Thứ Sáu, 7 tháng 9, 2012

ĐANG DUYỆT BÀI - GHI VỘI VÀI DÒNG



Thú thực với các bạn có hai loại chương trình trên sóng: một, cố gắng tìm kiếm cái mới, cái độc đáo (hoặc ít ra là thể hiện cái cũ một cách sinh động hơn); hai, làm chương trình để “lấp” sóng. Tạm gọi loại thứ hai là hàng fake.

Tất cả chúng ta từng là người tiêu dùng. Khi mua một món đồ nào đó mà đấy là hàng xịn, dịch vụ hậu mãi tốt, được người bán chào đón ân cần… thì tâm trạng các bạn thế nào? Thỏa mãn! Ngược lại, nếu hàng dỏm, cho dù kỹ năng “làm hàng” rất ma lanh; khi mua, ngon ngọt hứa này hứa nọ, đến khi thắc mắc thì trốn mất tiêu hoặc buông lời khó nghe, phủi tay thoái thác trách nhiệm, thì không cần nói, các bạn cũng biết bực mình thế nào.

Dài dòng như thế để mọi người cùng chia sẻ cái cảm giác duyệt, hoặc đồng cảm với thính giả khi nghe các chương trình “không mới” – một dạng hàng fake. Cuối cùng thì phòng và hệ (vì nhiều lý do) cũng cho qua. Và trên thực tế, đôi khi chẳng có lỗi gì đáng kể để cho đổ, nhưng rõ ràng, nó chẳng có ý tứ gì.

Nghề báo không thể vùi dập và cũng chẳng thể bốc thơm, tất cả hiện lên con chữ. Người yêu quý từng chương trình của mình (và đồng nghiệp) rất khác với một anh làm cốt cho xong - làm hàng fake - để đủ định mức cho cái hai lương rưỡi không hề bé so với công sức bỏ ra.

Người làm hàng thật chau chuốt từng chi tiết, từ mẩu nhạc cắt đến đoạn nhạc nền; cân nhắc từng giọng đọc, đắn đo từng bài hát, có tránh nhiệm đến cùng với sản phẩm. Còn hàng fake che đậy kiểu gì cũng lộ vẻ thô thiển, tạm bợ, từng câu, từng đoạn rời rạc, không có “lửa” và thiếu cảm xúc. Bởi vì sao, vì anh có yêu quý nó đâu? Anh coi nó như đứa con hoang thì sao mà chăm chút được.

Vẫn biết với khối lượng công việc nhiều như hiện nay thì tìm ra góc tiếp cận mới cho một đề tài cũ (hoặc một chủ đề có tính phát hiện) rất khó nhọc; vẫn biết làm thì phải có lúc sai và chẳng thể 10/10 chương trình đều đặc sắc. Hệ biết và đã có cách “khoan thư sức dân”. Nhưng đấy cũng mới chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ để có đề tài độc đáo là vẫn phải liên tục, liên tục suy nghĩ xem cái đó viết ra sao, ở góc nhìn nào; sự việc vụt qua trước mặt, thoảng qua bên tai có đưa vào trang viết của mình được không…

Tạm gọi cái năng lực phát hiện ấy là nhạy cảm báo chí. Đây là tố chất cực kỳ quan trọng, nhưng “bất công” thay, 99% chúng ta không được cái diễm phúc sở hữu nó. Nếu ông trời “tệ bạc” như thế thì chỉ còn cách không ngừng rèn luyện. Rèn luyện để dần thoát khỏi cái bóng người đi trước, không bắt chước (hàng fake) một cách ngô nghê mà phải sáng tạo. Trong bối cảnh thừa mứa thông tin như hiện nay thì điều thính giả muốn nghe chính là cái phần sáng tạo của mỗi cá nhân.

Chẳng ai mới sinh ra đã thành thiên tài, chẳng ai vừa cầm bút bỗng vụt lớn thành đại thụ. Người nào cũng qua bước chập chững chuệch choạc thuở ban đầu. Nhưng nếu miệt mài lao động nghiêm túc và cầu tiến, nghề này chắc chẳng phụ công.

Trong bối cảnh phức tạp và nhạy cảm như hôm nay, chúng ta mừng là được hoạt động ở một lĩnh vực thoáng đãng với không gian rộng mở: văn hóa - khoa giáo. Biết bao nhiêu sự kiện, vấn đề đang chờ ngòi bút của chúng ta khám phá. Tha hồ nhé! Chẳng sợ gì, chỉ sợ nhất là mất đi tình yêu và niềm say mê.

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ