Thứ Hai, 27 tháng 6, 2011

Vai trò phụ nữ trong gia đình.

VN là một xã hội phương Đông, chịu ảnh hưởng Nho giáo và lễ giáo phong kiến. Ở đó vị trí người phụ nữ thường không được đề cao. Song thực tế lịch sử lại chứng minh: Vai trò người phụ nữ không chỉ trong gia đình mà còn gánh vác trọng trách của đất nước. Bà Trưng, Bà triệu, Nguyên Phi Ỷ Lan…là những ví dụ điển hình. Trong tôn giáo, tục thờ Mẫu trong dân gian là một minh chứng cho vai trò người phụ nữ. Trong xã hội hiện đại, vai trò phụ nữ trong gia đình càng cần thiết. Nó là đối trọng giúp cân bằng nhiều yếu tố nảy sinh trong cuộc sống công nghiệp.

Bỏ đi các thiên kiến về giới trong ngôn từ, chúng ta thấy trong xã hội có rất nhiều ngạn ngữ, châm ngôn khẳng định vai trò phụ nữ. Ví dụ như: “Đàn ông lo nhà, đàn bà lo bếp”, “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, “Đằng sau người đàn ông thành công có bóng dáng người phụ nữ”, “Giáo dục một người đàn ông thì được một gia đình, giáo dục người phụ nữ thì được cả một thế hệ”, Đàn ông là cái giỏ, đàn bà là cái hom”, “ Của chồng công vợ”…

Nếu trong xã hội, phụ nữ đảm nhiệm vai trò chẳng kém so với đàn ông, thì trong gia đình, họ lại có vị trí càng quan trọng vì được tạo hóa trao cho thiên chức làm vợ, làm mẹ. “Con hư tại mẹ cháu hư tại bà” là câu phê bình, nhắc nhở. Song, nhìn ở một góc khác, câu trách móc này mang yếu tố dương tính rất rõ. Nó thể hiện cụ thể vai trò người mẹ và người bà trong nuôi dạy con cháu.

Một câu ngạn ngữ dùng thủ pháp so sánh hơi khập khiễng, đó là “Cha sinh không bằng mẹ dưỡng”. Tất nhiên, ơn cha nghĩa mẹ chẳng thể so sánh, nhưng ở đây muốn nhấn mạnh tới công lao người phụ nữ trong nuôi dạy con.

Do đặc điểm thể chất và tâm lý, phụ nữ xưa nay thường được gắn với một số công việc nhất định như bếp núc, việc nhà, nuôi tằm, dệt vải... Đàn ông có sức vóc thì đi ra xa hơn khỏi ngôi nhà của mình để kiếm sống. Trong quá khứ cũng như hiện tại, chưa ai chứng minh được và dám khẳng định công việc của đàn ông quan trọng hơn công việc của phụ nữ.

Chúng ta thường nói: “Gia đình là tế bào của xã hội”. Câu này thực chất khẳng định sự ổn định và phát triển của gia đình đồng nghĩa với sự ổn định và phát triển của đất nước. Dĩ nhiên, từng tế bào đơn lẻ và rời rạc không thể hình thành nên xã hội. Chính mối liên hệ giữa những tế bào ấy mới tạo thành xã hội đa sắc. “Mối liên hệ” lành mạnh, có tác động tích cực tới sự phát triển của xã hội khi đứng trên nền tảng một gia đình ổn định, hạnh phúc. Trong khi đó, gia đình không thể thiếu vai trò của cả người đàn ông và đàn bà bởi một lẽ đơn giản: Không có phụ nữ thì không thể hình thành một gia đình trọn vẹn.

Tiện nghi sinh hoạt và những dịch vụ ngày càng thuận tiện có thể giúp phụ nữ bớt vất vả nhưng không thể thay thế được vai trò của họ trong gia đình. Gia đình có máy rửa bát, có người giúp việc… nhưng không thể cho con bú qua mạng hoặc hát ru cho con nghe bằng máy số Mp3; chúng ta có máy điều hòa hai chiều ấm sực nhưng chẳng có hơi ấm nào bằng hơi ấm tỏa ra từ chính người mẹ.

Trong xã hội hiện đại, vai trò phụ nữ trong gia đình vẫn vẹn nguyên, thậm chí còn nặng nề hơn. Vì người phụ nữ đã chủ động tham gia vào mọi công việc của đời sống chính trị - kinh tế - xã hội trong khi “thiên chức” không ai thay được.

Theo lẽ tự nhiên, tạo hóa đã rất công bằng và có lý khi sinh ra trên trái đất này một nửa là đàn bà. Mọi sự can thiệp thô bạo vào tự nhiên đều phải gánh chịu hậu quả. Một số nước đang mất cân bằng giới tính nghiêm trọng do áp dụng các biện pháp chọn lọc giới tính trước khi sinh. Những quốc gia đó đang phải đối mặt với nhiều vấn đề xã hội nảy sinh. Tất cả những điều đó, không có gì khác hơn, là minh chứng rõ nhất về vai trò không thể thiếu của phụ nữ trong gia đình, ở bất kỳ một xã hội nào./.

Ngô Thiệu Phong

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ