Đọc sách: Dễ thôi, nếu...
Lớp
trẻ hôm nay ít đọc? Điều đó có thể đúng nhưng trước hết hãy đặt câu hỏi lớp trẻ
nói riêng và người dân nói chung đã được tiếp cận với sách một cách dễ dàng và thuận
tiện nhất hay chưa?
Công
nghệ và mạng đã làm thay đổi thế giới. Kể cả khi đặt sách trước mặt người dân rồi
thì cũng cần nghĩ thêm nhiều cách tốt hơn nữa để cạnh tranh với những phương tiện
hấp dẫn và quyến rũ khác.
Trên
facebook của mình, chị Kim Chi dẫn lại thông tin từ trang www.abc.net.au đăng tải
ngày 19/4/2016 với nội dung Google thắng kiện: “Google wins book-scanning copyright case against Authors Guild”
Cụ
thể là Google đưa lên mạng hàng triệu đầu sách cho mọi người tìm và
đọc miễn phí, hoặc dẫn link đến nơi mua bản in. Vì thế Hiệp hội các
tác giả cho rằng quyền tác giả của họ bị vi phạm. Google thì trình
Tòa rằng số hóa chỉ là cách phục vụ công chúng của thời @ và nhờ
đó giúp cho sách của các tác giả được biết tới chứ không làm phương
hại đến lợi ích của các tác giả.
Trình
bày của Google được Tòa cho là hợp tình hợp lý, do đó Tòa Tối
cao Hoa Kỳ đã phán quyết rằng ở đây không có vi phạm mà Google được
quyền sử dụng công bằng mà luật bảo vệ bản quyền cho phép.
Các
thư viện lớn đều lên tiếng ủng hộ quyết định của Tòa. Họ cho rằng
Google đã tạo sự thuận tiện để khuyến khích người ta tìm sách cũng
giống như tới thư viện, đem lại lợi ích lớn lao cho cộng đồng.
Phòng đọc Michell thư viện bang NSW tại Sydney, Australia. Vào đây thoải mái đọc, không cần thẻ (ảnh lấy từ fb Kim Chi)
Họ
đã thúc đẩy văn hoá đọc bằng những cách làm chính sách cụ thể và thiết thực như
vậy đấy! Chẳng biết cái sự đọc ở Úc, Mỹ như thế nào nhưng thấy những người có dịp
sang đó, hoặc ở bên đó, nói rằng sách viết về Việt Nam rất nhiều.
Anh
Lê Quang, người sống nhiều năm ở Đức, có đưa một bức ảnh lên trang cá nhân mà ở đó người ta trưng
dụng bốt điện thoại cũ làm nơi đọc sách. Sẽ có người nói ngay rằng ở Đức làm vậy
được chứ ở Việt Nam… làm sao quản lý được! Điều đó không sai! Nhưng thông điệp ở
đây không phải “sợ mất” mà là thái độ và tầm nhìn.
Bốt điện thoại thành tủ sách (Lê Quang)
Ở Việt
Nam đã xuất hiện mô hình thư viện gia đình mà chủ nhân là những người mong muốn mọi
người đều có quyền được đọc. Thế nhưng sau vài năm tôi quay lại thì thấy
không còn nhiều người đọc như lúc ban đầu. Lý do rất đơn giản: Nguồn sách có hạn,
lại không được bổ sung.
“Hoành
tráng” hơn mô hình thư viện gia đình là “Bưu điện văn hoá xã”, nơi vừa thực hiện
chức năng bưu chính vừa là thư viện. Tuy nhiên cho tới nay có bao nhiêu % bưu
điện văn hoá xã còn hoạt động hoặc thoi thóp vẫn chưa được thống kê.
Lại
hướng mắt ra thế giới, nơi mà thông tin trên mạng đầy đủ và dễ dàng hơn ta rất
nhiều thì thư viện của họ vẫn luôn là nơi tấp nập cho mọi đối tượng, mọi lứa tuổi.
Trẻ con cũng lấy được sách ở Thư viện Amerika-Gedenkbibliothek
Tại Thư viện Amerika-Gedenkbibliothek (American Memorial Library) ở Đức, khánh thành năm 1954, tôi thấy giá sách rất thấp, trẻ con
cũng có thể với tới và rất an toàn. Cái bàn của chị thủ thư có thể nâng lên hạ
xuống tuỳ chiều cao của người đọc, người mượn. Nếu là em nhỏ thì chị thủ thư bấm
để hạ xuống sao cho vừa vặn với chiều cao. Người lớn không phải cúi mà trẻ con
cũng chẳng phải kiễng chân hay nghển cổ. Bàn còn thiết kế thêm “cái bậc” nhô ra
để độc giả để túi và sách, không phải bê vác khệ nệ. Bởi thế mỗi lần dẫn
con lên Phòng đọc thiếu nhi ở Thư viện Hà Nội, nhìn cháu cứ phải với với để đưa
cái thẻ, tôi rất …buồn!
Bàn thủ thư ở Thư viện Amerika-Gedenkbibliothek
Bao
giờ mà một người dân bất kỳ, vào một thư viện bất kỳ, không cần giấy tờ gì cả, đều
được đọc tại chỗ; bao giờ mà bất kỳ ai, đến mọi thư viện trên lãnh thổ Việt Nam,
chỉ cần chìa cái chứng minh thư, thẻ học sinh, bằng lái xe… thì 10 phút sau đã
có thẻ thư viện, khi đó tôi tin là cái sự đọc sẽ khá lên nhiều!
Hãy
thay đổi từ cách làm thẻ, từ cái giá sách, từ cái bàn của cô thủ thư…, và dĩ
nhiên cả bộ mặt của cô nữa thì niềm vui đọc sách tự khắc sẽ đến!