽ không tham gia hội đoàn hay bất cứ công việc gì liên quan đến
chính quyền. Không phải mình thiếu trách nhiệm, chỉ đơn giản vì nhà nước cho
nghỉ là đã nghiên cứu kỹ rồi, thời điểm đó sức khoẻ, trí tuệ xuống dốc rồi, làm
làm gì, để tụi trẻ nó làm giỏi hơn. Đầu hai thứ tóc đi tranh việc với một đứa
nó làm tốt hơn mình là sao?
Lúc
về già mình sẽ không sống chung với bất cứ đứa nào, chỉ sống với…vợ. Nếu cứ thương
con cái, sống với chúng nó thể nào cũng đến lúc mình ở trọ trong chính ngôi nhà
của mình. Con không có tiền mua nhà thì thuê, không đủ tiền thuê mình hỗ trợ,
quyết không ở chung, trai gái dâu rể gì cũng vậy hết, một tuần đến thăm nhau 1
lần vào ngày cuối tuần là đủ.
Lúc
về già…rất già, mình sẽ phải đặt chỗ ở một trung tâm dưỡng lão nào đó. Tiền ít ở
chỗ xoàng, tiền nhiều ở chỗ tươm. Chọn trung tâm có chăm sóc y tế tốt để không
bắt con cháu phục dịch lúc yếu đau. Chúng nó còn phải đi làm. Lúc đi về phía
bên kia mặt trời cũng tại trung tâm luôn. Con cháu chỉ cần đến nhà tang lễ làm
thủ tục theo nghi thức, không khóc cũng không sao, vui càng tốt. Chẳng có lý do
gì để khóc. Đó là quy luật của tạo hoá. Bất cứ cái gì tồn tại nguyên vẹn lâu
quá chỉ tổ làm cho xã hội trì trệ. Những việc tiếp theo sau đó chúng nó sẽ làm
gì mình không biết vì nghẻo rồi còn đâu, nhưng sẽ rất đơn giản, chẳng cầu kỳ, sống
còn chẳng ăn ai nữa là…
Lúc
về già mình sẽ chỉ nói hai chữ “ngày xưa” (đúng hơn là những câu chuyện hoài niệm)
với bạn đồng niên, tuyệt đối không nói với lũ trẻ, vì chúng sẽ cho mình bị dở
hơi. Với tụi trẻ chỉ nói “ngày mai” và chỉ trả lời khi chúng hỏi. Kinh nghiệm
và vốn sống (mà nhiều người cho là báu vật) đối với mình khi đó chỉ để chiêm
nghiệm. Cùng lắm là biến nó thành những câu chuyện trào phúng để tự cười cợt
mình, đứa nào hiểu thì hiểu, không hiểu thì cũng chẳng làm ai bực mình.
Lúc
về già, mình sẽ tránh tiếp xúc với truyền thông vì mình biết giá trị của mình ở
mức nào, nhất là vào thời điểm ấy. Nếu vì một lý do nào đó mà được phỏng vấn,
mình sẽ cố tránh lên lớp, rồi lớn tiếng khẳng định lớp già sẽ làm cái này làm
cái nọ, sẽ có ích cho nơi này nơi kia. Khi răng rụng đủ hai hàm mà có tay phóng
viên nào vui miệng hỏi ông mong muốn gì thì mình sẽ bảo, tớ muốn chết, chết
trong sự vui vẻ và nhẹ nhõm của tất cả (và chỉ vào nó nói), của cả cậu và cả tớ,
rồi cười to sảng khoái.
Lúc
về già, mình sẽ cố không nghĩ khác những điều mình đã nghĩ như ở trên. Chẳng biết
có được không?
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ