Thứ Tư, 30 tháng 4, 2014

Miền Nam trong tôi.


Miền Nam trong tôi là hình bóng những người lính miền Bắc trở về sau 75, lỉnh kỉnh trên ba lô, ngoài tư trang, nhất định phải có con búp bê mắt nhắm mắt mở, cái khung xe đạp và cuốn album (ảnh) có hình một diễn viên xinh đẹp ở ngoài bìa.

Thế rồi tôi cũng được vào Nam cùng bố trong đợt biệt phái cán bộ miền Bắc vào Nam cuối thập niên 70. 

Đêm. Từ ga xe lửa Bình Triệu về trung tâm là những hàng dài xe máy, xe taxi đèn hậu đỏ lừ rồng rắn chạy trên đường. Khung cảnh rất khác với những con phố vàng vọt đèn đường, xe điện leng keng và bóng người với một tông màu xám xịt lầm lũi đạp xe ở phố phường Hà Nội.

Rồi ngay cả cái đèn hiệu đỏ nhấp nháy trên cột viễn thông tôi cũng lạ lẫm. Người lái taxi dân Sài Gòn gộc không vì thế mà khinh rẻ, trái lại ông chỉ dẫn thân tình như con.

Sự có mặt của người Bắc hồi đó chưa nhiều nên sự xuất hiện của tôi ở trong lớp cũng gây sự chú ý. “Thằng Bắc kỳ” là cách mà nhiều bạn trong lớp gọi tôi. Dẫu chưa hiểu gì nhưng tôi nhận thấy rõ sự miệt thị và có chút gì đó căm thù qua cách gọi ấy. Dần dà tôi mới lờ mờ hiểu ra sự thắng lợi của cách mạng đã đẩy gia đình họ vào chỗ chia li, tài sản khánh kiệt, việc làm bị mất…

Sài Gòn những năm cuối thập niên 70 còn đẹp lắm. Đường phố đầy me, vắng vẻ và sạch. Tôi từng ngạc nhiên khi thấy mọi người kiên nhẫn chờ đèn đỏ ở một ngã tư vắng tanh lúc lờ mờ sáng.

Rồi tôi cũng được tiếp xúc với một anh lính VNCH hiền khô, cả ngày không nói một câu. Chẳng biết do mặc cảm hay tính tình mà chỉ thấy anh cười. Hàng ngày anh có nhiệm vụ giắt khẩu súng vào cạp quần đi ra ngân hàng cùng người thủ quỹ lấy tiền hoặc nộp tiền cho cơ quan.

Rồi tôi cũng được nhìn thấy những người bụng phệ. Đấy là anh Hùng, anh Kiệt, hai anh em ruột lái xe cho bố tôi. Những người bụng phệ như hai anh ở miền Bắc thời đó bói không ra. Nghe đâu hai anh là con một gia đình tư sản trước 75. Thời thế đổi thay nên sau giải phóng các anh phải làm nghề lái xe. Tuy nhiên cái vẻ phong lưu thì vẫn còn nguyên. Anh Hùng mua nhiều sách cho tôi đọc, trong đó thích nhất là cuốn “Rô-bin-sơn giữa đảo hoang.” Anh Kiệt dạy tôi nói đúng chữ N-L bằng cách bắt tôi lặp lại câu: “Đi Hà Nội mua cái nồi về nấu cơm nếp”. Hình như bây giờ anh Hùng là 1 đại gia  ở Sài Gòn.

Tôi ở trong một căn hộ của ngôi nhà 4 lầu gần cầu Kiệu (156-158 Võ Di Nguy- Phú Nhuận) của một gia đình di cư sang Mỹ khi quân giải phóng tiến vào Sài Gòn. Trước tôi, bộ đội đã tiếp quản và sống ở đây. Mãi sau này tôi mới hiểu vì sao tất cả các bình nước nóng trong nhà đều bị khoét đít lấy hết dây may so; 5 chiếc máy giặt vứt lỏng chỏng trên sân thượng vì không còn mô-tơ nữa, đến ngay cả mô-tơ cục nóng điều hòa cũng bị tháo gỡ. Khốn khổ! Những người lính từ rừng về, phần lớn là bộ đội miền Bắc, cũng chỉ biết những thứ lặt vặt ấy thôi.

Đám trẻ con chúng tôi còn  phát hiện trong một hộc tủ bí mật có một ít quân trang của lính VNCH. Chắc những ngày giải phóng, chủ nhân của nó giấu tiệt vào đây để che giấu thân phận.

Cha tôi làm việc được vài năm thì xin về hưu trước tuổi vì không chịu nổi cuộc đấu đá tranh giành quyền lực giữa các phe: trên rừng về, dân tập kết, dân Bắc Kỳ và dân biệt động thành. Một người bạn thân của cha nói, trên chỗ tôi (Đà Lạt) còn nhiều biệt thự bỏ hoang, ông đưa gia đình vào làm với tôi, bên đảng, đỡ đau đầu hơn bên kinh doanh. Bố tôi cảm ơn và quyết về. Ngay từ lúc đó tôi đã thấy sự phức tạp chốn quan trường. Và điều này ít nhiều ảnh hưởng tới suy nghĩ của tôi hiện nay.        
  
Gần đây tôi có dịp phải vào làm việc ở phía Nam, Cần Thơ, thành phố được mệnh danh là Tây Đô. Không ai gọi tôi là thằng bắc kỳ nữa, vả lại người miền Bắc, người miền Trung ở phương Nam giờ đây cũng rất đông. Hình như cái dấu mốc 1975 trong tâm trí người Nam cũng không còn quá nặng nề nữa. Mọi người đều hiểu, chiến tranh, người dân cả 3 miền nào ai muốn.

Dù sao tôi vẫn có thiện cảm với người dân phương Nam. Khởi thủy họ sống đơn giản, khoáng đạt, hiền hòa, thân thiện, đâu đó vẫn còn đậm vẻ hào hiệp của Lục Vân Tiên. Nó khác hẳn tính cách đáo để, chao chát, nanh nọc và ít chịu nhường nhịn mà tôi thường gặp ở nhiều nơi khác. Có thể hoàn cảnh bon chen, xô bồ và phức tạp của môi trường buộc người ta phải tự thích nghi bằng cách điều chỉnh tính cách để tồn tại, để tránh bị thua thiệt?  

Hiểu một vùng đất, một con người, chẳng dễ! Có khi sống hết đời cũng không biết hết. Chỉ kể ra đây vài chi tiết mà bản thân tôi chứng kiến. Chắc chắn chưa đầy đủ và chính xác. Mong mọi người bỏ qua. 
  




                

  


Thứ Bảy, 26 tháng 4, 2014

Giáo dục á? Không dễ đâu!


Sự việc ông tư lệnh ngành GD “chạy làng” khỏi cuộc họp của Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội (25/4) sau khi thông báo xin rút nội dung thảo luận về đổi mới chương trình, sách giáo khoa khiến mọi người lo ngại tính khả thi và chất lượng của cuộc cải cách lần này.  

Không phải là người trong ngành GD, cũng không có kiến thức chuyên sâu lĩnh vực này nên tôi không dám phán bừa, chỉ nói những điều mình biết.

Cuộc cải cách trước (2000) đã có cả tá hội thảo bàn về đổi mới đào tạo sư phạm trước hay chương trình, SGK trước; rồi vai trò người THẦY là QUYẾT ĐỊNH  hay THEN CHỐT…

Trước, trong và sau các cuộc cải cách, Bộ GD-ĐT cũng cử nhiều đoàn đi học tập nước ngoài. Họ không phải là không trả lời được câu hỏi vì sao GD một số nước lại tốt thế. Họ biết cả đấy! Nhưng cho dù có bê cả cái hệ thống GD tiến bộ ấy đặt vào nước ta (với cơ chế này, với những người thầy và cán bộ quản lý GD như thế này) thì chưa chắc đã thành công. Chẳng khác nào mua một hai danh thủ như Messi về đá cho Đội tuyển bóng đá VN.

Một thầy giáo dạy toán, ở một trường THCS quận Long Biên- Hà Nội, nói rằng, muốn vào biên chế (GV chính thức) thì phải có 400 triệu. Thử tính xem thầy cô đó, với mức lương  mới vào ngành khoảng 3 triệu/tháng thì bao giờ trả nổi 400 triệu?

GV, cho dù có được học hành tử tế, nhưng lại bị đủ thứ ràng buộc như học sinh đông, chạy theo phong trào thi đua, tuân thủ sự cứng nhắc trong hoạt động dạy và học của cơ quan quản lý, “ứng xử” với cấp trên… Bản thân cũng phải dạy thêm, phải làm đủ chiêu trò để sống, để trả nợ, thì nói tới chuyện dạy chữ, dạy người cho tốt  nghe xa vời lắm!    

Chủ Nhật, 20 tháng 4, 2014

Tổng Dũng lại có thơ?



Một người cực kỳ nổi tiếng cả nước ai cũng biết, trên thế giới nhiều người biết. Nhưng nói tên ra thì các bạn sẽ bảo câu chuyện sắp kể là bốc phét, nói xạo nên mình không nêu tên.
 
Anh này học cao, rất tài (thế mới nổi tiếng), nhưng lại rất mê tín, nằng nặc tin có thế giới bên kia, tin vào những năng lực siêu phàm. Anh nói chắc như đinh đóng cột rằng chống tham nhũng dễ như trở bàn tay! Chỉ cần cho bọn tham nhũng ấy nghe mấy người có năng lực đặc biệt, có khả năng trò chuyện với cõi âm nói vanh vách về tiền vận hậu vận; về quả báo ở đời… thì khi đó tổng Dũng có đem một ô tô tiền đi hối lộ chạy án cũng chẳng “ông anh” nào dám nhận; có cho kẹo bọn sát thủ máu lạnh cũng không dám chặt tay người đi đường để cướp Iphone.


Anh nói có sách mách có chứng. Anh ghi âm, quay phim nhiều trường hợp trò chuyện với cõi âm, rồi tự thuyết minh phụ họa nên mình và ông bạn ngồi há mồm xem.  Sau đó anh còn thách thức tụi mình phản biện. 

Đợi anh về, bạn mình bảo, nếu có thế giới bên kia thì khả năng tác động của thế giới đó vào thực tại rất ít, thậm chí không thể. Lúc nãy không dám tranh luận sợ anh buồn. Thực ra anh đang kỳ vọng vào một giải pháp thần kỳ để chống lại cái ác, cái tiêu cực đang tràn lan. Chắc cùng đường, “hết thuốc” anh mới phải mượn tới thế giới tâm linh. 
 
Bạn mình nói có lý. Như vụ Cát Tường hay máy bay MH 370 mất tích đấy! Tìm kiếm tới nay gần như vô vọng. Sao hơn 200 linh hồn chết tức tưởi kia không báo mộng cho người thân biết vị trí máy bay rơi? Nếu linh nghiệm thì hàng trăm học sinh chết trong vụ chìm phà ở Hàn Quốc phải có một vài tín hiệu với người đang sống chứ? 

Hay như vụ bác Ngọ, đứa nào mà đổ oan cho bác, đứa nào ăn không nói có, ngậm máu phun người, thì ở chốn cam tuyền, bác kéo tụt nó xuống địa ngục, bác đưa chúng lên đoạn đầu đài chứ chẳng chơi.

Vì thế mình chả tin! Mình chỉ tin hiện thực này thôi. Mai (22/4) tổng Dũng lại ra tòa là thật! Phiên trước anh Dũng làm thơ, ung dung đọc thơ ngay tại tòa là thật. Một ông anh chết là thật. Phiên này nghe đâu lại tiếp tục đọc thơ đấy! Không biết có thêm một ông anh nào nữa “chết” không?     








Thứ Sáu, 18 tháng 4, 2014

Asiad Vietnam: Cứ cho là nhận, cứ được là mừng?



Mình cam đoan 10 người xem bản tin thời sự tối 17/4 thì 9 người rưỡi nín thở khi nghe phát thanh viên đọc cái văn bản rào trước đón sau, rất chi là ngoại giao khi nói về Asiad 18. Trình bày một thôi một hồi mới thấy đề cập: “Vietnam sẽ tổ chức Asiad ở một thời điểm thích hợp.” Tóm lại là không đăng cai lần này.

Lòng dân bảo dừng thì chắc đúng thôi, nhưng qua việc này mình nhớ tới một nhà phê bình văn học, hình như Nguyễn Đăng Mạnh, cụ Mạnh có loạt bài kể về tính cách đặc trưng của người dân mỗi vùng. Hay lắm!

Cụ kể, thời mới hòa bình, một tỉnh Bắc Trung Bộ nọ diễn ra một trận đấu bóng đá. Ban tổ chức cho vào xem miễn phí. Chính vì thế dân tình chen chúc vào rất đông. Trong số đó có mấy bà mấy chị thúng cắp bên hông, quang gánh còn nguyên trên vai, chắc vừa đi chợ về, thấy thiên hạ chen nhau nên ngỏng cổ nhòm. Chẳng hiểu gì. Rồi không ai bảo ai, cũng chen vai thích cánh, xô đẩy để qua cổng cho bằng được. Ngồi xem một lúc thấy mấy người tranh nhau quả bóng, chán òm, lại đứng dậy phủi đít đi về.

Chuyện chẳng biết thực hư nhưng mình thấy nó phảng phất nét gì đó rất chung của người Việt Nam.

Đấy là cái tâm lý thấy người ta làm gì thì mình nhào vô làm theo, bất luận đúng sai và hậu quả thế nào. Vụ hôi bia ở Đồng Nai là một ví dụ. Còn nơi tôi đang công tác, vùng đất được mệnh danh là vựa lúa, người dân cũng đang vò đầu bứt tai xem “trồng cây gì nuôi con gì”, để “phát huy tiềm năng thế mạnh”. Nhiều nơi ùn ùn phá lúa trồng cây khác, được vài vụ, sau không có đầu ra, méo mặt.

Ở cơ quan nhà nước thì trên cho cái gì dưới nhận ngay tắp lự, không cần biết  thứ đó có cần không. Cứ nhắm mắt nhắm mũi giơ tay nhận cái đã, còn dùng vào việc gì là chuyện khác. Trong bối cảnh hiện nay, đơn vị nào, thủ trưởng nào, mà trên cho không nhận thì chẳng những không được khen mà còn bị chê là dại, thậm chí… dở hơi. Sếp cũng chẳng vì thế mà đánh giá cao, có khi còn bị phê bình là phá đám, "không hiểu gì về điện".

Cái kiểu thấy người khác làm gì mình cũng làm theo cho bằng chị bằng em, hùa theo đám đông mình thấy phổ biến. Ở làng xã thì ganh nhau chuyện hiếu hỉ, chuyện nhà thờ họ, khu mộ tổ...  Còn chốn thị thành thì núp dưới danh nghĩa thi đua, phong trào. Những chuyện tào lao như thế cứ diễn ra hàng chục năm nay mà thiếu hẳn những cái đầu có tư duy độc lập và một xã hội trân trọng ý kiến phản biện, trái chiều.

Sẽ là thiển cận nếu không biết tự giới thiệu mình cho thế giới biết đến, nhất là trong bối cảnh hòa nhập hiện nay. Nhưng chắc chắn đã qua rồi cái thời bụng đói meo mà miệng vẫn ngậm cây tăm ra cái điều no đủ. Cái gì giấu được chứ sự nghèo thì nó lộ ra mặt, đố ai che đậy nổi! Đã nghèo mà học đòi sài sang, chơi trội thì càng kệch cỡm.

Chẳng biết "bệnh" cứ cho là nhận, cứ được là mừng có phải di chứng của xin-cho, cấp-phát từ thời kinh tế tập trung? Có lẽ không phải! Asiad nghe đâu cũng phải "co kéo" mãi mới được phép đăng cai. Một nghiệp quan mà làm được cái Asiad cũng oách lắm chớ, ghi danh hậu thế chứ chẳng chơi! Kéo theo nó là bao nhiêu công trình dự án... Tiền ở đấy chứ còn ở đâu! 


  
  


     

Thứ Bảy, 5 tháng 4, 2014

Anh Kiều chết và quyền được sống.

Từ vụ việc anh Ngô Thanh Kiều chết ở đồn công an mà tòa án (Tuy Hòa – Phú Yên) vừa xử xong, một số người bàn tới hành vi độc ác. Có ý kiến bảo rằng cái ác xuất hiện đôi khi do tình huống và môi trường. Một người thiện, nhưng vào một thời điểm nào đó, có thể xuất hiện những hành vi ác, do tình huống và môi trường tạo nên.




Cái này để các nhà tâm lý, tội phạm học phân tích. Mình thì nghĩ đơn giản thế này thôi. Nếu quả thực có việc dùng nhục hình đánh chết anh Kiều thì một phần cũng xuất phát từ việc công an muốn có kết quả phá án một cách chóng vánh. Cũng là bệnh chạy theo thành tích?

Là công an ở địa phương, (cứ cho là) họ nắm rõ nhân thân của anh Kiều. Và trong suy nghĩ của họ, tới 99% anh Kiều là thủ phạm, chỉ có điều anh chưa chịu nhận. Thay vì dùng các biện pháp nghiệp vụ thì họ lại dùng vũ lực bất chấp đạo đức, đạo lý.

Dĩ nhiên khi nói đến hai chữ đạo đức thì cũng cần phân tích cặn kẽ. Những người xử lý vụ anh Kiều có thể lý giải đạo đức theo chủ nghĩa kết quả. Nôm na có nghĩa là chấp nhận "hy sinh" 1 để "cứu" 10. Đạo đức theo chủ nghĩa kết quả tức là lấy lợi ích và kết quả phục vụ số đông. Số đông= đảm bảo an ninh trật tự cộng đồng, và việc tra tấn một người= để bảo vệ số đông kia?! 

Lượng hóa kết quả để xem xét tính có ích, có lợi cho số đông, lấy đó làm cơ sở để đưa ra hành động đôi khi thật điên rồ! Đó là căn nguyên dẫn đến những cái chết như trường hợp anh Kiều. Có nhiều ví dụ sinh động cho quan điểm vị lợi này. Chẳng hạn như bắt được 1 nghi phạm đặt bom trên máy bay. Tra tấn để buộc nghi phạm ấy phải khai bom đặt ở chuyến bay nào. Tức là chấp nhận tra tấn một người để cứu hàng trăm người. Rất có thể kẻ bị tra tấn kia cũng vô tội (vì là nghi phạm). Nhưng họ sẵn sàng đặt lên bàn cân (một người và hàng trăm người) để lý giải cho hành động tra tấn.

Thuyết vị lợi (có từ thế kỷ 18, tuyệt đối hóa lợi ích, niềm hạnh phúc và kết quả của số đông) không dễ gì phản bác. Và nó rất dễ bị lợi dụng, bị đưa ra làm bình phong để ngụy trang cho hành vi tước đoạt quyền sống của một cá nhân nào đó nhưng lại nhân danh vì quyền lợi số đông?! Có lẽ chính vì thế mà hiến pháp của các quốc gia văn minh đã đưa quyền sống của con người lên hàng đầu tiên, để khẳng định rằng, trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng không được xâm phạm quyền sống của con người. Nó phải được tôn trọng tuyệt đối.

Con người (vô tội) có quyền sống, được thể hiện trong hiến pháp. Như vậy quyền sống là bao trùm, cơ bản, gốc rễ; là thiêng liêng, không một triết thuyết nào, một quan điểm nào được phép rũ bỏ hoặc vượt lên trên.  Đấy cũng là cái căn cốt, nền tảng của một xã hội văn minh, dân chủ và minh bạch ./.