Đi tết , nhắc nhở hay nhắc khéo
Sở GD-ĐT Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các trường không sử dụng kinh phí của Nhà nước, của tập thể hoặc có nguồn gốc từ ngân sách để biếu, tặng cho các tổ chức hoặc cá nhân; các đơn vị không tổ chức đi chúc Tết để tặng quà lãnh đạo cấp trên. Ngoài ra, các cơ sở giáo dục không được dùng rượu ngoại, thuốc lá để chiêu đãi, tiếp khách; không sử dụng xe công để phục vụ các hoạt động của cá nhân.
Không biết còn ngành GD của tỉnh, thành phố nào tiếp tục noi gương Hà Nội để ra thông báo chấn chỉnh việc “đi tết” nữa không. Nhưng hình như GD Hà Nội đi tiên phong trong việc này. Thạt vô cùng đáng biểu dương. Mọi người đều vô tay hoan hô cho cái văn bản này nhưng cũng không ít người vừa vỗ tay vừa mủm mỉm cười .
Thực ra câu chuyện cấm đi tết trong khu vực các cơ quan nhà nước chính phủ đã cấm từ lâu và năm nào cũng có công văn nhắc nhở . Chuyện không được uống rượu trong công sở giờ hành chính cũng có từ lâu lắm rồi. Còn việc hút thuốc lá nơi công cộng vừa được đưa vào quy định xử phạt. Nói như thế để thấy rằng, cái công văn nhắc nhở của ngành GD Hà Nội không mới. Nhưng quý ở cái tinh thần kiên trì. Và nó đồng thời cũng khẳng định cái nạn đi tết đang còn diễn biến phức tạp lắm cho dù có cả đống văn bản chỉ đạo từ chính phủ trở xuống.
Ngay sau khi xuất diịnh thông báo chấn chỉnh việc đi tết thì cũng trên một tờ báo, một vài cán bộ giáo viên Hà Nội bộc bạch rằng GV Hà Nội “đi tết nhẹ nhàng”, chẳng bao giờ vượt quá 500.000đ – cái con số định lượng mong manh để ngành luật pháp xác định có hối lộ hay không.
Thôi thì cứ cho là đi tết nhẹ nhàng vài ba trăm. Nhưng thử nhẩm xem cả nước có bao nhiêu trường. Chỉ tính theo ngành dọc, tiểu học và THCS đi tết phòng; THPT đi tết sở; sở đi tết bộ. Thôi chẳng dám tính nữa vì con số chăc là lớn lắm, đâu còn nhẹ nhàng vài ba trăm nữa. Tiền đó ở đâu ra nếu không ở hai nguồn chính sau đây : Kinh phí nhà nước và do phụ huynh đóng góp. Hèn gì người ta cứ bức xúc các khoản thu trong GD, rồi cơ quan quản lý GD lại vỗ trán hỏi tiền GD đi đâu trong khi chi lương còn chẳng đủ.
Phụ huynh ở các thành phố thị xã lớn cũng phải đi tết các thầy cô dạy con mình. Cách phổ biến hiện nay là phụ huynh đóng tiền một lần vào đầu năm học cho ông, bà trưởng ban phụ huynh lớp. Đến kỳ cuộc, các vị cứ lấy ra mà phong bì cho thày cô giáo. Song, cũng có nhiều bậc cha mẹ muốn “để lại ấn tượng sâu đậm” nên đã đi tết riêng lẻ.
Các thầy giáo, cô giáo có phải đi tết không ? Xin thưa là có chứ ạ ! Và tất nhiên là trên tinh thần hai chữ “tự nguyện” của đơn xin học thêm và của các khoản phí phụ huynh đóng góp.
Tôi có bà cô làm hiệu trưởng một trường THCS ở một quận ven đô của Hà Nội. Dịp tết, tôi phải đến nhà bà cô này để góp tết, góp giỗ theo truyền thống. Vâng, chắc là chỉ đầu tháng sau thực hiện việc này rồi và tôi sẽ lại rất ái ngại khi phải nhìn thấy những bộ mặt đau khổ nhưng cố nặn ra nụ cười của các giáo viên trong trường mà cô tôi phụ trách. Họ đến tặng quà tết cho “vị hiệu trưởng đáng kính” là cô tôi đấy ạ. Cứ lần lượt hết cô này lại đến cô khác vào. Có giáo viên, vì ngại ngùng nên cứ lấp ló đâu đó ngoài ngõ, đợi đồng nghiệp của mình làm xong bổn phận mới vội vã nhao vào, trông thật tội. Và tôi cũng đã thử hình dung ra bà cô tôi sẽ sắm bộ mặt thế nào khi phải đi tết cấp trên của mình – mấy vị trên phòng trên sở : Cũng xởi lởi, vồn vã hỏi thăm việc sắm tết của gia chủ… nhưng sẽ có câu hỏi đi hỏi lại đến mấy lần vì có nhớ mình nói gì đâu.
Đi tết, bên cạnh sự sòng phẳng đến trắng trợn theo kiểu nộp tô, nộp thuế, thì cũng có những món quà thật khó gọi tên. Với những dân tộc Á Đông như VN, cái chung và riêng, cá nhân và tập thể, công và tư, tình cảm và công việc… không rạch ròi như nhiều nước phương Tây khác. Cho nên nhiều người cứ khoác lên món quà tết đầy mưu đồ và ẩn ý những mỹ từ tốt đẹp của tình cảm. Người nhận, dẫu cho liêm khiết, không hề có ý vụ lợi, cũng thật khó chối từ.
Đến đây lại nhớ chuyện Bác Hồ. Người ta kể lại rằng, trong nhiều dịp sinh nhật của Bác, Bác đã chủ động, kín đáo đi công tác hoặc đi nghỉ ở đâu đó. Bởi trong hoàn cảnh đất nước còn nghèo, dân còn có nơi bị đói… thì bác không muốn tổ chức sinh nhật rình rang tốn kém dẫu cho việc đó nằm ngoài ý muốn của Bác. Nhưng trong sâu thẳm tâm tư của Người, chắc hẳn người cũng muốn tránh các món quà được mua bằng tiền của nhà nước - của dân hoặc do công sức của người lao động làm ra.
Cuộc sống phát triển vô cùng đa dạng, sinh động và phức tạp. Vì thế luật và những quy định, dẫu có chặt chẽ đến mấy, thì vẫn còn kẽ hở. Nhưng bù lại, cuộc sống còn có một “bộ luật” bất thành văn để điều chỉnh hành vi con người: Đó là đạo đức và dư luận xã hội. Con người không còn đạo đức, lương tâm thì những quy định không còn mấy giá trị.
Những công văn chấn chỉnh việc đi tết như kể ở trên có nhiều ý nghĩa về mặt ban hành văn bản pháp quy và để có cơ sở xử lý khi sai phạm xảy ra. Nhưng xưa nay đã ai “mắc tội” biếu quà tết chưa nhỉ?
Đã có người đùa dai bảo rằng: Việc ban hành văn bản nhắc nhở việc đi tết là văn bản nhắc khéo… Chẳng biết có đúng thế không?
Ngô thiệu Phong
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ