Thứ Tư, 19 tháng 9, 2012

Lời muộn cho năm học mới.



Năm nào cũng thế, cứ đến ngày khai trường là cả xã hội dành những lời tốt đẹp nhất cho học sinh. Chúng ta kỳ vọng các em giỏi giang; mong các em thành kỹ sư, bác sỹ; muốn các em yêu thương kính trọng người trên, nhường nhịn kẻ dưới…Chúng ta đòi hỏi học sinh đủ thứ nhưng chưa có nhiều người nói với các em phải biết tôn trọng và yêu quý chính bản thân mình.

Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln (1809-1865), người được cho là tác giả lá thư gửi thầy cô nổi tiếng nhân ngày khai trường, viết: Hãy dạy cho cháu biết chấp nhận thi rớt còn vinh dự hơn gian lận khi thi. Hãy tạo cho cháu có niềm tin vào ý kiến riêng của bản thân, cho dù tất cả mọi người xung quanh đều cho rằng ý kiến đó là không đúng. Hãy dạy cho cháu rằng có thể bán cơ bắp và trí tuệ cho người ra giá cao nhất nhưng không bao giờ được để cho ai ra giá mua trái tim và tâm hồn mình…

Những mong mỏi của tác giả lá thư là biểu hiện cụ thể lòng tự tôn, tự yêu quý trân trọng bản thân của người học sinh.

Khi Trọng Cung (học trò Khổng Tử) hỏi thế nào là NHÂN, Khổng Tử - cha đẻ của Nho giáo đã nói: Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân (Điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác, như thế có nghĩa là NHÂN).

NHÂN hiểu nôm là lòng yêu thương đồng loại. Song, trước hết con người phải biết quý trọng bản thân mình thì mới thấu cảm được cái “kỷ sở bất dục” kia mà không tác oai tác quái lên người khác. Ai đó không yêu bản thân mình thì đừng nói chuyện yêu thương người xung quanh. Mệnh đề “nếu không tôn trọng người khác thì người khác sẽ không tôn trọng mình” có một ý nghĩa khác: Không tôn trọng mình cũng tức là thiếu tôn trọng người khác.

Một thiếu niên càn quấy phóng xe tốc độ cao, lượn lách nguy hiểm trên phố đông người thì rõ ràng anh ta chưa biết quý trọng mạng sống của chính mình nên đồng thời gây họa cho người khác. Chúng ta không thể nói hành động ấy (hay bất kỳ một hành vi nào khác) là vô tình bởi từng cá thể trong xã hội, dù muốn hay không, đều có mối liên hệ qua lại với nhau để tạo thành một xã hội với đủ sắc màu.

Liệu hành vi độc ác và lối sống chụp giật, hơn thua hiện nay có mối quan hệ với việc GD trẻ em sự quý trọng bản thân trong suốt nhiều năm qua?

Đâu đó trong gia đình, nhà trường vẫn còn vang lên lời thuyết giảng: Bây giờ chúng bay sướng quá, thời thầy cô ba mẹ khổ như thế này như thế kia…, tại sao trò A làm được mà em không làm được…, bài này Ngô Bảo Châu giải được từ hồi học mẫu giáo.v.v. Lối GD áp đặt như thế đã làm các em thiếu tự tin, mất tự trọng và rốt cuộc đánh mất tình yêu vào chính bản thân vì cảm thấy mình chẳng có chút giá trị nào.

Cuộc chiến lâu dài để giải phóng tổ quốc kiêu hùng và vinh quang nhưng nghiệt ngã và đầy hệ lụy đau thương. Chúng ta bắt các em phải biết “đấu tranh” trước khi biết thân thiện và tha thứ. Chúng ta yêu cầu các em hướng tới cái chung, vì tập thể mà buộc phải quên phắt đi cái bản ngã, cái tôi, cái của chính mình rất đáng trân trọng, yêu thương.

Cuộc sống hôm nay không phải “một mất một còn”, không phải “ta” thì nhất định là “địch”, không chơi với ta là kẻ thù của ta...Cuộc sống hôm nay là chung sống và cùng hưởng lợi. Học sinh phải biết điều này thì mới có thái độ thân thiện và hợp tác.

Phần Lan - một nền GD tiên tiến nhất nhì thế giới - đã dành toàn bộ bậc tiểu học và THCS để ươm trồng tinh thần hợp tác và chung sống thân thiện trước khi bàn tới cạnh tranh và ganh đua. Họ không lo học sinh sau này sẽ cảm thấy sợ hãi khi bước vào xã hội cạnh tranh. Bởi vì hôm nay biết hợp tác thì ngày mai sẽ có năng lực cạnh tranh. Và, năng lực sáng tạo phát triển tốt nhất trong môi trường chan hòa tình người. Trong môi trường cạnh tranh khốc liệt người ta không muốn chia sẻ kinh nghiệm và cũng không muốn mạo hiểm, như vậy sao có thể có được sức sáng tạo để làm vũ khí cạnh tranh./.

Ngô Thiệu Phong














Thứ Năm, 13 tháng 9, 2012

Quái - tươi - thông minh…


( Lưu hành nội bộ, không sao chép và phổ biến)

Mình thuộc dạng lìu tìu nhưng lại rất hay ngắm nghía người nổi tiếng xem họ làm gì, nghĩ gì. Mình chẳng thể bắt chước họ nhưng suy ngẫm lời họ nói, việc họ làm cũng dạy mình ối điều hay.

Trần Đăng Khoa là người nổi tiếng. Dĩ nhiên! Nhưng nổi tiếng bây giờ cũng lắm dạng. Đứng giữa phố, hứng lên, tụt quần bốc chim khoe hàng cũng nổi tiếng như thường. Vì thế mình thích gọi anh Khoa là người của công chúng.

Khen anh Khoa tài, anh Khoa giỏi mình đã vô phép khen mấy lần. Khen anh đấy nhưng lần nào cũng rụt rè, bởi một thằng vớ vẩn, lìu tìu như mình mà dám khen anh thì xúc phạm quá, hỗn hào quá? Chỉ mong anh hiểu mà bỏ qua.

Anh Khoa nói hoặc viết câu nào thì “chết” câu ấy. Anh bảo Sài Gòn như cô gái mặc quần soóc căng tràn nhựa sống tung tăng chạy bộ ngoài đường còn thủ đô thì như một ông cụ khăn đóng áo the, trang nghiêm, trầm mặc, suy tư nhưng kỳ thực chẳng nghĩ mẹ gì. Đúng quá anh Khoa ơi! Với cái đầu tư duy kiểu thông tấn như em thì chẳng bao giờ nghĩ ra được. Mà nếu có diễn đạt cái ý như thế thì vụng về lắm, kiểu gì cũng bị thổi còi.

Chiều qua mình và Nhật Minh lại gặp anh ở Quán Sứ. Anh bắt tay mình thật chặt mặt hướng về phía Mai Chi nói em có được 3 người giúp việc (Dung, Minh, Phong) như thế này thì quá ổn, toàn dạng quái cả. Mình sợ toát mồ hôi lấm lét nhìn thái độ của anh, không biết ý anh nói là quái kiệt hay quái thai.

Trước đây anh có thời gian phụ trách Ban Văn học & Nghệ thuật. Bây giờ mỗi lúc trà dư tửu hậu, anh em phóng viên vẫn lưu luyến mơ màng nhớ lại một thời chưa xa, một thời hoàng kim của phát thanh VHNT được một người nghệ sỹ lãng mạn như anh dẫn dắt.

Anh em kể lần nào nghe duyệt bài trên máy là y như rằng lần ấy anh ngật đầu ra sau ghế ngáy khò khò, tai nghe rơi vướng lòng thòng trên cổ. Hết vở kịch 90 phút mà anh vẫn ngáy váng trời. Thấy thế, phóng viên khẽ khàng lắc vai, anh giật mình ú ớ chồm dậy nói “à, à, kịch của thím tươi lắm!”

Chiều qua, sau khi nghe giới thiệu về Dự án giao thông quốc gia và đế chế radio, anh gật gù tấm tắc nói thông minh, thông minh, thông minh thật!

Nhìn nét mặt “ngây ngô và thán phục” của anh, mình đồ rằng, anh còn thông minh hơn tất cả những gì được coi là thông minh ở chốn ấy./.

Ngô Thiệu Phong (Lưu hành nội bộ ).















THÓI QUEN CHỈ TAY CỦA NGƯỜI VIỆT




Nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng có những lý giải thú vị về thói quen của người Việt, trong đó có ngồi xổm, xỉa răng và cười. Theo anh, “từ hoang dã đến con người hiện đại là quãng thời gian hàng vạn năm, rất nhiều hành vi đã ngưng đọng lại không bao giờ thay đổi nữa. Đó chính là cử chỉ thông thường của một dân tộc, không bao giờ đánh giá theo thang giá trị đẹp hay xấu; và, về bản chất nó không phản ánh sự tốt xấu, sang hèn mà chỉ là hệ quả của cả hành trình dân tộc đó…”

Nhất trí với anh Thượng một nửa nhận định trên. Không biết anh Thượng đã luận bàn về thói quen chỉ tay vào người đối diện trong khi trò chuyện hay chưa, nhưng nếu liệt thói quen này cùng nhóm với ngồi xổm và xỉa răng…, thì tôi thấy hành vi này chưa đẹp, chưa sang.

Chỉ tay có thể là hành vi vô thức nhưng có lúc khuôn mặt người đối diện vô tình rơi đúng tầm tay chỉ thì thật khó coi. Tôi thấy người phương Tây họ không có tật ấy.

Với hành vi chỉ tay mà quy chụp người Việt bất lịch sự, vô văn hóa thì hơi nặng nề vì có khi họ làm việc ấy một cách bản năng. Vì thế, tôi thử dùng cái vế thứ hai trong nhận xét của Phan Cẩm Thượng: Coi hành vi của con người là “hệ quả của cả hành trình dân tộc”, để thử lý giải hành vi chỉ tay của người Việt xem sao.

Chúng ta chịu ảnh hưởng của quan niệm Khổng – Nho với Tứ Thư, Ngũ Kinh; Tam Cương, Ngũ Thường…, nên bất luận, thứ bậc trong xã hội được tuân thủ nghiêm ngặt. Nho Giáo buộc mọi người phải ứng xử theo Tam Cương: vua – tôi, cha – con, chồng – vợ. Trên thực tế, trong xã hội xưa, còn một nhân vật xếp sau vua, đó là Thầy: Quân- Sư - Phụ.

Với quan niệm thứ bậc kiểu “quân xử thần tử, thần bất, tử bất trung” như thế nên cái hành vi “chỉ tay day trán” tất yếu xảy ra.

Hiếm có dân tộc nào trên thế giới này phải sống thân phận nô lệ trong thời gian dài như dân tộc ta. Và cũng trong hàng trăm năm bị đô hộ ấy, không biết bao nhiêu cuộc nổi dậy dành độc lập, tự chủ nổ ra. Trong kiếp nạn của kẻ bị áp bức thì con người không được tôn trọng. Họ luôn bị chèn ép và chỉ đạo.

Trong cuộc chiến khốc liệt dành độc lập tự chủ thì quyết định, quyết liệt và quyết đoán (thậm chí độc đoán) là cơ sở cho thắng lợi. Chẳng biết sự dữ dội của cuộc chiến hàng trăm năm như thế nó có ám vào hành vi của con người không nhưng tôi thấy chỉ huy là rất hay chỉ tay. Cũng dễ hiểu, bởi chiến trường thường ít cơ hội thảo luận mà phần nhiều là ra lệnh và tuân lệnh. Xem lại một số tượng các anh hùng dân tộc thấy tay nếu không chỉ ra phía trước thì cũng nắm chặt đốc gươm.

Trong hàng ngàn năm bị đô hộ như vậy, kiên cường thay, dân tộc ta không bị đồng hóa, nhưng ít nhiều vướng phải cái tâm lý nhược tiểu. Nó thể hiện ở chỗ luôn gồng lên, cương lên, vượt quá sức vóc bản thân để thể hiện mình. Muốn khẳng định cái tôi nhưng không dựa vào khả năng thuyết phục mà lại dùng mệnh lệnh nên đôi khi phải mắt trợn tay chỉ để chứng tỏ sức mạnh và quyền uy. Nền kinh tế tập trung với sự chỉ đạo và phân phối nhất nhất từ trung ương xuống cũng có thể là một lời giải thích. Bởi từ tư duy cho tới hành vi không phải là một khoảng cách quá xa.

Chỉ đạo mà dùng mệnh lệnh áp đặt thay vì trao đổi để đi tới đồng thuận thì tất dẫn tới chỉ tay.

Chúng ta đã hội nhập và dĩ nhiên thang giá trị ở một số lĩnh vực cũng cần phải hội nhập. Hành vi của quan chức còn đại diện cho cả một quốc gia chứ đâu phải chuyện đùa. Còn trong sinh hoạt, nếu cần xác định một đối tượng trong một nhóm giao tiếp, thay vì dùng ngón trỏ, ta xòe cả bàn tay ra thì đẹp, nhân ái, hợp tác và thân thiện biết bao./.

Ngô Thiệu Phong

Thứ Ba, 11 tháng 9, 2012

Pháp quyền.




Về vụ xét xử nhà báo Hoàng Khương, hành vi của nhà báo này được tòa án cho là sai nhưng nhiều người vẫn dành tình cảm cho anh. Một nhà văn nổi tiếng nhận định: “Thiện cảm gần như tuyệt đối của dư luận dành cho ông (nhà báo Hoàng Khương) cho thấy một điểm đáng chú ý: dư luận ấy không tin vào những công cụ chống tiêu cực hợp pháp. Từ đó, dư luận ấy sẵn sàng ủng hộ mọi công cụ khác, miễn là chúng thực sự chống tiêu cực.”

Đây chính là mâu thuẫn cần xem xét. Ý kiến của nhà văn được trích dẫn đã nói lên một khía cạnh. Tôi chỉ bổ sung một số hiện tượng, với mức độ, phạm vi khác nhau, liên quan tới sự tin tưởng của dư luận, thậm chí của cả tổ chức nhà nước, vào các cơ quan chức năng.

Chuyện người dân vây bắt rồi đánh chết kẻ trộm chó là ví dụ điển hình. Phải chăng một con chó có vài trăm ngàn nên không thể tống bọn trộm vào tù? Bọn này bị bắt vài ngày, sau khi nộp phạt lại nhơn nhơn chứng nào tật ấy nên người dân bức xúc làm thay cái công việc của luật pháp: tự xử lý bất chấp đạo lý và pháp lý.

Rồi việc xã hội đen đánh dân ở Văn Giang vẫn còn nóng hổi. Lác đác đây đó vẫn diễn ra các vụ giang hồ “thanh toán” nhau. Luật pháp đã bị coi thường và thay vào đó là luật rừng với hình phạt nặng nhẹ chỉ bằng một câu nói của kẻ thuê với mức tiền tương ứng.

Không đến mức chết người hay đổ máu như các vụ “xử lý” của xã hội đen, người dân ở nhiều nơi chỉ vì bất bình, uất ức một điều gì đó cũng tự cho mình cái quyền làm thay cơ quan luật pháp. Ví dụ như chặn xe chở rác, xe chở vật liệu khi đi qua làng.

Một hoạt động được cổ vũ và gây không ít tranh cãi là hoạt động của hiệp sỹ đường phố. Họ là người dân, với tinh thần Lục Vân Tiên chẳng thể ngó lơ tội ác mà tự phát hợp sức tham gia bắt cướp. Thành công, thành tích rất nhiều nhưng nếu bàn về tính chính danh của đội ngũ này xem ra không đơn giản.

Không tự phát như các chàng hiệp sỹ nữa, mới đây ngành giáo dục còn ra cả chế tài để cổ vũ học trò ngây thơ đi lùng sục, tố cáo gian lận phòng thi với những khuyến cáo lằng nhằng về thiết bị phục vụ cho công việc lẽ ra dành cho giám thị và thanh tra. Các em ơi! “Nhập vai” cho tròn và đừng quá đà mà như Hoàng Khương thì tội lắm!

Liên quan đến vệ sinh thực phẩm, miếng ăn mấy Bộ to đoành cùng quản lý nhưng vẫn phải lưu ý thực khách nên “thông thái” mà chọn lựa.

Pháp quyền nôm na là không ai ngồi trên luật và đứng ngoài luật. Pháp quyền là pháp luật được thượng tôn và quyền con người được đảm bảo. Các mối quan hệ trong xã hội đều được pháp luật điều chỉnh. Người dân trông vào đó mà sống. Thế nhưng với những gì nêu ra trên đây, dẫu cá biệt và xuất hiện rải rác, nhưng cũng là chỉ dấu cho thấy con đường để hướng tới một nhà nước pháp quyền thực sự còn biết bao gian lao.

Nếu không chấn chỉnh kịp thời thì thật nguy hiểm. Mấy vụ như phở có formol, nước tương có 3-MCPD, mì tôm có E.102 quá ngưỡng, giá đỗ có chất độc, thịt siêu nạc…đã khiến cho người tiêu dùng và nhà sản xuất chân chính điêu đứng. Người cung ứng lao đao vì không tiêu thụ được sản phẩm, xã hội thì hoang mang không biết bấu víu, đặt niềm tin vào chỗ nào.

Nguy hại hơn nữa là nó âm thầm làm lung lay thước đo và chuẩn giá trị thông thường. Liệu còn nơi nào khác trên trái đất này chọn mua rau quả phải có sâu !? Liệu có ai lại đi khen quả chuối thâm xì, quả đu đủ chỗ thối chỗ ủng là an toàn !? Bây giờ ngộ nhỡ bị ngã xe mà có thanh niên nào tận tình chạy đến nâng đỡ, hỏi han…mình cũng nghi nghi. Khổ thế!

Ngô thiệu Phong.







Thứ Sáu, 7 tháng 9, 2012

ĐANG DUYỆT BÀI - GHI VỘI VÀI DÒNG



Thú thực với các bạn có hai loại chương trình trên sóng: một, cố gắng tìm kiếm cái mới, cái độc đáo (hoặc ít ra là thể hiện cái cũ một cách sinh động hơn); hai, làm chương trình để “lấp” sóng. Tạm gọi loại thứ hai là hàng fake.

Tất cả chúng ta từng là người tiêu dùng. Khi mua một món đồ nào đó mà đấy là hàng xịn, dịch vụ hậu mãi tốt, được người bán chào đón ân cần… thì tâm trạng các bạn thế nào? Thỏa mãn! Ngược lại, nếu hàng dỏm, cho dù kỹ năng “làm hàng” rất ma lanh; khi mua, ngon ngọt hứa này hứa nọ, đến khi thắc mắc thì trốn mất tiêu hoặc buông lời khó nghe, phủi tay thoái thác trách nhiệm, thì không cần nói, các bạn cũng biết bực mình thế nào.

Dài dòng như thế để mọi người cùng chia sẻ cái cảm giác duyệt, hoặc đồng cảm với thính giả khi nghe các chương trình “không mới” – một dạng hàng fake. Cuối cùng thì phòng và hệ (vì nhiều lý do) cũng cho qua. Và trên thực tế, đôi khi chẳng có lỗi gì đáng kể để cho đổ, nhưng rõ ràng, nó chẳng có ý tứ gì.

Nghề báo không thể vùi dập và cũng chẳng thể bốc thơm, tất cả hiện lên con chữ. Người yêu quý từng chương trình của mình (và đồng nghiệp) rất khác với một anh làm cốt cho xong - làm hàng fake - để đủ định mức cho cái hai lương rưỡi không hề bé so với công sức bỏ ra.

Người làm hàng thật chau chuốt từng chi tiết, từ mẩu nhạc cắt đến đoạn nhạc nền; cân nhắc từng giọng đọc, đắn đo từng bài hát, có tránh nhiệm đến cùng với sản phẩm. Còn hàng fake che đậy kiểu gì cũng lộ vẻ thô thiển, tạm bợ, từng câu, từng đoạn rời rạc, không có “lửa” và thiếu cảm xúc. Bởi vì sao, vì anh có yêu quý nó đâu? Anh coi nó như đứa con hoang thì sao mà chăm chút được.

Vẫn biết với khối lượng công việc nhiều như hiện nay thì tìm ra góc tiếp cận mới cho một đề tài cũ (hoặc một chủ đề có tính phát hiện) rất khó nhọc; vẫn biết làm thì phải có lúc sai và chẳng thể 10/10 chương trình đều đặc sắc. Hệ biết và đã có cách “khoan thư sức dân”. Nhưng đấy cũng mới chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ để có đề tài độc đáo là vẫn phải liên tục, liên tục suy nghĩ xem cái đó viết ra sao, ở góc nhìn nào; sự việc vụt qua trước mặt, thoảng qua bên tai có đưa vào trang viết của mình được không…

Tạm gọi cái năng lực phát hiện ấy là nhạy cảm báo chí. Đây là tố chất cực kỳ quan trọng, nhưng “bất công” thay, 99% chúng ta không được cái diễm phúc sở hữu nó. Nếu ông trời “tệ bạc” như thế thì chỉ còn cách không ngừng rèn luyện. Rèn luyện để dần thoát khỏi cái bóng người đi trước, không bắt chước (hàng fake) một cách ngô nghê mà phải sáng tạo. Trong bối cảnh thừa mứa thông tin như hiện nay thì điều thính giả muốn nghe chính là cái phần sáng tạo của mỗi cá nhân.

Chẳng ai mới sinh ra đã thành thiên tài, chẳng ai vừa cầm bút bỗng vụt lớn thành đại thụ. Người nào cũng qua bước chập chững chuệch choạc thuở ban đầu. Nhưng nếu miệt mài lao động nghiêm túc và cầu tiến, nghề này chắc chẳng phụ công.

Trong bối cảnh phức tạp và nhạy cảm như hôm nay, chúng ta mừng là được hoạt động ở một lĩnh vực thoáng đãng với không gian rộng mở: văn hóa - khoa giáo. Biết bao nhiêu sự kiện, vấn đề đang chờ ngòi bút của chúng ta khám phá. Tha hồ nhé! Chẳng sợ gì, chỉ sợ nhất là mất đi tình yêu và niềm say mê.

GỬI BỐ CÁI MÙA 1



Ngồi biên thư cho bố nó đây mà chưa hết tim đập chân run. Tối qua, trời nóng, nhọ mặt người tôi mới từ đồng về. Cơm nước xong đã gần 9 giờ tối. Vừa lúi cúi cài cửa chuồng gà định vào đi ngủ thì thấy dân làng hô trộm trộm, tiếng chân huỳnh huỵch, tiếng xe máy rồ ga, tiếng la hét om sòm dồn từ xóm 5 lên xóm 1 rồi lại tỏa ra khu trại, phía cánh đồng.

Đàn bà như tôi nghe thấy thế đã sợ nhưng vẫn vơ cái đòn gánh, đứng thủ thế ở cổng xem minh tình thế nào. Trộm mà chạy qua, sợ thì sợ, tôi cũng phang cho một đòn chứ chẳng chơi.

Đứng thủ thế mãi mỏi cả chân, chắc trộm biết tôi sợ nên… tránh. Chỉ có anh Tiến nhà bên tay lăm lăm cái xẻng mướt mải mồ hôi chạy về, nói trộm chó chị ạ, bắt được một thằng, thằng kia thoát, đang tẩn cho nó một trận nhừ tử ở cánh đồng.

Ông biết rồi đấy, gần đây làng mình bị trộm chó liên miên. Bọn trộm ngày càng táo tợn. Không chỉ câu chó, chúng còn dùng cả súng điện để bắn chó nữa. Tuần trước, nghe oẳng một tiếng, chú Hồng xóm 2 chạy ra đã thấy chúng nhét con chó vào tải. Chú Hồng lao đến định bắt thì bọn chúng dí cho một phát súng điện ngã lăn quay ra đất. Thế có gớm không cơ chứ? Nhà nào đã mất chó thì y như rằng vài hôm sau mất trộm.

Chính vì thế, khi nghe anh Tiến nói bắt được bọn trộm chó, tôi mừng. Thế nhưng sáng nay nghe tin cái thằng trộm chó đêm qua bị dân đánh chết thì tôi bàng hoàng cả người. Làng mất gần chục con chó, ai cũng tiếc, cũng căm, nhưng con chó sao lại đi đổi mạng người. Làm gì cũng phải có luật pháp chứ.

Ông ạ! Tôi tâm sự như thế với hàng xóm, có người đồng tình, nhưng cũng có người lại nói ôi dào, làng bên đấy, bắt được giao công an, công an xử phạt hành chính rồi cho về. Lúc ra khỏi đồn, chúng còn nhơn nhơn, thách thức đe dọa cả những người bắt chúng.

Như vậy là thế nào hả ông? Tôi thấy bảo tội ấy chưa đến mức đi tù, chẳng hiểu thế nào nữa.

Tôi ở quê, chịu khó nghe đài, lại hay được ông biên thư nhắc nhở, nên bây giờ cảnh giác không chỉ bọn trộm mà cảnh giác ngay cả miếng ăn vào miệng nữa. Nhà có mảnh vườn, mùa nào thức ấy, không phải mua rau phun thuốc sâu đâu, ông cứ yên tâm đi. Đấy! Tự cấp tự túc cũng có ưu điểm của nó đấy chứ phải không nào?

Bây giờ ra chợ, đấy ông xem, nào phở, mì có formol; mì tôm có E102 vượt ngưỡng; xì dầu có 3 MCPD gây ung thư…Đụng vào cái gì là có cảnh báo về cái ấy, người dân chẳng biết đâu mà lần.

Mới đây thôi, trên đó ông có nghe vụ người ta làm giá đỗ có chất độc không? Thật không tưởng tượng được ông nhỉ? Tôi nói nhỏ nhé, bố cái Mùa là chúa thích ăn giá đỗ đấy, đúng không? Lúc nào ông cũng tít mắt lên bổ lắm, bổ lắm! Tôi biết ông bổ thế nào rồi, nhưng trên đấy thì cố nhịn, không bổ béo gì sất.

Chuyện an toàn thực phẩm nói phát chán? Nhưng tôi cứ nghĩ vẩn vơ thế này ông ạ. Hầu như tất cả các vụ lùm xùm về vệ sinh thực phẩm toàn do báo chí khui ra rồi sau đó cơ quan chức năng mới vào cuộc. Gần đây nhất là mấy bác kiểm tra nói các mẫu giá đỗ ở Hà Nội không có chất độc. Thì cũng phải tin để mà mừng, nhưng thế hóa ra báo chí nói sai, nói quá lên à? Mấy chị bán hàng ngoài chợ làng được thể oang oang nói thấy chưa, thấy chưa, mấy bài báo làm dân buôn thúng bán mẹt như chúng tôi cả tuần không bán được cọng giá nào.

Họ nói chẳng sai đúng không ông? Tôi cứ liên tưởng tới chuyện trộm chó hôm qua. Vì người dân bức xúc, không tin vào pháp luật nên cố sát cả mạng người. Cũng vì bức xúc mà dân làng mình còn chặn cả xe tải hạng nặng chở đất cát nhấn còi inh ỏi rầm rầm chạy qua làng, bụi khói mù trời đấy ông biết chưa? Rồi nghe đâu ở trong Nam, dân cũng không chịu nổi nạn cướp giật mà lập cả đội hiệp sỹ. Tới một lúc nào đó dân cũng hết chịu nổi và có thái độ tiêu cực với mớ rau, miếng thịt thì chẳng biết thế nào nữa. Khổ cả người chăn nuôi, trồng cấy lẫn người tiêu dùng. Hôm trước ông nói mình đang hướng tới một xã hội pháp quyền cơ mà?

Tuần trước, có mấy chị phóng viên trên tỉnh về làng viết về xây dựng nông thôn mới. Các chị vào nhà mình, phỏng vấn tôi, ngồi chơi mãi. Nhà có nải chuối kẹ tí xíu, lại chín quá trông xấu xí, đen xì xì, chẳng dám mời, thế mà các chị không những chẳng chê lại còn khen ngon, như thế mới an toàn. Cũng giống như ông kể trên phố họ chọn mua rau có sâu đấy thôi. Ngẫm chuyện này tôi vừa buồn cười vừa lo ông ạ. Thế chẳng hóa ra thước đo bị thay đổi, chuẩn giá trị đang bị lung lay à?

Tôi đàn bà con gái sức nghĩ ngắn lắm, chẳng lý giải được! Ông ở trên đấy, gần bác giáo Bình, chắc biết hơn tôi.

Thôi, ông nghỉ đi. Nhớ cẩn thận với giá đỗ đấy. Về nhà tôi làm cho mà ăn. Biết là bổ, nhưng bổ dưới quê cho nó lành. Giữ sức ông nhé. Mẹ cái Mùa.