Miền Nam trong tôi.
Miền Nam trong tôi là hình bóng những người lính miền Bắc trở về sau 75, lỉnh kỉnh trên ba lô, ngoài tư trang, nhất định phải có con búp bê mắt nhắm mắt mở, cái khung xe đạp và cuốn album (ảnh) có hình một diễn viên xinh đẹp ở ngoài bìa.
Thế rồi tôi cũng được vào Nam cùng bố trong đợt biệt phái cán bộ miền Bắc
vào Nam
cuối thập niên 70.
Đêm. Từ ga xe lửa Bình Triệu về
trung tâm là những hàng dài xe máy, xe taxi đèn hậu đỏ lừ rồng rắn chạy trên
đường. Khung cảnh rất khác với những con phố vàng vọt đèn đường, xe điện leng
keng và bóng người với một tông màu xám xịt lầm lũi đạp xe ở phố phường Hà Nội.
Rồi ngay cả cái đèn hiệu đỏ nhấp
nháy trên cột viễn thông tôi cũng lạ lẫm. Người lái taxi dân Sài Gòn gộc không
vì thế mà khinh rẻ, trái lại ông chỉ dẫn thân tình như con.
Sự có mặt của người Bắc hồi đó
chưa nhiều nên sự xuất hiện của tôi ở trong lớp cũng gây sự chú ý. “Thằng Bắc
kỳ” là cách mà nhiều bạn trong lớp gọi tôi. Dẫu chưa hiểu gì nhưng tôi nhận
thấy rõ sự miệt thị và có chút gì đó căm thù qua cách gọi ấy. Dần dà tôi mới lờ
mờ hiểu ra sự thắng lợi của cách mạng đã đẩy gia đình họ vào chỗ chia li, tài
sản khánh kiệt, việc làm bị mất…
Sài Gòn những năm cuối thập niên
70 còn đẹp lắm. Đường phố đầy me, vắng vẻ và sạch. Tôi từng ngạc nhiên khi thấy
mọi người kiên nhẫn chờ đèn đỏ ở một ngã tư vắng tanh lúc lờ mờ sáng.
Rồi tôi cũng được tiếp xúc với
một anh lính VNCH hiền khô, cả ngày không nói một câu. Chẳng biết do mặc cảm
hay tính tình mà chỉ thấy anh cười. Hàng ngày anh có nhiệm vụ giắt khẩu súng
vào cạp quần đi ra ngân hàng cùng người thủ quỹ lấy tiền hoặc nộp tiền cho cơ
quan.
Rồi tôi cũng được nhìn thấy những
người bụng phệ. Đấy là anh Hùng, anh Kiệt, hai anh em ruột lái xe cho bố tôi.
Những người bụng phệ như hai anh ở miền Bắc thời đó bói không ra. Nghe đâu hai
anh là con một gia đình tư sản trước 75. Thời thế đổi thay nên sau giải phóng
các anh phải làm nghề lái xe. Tuy nhiên cái vẻ phong lưu thì vẫn còn nguyên.
Anh Hùng mua nhiều sách cho tôi đọc, trong đó thích nhất là cuốn “Rô-bin-sơn
giữa đảo hoang.” Anh Kiệt dạy tôi nói đúng chữ N-L bằng cách bắt tôi lặp lại
câu: “Đi Hà Nội mua cái nồi về nấu cơm nếp”. Hình như bây giờ anh Hùng là 1 đại
gia ở Sài Gòn.
Tôi ở trong một căn hộ của ngôi nhà 4 lầu gần
cầu Kiệu (156-158 Võ Di Nguy- Phú Nhuận) của một gia đình di cư sang Mỹ khi quân giải phóng tiến vào Sài Gòn. Trước tôi, bộ đội
đã tiếp quản và sống ở đây. Mãi sau này tôi mới hiểu vì sao tất cả các bình
nước nóng trong nhà đều bị khoét đít lấy hết dây may so; 5 chiếc máy giặt vứt
lỏng chỏng trên sân thượng vì không còn mô-tơ nữa, đến ngay cả mô-tơ cục nóng
điều hòa cũng bị tháo gỡ. Khốn khổ! Những người lính từ rừng về, phần lớn là bộ
đội miền Bắc, cũng chỉ biết những thứ lặt vặt ấy thôi.
Đám trẻ con chúng tôi còn phát hiện trong một hộc tủ bí mật có một ít
quân trang của lính VNCH. Chắc những ngày giải phóng, chủ nhân của nó giấu tiệt
vào đây để che giấu thân phận.
Cha tôi làm việc được vài năm thì
xin về hưu trước tuổi vì không chịu nổi cuộc đấu đá tranh giành quyền lực giữa
các phe: trên rừng về, dân tập kết, dân Bắc Kỳ và dân biệt động thành. Một
người bạn thân của cha nói, trên chỗ tôi (Đà Lạt) còn nhiều biệt thự bỏ hoang,
ông đưa gia đình vào làm với tôi, bên đảng, đỡ đau đầu hơn bên kinh doanh. Bố
tôi cảm ơn và quyết về. Ngay từ lúc đó tôi đã thấy sự phức tạp chốn quan
trường. Và điều này ít nhiều ảnh hưởng tới suy nghĩ của tôi hiện nay.
Gần đây tôi có dịp phải vào làm
việc ở phía Nam,
Cần Thơ, thành phố được mệnh danh là Tây Đô. Không ai gọi tôi là thằng bắc kỳ
nữa, vả lại người miền Bắc, người miền Trung ở phương Nam giờ đây cũng rất đông. Hình như
cái dấu mốc 1975 trong tâm trí người Nam cũng không còn quá nặng nề nữa.
Mọi người đều hiểu, chiến tranh, người dân cả 3 miền nào ai muốn.
Dù sao tôi vẫn có thiện cảm với người
dân phương Nam.
Khởi thủy họ sống đơn giản, khoáng đạt, hiền hòa, thân thiện, đâu đó vẫn còn
đậm vẻ hào hiệp của Lục Vân Tiên. Nó khác hẳn tính cách đáo để, chao chát, nanh
nọc và ít chịu nhường nhịn mà tôi thường gặp ở nhiều nơi khác. Có thể hoàn cảnh
bon chen, xô bồ và phức tạp của môi trường buộc người ta phải tự thích nghi
bằng cách điều chỉnh tính cách để tồn tại, để tránh bị thua thiệt?
Hiểu một vùng đất, một con người,
chẳng dễ! Có khi sống hết đời cũng không biết hết. Chỉ kể ra đây vài chi tiết
mà bản thân tôi chứng kiến. Chắc chắn chưa đầy đủ và chính xác. Mong mọi người
bỏ qua.
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ