Chủ Nhật, 9 tháng 10, 2011

Những bài học về kế sách giữ nước của ông cha.

Năm 216 TCN, nhà Tần bình định Bách Việt, trong đó có Lạc Việt và Âu Việt của nước Văn Lang thời Hùng Vương. Tần Thủy Hoàng tổ chức 50 vạn quân giao cho tướng Đồ Thư phụ trách (đến công nguyên nước ta mới có khoảng 1 triệu dân).

Đánh Bách Việt, chúng không chỉ dùng số lượng binh lính hùng mạnh mà đi theo đạo quân ấy còn có thêm một lực lượng khác mà chính sử Trung Quốc gọi là tội đồ, là “chuế tế” (rể tồi), đại diện cho lực lượng nhân chủng bất hảo.
Chúng đi theo lực lượng quân đội với nhiệm vụ kết ngẫu với nữ cư dân bản địa để tạo ra một giống người phương Bắc, thưc chất là di truyền gen và giống rất tồi cho nước bị xâm lược.

Trong cuộc xâm lược đàn áp cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, Mã Viện cũng vẫn tiếp tục vận dụng âm mưu thâm độc này.

Sau khi đàn áp cuộc khởi nghĩa Hai Bà ở thế kỷ thứ I, trước khi về nước, Mã Viện đã để lại một bộ phận lính tráng sống hỗn canh hỗn cư với người Việt mà lúc đó đã bị nhà Hán đặt ách đô hộ. Nói cách khác, phong kiến phương Bắc không chỉ dùng vũ lực, tấn công nước Việt bằng sức mạnh quân sự, mà còn muốn xâm lăng dân tộc ta cả về văn hóa.

Trong quyển Thủy kinh chú (ghi chép về các dòng chảy), một tác giả viết sách địa lý người Trung Hoa tên là Lịch Đạo Nguyên, ghi lại rằng, trong một lần đi du lịch để viết sách (thế kỷ 5- 6), ông đến một nơi có thủy danh là sông Thọ Linh (sông Gianh – Quảng Bình). Tới đây, Lịch Đạo Nguyên thấy một đám đông người chạy ra chào đón ông, một người từ phương Bắc đến dòng sông ở phương Nam xa xôi, và đám đông tự xưng: “Chúng tôi là Mã Lưu Nhân đây”. Mã chính là Mã Viện, có nghĩa là người của Mã Viện để lại.

Bây giờ đến bên bờ sông Gianh - Quảng Bình, chúng ta không còn thấy dấu vết gì của đám Mã Lưu Nhân ấy nữa. Có được như thế là nhờ ông cha ta biết cách chống lại âm mưu Hán hóa.

Vào TK 19, hai ông Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái có viết “Đại Nam quốc sử diễn ca”, trong đó có 4 câu nói về cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng ở thế kỷ thứ I: Bà Trưng quê ở Châu Phong / Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên/ Chị em nặng một lời nguyền/ Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân. Như vậy, theo hai tác giả này thì động cơ nổi dậy khởi nghĩa chỉ vì “lời nguyền”, vì “thù chồng” ?

Việc trình bày động cơ kháng chiến của Hai Bà theo quan điểm của nhà Nho đã ảnh hưởng đến việc nhận thức của nhiều người. Rất may, trong quyển sử ca dân gian cổ hơn cả Đại Nam quốc sử diễn ca là sách Thiên Nam ngữ lục, ở đó có bảo lưu trữ 4 lời thề sống hát của Hai Bà Trưng vào lúc ra quân đánh giặc: Một, xin rửa sạch quốc thù / Hai, xin khôi phục nghiệp xưa họ Hùng / Ba, kẻo oan ức lòng chồng / Bốn, xin vẻn vẹn sở công lênh này. Như vậy “rửa sạch quốc thù” và “khôi phục nghiệp xưa họ Hùng” mới là “cương lĩnh” chính trong cuộc nổi dậy của Hai Bà. Cuộc nổi dậy nhân danh việc bảo lưu gìn giữ truyền thống để đánh giặc giữ nước chứ không chỉ vì chuyện gia đình. Kế sách giữ nước ở đây là coi trọng giá trị truyền thống dân tộc.

Lịch sử đã ghi lại rằng, ngay từ cuộc đàn áp của Mã Viện vào thế kỷ thứ nhất, thì phong kiến phương Bắc đã ỷ vào số lượng để tràn xuống phương Nam, đất Việt. Chúng đã tàn sát binh lính và trai tráng nước Việt. Trong thời gian dài đô hộ, do hoàn cảnh đã xuất hiện nhiều gia đình chồng Hán vợ Việt, nhưng những đứa con sinh ra khi đòi bú mẹ thì không nói xỉnh mủ xin cẩy ủa nai mà nói rằng, mẹ ơi cho con bú.

Khi sinh, đứa trẻ biết nói mẹ ơi cho con bú, đến khi về với ông bà tổ tiên, người Việt cũng có những táng thức riêng của mình cho dù đang sống trong đêm dài Bắc thuộc. Điều này được minh chứng qua khảo cổ. Ngày nay, bên cạnh những ngôi mộ Hán xây cuốn vòm bằng gạch múi bưởi, thì ở nhiều nơi tiếp tục phát hiện các mộ thuyền (quan tài bằng thân cây khoét rỗng hình thuyền) của người Việt cổ.

Trong lịch sử, kẻ đi đồng hóa nhiều khi lại bị đồng hóa bởi đối phương có một nền văn hóa phát triển và đặc biệt là khi đối phương có ý thức cũng như biện pháp giữ gìn bảo lưu. Một quốc gia không còn nếu mất đi ngôn ngữ, bởi mất ngôn ngữ là mất văn hóa, mất văn hóa thì một quốc gia chỉ còn là cái “xác”. Trải qua hàng ngàn năm Bắc thuộc, rồi đế quốc thực dân cai trị, nhưng cha ông ta vẫn giữ được tiếng nói của mình, sáng tạo ra chữ Nôm, bảo tồn chữ Việt. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, tiếng Việt đang bị đe dọa và thực tế đã bị xâm phạm nghiêm trọng. Tiếng Việt đang xấu đi nếu không có biện pháp chấn chỉnh. Và từ chỗ “xấu” đi tới chỗ mất hẳn không bao xa. Đó là bài học thứ nhất.

Khi nói tới biểu tượng văn hóa truyền thống của cha ông phải kể tới trống đồng. Thực ra trong quan niệm của người Việt cổ, đây là mô hình vũ trụ, có niên đại từ thời Hùng Vương.

Mặt trống đồng được người Việt cổ coi là tầng thứ nhất của vũ trụ, gồm có mặt trời và sinh vật chuyển động xung quanh mặt trời, ngược chiều kim đồng hồ. Tiếng Mường - ngôn ngữ việt cổ - gọi là tầng thứ nhất này là “mường blời”, tức là mường trời. Chim muông, con người xoay quay mặt trời gọi là mường tác, tức mường đất. Tang trống gọi là mường nác, tức là mường nước. Và dưới cùng gọi là mường âm phủ, ở đó có tổ tiên người Việt. Thuật ngữ gọi cấu trúc này là ba tầng bốn thế giới. Người chế tác ra mô hình vũ trụ như thế là người làm chủ cả vũ trụ, đấy là người được tôn làm thủ lĩnh thời các vua Hùng .

Lần đầu tiên, mô hình vũ trụ ấy được gọi là trống đồng khi được nhắc tới trong sách Hậu Hán thư của Trung Quốc, được viết vào thế kỷ thứ 5, trong đó chép sự kiện Mã Viện đi trấn dẹp cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng đầu công nguyên, nguyên văn như sau: Mã Viện ư/ Giao Chỉ đắc/ Lạc Việt đồng cổ, tức là: Mã Viện ở đất Giao Chỉ đã lấy được những chiếc trống đồng của người Lạc Việt. Như vậy là người phương Bắc gọi cái mô hình vũ trụ, biểu tượng quyền uy của các vua Hùng là trống đồng. Trong sách Hậu Hán thư còn ghi rõ Mã Viện đã cướp những chiếc trống ấy đem về đúc thành những con ngựa bằng đồng rồi đặt ở cổng thành Lạc Dương, kinh đô nhà Hán lúc bấy giờ.

Thâm ý trong hành động này của Mã Viện là muốn nhắc người Việt rằng, biểu tượng quyền uy, mô hình vũ trụ của dân tộc Lạc Việt bây giờ đã bị biến thành những con ngựa để canh cổng thành cho nhà Hán. Về bản chất, đây là một kiểu chiến tranh tâm lý nhằm hạ uy tín, thủ tiêu sức mạnh tinh thần của người Việt.

Đối sách của tổ tiên ta thời kỳ đó là đem những bảo vật, mà người phương Bắc gọi là trống đồng ấy, đem đi chôn. Và đến hôm nay, nhiều chiếc trống đồng quý vẫn tìm thấy trong lòng đất. Bảo vệ giá trị tinh thần giá trị văn hóa của dân tộc chống lại chiến tranh tâm lý của ngoại bang cũng là một phương cách giữ nước của ông cha ta. Đó là bài học thứ hai.

Ngày nay, bên cạnh cuộc chiến khắc nghiệt trên thương trường, thì lấn át về văn hóa cũng là một cách gây ảnh hưởng và khẳng định vị thế “bề trên”. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều nhà khoa học phản ứng bộ phim kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội được quay và dựng ở Trung Quốc. Trong bối cảnh hội nhập, chúng ta không nên và không thể đi theo xu hướng “bài Hoa” hay tẩy chay bất kỳ một dân tộc nào, nhưng cũng quyết không để truyền thống và bản sắc dân tộc bị đánh cắp một cách trắng trợn. Đã có lúc chúng ta để cho phim Trung Quốc làm mưa làm gió trên làn sóng, thậm chí vào cả những giờ vàng.

Điều đáng chú ý là sự lấn át về văn hóa này sẽ đi từ từ, bằng những cách êm dịu, uyển chuyển thông qua những cửa ngõ và vùng xung yếu của đất nước. Nền văn hóa truyền thống của nhiều sắc dân miền núi phía Bắc, đặc biệt dân tộc Mông, đang bị xâm lăng. Bản sắc của nhiều dân tộc thiểu số ít được quan tâm lưu giữ, hoặc nếu có cũng không hiệu quả, trong khi đó văn hóa ngoại lai chưa được chọn lọc lại đang tràn vào dữ dội. Thị trường băng đĩa cho dân tộc Mông là ví dụ điển hình. Chúng ta đều biết hai dân tộc chiếm số lượng đông đảo ở phía Bắc (nơi phên giậu của tổ quốc) là Mông và Thái. Người Mông dữ dội, người Thái hiền hòa, nhưng cả hai cùng chung một đặc điểm là tinh thần dân tộc rất cao. Họ ý thức rất rõ quá trình thiên di từ Trung Quốc, quê hương của họ, xuống phương Nam (nước ta) cách đây vài thế kỷ. Đó là điều lưu ý thứ tư.

Trong lịch sử, nếu như Triệu Quang Phục (Triệu Việt Vương) là ông tổ của chiến tranh du kích khi lui binh về đầm Dạ Trạch để đánh giặc Lương, thì “người tiền nhiệm” - Lý Bý (Lý Nam Đế) - lại là người đầu tiên dám xưng đế ở vùng đất mà các hoàng đế Trung Hoa chỉ coi là một quận của họ.

Năm 542 Lý Bí dấy binh đánh giặc Lương và giành chiến thắng vào năm 544. Lý Bí tự xưng Hoàng Đế, lấy hiệu Lý Nam Việt Đế, đặt tên nước là Vạn Xuân (Vạn Xuân nghĩa là ước muốn xã tắc truyền đến muôn đời). Chữ đế ở đây rất có ý nghĩa bởi từ thời Hùng Vương, có luật bất thành văn là, thiên hạ xuất hiện nhiều bậc quân trưởng, những bậc quân trưởng ấy có thể làm vua từng miền, từng nước, nhưng chỉ được xưng vương và cao nhất là đại vương chứ không được phép xưng đế. Chức danh đế thì chỉ một người làm quân trưởng ở nước Trung Hoa được phép xưng mà thôi. Cái luật không thành văn này rất khắc nghiệt. Nếu vùng nào có người xưng đế thì bị kết tội tiếm xưng đế hiệu và quân đội thiên triều từ Trung Hoa sẽ kéo tới trừng phạt. Nhưng bây giờ ở nước Việt phương Nam lại có một người họ Lý xưng đế. Cho dù Lý Bí ở ngôi vỏn vẹn có 4 năm nhưng sự kiện này đánh dấu sự bình đẳng, sự trưởng thành về ý thức dân tộc. Đây là lần đầu tiên, ở thế kỷ thứ 6, người Việt khẳng định làm chủ nước Việt với tư thế hoàn toàn mới: Phương Bắc có Bắc Đế thì phương Nam có Nam Đế.

Lịch sử đã chứng minh, kẻ thù phương Bắc luôn rình rập nhằm hạ uy tín, triệt tiêu tinh thần dân tộc của người Việt. Chúng ta càng nhún nhường thì chúng càng lấn tới. Dũng cảm và đầy khí phách vượt qua cái bóng của thiên triều là điều ông cha ta đã làm được và thành công. Đó là điều lưu ý thứ năm.

Đem lịch sử rọi chiếu vào những vấn đề hôm nay (đang diễn ra ở Biển Đông) thì có nhiều điểm chúng ta băn khoăn. Vẫn biết đối sách của chúng ta là mềm mỏng, hòa hiếu, hòa bình…, nhưng đừng để người dân hoài nghi khi nhà chức trách không (hoặc chưa) biểu lộ một thái độ kiên quyết và dứt khoát trước những chứng cứ rành rành về sự lấn lướt của phía bên kia.

Trong khi báo chí chính thống của Trung Quốc rêu rao “Việt Nam vô ơn bội nghĩa”, “Tây Sa, Nam Sa là của Trung Quốc…”, cùng nhiều lời lẽ, ngôn từ mang tính răn đe, hù dọa kiểu nước lớn như “dạy cho VN một bài học thứ hai”, “thời cơ cho sử dụng vũ lực ở Biển Đông…” thì đến câu “quân Trung Quốc tiến công xâm lược Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía Bắc vào ngày 17/2/1979” trong SGK (đã có giai đoạn) chúng ta phải cắt bỏ. Một thực tế lịch sử như thế sao không dám khẳng định một cách đường hoàng?

Không dám nói một thực tế lịch sử (thể hiện khí phách của dân tộc) đồng nghĩa với việc làm nhụt ý chí, làm mất niềm tin và sức mạnh của dân tộc.
Từ cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc 1979, Việt Nam chịu mọi sự o ép của Trung Quốc và trên thực tế Việt Nam đã nhún nhường trên tinh thần hữu hảo, anh em, hòa bình để phát triển…, nhưng Trung Quốc vẫn tiếp tục gây rối tiến đến đòi chiếm hữu một cách phi lý phần lớn Biển Đông.

Nhà nghiên cứu kinh tế biển, GS Chu Hồi có lần nói: “Với Biển Đông, từ thời Mao Trạch Đông, Trung Quốc đã thống nhất về chủ trương và kỷ cương trong hành động.” Do vậy, liệu có nên nghĩ rằng, thái độ mềm mỏng đến mức yếu đuối của Việt Nam sẽ được một nước mà tư tưởng bành trướng có từ thời cổ đại, xem xét chiếu cố?

Ngô Thiệu Phong

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ