Tôi vừa được cái giải Đồng của Hiệp hội phát thanh truyền hình quốc tế (URTI) nên có dăm ba mẩu chuyện nhỏ liên quan, kể cho vui.
Được giải và nuốt lời.
Khi biết tin có giải, trong giao ban hệ, chị Mai Chi, giám đốc, nói phải thúc vào lưng mới có cái giải Đồng quốc tế này.
Chị Chi nói đúng, sau khi đoạt 3 giải (A, B, C) Báo chí quốc gia, tôi thầm nhủ không thi thố gì nữa.
Giải Vàng năm 2003 là được xếp Yến, khi đó là thư ký chi hội nhà báo, bảo lấy cái chương trình về phân ban, sửa chỗ này chỗ kia đem đi thi. Là nhân viên mình chấp hành, thế thôi.
Nghe đâu giải Vàng cũng oách lắm, bởi thế anh Xuân Bách, trong cuộc họp đã tiến cử mình đi dự ĐH nhà báo. Anh bảo mình trẻ, được giải cao nên xứng đáng đại diện cho Đài dự ĐH nhà báo toàn quốc. Nghe kể lại, cuộc họp ấy quyết liệt, gay gắt ra trò, có người miệng hét tay vung nói tôi cả đời cống hiến, bạc đầu sắp về hưu sao không được đi. Lại có vị khẽ khàng bảo phong độ là nhất thời, đẳng cấp mới là mãi mãi. Chắc có ý nói giải báo chí chẳng qua ăn may, tôi nghệ sỹ ưu tú hẳn hoi, cả đời chuyển thể kịch truyền thanh, mới là đẳng cấp.
Cuối cùng thì người ta cũng chiếu cố cho mình đi dự Đại hội nhà báo toàn quốc. Khiếp, đến ĐH mới thấy toàn cây đa cây đề, giám đốc, tổng giám đốc, tổng biên tập… đầu bạc trán hói, quân lính tháp tùng, xe xe pháo pháo, xách ca táp tới tận cửa phòng họp. Chắc mỗi mình là phóng viên quèn, hẳn nào họ nâng lên dập xuống mãi mới cho đi dự cũng phải.
Mình chẳng nhớ ĐH có nội dung gì, chỉ nhớ vị Chánh văn phòng Hội nhà báo VN lên bục nói dăm ba câu, sau đó chuyển hẳn sang đả kích cá nhân, đại ý cái thằng Chủ tịch Hội khóa trước tài đã hèn đức lại mọn, nhân cách chẳng ra chó gì… Đại biểu nín thở, may sao cây đại thụ là nhà báo Hữu Thọ chặn ngay, nếu không chắc chắn ĐH sẽ biến thành nơi cạnh khóe, chửa bới và rỉa rói nhau.
Chuyện chửi bới nhau ở Đại hội chẳng biết thực hư thế nào, nhưng về ngó cái giải báo chí của mình thì đúng cái ông suýt bị chửi, bị tố là nhân cách xấu xa kia ký, ký tươi hẳn hoi nhé, tự dưng chán.
Kể thêm cái hôm nhận giải Vàng ở Bảo tàng Hồ Chí Minh, lần đó ông Nguyễn Văn An, Chủ tịch quốc hội trao giải Vàng. Quan khách đông đủ, chớp hình lia lịa, phóng viên quay phim lăng xăng chọn chỗ đặt máy. Trao giải xong, ông An lui lại đứng cạnh mình để báo chí chụp ảnh. Bất thình lình mình bị xô nghiêng từ phía sau, một người chen vào đứng cạnh. Hóa ra ông đạo diễn M.C ở VTV muốn có cái ảnh đứng cạnh ông chủ tịch quốc hội.
Mình đứng chệch sang bên nhường chỗ thầm nghĩ, cái giải báo chí phần nào thể hiện tài năng của một nhà báo nhưng hình như nó không luôn song hành với tư cách. Cái giải Vàng trên tay bỗng nhẹ hều, chán. Giờ “có tuổi” ngẫm lại mình cho rằng M.C là người trọng hình thức thôi chứ nói “tư cách” thì nghe nặng nề quá.
Ý định không muốn thi thố nữa xuất hiện từ lúc cần trên tay cái giải Vàng, bị một cú hích nghiêng người, rồi sau đó là chuyện chửa bới ở đại hội. Nhưng khổ, cái thằng tôi tuổi mới ngoài 30, tâm chưa tĩnh, vẫn cứ vướng vào vòng hỷ nộ ái ố của trần gian. Nhớ cái thằng cha nào nói phong độ là nhất thời đẳng cấp mới là mãi mãi lại lộn ruột. Đã thế bố mày thi tiếp xem phong độ với đẳng cấp thế nào.
Hai năm tiếp theo, mình hốt trọn hai giải còn lại trong bộ “huy chương” của Giải Báo chí quốc gia. Mình nghe phong thanh, thằng Phong chắc suốt ngày tính chuyện thi thố. Hóa ra thi với thố chỉ tổ gây ngứa mắt, khó chịu. Biết vậy, mình lặng lẽ rút lui.
Mấy năm liền, Hệ VOV2 không đoạt giải lớn, khi chị Mai Chi về lại càng không. Là chi hội trưởng nhà báo, mình phải có trách nhiệm. Vậy là buộc phải gửi tác phẩm “Huyện một trường, trường một lớp” dự thi Liên hoan phát thanh. Hôm sang Ban thư ký nộp bài dự thi, vì quá số lượng, đã chủ ý rút lại tác phẩm của mình, nhưng chị Lan Hương (trưởng ban) nói cứ để đấy, mày có duyên ăn giải. Đúng là có duyên thật, giải Vàng, được bác Hiền trao hẳn hoi, mình thắm thiết nhìn bác nói cháu cảm ơn, nhưng bác cứ nhìn đi đâu, mình cố bắt chặt tay nhưng sao vẫn thấy long lỏng thế nào. Đây là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng mình được “sờ” tay Tổng giám đốc, nhớ mãi.
Đã định rửa tay gác bút, dẫu chỉ nói với mình, nhưng sau nuốt lời vẫn thấy ngượng.
Mấy tác phẩm này vẫn thời sự .
Nói thêm một chút về chủ đề 3 tác phẩm đoạt giải Báo chí quốc gia. Cái thứ nhất về
phân ban ở THPT, cái thứ nhì về
chương trình và SGK, và cái cuối là
hội khỏe Phù Đổng. Xin cược rằng ba nội dung này tiếp tục là vấn đề nóng của GD hôm nay và những năm tiếp sau. Nói thế để khẳng định, đến hôm nay, mình vẫn trân trọng, tin tưởng và tự hào về nội dung ba tác phẩm được giải nói trên.
Sau này còn một số chủ đề mà nếu chọn đi thi chắc cũng sẽ đoạt giải cao. Đấy là vấn đề về
thiết bị dạy học trong đợt thay sách, lão
sư hổ mang ở Chùa Đậu – Hà Tây và hơn
100 người dân sống vô chính phủ ở ngã ba biên giới: Trung Quốc – Mèo Vạc (Hà Giang) và Bảo Lạc (Cao Bằng).
Về
thiết bị dạy học, một quan chức ở Bộ GD-ĐT đã gọi điện, nhắn tin hằm hè đe dọa mình không dưới một lần sau khi nghe chương trình phát sóng. Có lần vị này còn bâng quơ nói anh Hiền (tổng giám đốc) rủ tớ về Đài nhưng tớ từ chối. Chẳng biết thực hư hay cáo mượn oai hùm. Thằng cha này cay cú lắm nhưng chẳng làm gì được mình. Không 21/6 nào hắn quên chúc mừng, cứ cho là “send group” đi, nhưng khôn ranh, thế lực, ô dù, tiền bạc như hắn mà làm thế thì ít nhiều cũng có động cơ, chắc hắn giễu mình đây.
Còn vụ
lão sư hổ mang ở chùa Đậu (nơi có nhục thân hai vị thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường) mới khiếp, lão gửi đơn kiện mình đi khắp nơi, từ Chủ tịch nước tới Giáo hội, từ Văn phòng chính phủ tới Đài. Chị Kim Cúc (phó tổng) gặp mình nói thôi, đụng vào tôn giáo lúc này phiền lắm. Chùa Đậu trước đó có vụ trộm giết chết một chú tiểu, nhiều cổ vật quý trong chùa biến mất thay vào đó là đồ giả, rồi nhiều chuyện bê bối khác mà chính quyền sở tại cũng phải bó tay. Nghĩ lại giờ vẫn còn cay lão sư bất chính này.
Vụ hơn
trăm người Mông sống như ma, như người nguyên thủy ở lưng chừng trời, trên một rặng núi đá có tên Lũng Cò sát biên giới Việt Trung thì lại là chuyện vừa bức xúc, vừa đau lòng. Mình lấy cái tít
Lũng cò, nước và nước mắt vì trên đó họ chết dần vì khát do thiếu nước, do mất vệ sinh; hơn trăm người không biết mình là dân nước nào, vùng nào...
Mình lên trên đỉnh Lũng Cò gặp đúng đám ma cháu bé 3 tuổi chết vì tiêu chảy (do thiếu nước, mất vệ sinh). Cái xác treo trên vách nhà đã mấy hôm, ở độ cao gần 2000 m, nhiệt độ thấp chứ không thì trương phềnh, thối um rồi. Mình cố dướn người vạch cái chăn chiên ra mà chẳng thấy mặt thằng bé đâu, chắc cái xác đã quắt lại như con chuột.
Mình thu được tiếng kèn, tiếng trống, tiếng người Mông đến làm ma rên rỉ chẳng biết vì say hay vì thương xót thằng bé yểu mệnh. Những tiếng động ấy đã tạo nên một không khí ma quái, chết chóc, tang thương và rùng rợn.
Mình phải kể đề tài này dài chút vì nó là nguồn cảm hứng, là cái tứ cho tác phẩm đoạt giải Đồng của Hiệp hội phát thành truyền hình quốc tế.
Bữa trưa ở trên cánh đồng đá nhọn hoắt như chông chĩa thẳng lên trời có tên Lũng Cò quanh năm mây phủ này là mèn mén ăn kèm mấy gói mỳ tôm lính biên phòng đem theo. Mèn mén đã ăn nhiều hồi còn thường trú ở Sơn La, nhưng đây là lần đầu tiên thấy một bé gái người Mông xay ngô làm mèn mén. Cái tiếng ầm ì của cối đá xay ngô đã ám ảnh mình từ hôm đó.
Hoàng hôn ở Lũng Cò xuống rất nhanh. Bốn lính biên phòng tiểu khu Bảo Lạc xốc ba lô súng ống giục tôi về. Họ lo lắng ra mặt bởi Lũng Cò, dù thuộc lãnh thổ VN nhưng lính Trung Quốc thường ngang nhiên đi tắt qua bản này để tuần biên. Cứ nhìn đầu lọc thuốc lá vứt rải rác là biết. Sự hiểm nguy và mờ ám còn hiện trên những hòn đá được mài phẳng, ghi nắn nót những số hiệu kèm chữ tàu rải rác dọc đường mòn.
Đây là phóng sự rất tâm đắc của mình, nhưng hồi đó tham quá, gửi cả hai tác phẩm thì đời nào họ cho cả hai được giải. Được một cái thôi, cho dù “ Lũng Cò, nước và nước mắt” mình đã ăn gian đề tên Nhật Minh – Thiệu Phong.
Hồi đó chú Trương Cộng Hòa có sửa cho mình tác phẩm này, ông thích lắm, mấy lần bảo mình đưa để chuyển lên cho ông Phạm Thế Duyệt. Bây giờ lục lại không tìm thấy CD của tác phẩm này, tiếc quá.
Làm “nghèo đói” trong hoàn cảnh đói nghèo.
Bây giờ mới kể chuyện làm “ Tiếng cối xay ngô và tiếng kèn lá gọi bạn tình” đoạt giải Đồng URTI.
Nghe được giải Đồng, mới đầu mình cười nhạt nhưng ngó cái quy chế (rules) của URTI thì thấy trên 100 tác phẩm họ chọn ra 4 tác phẩm xếp thứ tự, Grand Prix -> Bạc -> Đồng và Giải đặc biệt (Special award). Như vậy cái Đồng này cũng có giá trị đấy chứ?
Quay trở lại với việc thực hiện tác phẩm “Tiếng cối xay ngô và tiếng kèn lá gọi bạn tình”. Thoạt đầu tôi không có ý định viết, nhưng lãnh đạo hệ quyết định tôi làm một tác phẩm, anh Nhật Minh chỉ đạo quân làm một cái nữa. Mình không giãy ra được, phải làm thôi.
Khi đọc chủ đề nghèo đói tôi nhớ ngay đến món mèn mén và tiếng cối xay ngô mà tôi bị ám ảnh ở Lũng Cò. Tôi hỏi Giàng Xeo Pùa bây giờ còn tiếng xay ngô này không, còn mèn mén không. Pùa nói không. Cái tứ của tác phẩm bắt đầu hình thành như thế.
Đến bây giờ có giải, ngẫm lại lắm lúc cười phì, mình thực hiện tác phẩm có chủ đề nghèo đói này trong hoàn cảnh …đói nghèo.
Xe không dám điều vì đường đi gian nan lắm. Mình và Pùa nhảy xe khách, cũng may xe khách bây giờ khá tốt. Lên đến Bắc Hà 4 giờ 30, tiết kiệm Pùa bảo cứ vào nhà Pao, anh tao. Mình lượn qua nhà anh Pao, thấy trời vẫn mù, nhà vẫn ắng, lại vạ vật. Vài lần như thế mới dám đưa tay nhấn chuông.
Từ Bắc Hà lên Xi ma cai thì đi bằng đủ các phương tiện, xe khách, xe ôm, tự đi và đi nhờ. Nhiều chuyện vui lắm, không kể hết ở đây được.
Đến khi dựng tác phẩm này cũng rất chi là buồn cười. Ngó ngược ngó xuôi xem trong đám các em ở hệ có ai đọc được được chút là nhờ, phòng đọc cũng chẳng có, toàn đọc theo lối "nhảy dù". Đọc mộc xong đem về, đợi tối, khi máy rỗi, ngồi kỳ cạch pha âm. Nghe thấy ổn thì chạy mua cái CD trắng giá 5 ngàn đút vào máy tính và… burn. Sau 5 phút đã có một sản phẩm đoạt giải Đồng quốc tế, hi hi.
Hôm trình bản thảo cho lãnh đạo hệ VOV2 xem, hệ yều cầu thêm chỗ này bỏ chỗ kia. Chị Chi nói nếu không bỏ đi, ngộ nhỡ được giải mà họ đem ra "bêu" thì sao? Lúc đó mình tiếc nhưng lúc này mình thấy đó là sự thận trọng cần thiết. Chị Chi nói thấy vẫn chưa ổn. Mình lo, nhưng sau đó thì đánh giá cao ý nghĩa quản lý trong nhận định này.
Chẳng biết bên Quan hệ QT có làm cái nhãn CD tử tế không, nhưng hôm đó, vì mình chữ xấu nên nhờ Phương Trang viết cái nhan đề rồi dán vào CD, trông buồn cười lắm. Lẽ ra phải có logo VOV hoành tráng, in ấn màu sắc, trang trọng. Ờ, mà biết đâu thô mộc và handmade như thế tây nó lại thích thì sao. Vả lại, quan trọng ở cái nội dung. Song, vẫn tiếc, nếu in CD bằng máy chuyên dụng thì chất lượng hơn nhiều.
Trong văn bản giao nhiệm vụ của lãnh đạo đài có phân công trách nhiệm cho từng bộ phận đấy, nhưng…, có đưa cái văn bản đó sang thì thưa gửi trình bẩm và chờ tướt bơ, thôi mỗ tự làm.