Thứ Hai, 27 tháng 6, 2011

Người cao tuổi trong gia đình: Gậy chống hay tay vịn?

Ngạn ngữ có câu: "Đằng sau thành công của đàn ông luôn có bóng dáng người phụ nữ ". Chúng tôi rất muốn câu này có thêm một dị bản là: “Đằng sau một gia đình hạnh phúc, thành đạt luôn có bóng dáng của ông bà mẫu mực.”

Có người phân tích: Người đàn bà đứng sau sự thành công của người đàn ông kia không chỉ là vợ mà còn là chính mẹ mình. Dẫu là mẹ hay vợ thì cũng đều đại diện cho gia đình và cho thế hệ đi trước. Phân tích như vậy càng củng cố thêm nhận định về vai trò không thể thiếu của người cao tuổi trong gia đình, đặc biệt với các gia đình VN.

Cái thời mà sự lạm dụng ngôn từ chưa đến mức báo động, cạnh tranh bằng mọi giá chưa được đặt lên hàng đầu thì hai chữ “gia truyền” rất được tín nhiệm. Tiệm nào có hai chữ “gia truyền”, như phở gia truyền, rèn gia truyền, thậm chí cắt tóc gia truyền… sẽ có đông khách. Vì trong con mắt người dân, tiệm ấy được thừa hưởng những kiến thức, bí quyết, kinh nghiệm từ cha ông. Vì thế sản phẩm hoặc dịch vụ hẳn có chất lượng.

Một tiệm mỳ vằn thắn ở chợ Hôm, Hà Nội không có biển hiệu gia truyền nhưng luôn có bóng dáng một ông cụ ra vào chỉnh lại ống đũa, đặt lại lọ tương ớt, nhắc nhở việc phục vụ... Sự có mặt của ông lão khiến thực khách thấy ngon miệng hơn, ít ra là về mặt tâm lý, vì người bảo trợ cho quyền lợi thực khách chính là ông lão – chủ gia đình. Rõ ràng vai trò của ông cụ rất lớn! Nó làm điểm tựa, là chỗ dựa tin cậy cho cả người bán lẫn người mua. “Gia truyền” hay nói đúng hơn là các thế hệ đi trước đã xây dựng nên thương hiệu.

Có lẽ ít quốc gia nào thể hiện thái độ tôn trọng người cao tuổi trong xã hội và trong gia đình rõ như ở VN. Ở những quốc gia Âu Mỹ, khi nói đến trưởng bản, già làng, nghệ nhân… thì người ta chỉ biết đó là những người cao tuổi được trao một trọng trách hoặc thành thạo một nghề nào đó. Họ chưa biết tới ý nghĩa và quyền lực về mặt tinh thần của trưởng bản, già làng hay nghệ nhân. Cũng chẳng thể trách vì văn hóa khác nhau. Nhưng những người VN đều nhất trí coi già làng, trưởng bản, nghệ nhân là những người có uy tín, thậm chí “chăm sóc phần hồn” cho một cộng đồng nhỏ. Và, đương nhiên, tiêu chí đầu tiên phải là người cao tuổi.

Trong cộng đồng như bản, làng… có già làng, trưởng bản; còn trong cộng đồng bé hơn nữa là gia đình thì có bố mẹ ông bà. Đây chính là những trụ cột về vật chất khi con cái chưa trưởng thành, đồng thời là điểm tựa vững chắc về tinh thần cho gia đình khi bố mẹ đã nên ông nên bà.

Chúng ta nói nhiều cá nhân hư hỏng có nguyên nhân từ gia đình. Thường thì những gia đình đó lâm cảnh ly tán, bố mẹ ly thân; ông bà, vì một lý do nào đó, không bảo ban được con cháu... Điều đó dễ kiểm chứng và cũng dễ hiểu. Nhưng với những gia đình thành đạt, hạnh phúc thì mối liên hệ, tác động, ảnh hưởng thế nào giữa các thế hệ nối tiếp?

Nếu ví gia đình là kiêu gạch lớn, mỗi thế hệ, thành viên trong gia đình là những hàng gạch và viên gạch con; thì viên gạch xếp đầu tiên thuộc thế hệ cha ông. Viên gạch này nếu ngay ngắn, vững vàng… thì các viên kế tiếp đặt lên trên mới không lung lay, đỗ vỡ.

Một gia đình hạnh phúc, thành đạt phải có nền tảng từ một gia đình có truyền thống nề nếp, gia phong. Gia đình nhà giáo Nguyễn Lân là ví dụ điển hình. Ở Hà Nội còn một gia đình nữa là gia đình nhà giáo Lê Văn Giạng, nguyên Thứ trưởng Bộ ĐH và Trung học chuyên nghiệp. Bác Giạng có 3 người con gái thì cả ba đều là những trí thức thực thụ. Vai trò của ông bà đối với các cháu, bố mẹ đối với con cái trong những gia đình như thế rất rõ. Họ như cái tay vịn cho cả gia đình nương vào để từng bước đi lên vững chắc.

Ngày nay, người ta sử dụng thuật ngữ gia đình hạt nhân, với ngụ ý gia đình một hoặc hai thế hệ - chỉ có một vợ một chồng và hai con. Gia đình hạt nhân là gia đình theo kiểu hiện đại; nó khác với gia đình truyền thống, gia đình có nhiều thế hệ. Hạt nhân hay truyền thống đều có ưu điểm, nhược điểm. Tuy nhiên, mô hình gia đình truyền thống vẫn tồn tại phổ biến ở VN, một quốc gia hơn 70 dân số sống bằng nghề nông, chịu ảnh hưởng của Nho giáo. Trong bối cảnh như thế, người cao tuổi vẫn đang giữ vị trí quan trọng trong gia đình.

“Con hư tại mẹ cháu hư tại bà” là câu phê bình, nhắc nhở về cách nuôi dạy con. Song, nhìn ở một góc khác, câu trách móc này mang yếu tố dương tính rất rõ. Đấy là nó thể hiện cụ thể nhất vai trò người mẹ và bà trong việc nuôi dạy con cháu.
Vợ chồng trẻ lấy tấm gương của bố mẹ để đối đãi với nhau sau này; con cháu trong gia đình thì coi cách hành xử của bố mẹ với ông bà là bài học sống động về đạo đức. Người cao tuổi là tấm gương mẫu mực thì con cháu ắt thảo hiền. Nói thế để thấy vai trò của người cao tuổi trong gia đình vô cùng quan trọng trong việc xây dựng nhân cách và lối sống cho các thế hệ tiếp sau.

Ngô thiệu Phong

Vai trò phụ nữ trong gia đình.

VN là một xã hội phương Đông, chịu ảnh hưởng Nho giáo và lễ giáo phong kiến. Ở đó vị trí người phụ nữ thường không được đề cao. Song thực tế lịch sử lại chứng minh: Vai trò người phụ nữ không chỉ trong gia đình mà còn gánh vác trọng trách của đất nước. Bà Trưng, Bà triệu, Nguyên Phi Ỷ Lan…là những ví dụ điển hình. Trong tôn giáo, tục thờ Mẫu trong dân gian là một minh chứng cho vai trò người phụ nữ. Trong xã hội hiện đại, vai trò phụ nữ trong gia đình càng cần thiết. Nó là đối trọng giúp cân bằng nhiều yếu tố nảy sinh trong cuộc sống công nghiệp.

Bỏ đi các thiên kiến về giới trong ngôn từ, chúng ta thấy trong xã hội có rất nhiều ngạn ngữ, châm ngôn khẳng định vai trò phụ nữ. Ví dụ như: “Đàn ông lo nhà, đàn bà lo bếp”, “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, “Đằng sau người đàn ông thành công có bóng dáng người phụ nữ”, “Giáo dục một người đàn ông thì được một gia đình, giáo dục người phụ nữ thì được cả một thế hệ”, Đàn ông là cái giỏ, đàn bà là cái hom”, “ Của chồng công vợ”…

Nếu trong xã hội, phụ nữ đảm nhiệm vai trò chẳng kém so với đàn ông, thì trong gia đình, họ lại có vị trí càng quan trọng vì được tạo hóa trao cho thiên chức làm vợ, làm mẹ. “Con hư tại mẹ cháu hư tại bà” là câu phê bình, nhắc nhở. Song, nhìn ở một góc khác, câu trách móc này mang yếu tố dương tính rất rõ. Nó thể hiện cụ thể vai trò người mẹ và người bà trong nuôi dạy con cháu.

Một câu ngạn ngữ dùng thủ pháp so sánh hơi khập khiễng, đó là “Cha sinh không bằng mẹ dưỡng”. Tất nhiên, ơn cha nghĩa mẹ chẳng thể so sánh, nhưng ở đây muốn nhấn mạnh tới công lao người phụ nữ trong nuôi dạy con.

Do đặc điểm thể chất và tâm lý, phụ nữ xưa nay thường được gắn với một số công việc nhất định như bếp núc, việc nhà, nuôi tằm, dệt vải... Đàn ông có sức vóc thì đi ra xa hơn khỏi ngôi nhà của mình để kiếm sống. Trong quá khứ cũng như hiện tại, chưa ai chứng minh được và dám khẳng định công việc của đàn ông quan trọng hơn công việc của phụ nữ.

Chúng ta thường nói: “Gia đình là tế bào của xã hội”. Câu này thực chất khẳng định sự ổn định và phát triển của gia đình đồng nghĩa với sự ổn định và phát triển của đất nước. Dĩ nhiên, từng tế bào đơn lẻ và rời rạc không thể hình thành nên xã hội. Chính mối liên hệ giữa những tế bào ấy mới tạo thành xã hội đa sắc. “Mối liên hệ” lành mạnh, có tác động tích cực tới sự phát triển của xã hội khi đứng trên nền tảng một gia đình ổn định, hạnh phúc. Trong khi đó, gia đình không thể thiếu vai trò của cả người đàn ông và đàn bà bởi một lẽ đơn giản: Không có phụ nữ thì không thể hình thành một gia đình trọn vẹn.

Tiện nghi sinh hoạt và những dịch vụ ngày càng thuận tiện có thể giúp phụ nữ bớt vất vả nhưng không thể thay thế được vai trò của họ trong gia đình. Gia đình có máy rửa bát, có người giúp việc… nhưng không thể cho con bú qua mạng hoặc hát ru cho con nghe bằng máy số Mp3; chúng ta có máy điều hòa hai chiều ấm sực nhưng chẳng có hơi ấm nào bằng hơi ấm tỏa ra từ chính người mẹ.

Trong xã hội hiện đại, vai trò phụ nữ trong gia đình vẫn vẹn nguyên, thậm chí còn nặng nề hơn. Vì người phụ nữ đã chủ động tham gia vào mọi công việc của đời sống chính trị - kinh tế - xã hội trong khi “thiên chức” không ai thay được.

Theo lẽ tự nhiên, tạo hóa đã rất công bằng và có lý khi sinh ra trên trái đất này một nửa là đàn bà. Mọi sự can thiệp thô bạo vào tự nhiên đều phải gánh chịu hậu quả. Một số nước đang mất cân bằng giới tính nghiêm trọng do áp dụng các biện pháp chọn lọc giới tính trước khi sinh. Những quốc gia đó đang phải đối mặt với nhiều vấn đề xã hội nảy sinh. Tất cả những điều đó, không có gì khác hơn, là minh chứng rõ nhất về vai trò không thể thiếu của phụ nữ trong gia đình, ở bất kỳ một xã hội nào./.

Ngô Thiệu Phong

Thứ Sáu, 17 tháng 6, 2011

Gọi chồng về trong cuộc rượu ( Nói với người khác giới 1)

Trong kho tàng truyện cười, truyện ngụ ngôn có nhiều truyện kể các bà vợ muốn giữ vai trò “chỉ huy” nhưng khéo léo tìm cách giữ thể diện cho chồng trước mặt khách hoặc bạn bè. Đây là những mẩu chuyện rất đáng để chị em tham khảo. Trên thực tế nhiều chị em đã ứng xử với chồng khéo léo, tế nhị trước mặt khách, nhưng vẫn còn một số xử sự vụng khiến đức lang quân… đỏ mặt. Gọi chồng về trong cuộc rượu là một tình huống cụ thể như thế.

Đàn ông thường quảng giao. Thân hay sơ, ai cũng có bạn. Các cuộc vui bia rượu cũng lắm loại: ngoại giao, công việc, tiếp khách, bạn cũ lâu ngày gặp lại .v.v. Tùy nội dung của chiếu rượu mà chị em nên có cách ứng xử cho hài hòa.

Thật khó xử nếu chồng đang tiếp đối tác làm ăn quan trọng mà chị em lại xuất hiện với bộ mặt đằng đằng sát khí, khách hỏi cũng chẳng thèm trả lời…

Lẽ thường đàn ông vốn hay sỹ diện, trước mặt bạn bè, tính sỹ càng thể hiện rõ. Bởi thế, mọi biện pháp có thể gây tổn thương lòng tự trọng của người chồng đều dẫn tới thất bại, thậm chí thảm họa.

Tôi từng chung chiếu rượu với một số anh. Lúc uống đang hăng, chợt điện thoại ai đó reo vang. Vào thời khắc ấy thì cả mấy ông trong bàn rượu đều đoán chắc vợ đang giục về. Thường thì phỏng đoán này không sai. Ngừng uống! Mọi ánh mắt đồ dồn về phía người đang a lô. Kiểu gì cũng có vị nào đó trong bàn nhậu tủm tỉm chuẩn bị vài câu châm chọc, móc máy hay khích bác… Trong hoàn cảnh như thế mà đầu dây bên kia lại té tát hoặc cắm cảu thì khác gì thêm dầu vào lửa.

Sẽ có hai tình huống xảy ra: Một, chồng tiếp tục chiếu rượu nhưng tâm trạng bất an, uống cũng chẳng vào. Như vậy là cuộc điện thoại phần nào phá hỏng cuộc vui. Hai, chồng đứng dậy ra về nhưng bộ mặt chắc là “nặng” hàng tấn. Bạn bè ngồi lại chẳng thể hồ hởi như lúc ban đầu. Ông chồng đứng dậy ra về với tâm trạng hối lỗi: Chỉ vì mình mà cuộc vui của bạn bè bị gián đoạn. Cái tâm trạng ấy đeo đẳng trong suốt quãng đường về nhà. Và rất có thể, nếu không kiềm chế, các ông chồng sẽ trút giận xuống đầu các bà vợ. Thường thì các ông chồng sẽ sắm cho mình một bộ mặt hằm hằm như đeo đá, không nói không rằng, về tới nhà thì đá thúng đụng nia… thể hiện sự bực dọc.

Trong cả hai trường hợp như thế đều không đem lại kết quả như chị em mong muốn.

Chị em bây giờ cũng tìm kiếm nhiều “bài” khác nhau để “nhổ” mấy ông chồng ra khỏi chiếu rượu. Có chị sử dụng đối tượng thứ 3 như con, bố, mẹ… để gây sức ép buộc chồng về. Chẳng hạn: “Con đang đau bụng. Anh về ngay đi!”, hoặc: “Ông bà bảo anh về ngay đấy!… “Đơn thuốc” này chỉ có tác dụng một lần, lần sau là nhờn thuốc. Có chị còn xui con gọi điện hoặc bảo con trực tiếp đến chiếu rượu gọi bố về. Cách này cũng chẳng hơn gì nếu không muốn nói là phản GD vì đã trực tiếp lôi kéo con cái vào chuyện người lớn.
Thật sai lầm nếu chị em nghĩ rằng mình phải “bày tỏ thái độ một cách thô bạo” để chồng phải xấu hổ mà chừa cái thói rượu chè, bạn bè thấy thế cũng tởn không dám rủ rê. Đây không phải là cách khiến các đức ông chồng phải “tâm phục khẩu phục”. Giải pháp này thiếu sự ổn định và tính bền vững. Chẳng mấy chốc lâm sẽ vào cảnh “bắt cóc bỏ đĩa”.

Biết chồng đang bù khú, có chị em dại dột “tra tấn” bằng cách gọi điện liên tục nhưng không thèm nói gì. Chị em hả hê khi biết thừa rằng “thông điệp” cuộc gọi thể hiện ở tên người gọi hiện trong máy. Hậu quả là gì? Sau vài lần không hồi âm, ông chồng sẽ tắt máy cái rụp. Trong trường hợp này, vì liên lạc bị cắt đứt, chị em khó biết trước được tình trạng sức khỏe của chồng mình đến đâu mà xử trí, thật nguy hiểm!

Sẽ chẳng có công thức chung nào được xem là hoàn hảo để gọi chồng về trong cuộc rượu. Tùy vào nội dung, tính chất của tiệc rượu; tùy hoàn cảnh mỗi người; tùy tính nết mỗi ông chồng… mà chị em có thể tìm cho bản thân cách thức hiệu quả nhất. Nhưng cách gì thì cũng xin nhớ cho là không nên quá căng thẳng, gay gắt mà nên nhỏ nhẹ, mềm mỏng. Chỉ nên gặp một lượt, nói một lần là các ông chồng có đủ thông tin, nhận đủ thông điệp. Nếu cần góp ý về chuyện mải mê rượu chè thì nên để lúc khác, khi chỉ có hai vợ chồng, lúc không có hơi men.
Ngô Thiệu Phong

Bà giáo Đức và bài học cho người Việt

Cập nhật lúc 17/06/2011 02:30:10 PM (GMT+7)
- Một giảng viên người Đức sang Việt Nam đào tạo ngắn hạn về quản lý tại một cơ quan nhà nước. Bà rất ngạc nhiên khi học viên thường xuyên vắng và đi học muộn.

Phần việc giao phải hoàn thành trong lúc nghỉ trưa thì học viên đem tới lớp làm vào đầu giờ chiều. Bà giáo lo lắng thực sự trước hiện tượng bất thường nói trên.

Bà băn khoăn tự hỏi: Mình giảng tồi quá, hay trong quá trình học lỡ nói gì xúc phạm học viên, vốn dĩ rất khác với dân tộc bà về văn hóa.

Khi biết tâm trạng của bà, học viên cười thầm: Bà sẽ hết ngạc nhiên nếu sang Việt Nam lần thứ hai.

Lớp học với mươi học viên được tổ chức ở một cơ quan lớn và hiện đại nhất nhì thủ đô. Song cái ghế trong phòng học lại to quá khổ. Mỗi lần cần dịch chuyển để sử dụng máy chiếu hay bảng viết, bảng ghim… rất khó khăn. Bà đề nghị một cái ghế nhỏ và nhẹ nhưng cơ quan không có.

Bà cho biết, ở nước Đức, bàn ghế trong phòng học đều nhỏ, nhẹ…tiện cho việc di chuyển linh hoạt, tạo khoảng cách gần gũi giữa giảng viên và học viên chứ không to và nặng như ở… phòng học này.

Người Đức chú ý từ cái ghế trong phòng học. Nhưng ở Việt Nam, nhất là các cơ quan sống bằng ngân sách, thì cái ghế phải “hoành tráng” và bề thế mới tạo động lực phấn đấu chứ? Và đã ngồi vào rồi thì… chẳng ai muốn chuyển.

Động lực nào khiến chúng ta phấn đấu trong công việc? Để giúp học viên trả lời câu hỏi này, bà giáo người Đức vẽ lên bảng tam giác động cơ làm việc với 5 cấp độ. Đáy là nhu cầu tối thiếu (1- survival needs), tiếp theo là nhu cầu an toàn (2- safety needs), nhu cầu xã hội (3-social needs), nhu cầu được tôn trọng (4-Ego needs), trên đỉnh là nhu cầu toàn diện (5- Needs for self – realization).

Nhu cầu được học viên đánh dấu nhiều nhất là (4) và (5). Riêng nhu cầu an toàn (safety needs :công việc ổn định; chính sách của công ty rõ ràng, tin cậy; có lương hưu, bảo hiểm…) thì không có dấu tích nào.

Bà giáo ngạc nhiên vì nhu cầu này ở các nước khác được chú trọng. Rồi bà “ồ” lên một tiếng khi biết học viên trong lớp đều thuộc diện “long term contract” - hợp đồng dài hạn.

Trong phần “giải quyết mâu thuẫn”, bà giáo hỏi đỉnh điểm của mâu thuẫn dẫn tới điều gì? Học viên đưa ra nhiều câu trả lời nhưng không ai đề cập tới “thôi việc” hoặc “thuyên chuyển công tác”. Bà giáo đâu biết ở Việt Nam, người ta giải quyết mâu thuẫn tài lắm! Chẳng ai dại gì thôi việc, nhất là đang bám vào bầu sữa ngân sách.

Thú vị và đặc biệt nhất là bài tập có tên KABE. Học viên chia thành hai nhóm, mỗi bên giữ hai chữ cái (K.A) hoặc (B.E) và bí mật đưa ra các chữ cái K,A,E,B thông qua người thứ 3. Sự kết hợp hai chữ cái cho số điểm khác nhau. Mục đích cuối cùng của bài tập là làm thế nào hai nhóm có số điểm dương (+) nhiều nhất.

Bà giáo người Đức rất ngạc nhiên khi một nhóm bắt đầu có số điểm âm (-) nhưng quyết không thương lượng với nhóm kia để (cả hai) đừng tiếp tục (-) “sâu” hơn.

Kết quả vòng cuối cùng, một đội điểm (-) “nặng” và đội kia điểm (+) không cao. Một bài học về thương lượng và đối thoại trên tinh thần win-win nhớ đời cho người Việt.

Ngô Thiệu Phong

Chủ Nhật, 12 tháng 6, 2011

Đơn độc - bài về TSa- H Sa của Huy Đức

Huy Đức

Người dân ở Hà Nội và Sài Gòn đã lại xuống đường. Mặc dù mục tiêu của những cuộc tuần hành sáng 12-6-2011 vẫn là Trung Quốc, chính quyền đã cứng rắn hơn. Có lẽ, họ đã quên mất, mỗi khi đất nước có hiểm họa xâm lăng thì mục tiêu của dân chúng là những kẻ đang rập rình ngoài bờ cõi. Người dân vẫn còn nhớ, đất đai của tiền nhân thường hay bị mất mỗi khi “ở trong tường vách, da thịt tàn nhau”.

Hơn 300 năm trước, các Chúa Nguyễn đã đưa người đến Hoàng Sa và Trường Sa. Năm 1816, Gia Long chính thức thiết lập chủ quyền Việt Nam đối với cả hai quần đảo. Đại Nam Nhất Thống Toàn Đồ, bản vẽ năm 1838 của Nhà Nguyễn đã thể hiện hai quần đảo này với tên gọi là Hoàng Sa và Vạn Lý Trường Sa. Năm 1920, Chính quyền Pháp, với tư cách là nhà nước bảo hộ ở Đông Dương đã ra tuyên bố khẳng định chủ quyền và từ đó người Pháp hiện diện ở đây liên tục. Tháng 11-1946, khi người Pháp bắt đầu chiến tranh trở lại với Việt Minh, chỉ có thể đưa quân kiểm soát cụm phía Tây Hoàng Sa, Tưởng Giới Thạch đã cho đổ bộ lên đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa và tháng 12-1946, đổ bộ lên Itu Aba, thuộc Trường Sa. Sau khi bị Mao đuổi khỏi lục địa Trung Hoa, năm 1950, quân Tưởng rút khỏi hai hòn đảo mà họ giữ gần 4 năm trước đó.

Năm 1954, theo Hiệp định Geneve, Hoàng Sa ở phía Nam Vĩ tuyến 17 sẽ thuộc về chính quyền miền Nam Việt Nam. Nhưng, tháng 4-1956, khi lực lượng Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa ra tiếp quản, hai đảo lớn nhất đã bị “Quân giải phóng Trung Quốc” chiếm mất. Chính quyền Việt Nam Cộng hòa trên thực tế, cai quản liên tục bốn đảo chính: Pattle (Hoàng Sa); Robert (Cam Tuyền); Duncan (Quang Hòa Đông) và Drummond (Duy Mộng). Riêng đảo Pattle, Việt Nam còn có một đài khí tượng thuộc hệ thống quốc tế. Từ năm 1956, Việt Nam Cộng hòa, về mặt pháp lý, vẫn khẳng định chủ quyền trên phần bị Bắc Kinh chiếm đóng.

Tháng 4-1972, khi miền Bắc dồn lực trong một chiến dịch thảm khốc ở Quảng Trị. Người Mỹ cần Bắc Kinh làm ngơ để họ dội bom ra vĩ tuyến 20. Ngày 4-4-1972, Kissinger đã phái Winston Lord tới New York gặp Hoàng Hoa, đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc, để “trao một bức điện bằng lời”, nhắn Trung Quốc: “Hải quân Mỹ sẽ được lệnh ở lại tại khoảng cách 12 dặm”. Người Trung Quốc hiểu, nếu họ đánh Hoàng Sa, người Mỹ sẽ án binh bất động. Từ ngày 16-1-1974, Trung Quốc bắt đầu cho tàu ép sát Hoàng Sa. Theo Phó đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại: “Các chiến hạm thuộc Đệ Thất Hạm Đội của Hoa Kỳ ở rất gần các vị trí chiến hạm Việt Nam”. Nhưng, Hải quân Việt Nam Cộng Hòa đã phải đơn độc chống lại Trung Quốc xâm lăng. Theo tướng Thoại: “Hạm Đội Bảy của Mỹ đã không làm gì kể cứu vớt các đồng minh lâm nạn”. Kể từ ngày 19-1-1974, phần còn lại của Hoàng Sa Việt Nam bắt đầu bị Bắc Kinh chiếm đóng.

Tướng Giáp nhận được tin mất Hoàng Sa khi ông đang điều trị bệnh sỏi mật ở Liên Xô. Năm 1975, sau “chiến thắng Buôn Ma Thuột”, Tướng Giáp kiến nghị Bộ Chính trị “tiến hành giải phóng các đảo và quần đảo” mà miền Nam đang chiếm giữ. Ngày 2-4-1975, Tướng Giáp trực tiếp chỉ thị cho Tướng Lê Trọng Tấn lúc bấy giờ đang ở Đà Nẵng: “Tổ chức tiến công giải phóng các đảo, đặc biệt là quần đảo Trường Sa”. Trước đó, ngày 30-3, Quân ủy cũng điện cho Võ Chí Công và Chu Huy Mân yêu cầu thực hiện. Chiều 4-4-1975, Quân ủy điện tiếp cho Quân khu V: “Kịp thời đánh chiếm các hòn đảo vùng Nam Hải, đặc biệt là các đảo Nam Sa. Việc này phải chuẩn bị gấp và bí mật, chỉ để cán bộ có trách nhiệm biết”. Ngày 9-4-1975, Cục Quân báo có tin quân đội Sài Gòn rút khỏi các đảo, Quân ủy gửi điện “tối khẩn” cho Võ Chí Công, Chu Huy Mân và Phó Tư lệnh Hải quân Hoàng Hữu Thái: “Các anh cho kiểm tra và hành động kịp thời… Nếu để chậm, có thể quân nước ngoài chiếm trước, vì hiện này một số nước ngoài đang có ý đồ xâm chiếm”. Từ ngày 14-4-1975 đến ngày 28-4-1975, Quân Đội Nhân dân Việt Nam đã tiếp quản tất cả những hòn đảo do quân đội Sài Gòn chiếm giữ.

Cho dù, theo lệnh ngày 13-4-1975 của Tướng Giáp, Quân đội miền Bắc đã không đụng vào các hòn đảo do Trung Quốc khi ấy đang chiếm giữ. Nhưng, ngày 5-5-1975, khi Đài Tiếng nói Việt Nam công bố, “Hải quân Việt Nam đã giải phóng quần đảo Trường Sa”, một phóng viên Tân Hoa Xã tên là Ling Dequan đang thường trú tại Hà Nội đã thấy “đắng chát ở trong miệng”. Ling Dequan, sau đó, nói Nayan Chanda: “Tin Việt Nam chiếm các hòn đảo đến như một cú shock vì trước đó họ đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc trên những hòn đảo ấy”. Mân Lực, tác giả cuốn sách “Mười năm chiến tranh Trung-Việt”, cũng gọi hành động tiếp quản Trường Sa của Hải Quân Việt Nam là “ngang nhiên chiếm đóng 4 đảo trong quần đảo Nam Sa của Trung Quốc”. Vì theo Mân Lực: “Từ năm 1958, Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng đã thông báo cho Thủ tướng Chu Ân Lai, rõ ràng xác nhận hai quần đảo Tây Sa và Nam Sa thuộc lãnh thổ Trung Quốc. Nhưng hiện nay họ tiền hậu bất nhất ngang nhiên tuyên truyền đây là lãnh thổ của họ, sửa đổi bản đồ vẽ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào bản đồ Việt Nam”.

Ngày 4-9-1958, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai tuyên bố: “Hải phận 12 hải lý kể từ đất liền là của Hoa Lục”. Ngày 14-9-1958, Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi Chu Ân Lai công hàm mà đời sau có thể đọc được toàn văn trên báo Nhân Dân số ra ngày 22-9-1958: “Thưa đồng chí Tổng lý/ Chúng tôi xin trân trọng báo tin để đồng chí Tổng lý rõ: Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4-9-1958 của Chính phủ nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc. Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa trên mặt bể. Chúng tôi xin gửi đồng chí Tổng lý lời chào trân trọng”.

Cho dù, theo Mân Lực, Tuyên bố của Chu Ân Lai “có đính kèm bản đồ về đường ranh giới lãnh hải rất rõ ràng (trong đó bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa)”. Cho dù, theo ông Trần Việt Phương, người có 25 năm làm thư ký riêng cho Phạm Văn Đồng: “Lúc bấy giờ quan hệ Việt-Trung đang rất tốt. Về phía Việt Nam, đang có quan niệm ngây thơ về chủ nghĩa quốc tế vô sản; quan niệm ngây thơ từ người cao nhất của Ta chứ không phải ở cấp độ vừa. Về phía Trung Quốc hiểu ra sự ngây thơ đó và đã có ý đồ không tốt. Tuy nhiên, dân tộc Việt Nam có trong máu hàng nghìn năm kinh nghiệm với Trung Quốc để, cho dù có sự ‘ngây thơ quốc tế vô sản’ cũng không đến mức có thể dẫn tới sự nhầm lẫn hoàn toàn”. “Công hàm 1958” là tuyên bố của một đồng minh, được đưa ra khi Mỹ đưa Hạm đội 7 hoạt động trên eo biển Đài Loan và đe dọa chủ quyền của “đồng minh” Trung Quốc. Cho dù, “Công hàm 1958” tuyên bố những gì thì nó cũng hoàn toàn không có giá trị công nhận Hoàng Sa là của Bắc Kinh. Từ năm 1954 đến trước ngày 30-4-1975, theo Hiệp định Geneve được ký bởi các bên trong đó có Hà Nội và Bắc Kinh, thì Hoàng Sa và Trường Sa – ở thời điểm 1958 – không phải là phần thuộc về miền Bắc mà đang là lãnh thổ hợp pháp của Việt Nam Cộng hòa, một quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc.

Sở dĩ những nhà văn, nhà báo như Ling Dequan, Mân Lực, bị shock khi nghe tin Việt Nam lấy lại Trường Sa, theo nhà nghiên cứu Dương Danh Di, với chính sách bưng bít thông tin, người dân Trung Quốc không hề biết Hoàng Sa, Trường Sa là lãnh thổ mà Việt Nam đã có chủ quyền liên tục hàng trăm năm, là phần lãnh thổ mà Chính quyền của họ mới “dùng vũ lực để cưỡng đoạt” trong thế kỷ 20 như những tên xâm lược.

Báo chí chính thống của Việt Nam, từ năm 1958, chưa bao giờ nhắc lại “Công hàm” của Phạm Văn Đồng, chưa giải thích “nội hàm” của tuyên bố ấy. Chính quyền, đã tới lúc nên tuyên bố về giới hạn pháp lý của Công hàm này, nên thừa nhận bản hiệp định (Geneve) mà mình đã đặt bút ký vào theo đó, Hoàng Sa và Trường Sa từ trước 30-4-1975 là phần lãnh thổ thuộc về Chính quyền Sài Gòn, nên dẫu Hà Nội có đưa ra tuyên bố gì thì cũng phải bị coi là “vô giá trị”. Đây không còn là chuyện “ăn-thua” với người anh em miền Nam mà là “mất-còn” với ngoại xâm. Đây cũng là lúc mà người dân tạm gác các bức xúc thường nhật để tập trung vào mối đe dọa đến từ phương Bắc.

Kinh nghiệm từ “Trận tử chiến Hoàng Sa” năm 1974, mọi hành động trên biển đông là để giữ đảo chứ không phải để chứng minh lòng dũng cảm. Nhưng, trước cùng một sự kiện, Hải quân và thường dân đôi khi vẫn có những sứ mệnh khác nhau. Người dân không có trách nhiệm phải cân nhắc mối tương quan sức mạnh giữa hai quốc gia. Người dân có khát vọng chứng minh: Một dân tộc nhỏ hơn không có nghĩa là cam lòng sợ hãi.

Những thanh niên, trí thức, thường dân hôm nay, 12-6-2011, biết chính quyền đang phải chịu những sức ép nào và những sức ép ấy giờ đây lại dồn lên vai họ. Nhưng, hàng ngàn người dân vẫn phải xuống đường. Họ không chỉ đòi lại đoạn cáp thứ hai bị chính quyền hải tặc Trung Quốc cắt trong vòng chỉ hơn một tuần. Họ muốn nói với người phương Bắc, cho dù lịch sử có trải thêm mấy nghìn năm, cho dù bị lừa phỉnh bởi “tình láng giềng, đồng chí”, người Việt Nam vẫn hiểu Trung Quốc là ai và bảo vệ chủ quyền là ý chí không có gì lay chuyển được.

Không phủ nhận những lý do dẫn đến nỗi sợ mơ hồ trong những ngày này. Nhưng, cũng trong những ngày này, chính quyền có cơ hội không hề mơ hồ để đứng bên cạnh nhân dân, đoàn kết mọi người Việt Nam, không chỉ để cho mục tiêu chống ngoại xâm mà còn có thể cho mục tiêu “ổn định”.

Chảy nước mắt khi cảm thấy dân mình đơn độc.

Thứ Ba, 7 tháng 6, 2011

Đi tết , nhắc nhở hay nhắc khéo

Sở GD-ĐT Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các trường không sử dụng kinh phí của Nhà nước, của tập thể hoặc có nguồn gốc từ ngân sách để biếu, tặng cho các tổ chức hoặc cá nhân; các đơn vị không tổ chức đi chúc Tết để tặng quà lãnh đạo cấp trên. Ngoài ra, các cơ sở giáo dục không được dùng rượu ngoại, thuốc lá để chiêu đãi, tiếp khách; không sử dụng xe công để phục vụ các hoạt động của cá nhân.

Không biết còn ngành GD của tỉnh, thành phố nào tiếp tục noi gương Hà Nội để ra thông báo chấn chỉnh việc “đi tết” nữa không. Nhưng hình như GD Hà Nội đi tiên phong trong việc này. Thạt vô cùng đáng biểu dương. Mọi người đều vô tay hoan hô cho cái văn bản này nhưng cũng không ít người vừa vỗ tay vừa mủm mỉm cười .


Thực ra câu chuyện cấm đi tết trong khu vực các cơ quan nhà nước chính phủ đã cấm từ lâu và năm nào cũng có công văn nhắc nhở . Chuyện không được uống rượu trong công sở giờ hành chính cũng có từ lâu lắm rồi. Còn việc hút thuốc lá nơi công cộng vừa được đưa vào quy định xử phạt. Nói như thế để thấy rằng, cái công văn nhắc nhở của ngành GD Hà Nội không mới. Nhưng quý ở cái tinh thần kiên trì. Và nó đồng thời cũng khẳng định cái nạn đi tết đang còn diễn biến phức tạp lắm cho dù có cả đống văn bản chỉ đạo từ chính phủ trở xuống.

Ngay sau khi xuất diịnh thông báo chấn chỉnh việc đi tết thì cũng trên một tờ báo, một vài cán bộ giáo viên Hà Nội bộc bạch rằng GV Hà Nội “đi tết nhẹ nhàng”, chẳng bao giờ vượt quá 500.000đ – cái con số định lượng mong manh để ngành luật pháp xác định có hối lộ hay không.

Thôi thì cứ cho là đi tết nhẹ nhàng vài ba trăm. Nhưng thử nhẩm xem cả nước có bao nhiêu trường. Chỉ tính theo ngành dọc, tiểu học và THCS đi tết phòng; THPT đi tết sở; sở đi tết bộ. Thôi chẳng dám tính nữa vì con số chăc là lớn lắm, đâu còn nhẹ nhàng vài ba trăm nữa. Tiền đó ở đâu ra nếu không ở hai nguồn chính sau đây : Kinh phí nhà nước và do phụ huynh đóng góp. Hèn gì người ta cứ bức xúc các khoản thu trong GD, rồi cơ quan quản lý GD lại vỗ trán hỏi tiền GD đi đâu trong khi chi lương còn chẳng đủ.

Phụ huynh ở các thành phố thị xã lớn cũng phải đi tết các thầy cô dạy con mình. Cách phổ biến hiện nay là phụ huynh đóng tiền một lần vào đầu năm học cho ông, bà trưởng ban phụ huynh lớp. Đến kỳ cuộc, các vị cứ lấy ra mà phong bì cho thày cô giáo. Song, cũng có nhiều bậc cha mẹ muốn “để lại ấn tượng sâu đậm” nên đã đi tết riêng lẻ.

Các thầy giáo, cô giáo có phải đi tết không ? Xin thưa là có chứ ạ ! Và tất nhiên là trên tinh thần hai chữ “tự nguyện” của đơn xin học thêm và của các khoản phí phụ huynh đóng góp.

Tôi có bà cô làm hiệu trưởng một trường THCS ở một quận ven đô của Hà Nội. Dịp tết, tôi phải đến nhà bà cô này để góp tết, góp giỗ theo truyền thống. Vâng, chắc là chỉ đầu tháng sau thực hiện việc này rồi và tôi sẽ lại rất ái ngại khi phải nhìn thấy những bộ mặt đau khổ nhưng cố nặn ra nụ cười của các giáo viên trong trường mà cô tôi phụ trách. Họ đến tặng quà tết cho “vị hiệu trưởng đáng kính” là cô tôi đấy ạ. Cứ lần lượt hết cô này lại đến cô khác vào. Có giáo viên, vì ngại ngùng nên cứ lấp ló đâu đó ngoài ngõ, đợi đồng nghiệp của mình làm xong bổn phận mới vội vã nhao vào, trông thật tội. Và tôi cũng đã thử hình dung ra bà cô tôi sẽ sắm bộ mặt thế nào khi phải đi tết cấp trên của mình – mấy vị trên phòng trên sở : Cũng xởi lởi, vồn vã hỏi thăm việc sắm tết của gia chủ… nhưng sẽ có câu hỏi đi hỏi lại đến mấy lần vì có nhớ mình nói gì đâu.

Đi tết, bên cạnh sự sòng phẳng đến trắng trợn theo kiểu nộp tô, nộp thuế, thì cũng có những món quà thật khó gọi tên. Với những dân tộc Á Đông như VN, cái chung và riêng, cá nhân và tập thể, công và tư, tình cảm và công việc… không rạch ròi như nhiều nước phương Tây khác. Cho nên nhiều người cứ khoác lên món quà tết đầy mưu đồ và ẩn ý những mỹ từ tốt đẹp của tình cảm. Người nhận, dẫu cho liêm khiết, không hề có ý vụ lợi, cũng thật khó chối từ.

Đến đây lại nhớ chuyện Bác Hồ. Người ta kể lại rằng, trong nhiều dịp sinh nhật của Bác, Bác đã chủ động, kín đáo đi công tác hoặc đi nghỉ ở đâu đó. Bởi trong hoàn cảnh đất nước còn nghèo, dân còn có nơi bị đói… thì bác không muốn tổ chức sinh nhật rình rang tốn kém dẫu cho việc đó nằm ngoài ý muốn của Bác. Nhưng trong sâu thẳm tâm tư của Người, chắc hẳn người cũng muốn tránh các món quà được mua bằng tiền của nhà nước - của dân hoặc do công sức của người lao động làm ra.

Cuộc sống phát triển vô cùng đa dạng, sinh động và phức tạp. Vì thế luật và những quy định, dẫu có chặt chẽ đến mấy, thì vẫn còn kẽ hở. Nhưng bù lại, cuộc sống còn có một “bộ luật” bất thành văn để điều chỉnh hành vi con người: Đó là đạo đức và dư luận xã hội. Con người không còn đạo đức, lương tâm thì những quy định không còn mấy giá trị.

Những công văn chấn chỉnh việc đi tết như kể ở trên có nhiều ý nghĩa về mặt ban hành văn bản pháp quy và để có cơ sở xử lý khi sai phạm xảy ra. Nhưng xưa nay đã ai “mắc tội” biếu quà tết chưa nhỉ?

Đã có người đùa dai bảo rằng: Việc ban hành văn bản nhắc nhở việc đi tết là văn bản nhắc khéo… Chẳng biết có đúng thế không?
Ngô thiệu Phong