Asiad Vietnam: Cứ cho là nhận, cứ được là mừng?
Mình cam đoan 10 người xem bản
tin thời sự tối 17/4 thì 9 người rưỡi nín thở khi nghe phát thanh
viên đọc cái văn bản rào trước đón sau, rất chi là ngoại giao khi nói về Asiad 18. Trình bày một
thôi một hồi mới thấy đề cập: “Vietnam
sẽ tổ chức Asiad ở một thời điểm thích hợp.” Tóm lại là không đăng cai lần này.
Lòng dân bảo dừng thì chắc đúng
thôi, nhưng qua việc này mình nhớ tới một nhà phê bình văn học, hình như
Nguyễn Đăng Mạnh, cụ Mạnh có loạt bài kể về tính cách đặc trưng của
người dân mỗi vùng. Hay lắm!
Cụ kể, thời mới hòa bình, một
tỉnh Bắc Trung Bộ nọ diễn ra một trận đấu bóng đá. Ban tổ chức cho vào xem miễn
phí. Chính vì thế dân tình chen chúc vào rất đông. Trong số đó có mấy bà
mấy chị thúng cắp bên hông, quang gánh còn nguyên trên vai, chắc vừa đi chợ về,
thấy thiên hạ chen nhau nên ngỏng cổ nhòm. Chẳng hiểu gì. Rồi không ai bảo ai,
cũng chen vai thích cánh, xô đẩy để qua cổng cho bằng được. Ngồi xem một lúc
thấy mấy người tranh nhau quả bóng, chán òm, lại đứng dậy phủi đít đi về.
Chuyện chẳng biết thực hư nhưng
mình thấy nó phảng phất nét gì đó rất chung của người Việt Nam.
Đấy là cái tâm lý thấy người ta
làm gì thì mình nhào vô làm theo, bất luận đúng sai và hậu quả thế nào. Vụ hôi
bia ở Đồng Nai là một ví dụ. Còn nơi tôi đang công tác, vùng đất được mệnh danh
là vựa lúa, người dân cũng đang vò đầu bứt tai xem “trồng cây gì nuôi con gì”,
để “phát huy tiềm năng thế mạnh”. Nhiều nơi ùn ùn phá lúa trồng cây khác, được
vài vụ, sau không có đầu ra, méo mặt.
Ở cơ quan nhà nước thì trên cho
cái gì dưới nhận ngay tắp lự, không cần biết thứ đó có cần không. Cứ nhắm mắt nhắm mũi
giơ tay nhận cái đã, còn dùng vào việc gì là chuyện khác. Trong bối cảnh hiện
nay, đơn vị nào, thủ trưởng nào, mà trên cho không nhận thì chẳng những
không được khen mà còn bị chê là dại, thậm chí… dở hơi. Sếp cũng chẳng vì thế mà
đánh giá cao, có khi còn bị phê bình là phá đám, "không hiểu gì về điện".
Cái kiểu thấy người khác làm gì mình cũng làm theo cho bằng chị bằng em, hùa theo đám đông mình thấy phổ biến. Ở làng xã thì ganh nhau chuyện hiếu hỉ, chuyện nhà thờ họ, khu mộ tổ... Còn chốn thị thành thì núp dưới danh nghĩa thi đua, phong trào. Những chuyện tào lao như thế cứ diễn ra hàng chục năm nay mà thiếu hẳn những cái đầu có tư duy độc lập và một xã hội trân trọng ý kiến phản biện, trái chiều.
Sẽ là thiển cận nếu không biết tự giới thiệu mình cho thế giới biết đến, nhất là trong bối cảnh hòa nhập hiện nay. Nhưng chắc chắn đã qua rồi cái thời bụng đói meo mà miệng vẫn ngậm cây tăm ra cái điều no đủ. Cái gì giấu được chứ sự nghèo thì nó lộ ra mặt, đố ai che đậy nổi! Đã nghèo mà học đòi sài sang, chơi trội thì càng kệch cỡm.
Chẳng biết "bệnh" cứ cho là nhận, cứ được là mừng có phải di chứng của xin-cho, cấp-phát từ thời kinh tế tập trung? Có lẽ không phải! Asiad nghe đâu cũng phải "co kéo" mãi mới được phép đăng cai. Một nghiệp quan mà làm được cái Asiad cũng oách lắm chớ, ghi danh hậu thế chứ chẳng chơi! Kéo theo nó là bao nhiêu công trình dự án... Tiền ở đấy chứ còn ở đâu!
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ