Chơi với con, sao mà khó thế!
Vừa gặp tôi ở cổng cơ quan, Quỳnh – cô bạn động nghiệp đã than vắn thở dài, nói đêm qua mệt quá anh ạ. Vốn tính tếu táo, tôi cười cười nói anh rất muốn chia sẻ cùng em nhưng trước hết nên coi đó là tin tốt hay tin xấu đã. Quỳnh nghiêm mặt nói không anh ạ, chị ô - sin về quê, con bé nhà em nhất định không chịu ngủ với mẹ. Hỏi sao, Quỳnh bảo nó quen ngủ với osin rồi chớ sao.
Chuyện chỉ có vậy nhưng nó cứ lởn vởn trong đầu tôi cả buổi. Tôi thử lý giải vì sao con cái lại thích ngủ với người lạ hơn cả mẹ mình. Câu trả lời ai cũng thấy là ngày nay nhiều bậc phụ huynh quá bận bịu với mưu sinh nên ít có thời gian bên con. Con ngày học với cô, tối ở với ô sin nên mãi thành quen. Ô sin nghiễm nhiên thành mẹ.
Nhớ lại cái thế hệ tuổi hơn 40 như chúng tôi, nhà nào ở nông thôn mà đông con thì tối cha mẹ đôi khi cũng chẳng biết chúng ngủ đâu. Điểm “quân số” không đủ, ới cổng trước, hò cổng sau chẳng thấy hóa ra vài đứa ngủ vùi trong đống rơm. Đúng là thời đó cha mẹ bận việc đồng áng cũng có ít thời gian quan tâm tới con cái nhưng con trẻ chẳng đứa nào rời xa được cha mẹ.
Đến hôm nay, chuyện con cái thích ngủ với ô sin hơn với mẹ chẳng biết nên buồn hay vui. Ối nhà kiếm được chị ô sin hợp con hợp cháu như thế thì mừng húm như đào được vàng, giữ rịt trong nhà. Hễ ô sin ngỏ ý muốn về quê là vợ chồng lại nhỏ to thầm thì bàn bạc xem “chế độ đãi ngộ” thế nào. Thời buổi này kiếm được chị em ô sin quý con quý cháu mình như thế đâu dễ. Trẻ con tinh nhạy lắm, phải thương quý chúng thật lòng thì mới mong chúng đáp trả tình cảm. Yêu kiểu đầu môi chót lưỡi thì may lắm cũng chỉ lấy được của trẻ lời chào, không bao giờ tìm được nụ hôn và cái ôm chầm thắm thiết. Vậy nên khi con cái hợp với ô sin, thích ngủ với ô sin, thì ở một góc độ nào đó, cũng là điều mừng.
Chuyện về người giúp việc thời nay nhiều vô kể. Hàng xóm nhà tôi một hôm tá hỏa khi đứa con gái đang tuổi bập bẹ nhất định không chịu nói “đi dép” mà nói thành “đeo dép”. Hóa ra cháu học cách nói của chị ô sin, một người quê Vĩnh Phúc. Gia đình sửa mãi chẳng được, cuối cùng đành tiếc nuối để ô sin tạm nghỉ trong thời gian cháu học nói.
Nếu trẻ thích ngủ với ô sin hơn với mẹ, ưa nói “đeo dép” hơn “đi dép” thì rõ ràng một phần văn hóa của người giúp việc đã thấm vào suy nghĩ và hành động của con trẻ. Nếu người giúp việc chân chất, thật thà, hồn hậu thì thật quý hóa, nhưng ngộ nhỡ chẳng may gặp người còn nhiều khiếm khuyết trong hành vi, ứng xử thì hậu quả khôn lường.
Chẳng có ô sin thì cha mẹ cũng đã phải học cách chơi với con. Chơi với con, trò chuyện với con, học cùng mỗi ngày vài giờ liệu có khó không? Vẫn biết cuộc sống ngày càng nhiều áp lực, nhưng người mẹ nào ý thức được tầm quan trọng của việc giao lưu mẹ - con ấy thì chẳng có gì là khó. Nói vậy nhưng vẫn có người mẹ, vì đi làm về mệt, đã quắc mắt quát con, hỏi gì mà hỏi nhiều thế; nói gì mà nói lắm thế; đừng bám lấy mẹ nữa, mẹ mệt lắm…Những câu tưởng vô hại, nhưng kỳ thực nó đang đào sâu thêm cái hố ngăn cách giữa tình cảm mẹ con. Rồi một ngày kia, họ bỗng giật mình khi thấy con cái im ỉm mỗi đứa một phòng, chẳng đứa nào muốn tâm sự cùng cha mẹ. Đến khi ấy, nếu xảy ra xung đột, thì giải quyết mọi việc sẽ vô cùng gian nan.
“Một giọt máu đào hơn ao nước lã”, không ai thương yêu con cái bằng cha mẹ. Cha mẹ nào cũng muốn mọi điều tốt đẹp và toàn bích cho con. Chính vì thế, họ luôn mong muốn được dìu dắt những bước đi đầu đời của con. Mong ước là vậy, nhưng cuộc mưu sinh khắc nghiệt và đầy ma lực đôi khi đã cuốn người ta đi. Đã có người quên mất tài sản quý nhất mà họ đang sở hữu là con cái chứ không chỉ biệt thự và xe hơi. Bởi thế đã có người thốt lên, chơi với con, sao mà khó thế ?
Ngô Thiệu Phong.
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ