Đại gia treo ảnh trong chùa
Báo chí vừa ồn ào đưa tin một đại gia, để ghi công lao tôn tạo chùa nên đã được ưu ái treo một bức hình to tướng của gia đình ở nơi trang trọng trong chùa.
Tôi nghĩ chuyện này âm ỉ diễn ra lâu rồi, chẳng qua chưa đến mức “hoành tráng” và lộ liễu như vị đại gia kia thôi.
Hãy xem, vào mỗi dịp mùa xuân, lãnh đạo cấp cao về địa phương hưởng ứng, phát động phong trào trồng cây thì y như rằng cái cây đó phải được trồng ở một vị trí xứng đáng, được cắm biển đề tên, rằng cây này do đồng chí…, chức vụ thế này thế kia trồng. Thế là người ta đã khoác cho cái cây một “danh phận quyền quý".
Chẳng biết các vị lãnh đạo có thuận tình trong việc cắm biển ghi danh như thế không nhưng tôi đồ rằng phần lớn do địa phương tự làm để tỏ lòng tôn trọng các vị lãnh đạo, đồng thời xác quyết “danh phận quyền quý” cho cái cây để mọi người phải chăm sóc chu đáo. Cũng tốt thôi nhưng chẳng loại trừ ai đó muốn mượn tên các bác lãnh đạo để gây thanh thế, cho oai.
Dù sao thì các bác lãnh đạo cũng chẳng thời gian đâu để ý mấy chuyện nhỏ này nên địa phương, đơn vị ghi gì tuỳ. Vả lại trăm năm sau con cháu chỉ vào cây, nói cây này ông tao, cụ tao trồng thì cũng vinh dự chứ sao.
Chuyện dựng biển ghi tên như thế ở ta nhiều lắm, nào là thôn văn hoá, gia đình văn hoá, nhà tình nghĩa, công trình chào mừng, khu phố phụ nữ tự quản..., nhưng thôi, quay lại chủ đề liên quan đến vị đại gia kia nên chỉ xin kể mấy chuyện liên quan đến chốn thờ tự thiêng liêng.
Cách đây vài năm, nhiều đơn vị đã không tiếc công tiếc của dâng Vua Hùng những thứ “khủng” về kích cỡ và trọng lượng. Để tỏ lòng tôn kính hay một hình thức đánh bóng tên tuổi? Nếu chỉ để gây tiếng vang nhằm thu hút sự quan tâm của công chúng thì rõ ràng họ đang mượn danh tiên tổ để trục lợi.
Những việc làm nhằm mục đích gây thanh thế, được tiến hành nơi tôn nghiêm, lại được chính quyền công khai xác nhận bằng cách phổ biến trên truyền thông, thực ra là lợi dụng tín ngưỡng để ghi danh, để “trưng biển”.
Hôm nay nếu anh công đức 1.000 thì nên lặng lẽ nhét vào thùng, còn 1 triệu thì sẵn sàng được chào đón để ghi tên vào “bảng vàng”, có chữ ký tươi, có con dấu đỏ.
Vì nguồn thu, người ta sẵn sàng chứng thực sự đóng góp của anh với thánh thần bằng văn bản hẳn hoi. Là người vô tư, anh chẳng nghĩ mấy dòng chứng thực ấy là cái biên lai thô thiển nơi trần thế mà đơn giản chỉ là một giao thức chứng tỏ trời phật đã chứng giám lòng thành .
Nhưng cũng có người muốn khẳng định với thiên hạ đức tin của mình không thuần túy chay tịnh bằng hương khói và những lời cầu nguyện suông. Còn bên nhận thì lại được dịp xác lập những kỷ lục cung tiến mới để tiếp tục thử thách "lòng thành"và mức độ hảo tâm của những kẻ khác. Cả hai đều lờ đi những điều nhạy cảm chẳng nên có ở chốn cửa thiền.
Người ta chứng thực đức tin theo “phong cách ISO” công khai như thế, từ lâu rồi, thì việc đại gia kia thượng ảnh của cả gia đình lên vị trí trang trọng trong nhà chùa, nơi họ đã ủng hộ một khoản tiền lớn có gì khó hiểu quá không nhỉ?
Tôi đã nhiều lần cố lý giải do đâu lại có cái thảm trạng ấy. Phải chăng đấy là những diễn biến có tính quy luật khi chuyển đổi sang buổi bình minh của kinh tế thị trường, khi mà nhiều giá trị đột ngột thay đổi theo hướng được lượng giá bằng đồng tiền, trong bối cảnh hệ thống quản lý luôn phải chạy sau thực tiễn cuộc sống sinh động?